Nghị lực cô giáo mầm non vượt qua nghịch cảnh để viết chữ bằng tay trái

30/08/2022 06:42
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lờ đi những lời lẽ không hay về khiếm khuyết trên cơ thể, cô giáo người Thái vẫn ngày ngày viết chữ đẹp bằng tay trái, dạy chữ miễn phí cho trẻ tại nhà.

Đeo găng tay suốt 4 năm để tránh ánh mắt kỳ thị

Mới đây, câu chuyện về cô giáo mầm non người dân tộc Thái - Lê Thị Sen (sinh năm 1994, xóm Đồng Cạn, xã Đồng Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) viết chữ bằng tay trái đã khiến nhiều người không khỏi xúc động.

Suốt nhiều năm qua, chỉ bằng một bàn tay, nữ giáo viên ấy vẫn nỗ lực đem niềm say mê luyện chữ, truyền cảm hứng cho học trò.

Sinh ra với một cơ thể khỏe mạnh, song, tai nạn ập đến khiến cô phải mang một bàn tay khuyết và tước đi nhiều hy vọng về tương lai từ khi tuổi chưa đến đôi mươi.

Cô giáo trẻ Lê Thị Sen viết chữ đẹp bằng tay trái. (Ảnh: NVCC).

Cô giáo trẻ Lê Thị Sen viết chữ đẹp bằng tay trái. (Ảnh: NVCC).

Thương cảnh bố đau ốm liên miên, một mình mẹ gồng gánh nuôi bốn chị em ăn học, khi vừa kết thúc năm học lớp 9, Sen quyết định xin mẹ đi làm thêm.

Mùa hè năm ấy, khi tiếng ve còn râm ran khắp sân trường, cô nữ sinh 16 tuổi hăm hở theo bạn bè ra Hà Nội, xin làm việc tại một công ty tư nhân chuyên sản xuất đồ nhựa tái chế. Với mong muốn kiếm tiền giúp mẹ nuôi em ăn học, hai tháng hè đối với nữ sinh chỉ trôi nhanh tựa “cái chớp mắt”.

Cô nhớ lại: “Trong lòng tôi khi ấy đang nghĩ đến viễn cảnh sắp được về quê, khoe thành quả với mẹ: Năm học tới, mẹ sẽ không phải lo tiền mua sách vở cho con. Con sẽ tự sắm cho mình xe đạp mới - chiếc xe màu bạc mà con hằng mơ ước, để chở em đến trường...”.

Vậy mà trớ trêu thay, tai nạn ập đến với nữ sinh ngay ngày cuối cùng đi làm, bàn tay phải của cô bị máy nghiền nát 4 ngón. Mặc dù được đưa đến bệnh viện để điều trị trong cả tháng trời, trải qua ba lần phẫu thuật cấy ghép xương, ghép da nhưng đều không mang lại kết quả.

“Nhìn từng ngón tay hoại tử bị cắt bỏ, lòng tôi đau như cắt. Tôi sợ mình sẽ không thể đến trường, không thể cầm bút như các bạn. Nghĩ đến nỗi vất vả của bố mẹ, tôi không cho phép mình gục ngã. Thế là tôi bắt đầu chuỗi ngày luyện viết bằng tay trái ngay trong những ngày còn đang nằm viện, để tiếp tục con đường học vấn đang dang dở”, cô Sen nhớ lại.

Cô Sen cùng học sinh tại trường mầm non nơi cô công tác (Nghệ An). (Ảnh: NVCC).

Cô Sen cùng học sinh tại trường mầm non nơi cô công tác (Nghệ An). (Ảnh: NVCC).

Ra viện và trở lại với trường lớp, nữ sinh người Thái lại gặp phải những lời xì xèo bàn tán không hay về bàn tay bị khuyết tật. Cô trở nên tự ti, đeo găng tay suốt 4 năm liền để che đi khuyết điểm, bất kể mùa đông cũng như mùa hè. Giai đoạn đó, Sen cũng không thể học kịp các bạn, kết quả học tập dần sa sút. Mỗi ngày đạp xe đi học hơn 10km khiến cô vô cùng mệt mỏi, chỉ mong sớm kết thúc chuỗi ngày ngồi trên ghế nhà trường.

Viết lên cuộc đời mới từ bàn tay trái

Ngày tốt nghiệp trung học phổ thông cũng đã đến, mẹ ngày càng già đi, bố vẫn phải điều trị bệnh hàng ngày, ước mơ học đại học càng trở nên xa xỉ. Cô quyết định một lần nữa rời quê đi làm, tự mình bắt xe ra Bắc và va chạm với đủ thứ nghề, từ bán hàng, trông em bé đến bưng bê quán ăn...

“Trong một lần bán hàng ở chùa Hương Tích, có người đã nói sau lưng tôi rằng: “Một tay thì làm được gì cho đời”... Câu nói đầy định kiến ấy đã khiến tôi ám ảnh đến tận bây giờ, nhưng cũng chính điều đó đã thôi thúc tôi nhận ra, mình muốn làm nghề gì. Tôi chợt nghĩ, mình phải bỏ qua những lời lẽ không hay ấy để tự tạo nên tương lai cho bản thân và góp phần mang đến những điều tích cực cho đời.

Ở chùa Hương Tích, hình ảnh những em bé theo mẹ bán hàng rong, hay phải đi xin từng bữa cơm qua ngày cứ lặp đi lặp lại trong tâm trí... Tôi tự nhủ, mình còn may mắn hơn nhiều người. Nhìn những đứa trẻ mà đáng ra chúng phải được ngồi trên ghế nhà trường, tôi thương lắm. Tôi biết mình muốn làm một giáo viên mầm non để yêu thương, chăm sóc các bạn nhỏ” - đó là động lực để cô gái ấy từ bỏ công việc bán hàng, về quê và làm hồ sơ thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An.

“Ngày nhận giấy báo trúng tuyển, tôi như vỡ òa. Tôi mừng vì mình có thể theo đuổi ước mơ... Những năm tháng ấy đã rèn cho tôi tính tự lập, tuy vất vả. Tôi làm thêm để tự trang trải cuộc sống” - cô kể.

Cô giáo tương lai bắt đầu luyện viết chữ đẹp từ những tháng ngày đang học trên giảng đường. Mê mẩn những nét chữ đều tăm tắp của bạn cùng phòng được đi luyện chữ ở trung tâm, lại không có tiền để đi học ở bên ngoài, cô mượn vở của bạn để nhìn từng nét chữ và viết theo.

Nét bút của cô giáo Lê Thị Sen. (Ảnh: NVCC).

Nét bút của cô giáo Lê Thị Sen. (Ảnh: NVCC).

Làm quen với bút mực, nhưng với cô, viết bằng tay trái không dễ dàng như khi dùng bút bi. Bút đi không đều, đôi khi mực xuống làm rách hết nguyên trang vở. Nhưng cô không bỏ cuộc, hành trình luyện chữ diễn ra suốt cả ngày đêm.

Tốt nghiệp sư phạm, cô giáo trẻ vừa mừng vừa lo vì phân vân không biết xin việc ở đâu, trường nào sẽ nhận mình. Sau khi nộp hồ sơ tới nhiều trường, cơ sở mầm non, vẫn chưa nhận được hồi âm, cô lặn lội xuống Bắc Ninh, xin làm nhân viên bán quần áo thuê. Ngày nhận được thông báo trúng tuyển, cũng là ngày trời mưa rất to, cô vui mừng, chạy xe từ Bắc Ninh ra Hà Nội để phỏng vấn, nhưng vừa gặp, họ đã từ chối cô chỉ vì bàn tay khiếm khuyết.

Một lần nữa, Lê Thị Sen lại vấp phải định kiến: “Làm cô giáo mà viết bằng tay trái thì làm sao có thể dạy trẻ viết bằng tay phải?”. Trong cơn mưa nặng hạt, cô lại hoài nghi về lựa chọn của mình.

Tuy nhiên, không dừng lại ở đó, cô gái với vóc dáng nhỏ bé lại nộp hồ sơ vào một trường khác và mạnh dạn chia sẻ về điểm mạnh cũng như thẳng thắn đề cập đến khiếm khuyết của mình. Lần này, cô được nhận, niềm vui hóa thành dòng nước mắt vỡ òa.

Gắn bó với Hà Nội được một thời gian, người con xứ Nghệ quyết định chuyển về trường mầm non ở quê để tiện chăm sóc bố và gia đình. Được phân công dạy các bé 5 tuổi luyện viết và làm quen với chữ cái, cô giáo trẻ tìm tới trung tâm luyện chữ học thêm để trau dồi kiến thức tiểu học. Ban ngày đi dạy trên lớp, chiều về lại tranh thủ đi học cách trường 15km.

Với tâm niệm “Nét chữ nết người. Việc trau chuốt từng nét chữ cũng giúp các con rèn luyện tính kiên trì, tỉ mỉ, là nền tảng cho những đức tính tốt đẹp được hình thành”, cô giáo Sen dành toàn bộ tâm tư cho những đứa trẻ đang chập chững học từng nét chữ đầu đời.

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Sen còn được học sinh yêu quý vì luôn đồng hành trên mọi phương diện. (Ảnh: NVCC).

Không chỉ giỏi chuyên môn, cô Sen còn được học sinh yêu quý vì luôn đồng hành trên mọi phương diện. (Ảnh: NVCC).

Dạy chữ miễn phí cho trẻ

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại quê nhà, chứng kiến cảnh những đứa trẻ đang tuổi bước vào lớp 1 lại không thể đến trường, cô giáo Sen không khỏi xót xa: “Dịch bệnh đã khiến các con phải nghỉ ở nhà. Nhất là khi, ở nơi tôi sinh sống, phần nhiều là học sinh dân tộc thiểu số, có trẻ thậm chí còn chưa sõi tiếng phổ thông, chứ đừng nói đến chuyện biết cầm bút viết... thế nên, tôi nảy ra ý định, mở một lớp “tiền lớp 1”, hỗ trợ các con những kỹ năng cơ bản nhất”.

Ngay khi dịch Covid-19 quanh khu vực đã dần được kiểm soát, cô giáo Sen mở lớp và vận động trẻ chuẩn bị vào lớp 1 đến học miễn phí.

Vùng quê miền núi nhiều khó khăn với đa số học sinh là người dân tộc thiểu số, nên hầu hết các bé chỉ hào hứng học thêm lúc đầu. Đến khi chuyển qua giai đoạn học cầm bút luyện chữ, đòi hỏi sự tập trung và khéo léo, không ít trẻ bắt đầu nản chí, xao nhãng dần rồi đi học “buổi đực buổi cái”.

“Lúc này, tôi nghĩ tới, tìm lời khuyên và kinh nghiệm từ thầy giáo cũ của mình. Sau đó, tôi bắt đầu vận động học sinh đi học trở lại, cho các con vừa học vừa chơi để tạo hứng thú học tập. Vì các con đang chập chững bước vào lớp 1, nên thời gian rèn luyện cho các con chỉ vỏn vẹn 2 giờ mỗi buổi để các con vừa học vừa giải lao. Tôi hiểu, nếu mình tập trung dạy liên tục thì sẽ gây áp lực khiến các con cảm thấy nhàm chán” - cô Sen tiết lộ.

Lớp học “tiền lớp 1” tại nhà của cô giáo người Thái. (Ảnh: NVCC).

Lớp học “tiền lớp 1” tại nhà của cô giáo người Thái. (Ảnh: NVCC).

Từ đó, học sinh đi học đều hơn, tiếng cười rộn vang khắp một khoảnh sân. Ngày càng có nhiều phụ huynh tin tưởng gửi gắm con cho cô giáo Sen, với mong muốn con mình viết chữ phải đẹp như chữ cô Sen.

Cô Sen tâm sự: “Người ta vẫn thường ví nghề giáo viên mầm non của tôi giống như “làm dâu trăm họ”, khó khăn rất nhiều. Đặc biệt, khi đôi tay của tôi còn mang khiếm khuyết, cũng có những phụ huynh, hay thậm chí cả đồng nghiệp cũng e ngại, không muốn trao cho tôi đứng lớp.

Thế nhưng, cho dù được chọn lại, tôi vẫn lựa chọn nghề này. Được chăm sóc cho các con, tôi như thấy mình được trẻ lại, vậy nên, tôi vẫn đang ngày ngày dùng nỗ lực của mình để chứng minh, bản thân dù có bàn tay phải không toàn vẹn, tôi vẫn có thể viết và uốn nắn từng nét chữ cho các mầm xanh”.

Ngân Chi