Nghịch lý: Chớm đông, “Made in Vietnam” rầm rộ xả hàng đông

03/12/2011 09:39
Bài, ảnh: Trúc Diễm
(GDVN) - Mới chớm đông, nhiều cửa hàng Made in Vietnam đã đua nhau giảm giá. Nghịch lý này khiến không ít khách hàng nghi ngờ: Liệu có phải hàng tồn?

Chớm đông, Made in Vietnam rầm rộ xả hàng

Đã bước vào những tháng cuối năm nhưng thời tiết vẫn nắng gay gắt. Người Hà Nội chỉ thực sự cảm nhận được cái lạnh mùa đông vài ngày trở lại đây. Mùa đông đến muộn khiến không ít hãng thời trang, may mặc phải khốn đốn. Một trong số đó là các cửa hàng Made in Việt Nam.
Mới chớm đông, Made in Vietnam đã rầm rộ xả hàng thu hút nhiều khách tiêu dùng.
Mới chớm đông, Made in Vietnam đã rầm rộ xả hàng thu hút nhiều khách tiêu dùng.
Đi dọc trên đường Cầu Giấy, Mai Dịch (Hà Nội) những ngày này, người đi đường dễ bắt gặp một nghịch lý, nhiều cửa hàng "Made in Việt Nam" đang rầm rộ xả hàng, đông nghịt người mua mặc dù chỉ mới vào đông. Đặc biệt trên phố Chùa Bộc, hàng loạt cửa hàng Made in Việt Nam xuất khẩu treo biển đại hạ giá, lượng  khách gần như chật cứng cửa hàng vào những giờ cao điểm.

Chị Thanh Hoa (Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội), đang lựa chọn áo phao cho cậu con trai tai một cửa hàng Made in Việt Nam trên phố Chùa Bộc cho biết, những năm gần đây, chị thích dùng hàng Made in Việt Nam hơn. Ngoài mẫu mã đã đa dạng hơn trước thì điều quan trọng hơn là chị hoàn toàn yên tâm về chất lượng, không phải băn khoăn nhiều như khi mua hàng Trung Quốc. Vì thế khi thấy hàng Việt Nam giảm giá, chị tranh thủ mua ngay, có khi còn mua được khá nhiều hàng đẹp, giá phải chăng. 

Cùng tâm lý như chị Hoa nên tại những cửa hàng Made in Việt Nam treo biển giảm giá, xả hàng... khách hàng luôn trong tình trạng quá tải.

Tuy nhiên, mới chớm đông vì sao các cửa hàng thời trang Việt Nam lại lại rầm rộ xả hàng như thế? Liệu có phải là hàng tồn, hàng kém chất lượng?, mặc dù vẫn đang hứng khởi vì “mua hàng xịn với giá rẻ” không ít người tiêu dùng băn khoăn đặt câu hỏi.

Made in Viet Nam “đại hạ giá” = hàng tồn kho


Giải đáp "nghi ngờ" này của khách hàng, anh Nguyễn Tiến Minh - chủ cửa hàng Made in Việt Nam 173 Chùa Bộc, đại diện của công ty Cổ phần may xuất khẩu Bắc Hà thừa nhận: “Năm nào vào thời điểm này, chi nhánh đại diện chúng tôi cũng xả hàng đông do sản xuất với số lượng lớn và phần nhiều là  hàng tồn kho, đối với loại mặt hàng tồn kho chúng tôi đã in rất rõ trên nhãn mác”.
Nhiều hàng tồn kho được bán, có thông báo rõ trên nhãn mác.
Nhiều hàng tồn kho được bán, có thông báo rõ trên nhãn mác.
Riêng đối với những cửa hàng bán  lẻ hàng thời trang Việt Nam thì lý do lại hoàn toàn khác. Chị Đoàn Thị Thu Loan - quản lý một shop thời trang địa điểm 15x Cầu Giấy (Hà Nội), một trong những điểm xả hàng Made in Việt Nam, cho biết: “Do thời tiết lạnh năm nay đến muộn nên hàng đông sản xuất ra cũng như nhập về bị ùn tắc lại, đáng lẽ phải bán cách đây mấy tháng rồi. Hàng bán ế, chậm kết hợp với sự hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng vì lạm phát cho nên đại lý phải xả hàng để kích cầu tiêu dùng cũng như thu hồi vốn, chuẩn bị cho những đợt hàng mới”.

Chị cũng nhấn mạnh: “Tốc độ tiêu thụ của hàng Made in Viêt Nam năm nay giảm một nửa so với năm ngoái nên cửa hàng đã phải bán bằng hoặc thậm chí lỗ vốn để thu tiền về".

Anh Phan Thế Hiển, chủ một cửa hàng may mặc tại Quán Thánh (Hà Nội) cũng cho hay: Cửa hàng của anh bắt đầu xả hàng Made in Viet Nam từ tháng 10, “giảm giá 30%”, với lý do là thanh lý cửa hàng. Khách hàng đông nhưng lãi chẳng được bao nhiêu. "Những chiếc áo rét nhập vào khoảng 400, 500 nghìn đồng, bán ra cũng chỉ được 450 đến 550 nghìn đồng là cùng, thậm chí bán hòa vốn”, anh Hiển nói.

Cảnh giác với nhãn mác giả

Đối với những điểm xả hàng đại diện cho các công ty xuất khẩu hàng Made in Việt Nam, mặc dù là hàng tồn hay hàng lỗi mốt nhưng chất lượng sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng khiến người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên tại các cửa hàng bán buôn, bán lẻ... người tiêu dùng phải cảnh giác và kiểm tra cẩn thận sản phẩm trước khi mua hàng. Bởi lẽ, thời điểm treo biển xả hàng cũng là cơ hội để người bán "trà trộn" hàng nhái nhẵn mác, hàng Trung Quốc.
Rất nhiều điểm xả hàng lẫn lộn giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt.
Rất nhiều điểm xả hàng lẫn lộn giữa hàng Trung Quốc và hàng Việt.
Chị Loan, quản lý một shop thời trang địa điểm 15x Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: Hiện nay, tại cửa hàng của chị “lượng tiêu thụ hàng Trung Quốc và hàng Việt ngang nhau. Hàng Trung Quốc giá nhập rẻ hơn và kiểu dáng cũng phong phú hơn nhưng tâm lý người tiêu dùng hiện nay không còn chuộng loại hàng này vì vậy, nhiều cửa hàng sẵn sàng in nhãn mác giả "Made in Việt Nam" thay thế vào”.

Tại những đại lý bán lẻ, chỉ với 300.000 - 600.000 đồng, khách hàng có thể mua được những chiếc áo phao ấm áp. Tuy nhiên, những chủ cửa hàng Made in Việt Nam chính hiệu cảnh báo, người mua nên nhìn vào độ sắc sảo của nhãn mác, của đường may, chất liệu sản phẩm trước khi "móc hầu bao" để không phải "ngậm quả đắng" vì mua hàng xịn giá rẻ lại thành đắt.


Bài, ảnh: Trúc Diễm