Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách?

16/10/2018 08:04
Hồng Thủy
(GDVN) - Con trai thầy Hồ Ngọc Đại nói rằng cha mình có 100 triệu đồng cổ phần trong công ty bán sách công nghệ giáo dục, vậy các vị khác ở Bộ Giáo dục có không?

Ngày 3/10, Soha eMagazine đăng bài phỏng vấn con trai Giáo sư Hồ Ngọc Đại của nhà báo Tô Lan Hương, Báo Trí Thức Trẻ, về những ồn ào xung quanh tài liệu Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Nhà báo Tô Lan Hương đặt câu hỏi với ông Hồ Thanh Bình - con trai thầy Hồ Ngọc Đại, rằng:

"Anh nói ba anh không để ý tới tiền bạc, vậy anh sẽ trả lời sao, nếu tôi hỏi anh về việc ba anh có 100 triệu (đồng) cổ phần trong Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục.

Người ta đang đồn ầm ngoài kia, rằng ba anh là cổ đông của công ty đó và kiếm được siêu lợi nhuận từ việc bán sách công nghệ giáo dục?

Ảnh chụp màn hình một phần bài phỏng vấn của nhà báo Tô Lan Hương, Báo Trí Thức Trẻ / Soha.
Ảnh chụp màn hình một phần bài phỏng vấn của nhà báo Tô Lan Hương, Báo Trí Thức Trẻ / Soha.

Con trai thầy Hồ Ngọc Đại trả lời thẳng thắn câu hỏi này của nhà báo Tô Lan Hương, rằng:

"Ba tôi đúng là có 100 triệu tiền cổ phần trong công ty đó – nhưng ông chỉ là một cổ đông danh dự, mang giá trị tượng trưng. 

Nhà xuất bản Giáo dục cũng có cổ phần trong công ty ấy. Họ đề nghị ba tôi đóng góp một chút cổ phần tượng trưng và mời ông làm Chủ tịch danh dự.

Mỗi năm, ba tôi được chia cổ tức 15-20%, tức là khoảng 15-20 triệu đồng sau thuế. Chỉ có thế thôi. Nếu vì mục đích kiếm tiền, ông có thể kiếm nhiều hơn thế rất nhiều.

Thật ra chuyện ông có cổ phần ở công ty đó đến tận gần đây tôi mới biết. Nhưng giờ có ai bảo rằng ba tôi làm như thế là vì động cơ tiền bạc thì rằng tôi sẽ thấy buồn cười lắm. 

Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền

Mẹ tôi còn sống chắc bà cũng cười. Vì kiếm tiền kiểu đó – tôi thì may ra có thể - chứ ba tôi thì không.

Tôi nhớ ngày xưa ông có 1 cái xe đạp. Ông đạp nó từ năm 1970 đến tận năm 1990 mà không một lần nào rửa xe – trừ khi có ai đó mang đi rửa giúp ông. 

Đến một ngày đẹp trời, ông tự nhiên lấy vòi nước ra rửa xe thì cái khung xe gẫy thành đôi. Khiến cả nhà được một trận cười lớn. 

Ông ấy hồn nhiên như vậy đấy! Đến cái xe mình đi còn chẳng quan tâm nữa là tiền." [1]

Ngày 8/9/2018, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có bài viết "Thầy Đại, thầy Hiển có hưởng lợi từ tiền bán sách công nghệ giáo dục?".

Bài viết đặt vấn đề thầy Hồ Ngọc Đại có phải một trong 3 cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục hay không.

Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.vn về sự kiện "cách đánh vần lạ".
Ảnh chụp màn hình phóng sự của Chuyển động 24h, VTV.vn về sự kiện "cách đánh vần lạ".

Đây là đơn vị đang độc quyền phân phối Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục và các tài liệu liên quan khác, dưới sự trợ giúp đắc lực của Vụ Giáo dục tiểu học - Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho 800 ngàn học sinh lớp 1 trên cả nước.

Phó giáo sư Nguyễn Lân Hiếu đặt vấn đề về khả năng "Có lợi ích nhóm sau tranh luận về Giáo sư Hồ Ngọc Đại" trên Báo Điện tử Zing.vn ngày 10/9.

Trong đó thầy Lân Hiếu khẳng định sẽ quyết "lôi ra ánh sáng" lợi ích nhóm muốn xóa sổ Công nghệ giáo dục và Trường thực nghiệm, cũng như để độc quyền sách giáo khoa.

Chúng tôi đã cung cấp thêm thông tin và gửi gắm thầy Nguyễn Lân Hiếu những vấn đề cần làm rõ về doanh nghiệp sân sau đang độc quyền bán Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cùng tài liệu liên quan;

Bộ Giáo dục đang đá quả bóng VNEN, sách giáo khoa sang Trung ương, Quốc hội?

Chúng tôi cũng mong nhận được câu trả lời từ thầy Hồ Ngọc Đại, rằng ông có phải cổ đông sáng lập Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục hay không trong bài "Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại".

Cho đến nay, chúng tôi chưa thấy thầy Hồ Ngọc Đại có bình luận nào về những thông tin và câu hỏi chúng tôi đặt ra với Giáo sư và các vị có trách nhiệm liên quan.

Nếu thông tin con trai thầy Hồ Ngọc Đại nói với nhà báo Tô Lan Hương của Báo Trí Thức Trẻ chúng tôi dẫn lại trên đây là chính xác, thì chúng tôi xin tiếp tục đặt câu hỏi về những tổ chức, cá nhân nào đang hưởng lợi từ việc bán độc quyền sách công nghệ giáo dục trong nhà trường.

Tay không bắt giặc, doanh thu có thể lên hàng trăm tỷ đồng mỗi năm

Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục là một doanh nghiệp tư nhân thành lập ngày 14/6/2010 tại Hà Nội với 3 cổ đông sáng lập:

Một trong số các công văn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, hướng dẫn các sở đăng ký mua sách với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục.
Một trong số các công văn Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển ký, hướng dẫn các sở đăng ký mua sách với Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục.

Một là Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội (công ty con của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam), do ông Cấn Hữu Hải đại diện, góp 20 tỷ đồng, chiếm 99% cổ phần.

Hai là cổ đông Cấn Hữu Hải, góp vốn 100 triệu đồng, tương đương 0,5% cổ phần.

Ba là cổ đông Hồ Ngọc Đại, góp vốn 100 triệu đồng, tương đương 0,5% cổ phần.

Thông tin trên được kết xuất từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp vào thời điểm 20 giờ 31 phút ngày 5/9/2018.

Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2013 trên cổng thông tin Ủy ban Chứng khoán nhà nước lại cung cấp một số thông tin khá thú vị về công ty con này.

Trang số 23 của báo cáo nói trên cho biết:

Vốn điều lệ theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh ngày 14/06/2012 của Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục là 50 tỷ VNĐ.

Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách? ảnh 4

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chọn cách im lặng?

Theo biên bản làm việc ngày 18/06/2010, Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội sẽ thực hiện góp vốn bằng 65% vốn điều lệ tương ứng với số tiền: 32,5 tỷ VNĐ.

Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2013 mới chỉ có duy nhất Công ty Cổ phần Sách giáo dục tại thành phố Hà Nội thực hiện góp vốn với số tiền là 1,1 tỷ VNĐ và trực tiếp tham gia điều hành.

Do đó tỷ lệ lợi ích và tỉ lệ quyền biểu quyết của Công ty tại thời điểm 31/12/2013 được xác định là 100%.

Thực hiện Nghị quyết Hội đồng quản trị số 13/HĐQT-SGDHN ngày 20/12/2013, chúng tôi đã thực hiện thoái toàn bộ khoản đầu tư tại Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục với giá trị đầu tư là 1,1 tỷ đồng, tương ứng 110.000 cổ phần (trong tổng số vốn cam kết góp là 20 tỷ dồng, tương ứng 2 triệu cổ phần).

Công ty đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần số 3012/2013/HĐ-CNCP/NXB-EBS ngày 30/12/2013 với Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam để thực hiện chủ trương nêu trên và các thủ tục chuyển nhượng cổ phần đã được hoàn tất vào ngày 01/01/2014. [2]

Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Như vậy, phải chăng 100 triệu đồng góp cổ phần sáng lập của cổ đông Hồ Ngọc Đại vào Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông công nghệ giáo dục cũng chỉ là "tượng trưng" chứ không phải tiền mặt hay tài sản có giá trị tương đương?

Nhưng cổ tức cổ đông Hồ Ngọc Đại được hưởng hàng năm, là tiền thật, theo lời ông Hồ Thanh Bình.

Chỉ với 1,1 tỷ đồng vốn điều lệ, nhưng doanh thu của công ty này trong việc độc quyền bán sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục và hàng chục đầu sách ăn theo cho 800 ngàn học sinh có thể lên tới hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đặc biệt, các đầu sách này năm nào cũng in lại, được bán một cách độc quyền, khép kín thông qua văn bản chỉ đạo của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khi còn tại chức và hệ thống quản lý ngành dọc từ Bộ xuống tận các trường.

Thậm chí các cháu học mẫu giáo 5 tuổi, bố mẹ đã phải đăng ký mua Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, nếu không năm sau vào lớp 1 các cháu sẽ không có sách học.

Còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục và Đào tạo được hưởng lợi từ cổ phần / tiền bán sách công nghệ giáo dục?

Chúng tôi cũng không nghĩ thầy Hồ Ngọc Đại làm giáo dục vì mục đích kiếm tiền;

Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo VietnamNet.
Giáo sư Hồ Ngọc Đại trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển, ảnh: Báo VietnamNet.

Nhưng các cá nhân ở Bộ Giáo dục và Đào tạo, Vụ Giáo dục tiểu học dám liều mình bất chấp Luật Giáo dục để tìm cách "lách luật" triển khai đại trà tài liệu này ra cả nước có mục đích ấy không, thì cần phải làm rõ.

Giáo sư Hồ Ngọc Đại nhiều lần tự hào kể với truyền thông về việc khi còn đương chức Bộ trưởng, ông Phạm Vũ Luận đã giúp thầy Đại lách luật bằng từ "thí điểm" để triển khai đại trà Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục.

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển khi đương chức Thứ trưởng đã ký ít nhất 3 công văn tiếp thị cho Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển trường phổ thông Công nghệ giáo dục;

Thầy Hiển đã hướng dẫn các sở giáo dục triển khai cho học sinh mẫu giáo, lớp 1 trên địa bàn tỉnh mình đăng ký theo ngành dọc số lượng sách hàng năm gửi thẳng về công ty này.

Tiến sĩ Lê Tiến Thành và người kế nhiệm chức Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Tiến sĩ Phạm Ngọc Định là những người có công đầu trong việc chèn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục vào Dự án VNEN, giúp thầy Hồ Ngọc Đại triển khai một lần ra cả nước.

Ngoài thầy Hồ Ngọc Đại, còn cá nhân nào ở Bộ Giáo dục có cổ phần bán sách? ảnh 6

Ông Ngô Trần Ái nói về cách chơi chữ của một số cựu lãnh đạo ngành giáo dục

Các chuyên viên Vụ Giáo dục tiểu học như bà Ngô Hiền Tuyên, ông Trần Hải Toàn...là những cánh tay nối dài giúp Giáo sư Hồ Ngọc Đại trực tiếp chỉ đạo và giám sát các tỉnh triển khai Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục.

Các quý vị nói trên cho đến lãnh đạo các sở, phòng giáo dục và đào tạo triển khai dạy Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục cho 100% học sinh lớp 1 trên địa bàn, có được hưởng hoa hồng từ doanh thu bán sách?

Nếu không, thì doanh thu có thể lên đến hàng trăm tỷ đồng kia sẽ chia cho những ai? Đây có phải là động lực để người ta bất chấp Luật Giáo dục, công khai "lách luật bằng thí điểm"?

Các Mác nói, nếu tỷ suất lợi nhuận lên 300% thì tự treo cổ mình lên nhà tư bản cũng sẵn sàng làm.

Các nhà buôn "sách giáo khoa" lãi hơn rất nhiều con số 300% ấy. Phải chăng nền giáo dục nước nhà đang bị méo mó, lũng đoạn bởi các nhà buôn sách núp sau các dự án, công trình thí điểm?

Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ trên Báo Điện tử Zing.vn rằng:

"Vụ Tiểu học, Vụ Giáo dục Trung học, tôi biết có những cán bộ, chuyên viên vừa là thành viên của hội đồng thẩm định, vừa là người viết sách, thậm chí có người tham gia vào 7, 8 quyển sách giáo khoa khác nhau. 

Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?

Chúng tôi hoàn toàn không tán thành cách làm này.

Thế hệ chúng tôi là chuyên viên cao cấp, lương vượt khung nhưng khi nghỉ hưu vẫn không đủ sức mua ôtô. 

Thế nhưng, nhiều chuyên viên trẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo hiện nay lương cơ bản chỉ 5-6 triệu đồng, vẫn… đi xe bốn bánh rầm rầm.

Vậy thì chỉ có cách ngoài làm chuyên môn, họ còn làm thêm công việc của “doanh nhân”.

Những người kiếm lợi nhuận từ sách giáo khoa cũng là hưởng lợi nhuận từ ngân sách Nhà nước, là tiền thuế của tất cả người dân." [3]

Có bao nhiêu chuyên viên trẻ của Bộ Giáo dục và Đào tạo lương cơ bản chỉ 5-6 triệu đồng, vẫn đi xe bốn bánh? Bao nhiêu trong số họ tham gia triển khai thí điểm Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục, thí điểm VNEN?

Muốn biết các đầu sách Công nghệ giáo dục, VNEN và sách giáo khoa hiện hành có đóng góp bao nhiêu % vào những chiếc xe bốn bánh kia, có lẽ cần một cuộc điều tra toàn diện, khách quan và độc lập các đề án, dự án, chương trình thí điểm của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Nguồn:

[1]http://soha.vn/con-trai-gs-ho-ngoc-dai-toi-da-cuoi-khong-khep-duoc-mom-khi-ba-toi-bi-vu-la-tinh-bao-trung-quoc-20181004162913244.htm

[2]http://www.ssc.gov.vn/ubck/htfileservlet;jsessionid=ZCL5J2vFJZjKwyvKPLmfvSM3n1l5vBcZt5fv9vn49p1TyV7FJw3f!2098673072!-1423959166?id=565659

[3]https://news.zing.vn/bo-gd-dt-om-dom-sach-giao-khoa-dan-den-tieu-cuc-post876213.html

Hồng Thủy