Người đàn bà 12 năm vác gạo nhà nuôi... chim hoang

04/04/2012 11:26
Văn Hiếu - Thu Hòe
(GDVN) - Bà Thọ bắt đầu công việc nuôi chim hoang của mình từ hơn mười năm trước với suy nghĩ con chim cũng như con người, cũng biết cảm nhận cái đói, cái rét…
Trong khi nơi nơi mọc lên các cửa hàng chuyên làm thịt thú rừng, của ngon, vật lạ để phục vụ nhu cầu của các đại gia, sản vật thiên nhiên các vùng miền đều bị khai thác triệt để thì giữa lòng thủ đô Hà Nội vẫn có một bà lão hàng chục năm trời vác gạo nhà nuôi chim hoang vườn hoa. 12 năm vác gạo nhà nuôi chim hoang Đến vườn hoa Lý Tự Trọng (Thụy Khuê - Tây Hồ - Hà Nội) hỏi quán nước bà Thọ thì ai cũng biết bà “Thọ chim sẻ”. Nép mình trong khuôn viên của vườn hoa mới xây còn ngổn nganh vật liệu, quán nước bà Thọ nổi tiếng không phải bởi bí quyết pha chè mà bởi khách hàng tới đây được thỏa chí nhìn những con chim sẻ béo ức cặm cụi nhặt những hạt gạo trắng trên nền bê tông. Bà Thọ hồ hởi kể cho mọi người về chim sẻ. Trước kia bà bán nước ở Vườn hoa Tây Hồ (vườn hoa Mai Xuân Thưởng ngày nay) đàn chim cũng ở bên đó. Năm 2010 Vườn hoa Lý Tự Trọng được cải tạo, bà chuyển hàng nước sang đây và cũng “kéo” đàn chim sang theo. Đến nay đã gần 2 năm bà Thọ với quán nước nhỏ và đàn chim sẻ gắn bó cùng nhau ở vườn hoa Lý Tự Trọng. Khách hàng ngồi ở quán nước của bà Thọ cũng đủ thành phần, nhưng họ đều chung một niềm thích thú mỗi khi đến đây là ngắm đàn chim sẻ hiền khô nhảy nhót và cho chúng ăn. Thỉnh thoảng mấy anh thanh niên lại đưa một câu bông đùa: “chim bà Thọ” dạo này béo nhỉ! làm mấy cô gái đang tung gạo cho chim ăn cũng phải bật cười. Trong vườn hoa chỗ nào cũng có thể nhìn thấy những chú chim sẻ lấp ló, ríu rít trên các tán cây xà cừ, hễ tung gạo xuống là cả đàn phải đến trăm con xà xuống nhặt. Gạo dải hình nào trên mặt đất thì chim ăn tạo thành hình đó. Bà thọ bắt đầu công việc nuôi chim hoang của mình từ hơn mười năm trước với suy nghĩ con chim cũng như con người, cũng biết cảm nhận cái đói, cái rét.
Bà Thọ hằng ngày vẫn mang gạo nhà nuôi đàn chim sẻ ở vườn hoa Lý Tự Trọng (Ảnh cắt từ clip)
Bà Thọ hằng ngày vẫn mang gạo nhà nuôi đàn chim sẻ ở vườn hoa Lý Tự Trọng (Ảnh cắt từ clip)
Thế là ngày ngày, bên gánh hàng nước của mình bà Thọ luôn mang theo một bát cơm nguội hay bát gạo cho chim ăn, những con chim lúc đầu còn nhút nhát, về sau cũng dạn dần, lúc nào cũng quanh quẩn quanh bà để đòi ăn. Đàn chim này phát triển nhanh chóng từ mấy con lên mấy chục con có thời điểm lên tới cả trăm con. Đàn chim được bà chăm sóc, con nào con đấy cũng béo tròn, nhìn vào đàn hàng trăm con bay đen nền đất bà Thọ còn nhận được con chim nào là con chim già, chim nào là chim non mới xuống tổ. Ban ngày chúng ríu rít khắp khuôn viên vườn hoa, ban đêm thì ngủ trên những tán cây cao thành từng hàng, chỉ thoảng thấy bóng Bà Thọ đi tới là cả bọn bay ùa theo đòi ăn. Hơn mười năm nuôi chim, có những lúc bà buồn vì đàn chim không biết lý do gì mà vắng mặt thời gian dài, hay bị những kẻ xa lạ bẫy trộm đưa vào những của hàng thịt chim sẻ, tiết canh chim sẻ nhan nhản các phố. Không đành lòng nhìn những con chim bị tận diệt, thế là bà lão kiêm luôn “kẻ gác vườn” bảo vệ đàn chim, kể cả những ngày không bán hàng bà Thọ cũng ra vườn hoa cho chim ăn và kiểm tra, đẩy đuổi những kẻ có ý định sát hại đàn chim.

 Cần lắm những bàn tay
Việc làm ý nghĩa của bà Thọ, không chỉ con cháu trong nhà mà có nhiều người ủng hộ bà, người cho cơm nguội, xôi ế, người cho vụn bánh mỳ để “đãi” đàn chim sẻ háu đói. Khách hàng đến uống nước cũng giúp bà cho chim ăn. Những cháu bé được ông bà đưa đến quán của bà Thọ để “mục sở thị” con chim sẻ, người họa sĩ cặm cụi tô vẽ đàn chim trong bức tranh sinh động, nhiếp ảnh gia chọn góc nhìn bấm máy đàn chim… vườn hoa Lý Tự Trọng sôi động hẳn lên khi có đàn chim sẻ.
Nuôi chim với suy nghĩ thật giản đơn, chim cũng như người biết đói, biết lạnh... (Ảnh cắt từ clip)
Nuôi chim với suy nghĩ thật giản đơn, chim cũng như người biết đói, biết lạnh... (Ảnh cắt từ clip)
Đưa chén nước cho khách, bà Thọ trăn trở một ngày nào đó không thể cho đàn chim ăn, hay nỗi lo thường trực những kẻ bẫy chim sẽ “hóa kiếp” đàn chim mà mình dày công chăm sóc. Suy nghĩ của bà Thọ cũng là nỗi niềm của không ít người biết đến đàn chim, khi mà con người biết khai thác thiên nhiên tốt hơn là phục dựng.
Đàn chim kéo về ngày 1 đông hơn (Ảnh cắt từ clip)
Đàn chim kéo về ngày 1 đông hơn (Ảnh cắt từ clip)
Chúng ta đều biết rằng ở những nước tiên tiến như Mỹ, Anh…., ngay trong các đô thị hoa lệ, động vật hoang dã vẫn sống hòa bình với con người, chúng làm giảm sự ngột ngạt của thành phố đầy bê tông cốt thép. Hình ảnh đàn chim bồ câu ở các thành phố cổ kính châu Âu đã trở nên phổ biến. Hành vi xâm hại tới động vật hoang dã ở các nước đó bị phạt rất nặng. Nhìn lại việt nam, không biết bây giờ đàn chim bồ câu trắng của ông lão chăn chim ở công viên bách thảo còn bao nhiêu con? Thiết nghĩ cần xây dựng ý thức bảo vệ tự nhiên ở mỗi công dân, tấm gương bà “Thọ chim sẻ” là một điển hình cần nhân rộng.

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Văn Hiếu - Thu Hòe