Người "đỗ” cũng như người “trượt” thì ai phấn đấu?

26/02/2016 07:47
Nguyễn Cao
(GDVN) - Thiết nghĩ, tờ giấy khen chỉ đáng giá vài nghìn đồng trên thị trường nhưng nó là sự ghi nhận của cấp trên cho sự nỗ lực của giáo viên trong một thời gian dài.

LTS: Sau khi đọc bài viết “Ngậm ngùi giáo viên nhận giấy khen nơi..."xó bếp!"” của cô giáo Đỗ Quyên, thầy giáo Nguyễn Cao tiếp tục bổ sung thêm vài thực tế khi giáo viên nhận giấy khen ở một số đơn vị trường học hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 


Đọc bài “Ngậm ngùi giáo viên nhận giấy khen nơi..."xó bếp!" đăng tải trên trang Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 23/2/2016 của tác giả Đỗ Quyên khiến nhiều người công tác trong ngành giáo dục cảm thấy ngậm ngùi. 

Nhưng, bài viết đã phản ánh đúng thực trạng của một số đơn vị trường học hiện nay. 

Nhiều người băn khoăn rằng: Trong năm học có rất nhiều ngày lễ được Nhà trường tổ chức long trọng, trong một tháng có rất nhiều cuộc họp diễn ra, tuần nào cũng có tiết chào cờ. 

Thiết nghĩ, tờ giấy khen chỉ đáng giá vài nghìn đồng trên thị trường nhưng nó là sự ghi nhận của cấp trên cho sự nỗ lực của giáo viên trong một thời gian dài (Ảnh minh họa từ pgdbadinh.edu.vn)
Thiết nghĩ, tờ giấy khen chỉ đáng giá vài nghìn đồng trên thị trường nhưng nó là sự ghi nhận của cấp trên cho sự nỗ lực của giáo viên trong một thời gian dài (Ảnh minh họa từ pgdbadinh.edu.vn)

Vậy tại sao Ban giám hiệu không thể bố trí vài phút để vinh danh, trao thưởng cho giáo viên? Tại sao những tấm giấy khen, giấy công nhận cao quý ấy lại chỉ được trao tay từ nhân viên văn thư của nhà trường một cách vội vàng cho xong?

Rõ ràng, đầu năm học các Sở GD&ĐT gửi hướng dẫn liên ngành về chế độ khen thưởng, các phong trào thi đua một cách cụ thể về các địa phương. 

Nhưng khi thực hiện thì mỗi địa phương lại tiến hành một cách khác nhau nên mới xảy ra tình trạng cùng thi đỗ giáo viên giỏi cấp huyện, cùng vượt qua kỳ thi Sáng kiến kinh nghiệm…nhưng giáo viên trường này được khen thưởng mà giáo viên trường khác chỉ có quyết định công nhận được gửi qua email.

Người "đỗ” cũng như người “trượt” thì ai phấn đấu? ảnh 2

Ngậm ngùi giáo viên nhận giấy khen nơi..."xó bếp!"

(GDVN) - Giáo viên nỗi lực phấn đấu để đạt giấy khen, giấy công nhận danh hiệu nhưng đổi lại họ lại chẳng được đàng hoàng để bước lên nhận thành tích của mình.

Khi bước vào năm học mới, cấp trên đưa hàng loạt hướng dẫn, phát động hàng loạt phong trào thi đua gửi về các đơn vị cơ sở. 

Nhận được thông tin, Ban giám hiệu giao chỉ tiêu cho các tổ chuyên môn rồi tổ sẽ giao chỉ tiêu cho giáo viên, giáo viên đăng kí thành tích thi đua, tham gia các phong trào. 

Thế mà có giáo viên khi đạt giải sáng kiến kinh nghiệm cấp thành phố, giáo viên giỏi thành phố cũng chỉ được cấp trên quyết định công nhận giải gửi qua địa chỉ email.

Nhiều giáo viên được công nhận Đoàn viên Công đoàn xuất sắc của Sở GD&ĐT nhưng giáo viên chỉ nhận được tờ giấy khen bởi cơ sở giải thích là không có kinh phí. 

Rồi đến những giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, lao động tiên tiến khi được công nhận thì Ban giám hiệu cử cô văn thư đi nhận rồi về gọi từng người lên phòng làm việc của mình để nhận. 

Trong khi, để hoàn thành được một sáng kiến kinh nghiệm, để đi thi giáo viên giỏi, bồi dưỡng học sinh giỏi thì họ đã phải đầu tư cả thời gian, công sức vài tháng liền thậm chí cả gần một năm học. 

Ấy vậy mà cách khen thưởng lại hời hợt như vậy thì làm sao khích lệ được giáo viên tích cực, cố gắng, đủ nhiệt huyết để năm sau tiếp tục tham gia. 

Người "đỗ” cũng như người “trượt” thì ai phấn đấu? ảnh 3

Tại sao giáo viên không thiết tha với phong trào thi giáo viên giỏi?

(GDVN) - Theo thường lệ, năm nào các trường cũng tổ chức thi giáo viên giỏi để có nguồn dự thi ở cấp cao hơn như huyện thị, tỉnh (thành phố).

Rõ ràng, mỗi cuộc thi diễn ra thì chắc chắn sẽ có người hoàn thành nhiệm vụ tốt, người hoàn thành chưa tốt, người đạt giải và người không đạt giải.

Chính vì thế, ngành giáo dục cần chỉ đạo để sự rạch ròi giữa “đỗ” và “trượt” được rõ ràng. 

Nếu thi đua mà ai cũng như ai, “đỗ” cũng như “trượt” thì ai sẽ là người phấn đấu?

Thiết nghĩ, một tờ giấy khen so với giá thị trường hiện nay thì nó chỉ vài nghìn đồng. Nhưng tờ giấy khen ấy là sự phấn đấu của một người trong một thời gian dài, đó là sự ghi nhận của cấp trên đối với thành quả mà họ đã đạt được, là động lực để họ phấn đấu, là niềm vui khi công sức được ghi nhận. 

Đã đến lúc, Ban giám hiệu cần nhìn nhận lại cách đánh giá khen thưởng bấy lâu nay tại đơn vị cơ sở của mình để điều chỉnh, chỉ có sự ghi nhận xứng đáng thì mới thôi thúc được sự phấn đấu.

Nguyễn Cao