Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...

19/04/2011 00:00
(GDVN) – Bỏ ra ít nhất 4-5 tỉ đồng để mua căn hộ cao cấp với mong muốn được tận hưởng những tiện ích của nó, song thực tế không ít cư dân tại đây ngán ngẩm: “Chúng tôi như bị lừa".

LTS: Điều kiện sống được tối ưu hóa lại nằm ở những vị trí đắc địa, chung cư cao cấp luôn là niềm mơ ước của nhiều gia đình thời hiện đại. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng, đằng sau những căn hộ sang trọng ấy lại chất chứa không ít những phiền toái. Trong quá trình thực hiện loạt bài về chất lượng dịch vụ tại các chung cư cao cấp hiện nay, phóng viên báo Giáo dục Việt Nam đã nghe không ít câu nói như: “Chúng tôi bị lừa”… của chính những cư dân đã và đang sống trong những khu chung cư hạng sang ngay giữa lòng thủ đô.

Bài 1: Nghịch lý nước mắt “thượng đế” ở chung cư cao cấp


(GDVN) – Dành dụm cả đời, bỏ ra ít nhất 4-5 tỉ đồng để mua căn hộ cao cấp với mong muốn được tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại song thực tế không ít cư dân ở đây ngán ngẩm thừa nhận: “Chúng tôi như bị lừa!”.

Căn hộ mới mua đã sậ
p mái?!

Đầu tháng 4/2011, không chịu được cảnh trần nhà có thể sập bất cứ lúc nào, ông Nguyễn Mạnh Hùng, GĐ Thái Hà Books - cư dân sống tại khu nhà CT6 (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) – buộc phải đóng cửa căn hộ, chuyển ra ngoài thuê tạm để sống. Phản ánh đến báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Hùng cho biết, căn hộ gia đình ông đang ở thuộc Công ty Đầu tư Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Contrexim Holdings) quản lý. Lần đầu tiên căn nhà xảy ra sự cố sập mái là từ tháng 8/2009. Lập biên bản xong nhưng chưa kịp sửa thì đến tháng 12/2009, trần nhà lại tiếp tục sập lần 2 và xuất hiện thêm 8 vết chọc xung quanh nơi vữa sập. Cuối tháng 1/2011, Contrexim mới cho người đến sửa nhưng chỉ sau đó vài ngày, toàn bộ phần trát lại đã sập xuống hoàn toàn.

Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City... ảnh 1
Theo phản ánh của ông Nguyễn Mạnh Hùng, lần đầu tiên căn nhà
của ông xảy ra sự cố sập mái là từ tháng 8/2009.

Trước sự chậm trễ trong việc giải quyết sự cố và chất lượng xây dựng của căn hộ chung cư, ông Hùng đã gửi đơn yêu cầu chủ đầu tư xin lỗi bằng văn bản và đền bù thiệt hại cả về vật chất và tinh thần cho gia đình ông nhưng cho tới thời điểm này, ông Hùng vẫn chưa nhận được một động thái nào, thậm chí lý do tại sao trần nhà bị sập, ông cũng không được biết.

Trong khi đó, giải thích cho việc chậm trễ sửa chữa nhà ở cho khách hàng của mình, ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Contrexim, đại diện phía đơn vị quản lý lại “đá bóng” trách nhiệm sang phía chủ đầu tư trong việc tạo ra sơ suất trong quá trình xây dựng, thi công. Ông Quang cho rằng: Ban quản lý sẵn sàng sửa lại ngay lập tức cho người dân nhưng do phía ông Hùng không sắp xếp được thời gian. Và vữa trên trần nhà rơi xuống lần 2, chất lượng không đảm bảo là do sự hối thúc của phía chủ nhà, muốn tiến độ nhanh, “vừa trát xong đã muốn sơn ngay”.

Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City... ảnh 2
Đến tháng 12/2009, trần nhà lại tiếp tục sập lần 2...


Không đồng tình với lời giải thích trên của Ban quản lý, ông Hùng bất bình: “Tôi là người thường xuyên xuất hiện trên báo chí truyền hình, lại có chức vụ, có hiểu biết… mà còn bị đối xử như thế thì người dân thường sẽ bị họ đối xử như thế nào?”.

May mắn hơn ông Hùng là nhà không bị sập nhưng theo phản ánh của những cư dân khác sống trong khu vực CT6 (Yên Hòa, Cầu Giấy): “Nỗi khổ khủng khiếp của những người sống ở khu chung cư là thang máy thường xuyên hỏng. Nhiều khi đi làm về mệt mỏi, thang máy hỏng, chúng tôi lại phải lếch thếch cuốc bộ lên tận nhà nhà của mình ở trên cao”.

Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City... ảnh 3
Biên bản kiểm tra hiện trạng ngôi nhà anh Hùng ngày 19/8/2009


Không những thế, cư dân CT6 cũng thường xuyên phải chịu đựng mùi hôi thối bốc lên từ hầm để xe mà theo lời giải thích của ông Nguyễn Hồng Quang – Phó Giám đốc Contrexim: “Đó có thể do người dọn vệ sinh không quét được ở các gầm xe ô tô khi xe đang đổ và khi xe di chuyển đi, nhân viên vệ sinh chưa kịp tới dọn”.

Dành dụm cả đời, bỏ ra ít nhất 4-5 tỉ đồng để mua cho được một căn hộ cao cấp, bao gồm các dịch vụ sân chơi cho trẻ, nhà sinh hoạt cộng đồng, bể bơi miễn phí, siêu thị, hầm để xe… nhưng cư dân sống trong tòa nhà cung cư cao cấp vào bậc nhất Hà Nội – Sky City (88 Láng Hạ), chưa kịp vui mừng đã không khỏi thất vọng vì nhà vệ sinh nước không dốc; hiên nhà phía trước ban công, nước lênh láng chảy tràn mỗi khi trời mưa; vệ sinh khu vực để rác xử lý không kịp thời và chưa khoa học, nước thải nhơm nhớp khắp nền nhà, mỗi lần đi qua, ai cũng phải nhăn mũi khó chịu.

Không gian thư giãn là… bãi đỗ xe, khu buôn bán

Theo quan sát của phóng viên Giáo Dục Việt Nam, hiện nay, hầu hết tại các khu chung cư “đệ nhất” trên địa bàn Hà Nội đang thiếu không gian, khu vui chơi giải trí cho các hộ gia đình.

Cô Ly, sống ở tầng 12 tòa nhà CT2, khu chung cư Bắc Hà (Hà Đông, Hà Nội) phản đối: Mặc dù được gọi là chung cư cao cấp nhưng không gian riêng của khu chung cư chủ yếu là… bãi gửi xe ô tô. Các hộ dân sống ở đây muốn đi tập thể dục hay đi dạo cũng không có, thậm chí phải đi tìm nhờ chỗ khác, các cháu ở trong khu chung cư cũng chẳng có một không gian riêng để vui chơi và giải trí… vì khoảng trống tiện ích ở tầng 1 đã dành trọn để phục vụ việc kinh doanh của siêu thị Co.op mart.

Từ mùa hè năm ngoái, 2 bể bơi duy nhất ở The Manor trơ đáy thế này.

Cũng trong tình trạng tương tự, với kiểu thiết kế tòa nhà “đa năng”, khu chung cư Hà Thành Plaza (102 Thái Thịnh) "mọc" thêm trung tâm thương mại Hapro có diện tích lên đến 4.000m2, phía ngoài khuôn viên của chung cư được trưng dụng để trông giữ xe.

Trước đó, không ít lần người dân sống trong tòa nhà “đệ nhất” chốn Hà thành, The Manor, than phiền: Bể bơi trong khu chung cư không có nước, không có khu tập thể thao và khuôn viên vui chơi cho trẻ. Nhìn những mảng bám đen, rong rêu mọc đầy dưới đáy hồ bơi, nhiều vị khách tới chơi không khỏi ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không thể tin rằng: Từ mùa hè năm ngoái, 2 bể bơi duy nhất ở The Manor đã bị Ban quản lý (Bitexco) “bỏ mặc” với lý do được đưa ra là: dân không đóng tiền phí dịch vụ để vận hành.

Trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Nhung Hạnh - tổ trưởng tổ dân phố tại đây - quả quyết: Nếu mùa hè năm nay vẫn tiếp tục không có nước vào bể bơi để phục vụ nhu cầu của người dân, “chúng tôi sẽ biểu tình”.

Có thể thấy, cư dân ở chung cư cao cấp phần lớn là người có thu nhập cao, họ chọn chốn an cư ở những chung cư hạng sang với mong muốn được tận hưởng những tiện ích mà nó mang lại song thực tế nhiều người ngán ngẩm thừa nhận: “Chúng tôi như bị lừa!”. Theo khảo sát nhanh của PV Giáo dục Việt Nam, tất cả những tiện ích và chất lượng phục vụ ở chung cư hạng sang vẫn chưa thỏa mãn được mong mỏi của người dân.

“Chọn được một khu chung cư tốt là khó. Vì vậy, trước khi xuống tiền lựa chọn, khách hàng nên thử kiểm tra tường xem vữa có bị bung ra hay không, các thiết bị trong nhà có đồng bộ hay hư hỏng không, và hơn hết nên xem dịch vụ như thế nào bởi lẽ mình sẽ gắn cả đời với nó. Ngoài ra, mình phải bầu được ban quản trị riêng cho mình, bởi đó là những người bảo vệ quyền lợi của người dân, nhưng một số nơi họ cũng dễ bị mua chuộc” – với tất cả những trải nghiệm của những nỗi khổ “không tên” khi sống trong khu chung cư, ông Nguyễn Mạnh Hùng, cư dân sống tại khu nhà CT6 (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) không quên nhắn nhủ.


Tiểu Phương – Trần Nguyên