Người không hiểu hoặc có ác ý mới gọi hợp tác nghiên cứu là chiêu trò, mua bán

22/08/2020 06:34
Thanh Sơn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thực trạng nhức nhối hiện nay đang bóp méo khoa học Việt Nam chính là vấn nạn đăng bài rác trên các tạp chí để kiếm tiền chứ không phải hợp tác để nghiên cứu.

Ngày 18/8, báo Thanh Niên đăng bài viết với tiêu đề “Chiêu trò để trường đại học được xếp hạng quốc tế” với nội dung và một số lời lẽ như “chiêu trò”, “mua bán” nhắm trực tiếp vào Trường Đại học Tôn Đức Thắng; mà cụ thể là những nhà nghiên cứu khoa học của Trường và/hoặc đang hợp tác với Trường.

Thực hư chuyện để làm ra 1 bài báo nghiên cứu diễn ra như thế nào, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu; một nhà nghiên cứu trẻ vừa đạt Giải thưởng Tạ Quang Bửu hồi tháng 5/2020.

Phóng viên: Bài báo khoa học là sản phẩm đánh giá tốt nhất về hiệu quả làm việc của một nhà nghiên cứu. Khi đọc bài báo trên tờ báo Thanh niên, là một nhà nghiên cứu khoa học, thầy nghĩ gì?

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Bài viết mà bạn đề cập cho rằng “Nhờ thành tích công bố này, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã được lọt vào nhiều bảng xếp hạng đại học.” thì thực rất buồn cười!.

Số lượng công bố khoa học chỉ là một trong những tiêu chí tác động đến vị trí xếp hạng đại học.

Các bảng xếp hạng đại học như QS, THE, hay ARWU đều có trọng số cụ thể cho từng tiêu chí. Thí dụ:

Nguồn: https://strategie.rect.muni.cz/en/international-ranking/qs

Nguồn: https://strategie.rect.muni.cz/en/international-ranking/qs

Nguồn: https://businesstech.co.za/news/trending/65890/best-university-in-south-africa/

Nguồn: https://businesstech.co.za/news/trending/65890/best-university-in-south-africa/

Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2016/09/oxford-is-the-worlds-best-university-this-is-how-the-rest-of-europe-shapes-up/

Nguồn: https://www.weforum.org/agenda/2016/09/oxford-is-the-worlds-best-university-this-is-how-the-rest-of-europe-shapes-up/

Như vậy, để được xếp hạng, trường đại học phải thực sự nỗ lực ở toàn bộ các phương diện như giảng dạy, danh tiếng học thuật, chất lượng học thuật, thành tích của sinh viên và cựu sinh viên, mức độ quốc tế hóa, …

Những cố gắng đó phải được ghi nhận và trân trọng, bởi lẽ trường đại học phấn đấu để vào được các bảng xếp hạng uy tín trên thế giới chung qui chỉ vì để người học có đẳng cấp cạnh tranh trong tương lai nghề nghiệp sau này; vì sự tiến bộ của giáo dục và khoa học cũng như góp phần nâng vị thế quốc gia trên trường quốc tế về giáo dục và khoa học-công nghệ.

Là một người làm nghiên cứu trong nước, tôi thấy rằng thực trạng nhức nhối hiện nay đang bóp méo khoa học Việt Nam chính là vấn nạn đăng bài rác trên các tạp chí để kiếm tiền chứ không phải việc hợp tác hay hợp đồng để nghiên cứu.

Để hạn chế điều này, cần áp dụng một danh sách chọn lọc các tạp chí được công nhận bởi một hội đồng khoa học có uy tín. Tôi hi vọng một danh sách như vậy sẽ sớm được công bố.

Xin thầy cho biết, để đưa ra một kết quả là công bố một bài báo khoa học nó tiêu tốn thời gian, công sức và tiền bạc ra sao?

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Phải mất rất nhiều tâm sức và thời gian, chưa kể tiền bạc, để đăng được một nghiên cứu trên một tạp chí khoa học uy tín. Tạp chí chất lượng càng cao, yêu cầu càng khó.

Thông thường, có thể mất vài tháng đến vài năm, tùy từng lĩnh vực, để hoàn thành một công bố quốc tế.

Họ phải lao tâm khổ tứ cho rất nhiều việc như tìm hiểu thông tin, thu thập dữ liệu, mày mò thử nghiệm,… Mỗi công đoạn đều liên quan đến kinh phí thực hiện.

Nói chung, người làm lý thuyết đỡ vất vả hơn làm thực nghiệm về khoản chi phí nghiên cứu.

Thầy đánh giá như thế nào về việc nhà trường tôn trọng các nhà nghiên cứu bằng cách trả lương xứng đáng cho chất xám thay vì chỉ động viên bằng những tờ giấy khen?

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Việc khen thưởng kịp thời, đúng lúc là cần thiết nhằm ghi nhận những nỗ lực và đóng góp của cá nhân hoặc đơn vị cho tập thể. Động viên tinh thần là quan trọng, nhưng “có thực mới vực được đạo”.

Để có thể chuyên tâm cho công việc, người làm nghiên cứu cần có thu nhập đủ tốt, ít ra là lo được cho bản thân và gia đình. Việc nhà trường trả lương tương xứng với năng lực và sản phẩm của nhà khoa học là chuyện cần làm và phải làm bên cạnh việc khen thưởng kịp thời.

Điều đó không những thể hiện sự quan tâm và tôn trọng của nhà trường đối với nhà khoa học; mà còn để người làm nghiên cứu yên tâm, gắn bó với công việc; từ đó mới có thể có những sáng tạo, sản phẩm tốt; xây dựng sự nghiệp khoa học cho bản thân đồng thời đóng góp vào sự phát triển chung một cách ổn định và bền vững.

Khi làm nghiên cứu, được hợp tác với những nhà trí thức Việt kiều hoặc nhà nghiên cứu ngoài nhà trường đã giúp cho thầy rút ra bài học, kinh nghiệm như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Trương Thanh Hiếu: Trong nghiên cứu mà không có hợp tác thì hầu như khó mà có thành tựu lớn.

Công trình công bố quốc tế do một người duy nhất đứng tên cũng có, nhưng rất ít; và những công trình như vậy cũng hiếm khi là công trình thành tựu lớn. Hợp tác nhóm, tập thể để cùng công bố, do đó là điều rất đỗi bình thường.

Gần đây tôi có dịp hợp tác với một nhóm thực nghiệm ở Viện vật liệu Quốc gia Nhật Bản (National Institute for Materials Science). Thành quả mà chúng tôi đạt được là một công trình trên tạp chí Applied Physics Letters [Appl. Phys. Lett. 117, 033103 (2020); https://doi.org/10.1063/5.0016284].

Cá nhân tôi học hỏi được rất nhiều từ các đồng nghiệp quốc tế. Hợp tác với họ giúp tôi một lần nữa tin tưởng vào kinh nghiệm bản thân: phải làm việc trên tinh thần khách quan và khoa học; cũng như trưởng thành lên rất nhiều.

Chỉ có những người không biết nghiên cứu, không hiểu nghiên cứu khoa học là gì /hoặc cố tình không hiểu vì ác ý thì mới cho rằng việc hợp tác nghiên cứu nhóm với những nghiên cứu viên quốc tế, nghiên cứu viên không phải của đơn vị mình...là “chiêu trò mua bán hay thuê mướn”!

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ.

Thanh Sơn