Người nắm quyền lực tham lam, bảo thủ, háo danh sẽ sinh ra thói xu nịnh

14/01/2019 06:09
NGUYỄN HUY VIỆN
(GDVN) - Một xã hội văn minh tử tế, trong sạch sẽ không có chỗ cho thói xu nịnh và căn bệnh thích nịnh, không có chỗ cho những kẻ cơ hội.

Hòa Thân (1750 - 1799), còn được gọi là Hòa Khôn là một trọng thần dưới triều vua Càn Long.

Ông được người đời biết đến là một đại tham quan nổi tiếng và một bậc thầy về xu nịnh trong lịch sử Trung Quốc.

Trong đời sống ngày nay, khi chứng kiến ai đó luồn cúi, nịnh bợ thì người đó thường bị gọi là "Hòa Thân".

Hầu hết mọi người đều coi thường, thậm chí rất ghét những kẻ nịnh bợ. Nhưng trong đời sống vẫn có nhiều người xu nịnh bởi vì cũng có nhiều người thích được nịnh bợ.

Vậy tại sao lại có nhiều người xu nịnh và có nhiều người thích nịnh?

Trước hết nói về người xu nịnh. Phải khẳng định những kẻ xu nịnh là những kẻ giả dối, cơ hội. Họ nịnh bợ là để vụ lợi từ những người mà họ phải nịnh, chẳng hạn như để tiến thân, chạy dự án, thắng thầu…

Những kẻ xu nịnh, không chỉ nịnh thủ trưởng của mình mà luôn biết nịnh cả vợ của thủ trưởng. Vì khi lấy lòng được vợ thủ trưởng thì sẽ có một đối tác, một đồng minh vô cùng trọng để “đánh gục” thủ trưởng. 

Loại trù thói xu nịnh là góp phần làm lành mạnh văn hóa công quyền. ảnh: Báo Quân đội nhân dân.
Loại trù thói xu nịnh là góp phần làm lành mạnh văn hóa công quyền. ảnh: Báo Quân đội nhân dân.

Những kẻ xu nịnh không chỉ nịnh bằng đầu môi chót lưỡi, khom lưng quỳ gối mà bao giờ cũng kem theo nhiều vật chất có giá trị… để nịnh.

Khi được cấp trên sủng ái, kẻ xu nịnh tận dụng tối đa điều đó để vụ lợi cho cá nhân theo những mục tiêu đã định. Thậm chí, những kẻ này còn lái cấp trên thực hiện theo ý đồ của mình.

Những kẻ xu nịnh thường là “khẩu phật tâm xà”, cho nên khi được thượng cấp sủng ái, những kẻ này có thói quen ton hót nói xấu đồng liêu, nói xấu đồng nghiệp, nhất là với những người mà họ cho là cạnh tranh với mục tiêu của mình.

Bởi vậy, những kẻ xu nịnh cũng là những kẻ hay gây ra ngờ vực, thiếu tin tưởng lẫn nhau trong cơ quan, đơn vị, dẫn đến rối ren, mất đoàn kết.

Người nắm quyền lực tham lam, bảo thủ, háo danh sẽ sinh ra thói xu nịnh ảnh 2Thượng tọa Thích Nhật Từ luận bàn về thói xu nịnh

Tại sao những kẻ xu nịnh vẫn tồn tại, không chỉ tồn tại mà nhiều kẻ còn chui sâu leo cao?

Sở dĩ những kẻ xu nịnh tồn tại là nhờ có những người lắng nghe chúng; là nhờ không ít quan chức thích được nịnh bằng lời nói, bằng hành hành động, bằng tiền tài, vật chất...

Denis Diderot (1713 - 1784), một nhà văn và là nhà triết học duy vật nổi tiếng người Pháp, có một đúc kết rất đúng:

“Chúng ta tham lam nuốt lấy lời nói dối tâng bốc, nhưng chúng ta chỉ nhấp miệng từng chút sự thật cay đắng”.

Thói xu nịnh là sản phẩm của tệ chuyên chế, mất dân chủ, không tôn trọng nhân quyền, độc quyền chân lý.

Tương truyền, có lần Càn Long hỏi Hòa Thân: "Khanh là trung thần hay gian thần".

Hòa Thân đáp: "Thần không phải trung thần, cũng không phải gian thần. Thần là nịnh thần".

Vua Càn Long hỏi tại sao?

Hòa Thân lại tiếp tục đáp: "Trung thần rồi cũng sẽ bị giết. Gian thần càng bị giết. Chỉ có nịnh thần là sống lâu nhất"! [1]

Dưới chế độ quân chủ, dù trước một minh quân hay một hôn quân thì từ thần dân đến các quan đại thần vẫn luôn miệng tung hô: “Hoàng thượng anh minh, hoàng thượng vạn tuế!”

Khi nhà vua phạm sai lầm, những ai cả gan dám phê phán, hầu hết bị quy phạm tội khi quân, nhẹ thì bị lột hết chức tước, nặng thì bị tù đày, thậm chí bị chém đầu.

Noi theo nhà vua, tầng tầng lớp quan chức cũng thực hiện lối ứng xử như vậy với thuộc cấp và thần dân. 

Đó là lý giải vì sao dưới chế độ chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ, thói xu nịnh, giả dối của con người trở nên phổ biến.

Hậu quả mà những kẻ xu nịnh và những người thích nịnh gây ra không hề nhỏ, trong nhiều trường hợp rất nặng nề.

Với những người bị kẻ xu nịnh “khuất phục”, không ít phải ngậm đắng nuốt cay, bởi đặc tính của kẻ xu nịnh là giả dối và hay phản bội. 

Người nắm quyền lực tham lam, bảo thủ, háo danh sẽ sinh ra thói xu nịnh ảnh 3Cần loại những người đi làm mà chỉ biết đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên

Mặt khác, những người xu nịnh rất giỏi tung hô, tán dương.

Điều đó làm cho chủ lao động, người lãnh đạo dễ thiên vị, thiếu khách quan, công bằng trong nhìn nhận đánh giá con người.

Vì vậy, không phát huy được nhiệt huyết những người trung thực, thẳng thắn; những người có năng lực giỏi.

Đối với quan chức thích nịnh dễ bị đánh trúng vào bản ngã, dễ tự mãn, hợm mình.

Từ đó không chịu lắng nghe, không chịu học hỏi, càng ngày càng trở nên độc đoán. Đây chính là lực cản của sự phát triển.

Đối với tập thể và cộng đồng, khi cán bộ chủ trì hay cán bộ nắm những cương vị trọng trách bị bọn xu nịnh “quy phục”, hoặc chính kẻ xu nịnh nắm quyền lực sẽ để lại những hậu quả nặng nề về kinh tế, chính trị, xã hội.

Qua thực tiễn cho thấy, thói xu nịnh chủ yếu hình thành và tồn tại ở bộ máy công quyền. Vì ở đó dễ nảy sinh chuyên quyền, độc đoán, hạch sách nhũng nhiễu, nhận hối lộ…

Đối với các doanh nghiệp tư nhân, người lãnh đạo luôn toàn tâm toàn ý vì sự phát triển của doanh nghiệp, điều họ quan tâm hàng đầu là hiệu quả công việc của thuộc cấp và người lao động. Bởi vậy, thói xu nịnh khó có đất sống.

Như vậy, những kẻ xu nịnh là loại người nguy hiểm. Từ xa xưa đã có câu ngạn ngữ: “Ai vạch cho tôi sai lầm, đó là thầy của tôi. Ai chỉ cho tôi những hành động sai trái, đó là bạn tôi. Còn ai phỉnh nịnh tôi, đó là kẻ thù của tôi.

Bởi vậy, cần phải loại bỏ thói xu nịnh và thói thích nịnh. Để làm được điều đó, trước hết phải thực hiện đầy đủ quyền dân chủ, đề cao vai trò phản biện, loại bỏ thói chuyên quyền độc đoán của quan chức, loại bỏ tình trạng mua quan bán chức, mua bán dự án, mua bán trong đấu thầu...

Vì đây là nguồn gốc sinh ra thói xu nịnh. 

Dù ở bất cứ cương vị nào, những người nắm quyền lực phải dám nhìn thẳng vào sự thật, biết lắng nghe lời nói thẳng, dù trái tai; trừ bỏ thói kiêu ngạo, độc quyền chân lý. Gương mẫu trong thượng tôn pháp luật, pháp trị. 

Khi cấp trên làm được điều đó, đương nhiên, họ sẽ lựa chọn cho mình những thuộc cấp biết trọng danh dự, tư cách, khí tiết; dám bảo vệ sự thật, bảo vệ chân lý và những giá trị đạo đức phổ quát.

Một xã hội văn minh tử tế, trong sạch sẽ không có chỗ cho thói xu nịnh và căn bệnh thích nịnh, không có chỗ cho những kẻ cơ hội.

Ngược lại, người nắm quyền lực tham lam, độc đoán, bảo thủ, háo danh thì tất yếu sẽ sinh ra thói xu nịnh. 

Tài liệu tham khảo:

[1].https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%B2a_Th%C3%A2n

NGUYỄN HUY VIỆN