Người thầy định hướng, nâng tầm cho học sinh bằng kinh nghiệm quản lý

15/04/2018 07:50
Lại Cường
(GDVN) - Nâng cao kiến thức, định hướng nghề nghiệp cho các em học sinh từ chính môn Vật Lý mà mình đứng lớp, là cách mà thầy Bùi Ngọc Luận đã và đang làm.

Ngày 09/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, Trường Trung học phổ thông Tam Nông (huyện Tam Nông, Phú Thọ) tổ chức Hội thảo “Khởi nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0”.

Bên lề cuộc hội thảo, phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với thầy giáo Bùi Ngọc Luận, Phó hiệu trưởng của nhà trường về việc định hướng nghề nghiệp cũng như nâng tầm kiến thức cho các em học sinh có năng khiếu và truyền cảm hứng học tập cho các em không chuyên.

Là một ngôi trường có bề dày truyền thống, 50 năm qua, Trường trung học phổ thông Tam Nông đã vượt qua nhiều khó khăn, đoàn kết thi đua dạy tốt, học tốt.

Những thành tích được ghi nhận của thầy và trò nhà trường đã góp phần đáng kể vào sự nghiệp trồng người của huyện Tam Nông nói riêng và tỉnh Phú Thọ nói chung.

Về việc dạy và học, thầy trò trường Trung học phổ thông Tam Nông đang là một trong những “lá cờ đầu” của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Phú Thọ, là nơi “gieo mầm” cho những tài năng tương lai của đất nước.

Theo thông tin từ phía nhà trường, nhiều năm liên tục trở lại đây tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt từ 98,78% đến 100%.

Trường trung học phổ thông Tam Nông là 1trong 10 trường dẫn đầu tỉnh Phú Thọ về công tác đào tạo mũi nhọn. Tỉ lệ đỗ đại học, cao đẳng bình quân 68%.

Nhiều năm liền trường đứng trong tốp 200 trường dẫn đầu toàn quốc, thuộc tốp 4 trường dẫn đầu của tỉnh Phú Thọ.

Việc duy trì, không ngừng phát huy nâng cao chất lượng giáo dục của trường trung học phổ thông Tam Nông, một trường vùng nông thôn xứng đáng được ghi nhận và trân trọng.

Thầy giáo Bùi Ngọc Luận bên lề cuộc hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" (Ảnh: LC)
Thầy giáo Bùi Ngọc Luận bên lề cuộc hội thảo "Khởi nghiệp trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0" (Ảnh: LC)

Trao đổi về kinh nghiệm giảng dạy và định hướng nghề nghiệp cho học sinh, thầy giáo Bùi Ngọc Luận cho biết, một trong những kinh nghiệm của cá nhân thầy chính là việc định hướng, vạch kế hoạch học tập thật tốt cho học sinh.

Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức trên lớp, thầy giáo Luận còn có kế hoạch tiếp cận, kế hoạch ôn luyên, hệ thống lại kiến thức cho học sinh.

Qua đó, học sinh sẽ duy trì được kế hoạch học tập đều đặn theo từng kỳ, từng năm học.

Là thầy giáo giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi môn Vật Lý, thầy giáo Luận cho biết, thầy đã áp dụng kiến thức quản lý vào việc giảng dạy và bồi dưỡng cho học sinh giỏi. Việc này phát huy hiệu quả rất tích cực.

Các kế hoạch, yêu cầu đã đặt ra, thầy và trò cũng nhau thực hiện việc này đã đảm bảo cho học sinh học tập và tiếp thu theo từng mảng kiến thức cụ thể. Quan đó, các em sẽ tránh việc học thụ động, kến thức quá tải.

Nói về việc dạy học, thầy giáo Bùi Ngọc Luận đã viện ra câu nói: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, Người thầy giỏi biết giải thích, Người thầy xuất chúng biết minh họa, Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”.

Do đó, thầy Luận cho rằng mỗi thầy giáo lên lớp phải là những người truyền cảm hứng học tập cho các em.

Người thầy định hướng, nâng tầm cho học sinh bằng kinh nghiệm quản lý ảnh 2

Thầy Nguyễn Lân Dũng tiếp lửa ước mơ cho nữ sinh mồ côi mong thành bác sĩ

Để các em có hứng học tập, cái khéo của người thầy là cần truyền tải và có những yêu cầu phù hợp với năng lực của các em theo từng môn học.

Với các lớp đại trà, việc phân nhóm học sinh, theo thầy Luận sẽ rất quan trọng, ngoài các kiến thức chung trên lớp, thầy giáo cần đặt ra một số yêu cầu cho từng loại học sinh.

Thông qua đó có những đánh giá năng lực và áp dụng phương pháp phù hợp sức học của các em. Việc thực hiện được những yêu cầu phù hợp, những hình thức động viên kịp thời sẽ giúp các em có niềm hứng khởi khi tiếp cận các kiến thức môn học.

Theo thầy giáo Luận, việc định hướng, phân luồng học sinh rất quan trọng trong việc giảng dạy không chỉ môn Vật Lý mà con bất kỳ môn học nào.

Với những học sinh đuối môn Vật Lý, thầy Luận yêu cầu sinh viên đó thực hiện những bài tập dễ, sau đó nâng dần kiến thức cho học sinh, qua đó tạo niềm hứng khởi khi học tập.

Buổi thuyết giảng của giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã truyền cho các em trường Trung học phổ thông Tam Nông rất nhiều cảm hứng trong việc khởi nghiệp trong thời đại 4.0 (Ảnh: Lại Cường)
Buổi thuyết giảng của giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng đã truyền cho các em trường Trung học phổ thông Tam Nông rất nhiều cảm hứng trong việc khởi nghiệp trong thời đại 4.0 (Ảnh: Lại Cường)

“Trong một lớp học, không thể yêu cầu tất cả các em phải giỏi như nhau môn Vật Lý hay môn Toán, Hóa học… được mà mỗi em sẽ có một sở trường riêng.

Do đó, để các em đón nhận kiến thức và đạt được những điều cơ bản theo tôi cần áp dụng yêu cầu phù hợp với khả năng từng em. Như vậy các em sẽ dễ dàng tiếp nhận hơn”. Thầy giáo Luận chia sẻ.

Cũng theo thầy giáo Luận, khi học sinh có hứng khởi, các em sẽ có ý thức tìm hiểu và xây dựng cách tiếp cận riêng theo giá trị và thấy hay, thích thú qua đó rèn luyện được các kỹ năng theo đuổi.

Một trong những việc tạo niềm hứng khởi cho môn học, kinh nghiệm của thầy giáo Bùi Ngọc Luận chính là việc định hướng nghề nghiệp cho các em ngay trong môn học.

Trong giờ học Vật Lý của thầy Luận, các kiến thức từ môn Vật Lý sẽ được lấy ví dụ áp dụng từ trong thực tế cuộc sống. Các kiến thức ngành nghề khác nhau như cơ khí, xây dựng… sẽ được áp dụng ngay trong các ví dụ của bài học.

Thầy Luận cũng cho biết, nhà trường cũng tổ chức các buổi học tập, thăm quan dã ngoại ngay để các em trải nghiệm thực tế từ các kiến thức môn học.

Rất nhiều em đã nhận thấy lợi ích của môn học khi áp dụng thực tế nên đã say mê học tập và định hướng tự mình chọn nghề cho mình.

Đánh giá về công tác giáo dục hiện tại, thầy giáo Luận cho biết, công tác giáo dục hiện nay đang đứng trước nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức mới.

Để kiến thức sách giáo khoa đến gần với thực tiễn cuộc sống của các em đòi hỏi mỗi thầy cô giáo phải tự hoàn thiện thiện mình, tự đổi mới mình để cập nhật được các kiến thức, kỹ năng.

“Luôn cập nhật kiến thức, luôn sáng tạo trong giảng dạy và không ngừng học tập, nâng tầm mình lên, khó nhưng cần phải làm và phải làm được.” Thầy Luận nói về kinh nghiệm giảng dạy và quản lý của mình.

Lại Cường