Nguồn nhân lực Bác sĩ Y học cổ truyền thiếu trầm trọng

02/09/2022 20:15
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nguồn nhân lực Bác sĩ Y học cổ truyền hiện nay còn khan hiếm, thậm chí là thiếu trầm trọng, chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng phục vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Đó là nhấn mạnh của Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng (HIU) tại Hội thảo khoa học “Bác sĩ Y học cổ truyền – Người kết hợp tinh hoa của Đông y và Tây y” vừa được tổ chức tại HIU.

Khai mạc hội thảo này, Thạc sĩ Trần Thúy Trâm Quyên cho hay, bên cạnh sự phát triển của y học hiện đại, y học cổ truyền vẫn có vị thế và vai trò quan trọng, khi nhu cầu chăm sóc sức khỏe “trở về với tự nhiên” của người dân ngày càng tăng cao.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực bác sĩ y học cổ truyền hiện nay vẫn còn khan hiếm, thậm chí là thiếu trầm trọng, và chưa đáp ứng nhu cầu về số lượng phục vụ các hoạt động chăm sóc sức khỏe của người dân.

Chính vì vậy, ngành y học cổ truyền sẽ trở thành ngành học xu hướng, nhiều tiềm năng ở cả hiện tại và tương lai.

Sự kết hợp tinh hoa Đông – Tây trong y học

Tham dự hội thảo còn có sự hiện diện của Giáo sư Bùi Duy Tâm đến từ San Francisco, Hoa Kỳ. Giáo sư là người tiên phong đưa những ứng dụng tiến bộ trong giáo dục y khoa thế giới về với Việt Nam, là cầu nối giữa y khoa Việt Nam và quốc tế.

Giáo sư Bùi Duy Tâm chia sẻ: “Theo quan niệm Đông Phương, con người gồm 3 phần: TINH – TRÍ – THẦN. Muốn hiểu con người trọn vẹn, phải học cả Đông y và Tây y. Đó là lý do của sự tổng hợp Đông – Tây trong y học”.

Các diễn giả tại hội thảo về y học cổ truyền tổ chức tại HIU (Ảnh: HIU)

Các diễn giả tại hội thảo về y học cổ truyền tổ chức tại HIU (Ảnh: HIU)

Đánh giá về tiềm năng phát triển của nền y học cổ truyền Việt Nam, Giáo sư Bùi Duy Tâm nhận định: “Y học cổ truyền là nền móng, và nguồn tài nguyên cho Y học khoa học, có thể gọi là y học tổng hợp trong dự phòng, chữa trị và nâng cao sức khỏe.

Việt Nam có thể tự hào là một quốc gia tiên phong xây dựng định hướng phát triển y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại. Y học cổ truyền Việt Nam là một bộ phận quan trọng trong nền văn hóa cộng đồng các dân tộc, gắn liền với kinh nghiệm phòng bệnh, chữa bệnh có lịch sử lâu đời, có nguồn dược liệu phong phú, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người Việt Nam”.

Thạc sĩ Đoàn Thị Tuyết Mai – Trưởng phòng Quản lý Y cổ truyền, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền, Bộ Y tế đã chia sẻ các chính sách của nhà nước trong khám chữa bệnh, nhằm phát triển ngành y học cổ truyền.

Trong đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình phát triển Y dược cổ truyền, kết hợp giữa y dược cổ truyền và y dược hiện đại đến năm 2030, phải đạt được mục tiêu 100% các tỉnh, thành phố thành lập Bệnh viện đa khoa Y dược cổ truyền, 95% bệnh viện phải thành lập Khoa Y – Dược cổ truyền, 100% các trạm y tế xã đều sử dụng y dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh y dược cổ truyền.

Bên cạnh các chính sách phát triển y dược cổ truyền của Việt Nam, Tổ chức Y tế thế giới cũng có chiến lược y học cổ truyền từ năm 2014 đến 2023, trong đó công nhận vai trò, tiềm năng của y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe, lồng ghép các dịch vụ y học cổ truyền vào hệ thống cung ứng dịch vụ y tế.

Ngoài ra, Tổ chức Y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương cũng có khung chiến lược y học cổ truyền, nhằm thúc đẩy vai trò của y học cổ truyền, tăng phạm vi bao phủ và tiếp cận công bằng với các dịch vụ y học cổ truyền.

Bác sĩ Tuyết Mai cho biết thêm, để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực y học cổ truyền cung cấp cho các cơ sở khám chữa bệnh trong toàn quốc, các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại cho người dân Việt Nam và quốc tế đang rất lớn, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hệ thống các cơ sở đào tạo, bao gồm các trường đại học, trung học và dạy nghề đông y theo quy định của pháp luật, chú trọng đào tạo chuyên gia đầu ngành theo tinh thần Chỉ thị 24 –CT/TW của Ban Bí thư.

Bác sĩ chuyên khoa II Hà Thị Hồng Linh – Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, bệnh viện đã áp dụng nhiều chương trình nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là sự kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại.

Nhu cầu khám, điều trị y học cổ truyền của người dân cũng tăng cao, khi mỗi tuần, Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh đón khoảng 12.000 bệnh nhân đến khám, điều trị ngoại trú.

Đào tạo Bác sĩ Y học cổ truyền hướng đến chuẩn quốc tế

“Với lợi thế là trường đại học có liên kết với nhiều trường quốc tế trong lĩnh vực sức khỏe, HIU tiên phong là trường quốc tế tư thục đầu tiên đào tạo Bác sĩ Y học cổ truyền, cho thấy đây là hướng đi đúng đắn, mạnh mẽ, bắt kịp xu hướng “trở về với tự nhiên” trong chăm sóc sức khỏe” – Phó Giáo sư Nguyễn Phương Dung, Viện trưởng Viện Đào tạo Sau Đại học và Đào tạo liên tục, Trưởng ngành Y học cổ truyền của HIU khẳng định.

Phó Giáo sư Nguyễn Phương Dung phát biểu tại hội thảo (ảnh: HIU)

Phó Giáo sư Nguyễn Phương Dung phát biểu tại hội thảo (ảnh: HIU)

Chương trình đào tạo Bác sĩ Y học cổ truyền tại HIU có tổng thời gian đào tạo là 6 năm, với 12 học kỳ sẽ được xây dựng trên cơ sở kết hợp các môn về y học hiện đại: Giải phẫu học, Mô phôi, Sinh lý, Nội khoa, Ngoại khoa, Sản phụ khoa…trong 4 năm và chương trình đào tạo chuyên sâu vào y học cổ truyền trong 2 năm như: Lý luận y học cổ truyền, Nội khoa Đông y, Châm cứu, Dưỡng sinh, Dược học cổ truyền, Dược lâm sàng cổ truyền…

Với mạng lưới quan hệ chặt chẽ giữa HIU và các đối tác, sinh viên học tập tại HIU sẽ có cơ hội được thực tập, làm việc tại các bệnh viện lớn, uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh cũng như trên cả nước như: Bệnh viện Y học cổ truyền Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Y học cổ truyền Đồng Nai, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Bệnh viện Trưng Vương…

Cơ hội xét tuyển thẳng ngành y học cổ truyền tại HIU

HIU là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, đa bậc học, trong đó Khoa học Sức khỏe là lĩnh vực mũi nhọn với các ngành: Y khoa, Răng Hàm Mặt, Y học cổ truyền, Dược học, Điều dưỡng, Kỹ thuật phục hồi chức năng, Kỹ thuật Xét nghiệm y học.

Các thí sinh có nguyện vọng đăng ký học ngành Y học cổ truyền tại HIU (mã ngành: 7720115) có thể nộp hồ sơ xét tuyển với các phương thức sau: Xét học bạ, Xét kết quả kỳ thi SAT, Xét tuyển thẳng, Xét kỳ thi Đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Đặc biệt, HIU dành 50 suất học bổng với trị giá 60 triệu đồng/suất dành cho các bạn đăng ký nguyện vọng vào HIU ngành Y học cổ truyền ngay tại hội thảo trên.

Bên cạnh đó là rất nhiều quà tặng hấp dẫn dành cho các thí sinh tham dự hội thảo này, như: Tặng sách “100 vị thuốc” do chính tác giả Tiến sĩ Trịnh Việt Tuấn – Giám đốc Nhà thuốc y học cổ truyền Lão Dược Sư ký tên và trao tặng.

Ngoài ra, các bạn còn được đăng ký trải nghiệm trị liệu tinh thần cùng với Ban chủ nhiệm ngành Y học cổ truyền tại HIU.

Việt Dũng