Nhà giáo chỉ ra 7 vấn đề Bộ Giáo dục cần tập trung khắc phục trong năm 2022

08/01/2022 07:04
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đây là những nội dung mà thầy Bùi Nam cho là còn tồn tại, hạn chế, bất cập về giáo dục phổ thông trong năm 2021 cần phải được điều chỉnh, sửa đổi cho hợp lý hơn.

Năm 2021 đã qua, thời gian qua Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như toàn ngành đã không ngừng nỗ lực khắc phục khó khăn, ứng phó dịch bệnh, tăng cường đổi mới thích ứng với tình hình mới nhằm mục đích không bỏ dở việc học của học sinh, nhiều việc làm thiết thực cũng dần dần được hoàn thiện, đáp ứng sự kỳ vọng của nhân dân.

Tuy nhiên, trong những điều tích cực thì cũng cần nghiêm túc nhìn nhận là những tồn tại, hạn chế trong thời gian qua để có những bước phát triển vững chắc hơn trong thời gian tới.

Dưới đây là những nội dung mà theo người viết là còn tồn tại, hạn chế, bất cập về giáo dục phổ thông trong năm 2021 cần phải được điều chỉnh, sửa đổi cho hợp lý, đúng đắn hơn.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2021 có nghi vấn “lộ, lọt” đề

Gần đây nghi vấn về “lộ, lọt” đề môn Sinh kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2021 đã được nêu lại khi có một giáo viên ở Hà Tĩnh ôn tập giống đến trên 90% đề thi thật được cả nước quan tâm.

Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành kết luận chính thức nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng thì nghi vấn việc “lộ, lọt” đề là có cơ sở, cần phải sớm được làm rõ.

Điều này liên quan về vấn đề quy trình làm đề thi, xét duyệt đề thi và đạo đức công vụ, trách nhiệm của ban soạn thảo, bảo mật đề thi,…cần được Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng làm rõ và xử lý công tâm, khách quan lấy lại niềm tin trong nhân dân về học thật, thi thật,…

(Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

(Ảnh minh họa: Giaoducthoidai.vn)

Chế độ lương nhà giáo còn nhiều bất cập

Sau 3 lần hoãn tăng lương cơ sở thì lương giáo viên không có nhiều thay đổi, còn gặp nhiều khó khăn nhất là giáo viên trẻ và nhân viên trường học.

Bên cạnh đó từ khi ban hành chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì đã có hàng trăm bài viết trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam và nhiều báo, tạp chí khác phản ánh những bất cập, bất hợp lý của nó về bổ nhiệm, chuyển xếp lương, thăng hạng, giáng hạng,... gây nhiều bức xúc trong giáo viên.

Hàng loạt bất công khi chuyển xếp lương, bổ nhiệm lương mới đã được chỉ ra như: giáo viên giỏi lương thấp, hạng thấp; hiệu trưởng hạng thấp hơn giáo viên; giáo viên có bằng đại học, thạc sĩ hưởng lương trung cấp chuyển sang hạng III mới và phải 9 năm sau mới được chuyển qua hạng II mới; bổ nhiệm xếp lương giáo viên mỗi nơi mỗi kiểu khác nhau thiếu đồng bộ, khoa học, hợp lý,… cũng đã được chỉ ra trong nhiều bài viết trước đây.

Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang chỉnh sửa, điều chỉnh những bất hợp lý trên khi có chỉ đạo đúng đắn của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và ý kiến đề xuất tại nghị trường Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà.

Xếp lương hợp lý, công bằng trong lần này sẽ lấy lại niềm tin, uy tín của Bộ Giáo dục và Đào tạo và sẽ làm cho giáo viên phấn đấu tốt hơn, tạo sự công bằng trong giáo dục.

Áp lực bệnh hình thức vẫn chưa thuyên giảm

Đã nhiều lần Bộ Giáo dục và Đào tạo hứa giảm các bệnh hình thức trong giáo dục, dần dần tiến tới nền giáo dục thực chất để giáo viên chuyên tâm về giáo dục, giảng dạy học sinh.

Tuy nhiên, đến thời điểm này cơ quan chủ quản cao nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành các công văn cụ thể, kế hoạch cụ thể về việc giảm, bỏ bớt các bệnh hình thức trong giáo dục nên giáo viên vẫn tất bật với những bất cập về bệnh hình thức do các địa phương ban hành.

Những vấn đề về mẫu giáo án theo công văn 5512 dài lê thê, vô bổ; hồ sơ sổ sách giáo viên; nhận xét giáo viên; nhận xét học sinh; minh chứng đánh giá chuẩn nghề nghiệp giáo viên;… vẫn còn nguyên chưa thấy gì là giảm trong thời gian qua, giáo viên đã áp lực vì dạy học trực tuyến vẫn phải viết rất nhiều hồ sơ sổ sách mà đa phần chỉ là đối phó.

Áp lực các cuộc thi đối với giáo viên, học sinh vẫn còn nguyên

Hiện nay, dịch bệnh vẫn còn phức tạp tuy nhiên nhiều trường học, phòng giáo dục vẫn ban hành các công văn tổ chức các cuộc thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi khiến giáo viên vô cùng áp lực, vất vả và làm tăng nguy cơ dịch bệnh gia tăng.

Thực chất, khi các phòng giáo dục và các trường tăng cường tổ chức các hội thi cấp trường, cấp huyện vì họ thành lập ban tổ chức, ban giám khảo, làm giám khảo,… họ sẽ kiếm một phần thu nhập không nhỏ, nên các cuộc thi không thật sự cần thiết vẫn diễn ra trong điều kiện hiện nay.

Theo Thông tư 22/2019/TT-BGDĐT về Hội thi giáo viên dạy giỏi thì có quy định chu kỳ thi giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện 2 năm một lần hiện nay không được Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh vẫn còn nguyên giá trị nên các địa phương căn cứ vào đó tổ chức các cuộc thi để kiếm thêm thu nhập khiến giáo viên và học sinh vô cùng vất vả, áp lực.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có ý kiến về việc này.

Việc dự giờ, viết phiếu dự giờ vẫn “hành” giáo viên

Theo Điều 21 Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học ban hành kèm Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT, giáo viên cấp 2, cấp 3 phải có các loại sổ sách sau: Kế hoạch giáo dục của giáo viên (theo năm học); kế hoạch bài dạy (giáo án); sổ theo dõi và đánh giá học sinh; Sổ chủ nhiệm (đối với giáo viên làm công tác chủ nhiệm lớp).

Còn đối với tổ chuyên môn bao gồm các hồ sơ sau: kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn (theo năm học); sổ ghi chép nội dung sinh hoạt chuyên môn.

Theo đó cả hồ sơ cá nhân, hồ sơ tổ chuyên môn đều không còn sổ dự giờ nhưng hầu hết các trường trong cả nước đều quy định giáo viên bắt buộc phải đi dự giờ, viết phiếu dự giờ,… gây áp lực lớn lên giáo viên, không cần thiết trong giai đoạn hiện nay và không phù hợp quy định hiện hành.

Giai đoạn dịch bệnh phức tạp nhưng vẫn có trường vẫn yêu cầu giáo viên “bị” dự giờ 2 tiết học kỳ, dự giờ đồng nghiệp 9 tiết mỗi học kỳ là cứng nhắc không phù hợp, làm gia tăng bệnh hình thức, áp lực lên giáo viên.

Giáo viên dự giờ cũng có cái hay là vận dụng cho bản thân dạy tốt, góp ý đồng nghiệp dạy tốt nên vẫn cần thiết nhưng số lượng nên hạn chế, còn việc dự giờ mỗi tiết xong phải viết phiếu dự giờ rất vô bổ, hình thức,… vì chẳng có tác dụng gì trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, hiện nay viết phiếu dự giờ nộp cho trường, cấp trên kiểm tra là không còn cần thiết, nên được bỏ.

Dạy thêm, học thêm online vẫn chưa hạ nhiệt, chưa ban hành được quy định về dạy thêm, học thêm

Trả lời Quốc hội tại kỳ họp vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết việc dạy thêm online thu tiền đáng lên án và sẽ đề xuất đưa dạy thêm, học thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý.

Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có văn bản chính thức nào từ Bộ về việc giảm dạy thêm, học thêm, dạy thêm online thu tiền,… khiến giáo viên, phụ huynh bức xúc.

Đến nay, nhiều quy định về dạy thêm của Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT cũng đã hết hiệu lực tuy nhiên đến nay Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm khiến cho các địa phương bối rối với với quản lý, xử lý dạy thêm, học thêm.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo nhanh chóng ban hành quy định mới về dạy thêm, học thêm.

Chương trình GDPT mới vẫn rối với 1 thầy dạy 2, 3 phân môn hay 2, 3 thầy cùng dạy 1 môn

Có thể nói việc xuất hiện môn tích hợp là Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Giáo dục địa phương, Hoạt động trải nghiệm,… ở bậc trung học cơ sở đến giai đoạn hiện nay vẫn chưa thể biết “tích” kiểu nào cho “hợp” khi mà điều kiện giáo viên bồi dưỡng để dạy 2, 3 phân môn Vật lý, Hóa học, Sinh học; Lịch sử, Địa lý;… là chưa có và nếu bồi dưỡng xong thì chưa chắc giáo viên tiếp thu, “hợp” được để dạy cả 2, 3 phân môn.

Còn việc 2, 3 giáo viên dạy 1 môn thì vô cùng rối rắm, phức tạp, vô lý,…

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm những giải pháp hợp lý để thực hiện được bộ môn này trong thời gian tới.

Trên đây là quan điểm của người viết về một số tồn tại, hạn chế của giáo dục phổ thông trong thời gian qua, rất mong thời gian tới bằng sự quyết liệt, công tâm và có trách nhiệm thì Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ giải quyết được những tồn tại trên góp phần mang lại sự hợp lý, công bằng trong giáo dục.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM