Nhà giáo còn phải đuổi theo các chứng chỉ đến bao giờ?

29/08/2021 07:00
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mỗi lần giáo viên “sưu tầm” được một chứng chỉ như vậy rồi cẩn thận bỏ vào tệp hồ sơ cá nhân cất vào trong góc tủ thì cũng đồng nghĩa mất đi một khoản tiền lớn.

Ngày 21/7/2021 Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.

Cả 3 quyết định này đều nhấn mạnh cụm từ: “Chương trình bồi dưỡng này được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học" môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học; môn Khoa học tự nhiên, môn Lịch sử và Địa lí” ở trung học cơ sở và kinh phí bồi dưỡng được hướng dẫn lấy từ 3 nguồn, trong đó có nguồn: “do người học tự đóng góp”….

Phần lớn giáo viên đều đã từng học một vài chứng chỉ theo quy định (Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Phần lớn giáo viên đều đã từng học một vài chứng chỉ theo quy định

(Ảnh minh họa: Báo Giáo dục và Thời đại)

Nhưng, cho dù lấy tiền từ nguồn nào đi chăng nữa thì đội ngũ nhà giáo tham gia các lớp bồi dưỡng này cũng rất tốn kém về tiền bạc vì thời gian học tập diễn ra khá dài. Đời sống giáo viên vốn đã khó khăn lại càng thêm khó mỗi khi thấy ngành giáo dục ban hành Thông tư này, hướng dẫn nọ có yêu cầu chứng chỉ.

Bởi, mỗi lần giáo viên có dịp “sưu tầm” được một tấm chứng chỉ như vậy rồi cẩn thận bỏ vào tệp hồ sơ cá nhân cất vào trong góc tủ thì cũng đồng nghĩa mất đi một khoản tiền lớn.

Ám ảnh chứng chỉ

Nếu nhìn lại chính sách giáo dục trong vòng hơn chục năm nay thì phần lớn giáo viên các cấp đều đã từng phải bỏ tiền ra để học một vài tấm chứng chỉ theo quy định. Việc học chứng chỉ này nhiều khi không phải xuất phát từ nhu cầu của giáo viên mà là xuất phát từ những văn bản hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan chức năng.

Hơn chục năm trước, sinh viên sư phạm khi ra trường đều phải có ít nhất là chứng chỉ A ngoại ngữ và chứng chỉ A tin học mới đủ điều kiện để được tuyển dụng vào làm viên chức ngành giáo dục ở các địa phương.

Nhiều người khi ấy cứ nghĩ đơn giản là khi có bằng đại học chuyên môn, có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ rồi sẽ được yên tâm công tác, nếu có phải học là bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm chứ văn bằng, chứng chỉ thì đã đáp ứng đủ đầy rồi.

Thế nhưng, mọi chuyện không chỉ giản đơn có vậy. Thời gian trôi qua, những chứng chỉ A, thậm chí là chứng chỉ B ngoại ngữ và Tin học năm nào bỗng trở nên mất giá, không còn phù hợp trong hồ sơ cá nhân của mình.

Đó là vào tháng 9/2015, các Thông tư liên tịch 20, 21, 22, 23/2015/TTLT/BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập ra đời làm cho nhiều thầy cô giáo cuống cuồng đi học chứng chỉ để cho đủ hồ sơ theo quy định.

Bởi, theo yêu cầu của các Thông tư trên thì giáo viên phải có chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; chứng chỉ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản; chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp mới được xếp vào các hạng giáo viên theo quy định.

Các trường đại học, các trung tâm ngoại ngữ, tin học được Bộ Giáo dục cho phép đổ về các trung tâm giáo dục thường xuyên và dạy nghề các tỉnh, các huyện để mở lớp. Họ thông báo chiêu sinh tại các trung tâm, họ gửi email thông báo qua các Sở, Phòng để các đơn vị này gửi về trường thông báo chiêu sinh đến giáo viên.

Thế nhưng, ngày 02/2/2021 vừa qua, khi Bộ Giáo dục ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông công lập nên có những chứng chỉ trước đây lại không còn phù hợp.

Đó là chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp trước đây không còn giá trị vì không tương ứng với hạng của giáo viên theo hướng dẫn của chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT…

Nhiều năm giáo viên vừa ròng rã chinh phục chứng chỉ cho đủ hồ sơ, vừa phản ánh trên các phương tiện truyền thông và đã đến nghị trường Quốc hội về sự vô lý và lãng phí do các quy định về chứng chỉ - giấy phép con gây ra. Vì vậy vừa qua Bộ Nội vụ đề xuất bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ và chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên hạng II, hạng III...

Trớ trêu, Bộ Giáo dục và Đào tạo lại đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện thi hoặc xét thăng hạng và việc xác định người trúng tuyển trong kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập thì chúng tôi vẫn thấy có yêu cầu: “Có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên theo quy định”.

Chương trình mới, chứng chỉ mới

Chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với những môn học mới thì vừa qua Bộ Giáo dục lại tiếp tục ban hành các Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên Tin học dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học;

Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT ban hành Chương trình bồi dưỡng giáo viên trung học cơ sở dạy môn Lịch sử và Địa lý ở cấp Trung học cơ sở.

Vì thế, một bộ phận lớn giáo viên Tiểu học và Trung học cơ sở lại chuẩn bị lao vào chinh phục các chứng chỉ để được “coi là điều kiện tối thiểu” giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Theo hướng dẫn của các quyết định này, giáo viên sẽ bồi dưỡng từ 20-36 tín chỉ, số tiền tương ứng là 150.000/1 tín chỉ. Dù Bộ hướng dẫn kinh phí đào tạo lấy từ 3 nguồn, trong đó có nguồn “do người học tự đóng góp” và hiện nay một số trường đại học, một số địa phương đã có Thông báo chiêu sinh lớp bồi dưỡng này.

Nhưng, cho dù kinh phí lấy từ nguồn nào đi chăng nữa mà theo hướng dẫn của các quyết định này thì học liên tục đã mất đến 3 tháng cũng là một vấn đề khá lớn. Tất nhiên, sẽ có rất nhiều tiền phát sinh bởi quan niệm lâu nay những giáo viên đi học là “những người có lương” nên việc đóng góp các loại quỹ sẽ là điều tất yếu.

Vì thế, mỗi lần Bộ ra văn bản mà gắn với yêu cầu bồi dưỡng, học tập để lấy “chứng chỉ” luôn khiến cho nhiều nhà giáo trên cả nước phải “nhói lòng”…Bao giờ gánh nặng về chứng chỉ đối với giáo viên mới chấm dứt vẫn là một câu hỏi chưa có đáp án trong lúc này.

Hết chứng chỉ này lại phát sinh ra chứng chỉ khác, Bộ luôn “tạo điều kiện” cho nhiều trường đại học có thêm việc làm, thu nhập, còn giáo viên cứ mải miết học hết chứng chỉ này đến chứng chỉ kia trong ma trận chứng chỉ suốt nhiều năm trời.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH