Nhà văn Chu Lai: "Gian lận Đồi Ngô là xúc phạm con người"

28/06/2012 06:01
Kim Ngân (Thực hiện)
(GDVN) - “Cây bút” của trận mạc, người lính cho rằng sự gian lận thi cử ở Đồi Ngô làm tổn thương, xúc phạm con người. Sự gian dối trong thi cử đồng nghĩa với sự kém cỏi trong tri thức và sự gian dối ấy có thể làm băng hoại cả một thế hệ. Ông thất vọng, phẫn nộ nhưng không tuyệt vọng về nền giáo dục nước nhà.
Gặp nhà văn Chu Lai trong một quán cà phê nhỏ yên tĩnh ở phố Lý Nam Đế. Tôi ấn tượng về một “ông già” hơn 60 tuổi với mái tóc xoăn bồng, bộ ria đen đặc biệt và một túi mìn Clay-mo luôn mang theo mình làm nên phong cách kỳ lạ, khó tả của Chu Lai.

Nghe nhà văn tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, về những chuyến đi xa, tôi càng thấy tâm hồn ông mang nặng sự cô đơn nhưng không đơn độc, chứa một trái tim nóng bỏng, trẻ trung, nhiệt huyết của một người người lính và sự “ướt át” trầm tư của một nhà văn lãng mạn, đa tình đa cảm. 

Một nhà văn của quá khứ, hoài niệm và cô đơn? Không, Chu Lai khẳng định: “Thích cô đơn không phải để đóng cửa tâm hồn mình lại. Mà chính nỗi cô đơn thần thánh đó sẽ cho con người có đất để mở rộng trí tưởng của mình ra mênh mông, trong đó có những vấn đề thời sự, giao thông vận tải, kinh tế lạm phát, giáo dục suy thoái… Người ta tựa lưng vào hoài niệm, vào quá khứ để nhìn xuyên thấu vào hiện tại, tương lai, chứ không ai chỉ sống bằng hoài niệm cả”.

Dẫn vào câu chuyện gian lận thi cử ở THPT Đồi Ngô (Lục Nam, Bắc Giang), nhà văn trầm ngâm, nhẹ nhàng rít hơi thuốc lá chậm rãi đầy suy tư.
Nhà văn Chu Lai bàn luận chuyện gian dối thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang.
Nhà văn Chu Lai bàn luận chuyện gian dối thi cử ở Đồi Ngô, Bắc Giang.
Gian lận Đồi Ngô làm tổn thương con người

- Thưa nhà văn Chu Lai, sự gian lận thi cử trong kỳ thi tốt nghiệp ở Trường THPT Đồi Ngô (Bắc Giang) khiến dư luận bàng hoàng, lo lắng. Còn nhà văn nghĩ và cảm thấy điều gì?

Nhà văn Chu Lai: Chuyện Đồi Ngô làm rung động tất cả những cái gì sâu xa, nhạy cảm nhất của mỗi công dân Việt Nam, trong đó có những người cầm bút. Bởi vì đó là vấn đề con người, văn học là miêu tả con người. Như vậy, gian dối ở Đồi Ngô đã xúc phạm con người.

Cái vĩ đại nhất và sự tồn vong ghê gớm nhất của loài người là tạo ra con người và tạo ra phẩm chất của con người. Vụ việc ở Đồi Ngô đã làm tổn thương con người. Cứ tưởng tượng nếu các giáo viên, giám thị, phòng giáo dục, sở GD của địa phương mà áp xuống cho một cuộc thi cấp trung học bằng sự gian lận, gian dối đến tột cùng như thế thì lịch sử, hồn khí dân tộc và nhân cách con người sẽ bị xáo trộn, u ám đến đâu. Chắc là sẽ rất đau buồn.

- Nhưng ta thử nhìn lại, vấn đề nghiêm trọng như thế liệu có phải đó là kết quả của tình thương hay còn vì mục đích gì thưa nhà văn?

Nhà văn Chu Lai: Không có lý do gì anh có thể biện minh được, cho dù cho đó có thể là những lý do nhân văn nhất. Ví dụ như các em ở trên vùng Bắc Giang nghèo khổ, hạn hẹp thông tin, thiệt thòi đủ chuyện, phải nâng đỡ các em một chút để đỗ tốt nghiệp. Cái đó là không được. Nâng đỡ vậy là góp phần giết chết tâm hồn thơ trẻ. Việc quẳng phao, giải thi không phải là tình thương mà là sự hủy hoại nhân cách, nhiễm độc nhân phẩm.

Hơn thế, lại còn vì thành tích, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp phải bao nhiêu phần trăm để mưu cầu một cái gì đó như là quyền lợi cá nhân hay tiếng vang của một tập thể thì cái đó lại càng không được. Làm sao có thể nhẫn tâm và độc ác biến một thực thể con người thành hòn đá kê cho cái ghế của mình được chắc chắn, thậm chí được tôn cao hơn. 

- Như vậy, họ đã biến phòng thi thành "ma trận" và biến sĩ tử thành "ma giáo"? Nhà văn nghĩ sao về sự giả dối trong giáo dục?

Nhà văn Chu Lai: Trong tất cả các nội dung hoạt động của loài người thì sự giả dối là tồi tệ nhất, nhưng vẫn có những khoảng có thể châm chước được, ví dụ trong tình yêu. Nhưng trong giáo dục thì đó là một hiểm họa. 

Cứ hình dung xem cả trường đó đỗ tới 90% bằng sự giả dối, vậy nó sẽ “đẻ” ra mấy ngàn học sinh giả dối tốt nghiệp ra trường và có bấy nhiêu sự giả dối ngang nhiên tồn tại giữa nắng trời. Sự gian dối trong thi cử đồng nghĩa với sự kém cỏi trong tri thức. Nếu sự gian dối không được can đảm lôi ra ánh sáng thì nó sẽ có dịp tung tác trong mọi hoạt động xã hội. Bằng hành vi đó các em có thể qua được kỳ thi này, nhưng sự nhiễm độc tâm hồn nó còn theo và đeo đẳng các em đến cuối đời.

- Theo nhà văn, liệu còn nhiều nơi như Đồi Ngô nữa không hay chỉ có một?Nhà văn Chu Lai: Đây là vụ việc mới được khơi ra. Một cái mụn bọc đến thời kỳ phải vỡ. Ai dám chắc ở cái đất nước này không còn Đồi Ngô, “Đồi Sắn”, “Đồi chè” nào nữa? Ngay cả trong Đồi Ngô đây mới là khóa thứ nhất bị lôi ra, còn những khóa trước, khóa trước nữa thì sao? Người ta có quyền đặt câu hỏi như vậy về cái gọi là phần chìm và phần nổi của một tảng băng. Và cả câu hỏi không kém phần nhức nhối, thậm chí còn nhức nhối hơn nhưng lại không thể không hỏi: Vậy đứng trên những giám thị coi thi là ai? Và đứng trên ai là ai nữa? Tôi muốn nói đến cả một hệ thống, một bản chất giáo dục.
- Việc Sở GD Bắc Giang xử lý sai phạm ở trường Đồi Ngô có làm nhà văn thấy “yên tâm” không?

Nhà văn Chu Lai: Chưa! Chưa chứ không phải không. Với tư cách là một nhà văn mặc áo lính - những người lính đã không tiếc máu xương của mình cho nền giáo dục tốt đẹp hôm nay thì tôi đòi hỏi phải có người dám đứng ra chịu trách nhiệm, dám đứng ra xin từ chức, sẵn sàng chịu sự trừng phạt công luận và của nhân dân. Đó cũng là phong độ tối thiểu cần có của một người thầy khi làm sai, một cái sai chiến lược có thể làm hư hỏng và băng hoại cả một thế hệ.

- Những người đứng lên chống tiêu cực, mà ở đây là em S quay clip và thầy giáo N.D.N tố cáo sai phạm thường thiệt thòi, có đúng như vậy không thưa nhà văn?

Nhà văn Chu Lai: Sự việc vỡ ra mà “anh” quay lại trù dập, lên án cậu bé này thì “anh” đang rơi vào một vùng gian dối khác. Dùng cái gian dối này nhằm che đậy, gây nhiễu, xí xóa cái gian dối kia là hai lần gian dối. Hai gian dối cộng lại thành sự vô đạo. Mà một nền giáo dục không được phép vô đạo. Cậu bé này phải được Bộ Giáo dục tôn vinh, nó giống như ngọn đuốc của em bé Lê Văn Tám đốt cháy kho xăng năm nào. Tất nhiên tôn vinh xong cũng phải bỏ nhỏ vào tai cậu một câu: "Lần sau hãy cố tìm tìm cách khác bớt ầm ĩ, bớt cực đoan tình báo hơn mà vẫn đạt được mục đích nhé!”.

- Là người lính ở nhiều mặt trận, nhà văn nghĩ rằng sự gian dối có hại như thế nào trong cuộc chiến khốc liệt ấy?

Nhà văn Chu Lai: Hại chứ. Ví dụ có một trinh sát gian dối, sợ chết không dám bò vào đồn địch, về báo cáo thủ trưởng trận này đánh ngon lắm, em mò vào tận nơi rồi. Thủ trưởng tin và đưa quân đi đánh. Nhưng đánh đến đâu bị phản kích đến đấy, dẫn đến hy sinh cả đơn vị. Hàng trăm anh em, đồng đội ngã xuống chỉ vì sự gian dối và hèn nhát.

Nhà văn Chu Lai: "Việc quẳng phao, giải thi không phải là tình thương mà là sự hủy hoại nhân cách, nhiễm độc nhân phẩm".
Nhà văn Chu Lai: "Việc quẳng phao, giải thi không phải là tình thương mà là sự hủy hoại nhân cách, nhiễm độc nhân phẩm".


Thời chúng tôi là nền giáo dục sạch lành và tinh khiết

- Là một nhà văn đi nhiều, “trải” nhiều, theo ông nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng ấy?

Nhà văn Chu Lai: Đó là nền tảng đạo đức, người ta không còn dày công chăm bón, vun xới cho cái nền tảng mang giá trị nhân văn cội nguồn ấy nữa. Tiếng gào của chủ nghĩa hưởng thụ, thành tích nó quẫy động trên bầu trời, làm tan tác cả các giá trị tinh thần. Chủ nghĩa vật chất, thực dụng, mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang cào cấu vào lương tâm nhà giáo. Nhiều người đang bị cuốn vào cơn lốc đó và Đồi Ngô là một hiện tượng không tránh khỏi. 

- Vậy thói gian dối đó xuất phát từ khi con người ta còn nhỏ?

Nhà văn Chu Lai: Không, làm gì có chuyện đó. Nhân chi sơ tính bản thiện. Sự gian dối nếu có do chính môi trường tạo nên, trong đó có một phần không nhỏ của gia đình và nhà trường. Nếu đứa trẻ đi học mẫu giáo, tiểu học thấy xung quanh nó có nhiều sự gian dối thì ắt nó sẽ gian dối.

- Thời nhà văn còn trẻ, ông có thấy gian lận trong thi cử không?

Nhà văn Chu Lai: Thời kỳ của thế hệ chúng tôi, tuy rất nghèo khổ, hạt bo bo trắng xóa cả trời, đói, bao cấp ảm đạm, chiến tranh gian nan… nhưng các thế hệ thanh niên trai tráng vẫn rầm rập hành quân ra chiến trường, băng mình vào chỗ chết mà không đắn đo, nghĩ suy ghì cả. Bởi đó là kết quả của một nền giáo dục sạch lành, tinh khiết. 

Người ta hay lập luận Kinh tế sẽ quyết định tất cả, trong đó có chất lượng giáo dục? Ấy vậy mà nhiều khi kinh tế ổn định thì chất lượng lại đi xuống. Vấn đề là tâm đức và tầm nhìn của người thầy mới là quan trọng. Hàng ngàn người lính đã ngã xuống vì sự ấm no, hòa bình của đất nước trong đó có thế hệ tương lai. Nhưng nếu học hành, thi cử cứ nhá nhem, thiếu trung thực thế này, những người lính ngã xuống làm sao có thể an lòng.

- Vậy nhà văn nghĩ sự gian lận ở Đồi Ngô chỉ là một hiện tượng nhất thời, thoáng qua hay đã là một căn bệnh khó trị?

Nhà văn Chu Lai: Cơ thể giáo dục nước ta đang có chiều xộc xệch, hệ giáo dục, tầm giáo dục không rõ ràng. Vụ Đồi Ngô đã xử lý, đã đình chỉ nhưng rồi sẽ chìm vào im lặng, như vậy cũng chỉ là cú “xì hơi” chữa cháy mà thôi. Người dân muốn Đồi Ngô phải nổ vang như trái pháo để đánh động, thức tỉnh, làm vỡ ra một mảng tối nhằm hoàn thiện hơn chứ chả ai muốn làm hành làm tỏi, sát phạt ai cả.

- Có cách nào để có giáo dục “sạch”? Liệu nhà văn có thất vọng, hoài nghi về nền giáo dục?

Nhà văn Chu Lai: Trường học là một xã hội thu nhỏ, nếu ở ngoài vẫn còn hiện tượng mua quan bán chức công khai, thì ở trong trường sẽ có hiện tượng mua điểm, bán điểm cũng là bình thường. Muốn giáo dục “sạch” thì phải “sạch” từ bên ngoài xã hội. Cho nên trách Đồi Ngô 1, nhưng trách cơ chế tạo nên Đồi Ngô 10. Tôi thất vọng, phẫn nộ nhưng không tuyệt vọng vì con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam, dân tộc Việt Nam trải qua bao giông bão bao giờ cũng có khát vọng vươn về ánh sáng mà những mụn ruồi như cái Đồi Ngô này trước sau cũng bị đài thải theo đúng quy luật sinh tồn…

Kim Ngân (Thực hiện)