Nhân tài vẫn “quay lưng” với nhiều ưu ái, “trải thảm đỏ” ở Hà Nội?

14/08/2013 08:04
Xuân Trung
(GDVN) - Sau 10 năm "trải thảm đỏ” nhưng Hà Nội chỉ đón được "103 người tài". Có nhiều ý kiến cho rằng Thủ đô vẫn là nơi khó thu hút với người tài, hầu hết các thủ khoa xuất sắc đều chop rằng mặc dù đây là chính sách rất tốt nhưng các em không thể từ bỏ định hướng của mình trước đó.
Chiều qua, Thành đoàn Hà Nội tiến hành buổi công bố lịch trình tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường Đại học, Học viên trên địa bàn. Theo số liệu từ Sở Nội vụ Hà Nội, qua 10 năm thành phố tổ chức tuyên dương thủ khoa và tiếp tục với chính sách thu hút, ưu đãi với người tài về thủ đô làm việc, tuy nhiên trong 10 năm thu hút chỉ đạt được 103 người trên 1.203 nhân tài.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Phòng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng - Sở Nội vụ Hà Nội): Những đối tượng được tiếp nhận sẽ được đãi ngộ thu hút một lần với giá trị bằng 20 lần lương tối thiểu tại thời điểm thu hút. Ảnh Xuân Trung
Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Phòng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng - Sở Nội vụ Hà Nội): Những đối tượng được tiếp nhận sẽ được đãi ngộ thu hút một lần với giá trị bằng 20 lần lương tối thiểu tại thời điểm thu hút. Ảnh Xuân Trung
Điều đó cho thấy, chính sách trọng dụng nhân tài của Thủ đô mặc dù rất tốt nhưng hầu hết những nhân tài này đều “quay lưng” với sự ưu ái từ Hà Nội. Hỗ trợ cao nhất bằng 80 lần lương tối thiểu Bà Nguyễn Thị Kim Dung (Phòng đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng - Sở Nội vụ Hà Nội) thông tin, để cụ thể hóa Luật Thủ đô, trong đó có Nghị quyết 14 về tuyên dương khen thưởng, trọng dụng nhân tài, với chính sách trọng dụng nhân tài Sở đã có tham mưu cho thành phố về việc này. Theo đó, các đối tượng được ưu tiên nằm trong diện thu hút nhân tài gồm những người có thành tích đặc biệt xuất sắc trong học tập và lao động như: Thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các cơ sở giáo dục Đại học những ngành, chuyên ngành mà thành phố đang có nhu cầu. Tiến sĩ có công trình đề án khoa học đáp ứng với các chương trình phát triển kinh tế xã hội của thủ đô. Bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa cấp 2, dược sĩ chuyên khoa cấp 2 trở lên, giáo viên, giảng viên có thành tích huấn luyện những học sinh, sinh viên đoạt giải nhất, nhì các kỳ thi học sinh giỏi, sinh viên xuất sắc của quốc tế, cấp quốc gia, khu vực và những vận động viên, văn nghệ sĩ đoạt huy chương vàng, giải nhất các kỳ thi chuyên nghiệp quốc gia... Cũng theo bà Dung, thành phố cũng có chủ trương thu hút những chuyên gia giỏi, đầu ngành, nghệ nhân, người được trao tặng danh hiệu vinh dự nhà nước có sáng kiến, công trình, giải pháp mang tính đột phá được ứng dụng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội thủ đô. Theo đó, với những chính sách này thành phố có những đãi ngộ với nhân tài cụ thể là với đối tượng đã kể trên nếu đáp ứng được những yêu cầu mà thành phố đang cần, sẽ được xem xét không qua thi tuyển. Thông tin từ Sở Nội vụ Hà Nội cho biết, năm nay công tác thu hút nhân tài có điểm mới so với những chính sách trước đó. Theo đó, những đối tượng được tiếp nhận sẽ được đãi ngộ thu hút một lần với giá trị bằng 20 lần lương tối thiểu tại thời điểm thu hút. Nếu trong trường hợp các đối tượng đặc biệt là các em thủ khoa có tình nguyện về cống hiến cho thành phố, thành phố sẽ ưu tiên cử đi đào tạo để phát triển sau này với những hỗ trợ, kinh phí như những năm trước (hỗ trợ một lần bằng 5 lần mức lương tối thiểu hàng tháng với đào tạo trong nước, khi các em có bảo vệ luận văn được gấp 30 lần lương tối thiểu, bảo vệ luận án tiến sĩ được 80 lần lương tối thiểu).
Thủ khoa Bùi Thị Yến Hằng (Sư phạm Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội). Ảnh Văn Chung.
Thủ khoa Bùi Thị Yến Hằng (Sư phạm Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội). Ảnh Văn Chung.
Với những trường hợp được đi học tại nước ngoài có học bổng, không dùng ngân sách của thành phố thì thành phố sẽ hỗ trợ mỗi một tháng bằng 5 lần lương tối thiểu trong thời gian học thực tế.
Lịch trình tuyên dương Thủ khoa năm 2013 như sau:

Đợt đầu tiên diễn ra trong ngày 17,18/8 tại huyện Ba Vì: Trong đợt đầu tiên, các thủ khoa xuất sắc sẽ có những trải nghiệm về xây dựng nông thôn mới thông qua chuỗi hoạt động như: khởi công xây dựng sân chơi cho thiếu nhi; cùng ăn, cùng nghỉ, cùng làm tại các gia đình nông thông thông qua chương trình home stay; Tọa đàm “Thủ khoa với trách nhiệm xây dựng nông thôn mới”.

Đợt thứ hai diễn ra trong các ngày 24,25/8 tại Hà Nội: Đợt 2, các em tham dự lễ ghi danh Sổ vàng Thủ khoa xuất sắc năm 2013 và chương trình tuyên dương tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.  Ngày 25/8, lãnh đạo Đảng, Nhà nước gặp mặt thân mật các thủ khoa xuất sắc (Thủ khao gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng). Lễ tuyên dương sẽ diễn ra vào lúc 20h ngày 25/8 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Riêng với các thủ khoa tốt nghiệp các trường Đại học, Học viên trên địa bản thủ đô, trong 10 năm nay tổng số được tuyên dương hàng năm cũng gần 100 em, trong đó tập trung vào những ngành thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa TT&DL, Thanh tra Nhà nước, Sở Tài chính, Sở KH&ĐT và các trường Cao đẳng thuộc thành phố Hà Nội. Theo bà Dung, để tiếp tục có những chính sách và tăng cường thu hút người tài, Sở Nội vụ cũng có Công văn số 1702 ngày 9/8/2013 đề nghị tất cả các cơ quan đơn vị trực thuộc thành phố rà soát và đăng ký tiếp nhận thủ khoa xuất sắc mà ở những ngành hiện nay ở các sở, ban ngành, quận, huyện đang cần. Ưu đãi tốt nhưng vẫn “lệch” định hướng người tài Phó bí thư Thành đoàn Hà Nội Trần Anh Tuấn cũng thừa nhận, do điều kiện nên thành phố vẫn chưa đáp ứng được một số yêu cầu của các nhân tài, các em đến từ mọi miền đất nước, vì vậy sau khi trưởng thành các em có thể cống hiến tại Hà Nội, có thể không tại Hà Nội, thậm chí các em có thể đi nước ngoài và công tác tại nước ngoài. “Hiện nay rất nhiều thủ khoa là những giáo sư các trường Đại học trên thế giới, đó cũng là một cống hiện vì phía sau các em là cả một thương hiệu của dân tộc, của quốc gia. Chúng tôi mong muốn các thanh niên lao động hết mình, cố gắng làm sao đưa lợi ích chung lên trước lợi ích cá nhân, lợi ích cá nhân là cái tối thiểu cần thiết nhưng cố gắng với tinh thần vô tư. Chúng tôi không yêu cầu các em phải ở Hà Nội cống hiến” Phó bí thư Trần Anh Tuấn cho biết. Là một trong ba thủ khoa cả đầu vào và đầu ra, em Bùi Thị Yến Hằng (Sư phạm Hóa học, Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết quan điểm, Hằng cho rằng ai cũng muốn làm việc trong Nhà nước để được ổn định, tuy nhiên hầu hết các bạn thủ khoa đều đã có định hướng trước đó cho mình từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi nhận được thông tin này từ thành phố Hà Nội, các em chỉ bất ngờ và tỏ ra một chút tiếc nuối. “Em thì có 2 con đường, một là làm giáo viên ở các trường cấp ba, hai là ở lại trường làm giảng viên. Em nghĩ là ở lại làm giảng viên với đồng lương nhà nước cũng kém, nhưng em nghĩ còn nhiều thứ mình có thể quan tâm hơn là lương, ở lại trường em sẽ thiên về nghiên cứu, em muốn tiếp tục con đường của mình đã làm từ sinh viên. Hơn nữa, khi con đường người ta đã vạch ra rồi thì khó có thể thay đổi được mặc dù chính sách có tốt, vì thay đổi con đường là thay đổi cả một lộ trình của mình sau này” thủ khoa Yến Hằng bộc bạch. Thủ khoa Bùi Thị Yến Hằng cũng đề nghị, không chỉ riêng Hà Nội  mà nên nhân rộng mô hình chiêu mộ nhân tài ra các tỉnh thành khác, vì theo Hằng ở đâu thanh niên cũng muốn góp sức chung xây dựng đất nước.
Chất lượng thủ khoa đầu ra đã cao hơn các năm

Theo đánh giá từ Thành đoàn Hà Nội, chất lượng thủ khoa đầu ra năm nay cao hơn những năm trước đó. Đa số các em đều đạt trên 9 phẩy. Đặc biệt hơn, theo Phó Bí thư Thành đoàn Trần Anh Tuấn, năm nay trong số vinh danh 123 thủ khoa thì có 3 em vẫn “giữ phong độ” là thủ khoa đầu vào và đầu ra.

Các em đỗ thủ khoa cả đầu vào và ra gồm: Bùi Thị Yến Hằng (Sư phạm Hóa học, ĐH Sư phạm Hà Nội), Trần Minh Hằng (Tài chính doanh nghiệp, HV Tài chính) và Lê Thái Sơn (Quản lý tài nguyên rừng và môi trường, ĐH Lâm nghiệp Hà Nội). Một thủ khoa xuất sắc là người Trung Quốc, đó là em Lầu Mai Trang ở Quảng Đông (học Sư phạm Hóa học, ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Xuân Trung