Đau lòng người đàn bà viết đơn xin cho chồng được... chết

23/05/2011 23:44
Lý do tôi làm đơn này xin cho chồng về để chết vì gia đình gặp hoàn cảnh thật sự khó khăn, chúng tôi không thể tiếp tục ở lại bệnh viện được nữa.

Đã gần nghìn ngày trôi qua, kể từ ngày người đàn bà dân tộc Tày viết đơn cho các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai xin đưa chồng về để… chết. Ngồi tại nhà mình, bà Hoàng Thị Bình - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc tỉnh Cao Bằng - vẫn sửng sốt và buồn rầu khi tình cờ cùng tôi nhắc lại câu chuyện hy hữu, có chút gì bi hài và cay đắng ấy.

Bà đã về BV Bạch Mai thăm, tặng quà. Rồi, khoảng 400 triệu đồng đã được các nhà hảo tâm gửi về ngõ hầu cứu sống anh chàng người Tày bị ong bò vẽ đốt, hôn mê mấy chục ngày, đã mười phần chết chỉ một phần sống kia. Nạn nhân đã được cứu nhờ phép nhiệm màu của tình nhân ái, nghĩa đồng bào. Song, đó cũng là lúc một trang chuyện rầu lòng khác được mở ra.

“Muốn để chồng chết thì... viết đơn”


Bản Nà Cốc, xã Lê Lai, huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng nằm hiu quạnh ven con đường thiên lý nối Lạng Sơn với Cao Bằng. Đại gia đình Nông Đoàn Dưỡng đi bộ cả cây số từ bản ra đầu núi đứng chờ chúng tôi. Dưỡng - 36 tuổi - gầy nhom, bước đi liêu xiêu còn phải chống nạng, đầu vẫn trọc lốc, lỗ chỗ các vệt sẹo trắng, nói năng vẫn có cái gì ngơ ngẩn thường gặp của kẻ từ cõi chết trở về.

Ong đốt làm Dưỡng phải nằm mê man bất tỉnh đúng 39 ngày, mê từ vạt núi đi chặt củi đầu xã đến tận BV Bạch Mai dưới Hà Nội. Nằm viện tròn 4 tháng! Dưỡng chỉ nhớ khoảng 18h chiều một ngày cuối tháng 9.2008, đi chặt củi cùng chúng bạn, vừa đụng dao vào bụi rậm, Dưỡng nghe tiếng u u, rồi các “viên đạn màu đen” (ong bò vẽ) đầy lông lá bay kín bầu trời. Nó đốt vào đầu, mu bàn tay, vào mặt anh chi chít. Dưỡng hôn mê từ bìa rừng, chúng bạn phải đẽo cáng khiêng về. Hôn mê sâu, suy thận, suy gan, loãng máu, rối loạn đông máu..., tất cả các bác sĩ ở tuyến huyện, tuyến tỉnh đều lắc đầu bảo phải về khoa Chống độc Bệnh viện Bạch Mai may ra còn 1% hy vọng sống. Ngày 1.10.2008, nạn nhân được nhập viện khoa Chống độc, BV Bạch Mai, Hà Nội, khi các vết ong đốt đã hoại tử.

 
Chị Hồng đang viết lá đơn “thắc mắc” về số tiền 400 triệu đồng mà độc giả trong và ngoài nước gửi cho Dưỡng chữa bệnh, được chi tiêu ra sao mà gia đình chưa bao giờ được thông báo (do cả nhà Dưỡng ký ngày 26.3.2011).
Chị Hồng đang viết lá đơn “thắc mắc” về số tiền 400 triệu đồng mà độc giả trong và ngoài nước gửi cho Dưỡng chữa bệnh, được chi tiêu ra sao mà gia đình chưa bao giờ được thông báo (do cả nhà Dưỡng ký ngày 26.3.2011).


Vừa vào nhập viện đã thấy thông báo nộp 5 triệu đồng. Vài ngày sau, Nông Thị Hồng - 37 tuổi, vợ Dưỡng - được các nhân viên ngành y gọi lên, thông báo: Đóng 20 triệu đồng tiền viện phí. Hồng rụng rời chân tay. Vay mượn, lạy lục, bán chác đủ thứ, nộp tiền xong. “Vài ngày sau, lại chuẩn bị nộp 10 triệu, ối giời ơi, chồng em vẫn mê man anh ạ” - kể đến đây, Hồng khóc nức nở. Dưỡng gạt nước mắt chống nạng ra ngoài sân.

Hồng bảo: “Em đã đưa chồng về đến thủ đô Hà Nội, nhà em nghèo hết cỡ thế này, anh bảo, có ai lại muốn chồng “được” chết. Nhưng mà em không có một xu trong người, sau quá trình liên tục nộp đủ thứ tiền. Chị Th - bên tài chính của khoa - bảo, mày không có tiền, chồng mày đang thở bằng ống thở, lại phải lọc máu liên tục vì bị ong độc đốt... rút “ống” ra là “chết ngay tại chỗ” (từ ngữ trong nguyên văn). Trời ơi, còn cái gì để bán, em cũng bán ngay để cứu chồng. Nhưng, không có gì cả...”.

Dưỡng vẫn yếu lẩy bẩy, vẫn trọc đầu vì nọc độc của ong bò vẽ, phải chống nạng mới đi vững.
Dưỡng vẫn yếu lẩy bẩy, vẫn trọc đầu vì nọc độc của ong bò vẽ, phải chống nạng mới đi vững.
Dưỡng và con gái.
Dưỡng và con gái.


Hồng kể: “Lúc ấy em “bí” lắm, không biết làm thế nào nữa. Trăm sự nhờ các bác sĩ thôi. Chị Th bảo em còn nợ viện 25 triệu phải trả đi. Em bảo em không có đồng nào. Em khóc. Chị bảo, nộp 1 triệu đi, số còn lại sẽ tìm cách miễn cho. Em bảo em không có đồng nào thật mà. Em không có cả tiền đi xe khách về Cao Bằng cơ. Em suy nghĩ mấy tiếng đồng hồ, khóc mãi rồi đành bảo chị Th nếu không nhờ được, em đành cho chồng về quê, lấy thuốc lá lẩu ở địa phương, sống thêm giờ nào hay giờ ấy, chứ biết làm sao? Chị Th bảo, nếu muốn xin cho chồng về, thì phải viết đơn đi. Em viết mãi không xong. Em hỏi chị Th, chị ơi viết thế nào, chị bảo thì viết xin cho chồng về để chết chứ còn thế nào nữa. Chị ấy lấy giấy bút cho em viết mà. Giờ em nhớ, đơn của em là: “Đơn xin cho chồng được chết” (nguyên văn lá đơn đó hiện chúng tôi đang có, như sau: “...Lý do tôi làm đơn này xin cho chồng về để chết vì gia đình gặp hoàn cảnh thật sự khó khăn, chúng em không tiếp tục ở lại bệnh viện được nữa nên gia đình xin cho chồng về để chết...”) .

Lá đơn xin cho chồng được chết từng gây sửng sốt trong công luận.
Lá đơn xin cho chồng được chết từng gây sửng sốt trong công luận.


“Viết xong, em đặt lên bàn của chị Th. Em ra ngoài tìm cách liên lạc với xe cấp cứu của Bệnh viện tỉnh Cao Bằng, bảo các bác ấy lúc nào tiện thể đưa bệnh nhân xuống thì nhớ mang theo cái bình ôxy như hôm đưa chồng em xuống Bạch Mai ấy. Em muốn chồng em sống thêm một tý, về đến nhà cho hai con em được nhìn mặt bố lần cuối...”.

400 triệu của độc giả được chi tiêu ra sao?

Ơn trời, sự việc sau đó đã diễn ra nhân ái hơn là những gì thảm sầu ở trên. Sau chừng hơn 100 ngày điều trị, Dưỡng đã trở về từ cõi chết. Tuy nhiên, vì hôn mê sâu quá lâu, lại thêm nọc ong bò vẽ quá độc, nên Dưỡng đối mặt với chứng teo cơ.

Gặp chúng tôi sau hơn 2 năm về lại bản Nà Cốc, Dưỡng vẫn lẩy bẩy, vẫn cầm nạng chống lui cui. Cả bản làng, cả đại gia đình thật sự cảm ơn các bác sĩ, cảm ơn cả xã hội đã thấy người ta buộc phải buông xuôi sự sống vì đói nghèo mà không hề vô cảm. Và, Dưỡng vẫn không biết rằng, kể từ khi lá đơn “trần đời có một” của Hồng đến tay các nhà báo, một cuộc quyên góp từ nhiều tầng lớp, từ độc giả trong và ngoài nước đã diễn ra và số tiền ủng hộ lên tới 400 triệu đồng.

Nông Đoàn Dưỡng khi nằm ở Bệnh viện Bạch Mai và một lần nhà báo đến trao tiền từ thiện của độc giả (tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng).
Nông Đoàn Dưỡng khi nằm ở Bệnh viện Bạch Mai và một lần nhà báo đến trao tiền từ thiện của độc giả (tổng số tiền lên tới 400 triệu đồng).


Trong lá đơn gửi chúng tôi, Hồng cảm ơn xã hội và các bác sĩ thật lòng. Người như Hồng có lẽ cả đời không nói dối ai bao giờ. Hồng viết bằng mực xanh, trên giấy học trò, Dưỡng và bé Diễm (con gái Hồng và Dưỡng) cùng ký: “Chúng tôi là người nhà, khi nhà hảo tâm đưa tiền tận tay, chị Thảo cán bộ bệnh viện còn yêu cầu phải nộp lại”, chuyện 400 triệu ủng hộ chữa bệnh cho Dưỡng, Hồng cũng viết “chúng tôi không được ai thông báo”, “trước khi xuất viện, chúng tôi có được 10 triệu (BV đưa) về tiền xe đi lại và chăm sóc chồng”. Hết.

Thật lòng, nhóm nhà báo chúng tôi tiện công tác qua Thạch An, thăm lại người viết đơn cho chồng được chết, chỉ để tặng chút quà. Bất ngờ nghe chuyện “cắc cớ”, lập tức chúng tôi mở laptop, kết nối Internet, gõ tên “Nông Đoàn Dưỡng” và từ khoá “ong đốt”, thì được hàng chục kết quả với các trang báo lớn, viết kỹ, từ việc Dưỡng bị ong đốt, chụp ảnh lá đơn xin được chết, sự bế tắc, rồi 200 triệu, rồi lên tới 400 triệu ủng hộ bệnh nhân Dưỡng.

Các con số trên cực kỳ rõ ràng, y tá Phạm Thị Thảo (người tiếp nhận tiền cho Dưỡng), rồi TS Phạm Duệ (Giám đốc Trung tâm Chống độc) phát biểu trên báo hẳn hoi: “Bệnh nhân Dưỡng đã nhận được số tiền ủng hộ lên tới 400 triệu đồng” (trích nguyên văn từ một bài báo đã đăng, tác giả Lệ Hà). Và, trước khi đặt bút viết bài này, trao đổi với TS Duệ và một số bác sĩ “trong cuộc”, chúng tôi cũng vẫn nhận được lời xác tín như trên. Ông Duệ bảo, số tiền còn thừa của 400 triệu đồng trên đã được trung tâm hỏi ý kiến một số nhà tài trợ rồi để lại trong quỹ nhằm điều trị bệnh nhân khác.

Các con Dưỡng từng sẵn sàng cho việc mất cha, cả bản đã xẻ gỗ đóng quan tài cho Dưỡng (trong ảnh là con gái Dưỡng).
Các con Dưỡng từng sẵn sàng cho việc mất cha, cả bản đã xẻ gỗ đóng quan tài cho Dưỡng (trong ảnh là con gái Dưỡng).


Một nhà báo tâm huyết trong cuộc vận động tiền cứu Nông Đoàn Dưỡng lại cho rằng, số tiền đó không phải được dùng vì mục đích như ông Duệ nói. Chị đã nhiều lần chị gọi Hồng ra xa khu vực chồng Hồng đang điều trị để gặp riêng, hỏi về việc tiền có đến tay gia đình Hồng không. Hồng đều cho biết, không biết đến số tiền đó, không được ai thông báo gì, dù Hồng biết có nhiều nhà hảo tâm đến thăm chồng mình... Bây giờ, Hồng vẫn có xác nhận với chúng tôi điều này. Nữ nhà báo cũng cảnh báo, nếu tôi hỏi sẽ bị ông Duệ nổi đoá vì “lý do đặc biệt”...

Vậy là đã rõ, dù thế nào thì việc không thông báo, không minh bạch số tiền 400 triệu đồng của nhà hảo tâm cho bệnh nhân Dưỡng vẫn là điều đáng “trách móc”. Bởi tiền đó, như cán bộ trung tâm trả lời báo chí ngay thời điểm vừa có 400 triệu đồng độc giả gửi, là: Tiền gửi cho con người tận khổ Nông Đoàn Dưỡng chữa bệnh. Câu hỏi đặt ra là: Giả sử số tiền thừa sau khi chữa bệnh cho Dưỡng mà không bị thắc mắc, thì trung tâm có sử dụng vào cái gọi là “quỹ” cho bệnh nhân khác như ông Duệ nói không?

Thêm nữa: Thời điểm trung tâm quyết định xin ý kiến nhà hảo tâm (nếu điều này là có thật như ông Duệ nói) là khi nào - trước hay là sau thời điểm có “dư luận”? Liệu có phải, ngay sau khi “toa” thuốc cuối cùng điều trị cho Dưỡng chấm dứt, người ta đã tổng kết tiền thừa và đem tiền đó vào ngay cái quỹ vì bệnh nhân khác không?...

Dù thế nào, nghi ngờ, thắc mắc và bức xúc của một số nhà báo, của gia đình bệnh nhân Dưỡng cũng là chính đáng. Hy vọng chúng ta sẽ sớm có câu trả lời thoả đáng.

Theo
Đỗ Doãn Hoàng (LĐ)