Điệp viên H6 và vụ án gây rúng động miền Nam

01/05/2011 07:02
Với bí danh điệp viên H6, ông Hồ Duy Hùng đã gây rúng động cả miền Nam Việt Nam với vụ án “tản thất quân dụng”.

Được cài vào học khóa phi công trực thăng của Quân lực Việt Nam Cộng hòa, năm 1973, với bí danh điệp viên H6, ông Hồ Duy Hùng đã gây rúng động cả miền Nam Việt Nam với vụ án “tản thất quân dụng”.

Điệp viên H6 - Người phi công tài ba


Gặp điệp viên H6 vào những ngày cả nước đang rộn ràng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tôi bày tỏ mong muốn được nghe lại câu chuyện về “Vụ án tản thất quân dụng” năm ấy, ông Hùng cười: “Chuyện ăn trộm mà cứ đem ra kể cũng kỳ”. Tuy nhiên, không phải ai cũng dũng cảm để thành công “vụ tản thất quân dụng” nổi tiếng từ Nam ra Bắc như điệp viện H6.

Xuất thân trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên ông Hồ Duy Hùng - bí danh H6 (Quảng Nam) tham gia hoạt động cách mạng từ rất sớm. Năm 14 tuổi ông đã nổi tiếng trong phong trào học sinh sinh viên miền Nam. Theo chỉ đạo của tổ chức, năm 1968 ông gia nhập quân đội của chính quyền Sài Gòn và vào học Trường Sĩ quan Thủ Đức. Sau đó, ông được chọn đi học lái trực thăng ở Mỹ. Năm 1970, ông trở về nước với quân hàm thiếu úy lái máy bay trực thăng tại Sư đoàn 2 quân đội Sài Gòn đóng ở Nha Trang.

 

Ông Hồ Duy Hùng (ngồi giữa) trong buổi gặp đồng đội.
Ông Hồ Duy Hùng (ngồi giữa) trong buổi gặp đồng đội.



Thời gian trong quân đội ngụy ông Hùng có bí danh là điệp viên H6, biệt danh là Chín Chinh. Ông được tổ chức bí mật chuyển sang công tác quân báo thuộc Quân khu Sài Gòn - Gia Định, với nhiệm vụ cung cấp các bí mật về không quân Mỹ, tần số liên lạc của B52, bản đồ, bản vẽ tọa độ sân bay. Tuy nhiên, chỉ sau 5 tháng, ông đã bị an ninh quân đội bắt do bị phát hiện gia đình có quá nhiều người tham gia hoạt động cho Mặt trận Giải phóng.

Sau 5 tháng bị giam giữ, việc kết tội ông hoạt động chống chính quyền bất thành do không có chứng cứ, ông Hùng đã bị sa thải khỏi quân đội với tội danh khai man lý lịch, có dấu hiệu thân Cộng sản.

Sau khi bị sa thải, đến tháng 8 ông trở về đơn vị quân báo cũ, tại đây ý tưởng lấy cắp 1 máy bay trực thăng của địch để làm phương tiện chiến đấu khi thời cơ quân sự đến đã được cấp trên phê duyệt. Vì vậy, ngày 27-10-1973, ông tìm cách trở về Sài Gòn nghiên cứu và lên kế hoạch thực hiện. Lợi dụng sự lỏng lẻo của cơ quan cảnh sát, ông đã tìm cách lấy được các giấy tờ hợp lệ cần thiết.

Theo như tính toán, ông Hùng sẽ lên Đà Lạt và dõi mắt tại khu vực gần hồ Xuân Hương nơi mà lính Mỹ hay đậu máy bay để vào chợ Đà Lạt chơi. Trước sự xuất hiện của ông tại Đà Lạt, ngày 26-1-1973, Tổng Nha cảnh sát Sài Gòn đã gởi Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ thông điệp tới các phi đoàn về việc đề phòng mất máy bay, “tản thất quân dụng”!

Giây phút thập tử nhất sinh

Ngày 5-11-1973, ông dự định lấy cắp một chiếc máy bay trực thăng UH-1B đậu tại bãi cỏ hồ Xuân Hương. Tuy nhiên, ý định này bất thành vì máy bay không đủ nhiên liệu để bay ra vùng kiểm soát của Mặt trận Giải phóng nên đành chuyển sang ngày khác.

Trò chuyện với chúng tôi, ông Hùng nhớ lại giây phút cận kề cái chết. “Hôm đó là ngày 7-11, đang trên đường đi đến nhà bà dì thì nghe tiếng trực thăng nên tôi liền đón xe lam chạy về Đà Lạt để tiếp cận chiếc máy bay vừa hạ cánh. Tôi mạnh dạn tiến đến gần, sau đó leo vào máy bay xem xăng có đủ không, bật công tắc lên xem bình ắc quy còn điện hay không có đủ điện để đề máy hay không?”.

“Sau khi tính toán kỹ lưỡng tôi tính trong vòng 40 giây khởi động máy bay phải cất cánh, tăng ga chú ý đến đồng hồ nhiệt độ để cánh quạt đủ tua, đủ nhiệt độ. Nhưng trong lúc nổ máy sợ địch chạy đến nên tôi quên không đeo dây an toàn, quên bật đồng hồ trên trời (điện AC chuyển sang điện DC). Trong khi đó, theo quy định hàng không nếu ai bỏ lái 1 tháng phải có người kèm nhưng tôi đã bỏ lái 3 năm vì vậy trong lúc này tôi đã quá hạn sử dụng” - ông Hùng kể tiếp.

Theo lời ông, sau khi cất cánh ông đã cho trực thăng bay thẳng vào mây trong khi bầu trời khá nhiều sương mù. “Đến bây giờ tôi mới biết, lúc đó sương mù nhiều nên trực thăng Mỹ không bay được đành hạ cánh xuống Đà Lạt” - ông nhớ lại.

Vào mây, sương mù nhiều không còn biết đâu là trên dưới, lúc đó chỉ có cách dựa vào đồng hồ cao độ, mỗi lần đâm đầu xuống lại phải kéo lên, cứ như vậy chiếc máy bay chao đảo trong mây khá lâu. Nhiệt độ Đà Lạt lúc đó chỉ khoảng 15 độ nhưng toàn thân ông Hùng đẫm mồ hôi. “Mãi đến khi nhìn thấy được vùng an toàn thuộc khu giải phóng, đồng thời hạ cánh an toàn chiếc UH-1A tôi mới thực sự hoàn hồn” – ông Hùng cười nói.

 

Ông Hồ Duy Hùng (người ngồi bên trái) lúc còn trẻ.
Ông Hồ Duy Hùng (người ngồi bên trái) lúc
còn trẻ.



Số phận chiếc UH-1A

Tại khu giải phóng, chiếc máy bay được ngụy trang và bảo vệ kỹ lưỡng để tránh bị phát hiện. Sau đó, điệp viên H6 được lệnh bay từ Dầu Tiếng về Lộc Ninh theo một đường bay đã được thông báo để tránh bị bắn nhầm. Tuy nhiên, một số du kích dọc tuyến bay không được phổ biến, đã bắn lủng đuôi máy bay, buộc máy bay phải hạ cánh khẩn cấp xuống khu căn cứ Tà Thiết.

Ban đầu, chiếc máy bay được dự định dùng để ném bom Dinh Độc Lập vào ngày 1 tháng 1 năm 1974. Tuy nhiên, kế hoạch bị hoãn nhiều lần. Đến giữa tháng 3 năm 1974, Điệp viên H6, nhận được lệnh cùng một số kỹ sư tháo rời và dùng xe tải vận chuyển chiếc UH-1A ra Hà Nội. Ngày 26 tháng 4 năm 1974, xe tải chở chiếc trực thăng được tháo rời về đến sân bay Hòa Lạc. Tại đây, H6 được giao nhiệm vụ thuyết minh tính năng tác dụng và huấn luyện sử dụng UH-1A cho một số phi công trực thăng, trong đó có Nguyễn Xuân Trường (sau là đại tá, Trưởng đoàn bay Dầu khí) và Nguyễn Đình Khoa (sau là Tham mưu phó Quân chủng Không quân, Anh hùng Lực lượng vũ trang). Cuối năm 1974, ông trở về miền Nam công tác trong đơn vị quân báo cũ. Đầu năm 1975, ông được lệnh tham gia chuẩn bị sân bay Lộc Ninh để đón phi công Nguyễn Thành Trung ném bom Dinh Độc Lập trở về.

Ngày 21 tháng 5 năm 1975, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Trung đoàn không quân 917 (Đoàn C17 hay Đoàn Đồng Tháp), làm nhiệm vụ tiếp quản, thu hồi các máy bay, trực thăng chiến lợi phẩm như: UH-1, CH-47, U-17 và L-19, để nhanh chóng tổ chức huấn luyện sử dụng. Các giáo viên bay UH-1 đầu tiên gồm có Hồ Duy Hùng (được công nhận quân hàm đại úy Không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam), Nguyễn Xuân Trường, Nguyễn Hữu Nhậm, Nguyễn Đình Khoa. Ngày 5 tháng 6 năm 1975, các máy bay trực thăng vũ trang UH-1 bắt đầu tham gia chiến dịch đánh vào các điểm cố thủ còn lại của quân đội Việt Nam Cộng hòa trên đảo Hòn Ông và đảo Hòn Bà.

Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng ông chuyển ngành về công tác tại Công ty dịch vụ văn hóa tổng hợp quận 11, TP Hồ Chí Minh. Tại đây, H6 của thời bình - Hồ Duy Hùng được giao nhiệm vụ thực hiện đề án cải tạo một hồ nước tại quận 11 thành công viên Đầm Sen như hiện nay. Năm 1996, cùng với các cộng sự của mình, người điệp viên ngày ấy được trao giải thưởng Sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 1996, với công trình Nhạc nước Đầm Sen.

(Theo TPO)