Người đàn ông mù trở thành thợ chụp ảnh nức tiếng

03/05/2011 09:37
Anh không chỉ chụp ảnh vì niềm đam mê, mà còn là nghề nuôi dưỡng người mẹ già, đàn con dại của mình.


“Anh bị mù mà chụp ảnh đẹp, khiến nhiều trường học ở các xã quanh vùng mời về chụp ảnh thẻ cho học sinh. Chưa hết, các đám cưới, liên hoan mừng tân gia, gặp mặt… cũng đến nhờ chụp ảnh”; đó là anh Ngô Văn Biểu, 40 tuổi, ở xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa. Anh không chỉ chụp ảnh vì niềm đam mê, mà còn là nghề nuôi dưỡng người mẹ già, đàn con dại của mình.


Chụp ảnh bằng cả trái tim

Để kiểm chứng thông tin, chúng tôi tìm đến vùng quê nghèo ven biển, làng Yên Ổn (xã Quang Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) để tìm gặp người thợ nhiếp ảnh lạ kỳ này, với sự tò mò nhất định. Nhưng khi đã chứng kiến anh Ngô Văn Biểu chụp ảnh, mọi nghi ngờ tan biến.

Câu chuyện bên bàn trà mộc mạc giúp chúng tôi hiểu thêm về con người khuyết tật nhưng không cam chịu đầu hàng số phận này. Vì một bất cẩn trong khi lao động, từ năm 2002, đôi mắt của anh Ngô Văn Biểu đã không còn nhìn thấy ánh sáng. Đến năm 2005, anh tham gia Trung tâm Dạy nghề cho người khuyết tật.

Một năm sau, anh tham gia Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi, và bắt đầu làm quen với nghề chụp ảnh. Khi Tổ chức Dịch vụ phát triển Đức (DED) tài trợ kinh phí mở lớp nhiếp ảnh cho người khuyết tật tại Thanh Hóa, chỉ mình anh là người khiếm thị đến nhập học.

“Ban đầu, các thầy dạy ảnh cũng ái ngại lắm, nhưng thấy tôi quyết tâm, nên ai cũng tận tình chỉ bảo. Tôi nhờ người cài chế độ tự động cho chiếc máy ảnh kỹ thuật số của mình, rồi cảm nhận âm thanh, lắng nghe câu chuyện của người đang nói để chọn thời điểm bấm máy. Trước đây, tôi từng có thâm niên làm nghề sửa chữa điện tử nên tiếp xúc với các thiết bị máy ảnh không khó khăn gì. Cộng nữa, có lẽ trời không tuyệt đường sống của ai bao giờ, mắt tôi mù nhưng đôi tai và đôi tay như “nhìn” thấy hết, nên việc chụp ảnh với tôi chẳng có gì khó khăn” - anh Biểu tâm sự.

Sau 5 tháng tập huấn, lớp học của anh đã có tác phẩm tham gia triển lãm ảnh “Đối mặt” ở Viện Goeth thuộc dự án “Những tấm hình biết nói”. Trong suốt thời gian học, anh chụp được hơn 3.000 tấm ảnh và chọn ra 16 tấm tham dự triển lãm. Các bức ảnh đều được đánh giá cao, và Ngô Văn Biểu tự tin bước vào nghề ảnh. Anh tham gia chụp ảnh hồ sơ, ảnh hoạt động cho bà con trong xã.

Bà con rất thích thú với những tấm hình do anh Biểu chụp, vừa có hồn vừa đẹp đẽ. Nhưng như thú nhận của anh Biểu, sự thực thì mỗi bức hình ấy, anh phải dồn tâm huyết để lắng nghe, rồi chụp cả dăm bảy bức, sau đó nhờ người mắt sáng chọn bức nào đẹp nhất mà phóng rửa thành bức ảnh.

Bên cạnh các bức ảnh chụp vì cơm áo cho gia đình, anh còn đam mê sáng tác. Đề tài của anh rất gần gụi, là người khuyết tật, trẻ em mồ côi, những người có hoàn cảnh khó khăn, hoạt động của người khuyết tật và cuộc sống đời thường. Mỗi bức ảnh là một khoảnh khắc đời thường, ghi lại bằng sự cảm thông, chia sẻ, và cũng là cách anh cảm nhận cuộc đời tươi đẹp.

Anh Biểu kể: “Tôi nhớ mãi lần cầm máy ảnh ra chợ chụp ảnh chân dung. Nhân vật của tôi cũng là một người mù, ông Nguyễn Văn Phú, ở thôn Phú Nhi (xã Hưng Lộc, huyện Hậu Lộc). Chúng tôi cùng trò chuyện vui vẻ với nhau, vừa để hiểu thêm cuộc đời và tính cách của nhân vật, và cũng để tôi lựa chọn khoảng cách, tọa độ và thời điểm để bấm máy. Mọi người xem bức ảnh người mù do người mù chụp đều cười như khóc. Thì ra bức ảnh tôi chụp trên mặt anh Phú có chiếc kính chỉ có một bên màu đen, do ông ấy nghèo quá, không đủ tiền thay cả hai mắt kính…”.

Khoảng lặng phía sau nghệ thuật


Nếu không phải do điều kiện gia đình quá nghèo, đủ điều kiện chạy chữa kịp thời, có lẽ đôi mắt của anh Ngô Văn Biểu đã không bị mù. Ngày anh còn sáng mắt, với nghề sửa chữa điện tử, anh Biểu cũng đỡ đần được nhiều cho gia đình. Khi anh bị mù, mọi lo toan cho cuộc sống đều do người vợ tảo tần của anh gánh vác. Nguồn sống của gia đình lúc ấy trông cậy cả vào 5 sào ruộng.

Mà gia đình anh cũng nặng gánh lắm, một người cha già, hai người con khuyết tật. Đứa con trai lớn của anh đã 13 tuổi vẫn chỉ cao khoảng 1m, bị thiểu năng trí tuệ. Cô con gái út Ngô Thị Diện 10 tuổi cũng bị cận thị bẩm sinh, nhiều lần quăng vứt cặp sách không chịu đến trường vì mặc cảm do bạn bè trêu chọc…

Nghề nhiếp ảnh như một cứu cánh đối với gia đình anh. Nhờ những đồng thu nhập từ các bức ảnh chụp dịch vụ, anh Biểu đỡ đần được cho gia đình nhiều hơn.

Anh Ngô Văn Biểu: “Nhiếp ảnh giúp tôi thêm yêu đời”
Anh Ngô Văn Biểu: “Nhiếp ảnh giúp tôi thêm yêu đời”



“Quan trọng nhất là nhiếp ảnh đã giúp chúng tôi thêm tự tin, thêm yêu cuộc sống. Cô con gái tôi cũng nghe lời cha mà đến lớp, bớt đi mặc cảm. Người khuyết tật hoàn toàn có thể hòa nhập cộng đồng, phần nào tự nuôi sống mình nếu có một nghề nghiệp trong tay. Tôi nghĩ, thành lập câu lạc bộ nhiếp ảnh cho người khuyết tật không chỉ giúp họ mưu sinh, mà còn là cách giúp họ thêm yêu đời, tin tưởng vào điều tốt đẹp của cuộc sống” - anh Ngô Văn Biểu tâm sự.

Vừa qua, anh Ngô Văn Biểu lại tiếp tục tham dự lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ nhiếp ảnh cho người khuyết tật. Những bức hình do anh chụp được trưng bày tại triển lãm, lại một lần nữa được đánh giá rất cao…

(Theo CAND)