Nhật Bản sẽ thành lập cơ quan xuất nhập khẩu, phát triển vũ khí

04/06/2014 15:40
Việt Dũng
(GDVN) - Nhật Bản sẽ thành lập Cục trang bị quốc phòng vào năm 2015 để giám sát xuất nhập khẩu, nghiên cứu phát triển vũ khí trang bị, từ đó thúc đẩy xuất khẩu.
Tàu tuần tra cỡ lớn Okinawa của Nhật Bản triển khai bảo vệ vùng biển đảo Senkaku
Tàu tuần tra cỡ lớn Okinawa của Nhật Bản triển khai bảo vệ vùng biển đảo Senkaku

Tờ “Công nghiệp quốc phòng Jane’s” Anh ngày 30 tháng 5 đưa tin, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Nhật Bản ngày 30 tháng 5 xác nhận, Bộ Quốc phòng Nhật Bản sẽ thiết lập một cơ quan để giám sát nhập khẩu, xuất khẩu, nghiên cứu và phát triển quân sự.

Người phát ngôn này cho biết, cơ quan này là Cục trang bị quốc  phòng. Cục trang bị quốc phòng là một trong những mục tiêu trung hạn do Bộ Quốc phòng Nhật Bản khởi thảo vào tháng 8 năm 2013. Nếu đề nghị này cuối cùng được thực hiện, Cục trang bị quốc phòng sẽ thành lập vào năm 2015.

Mục tiêu của Cục trang bị quốc phòng là tối đa hóa hiệu suất mua sắm quốc phòng, thông qua hành động tập trung để giảm chi phí, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu sau khi chính phủ Nhật Bản nới lỏng hạn chế tiêu thụ vũ khí quốc tế vốn tồn tại lâu dài ở nước này.

Văn kiện cải cách của Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, cơ quan này sẽ tối ưu hóa mua sắm quốc phòng và làm cho quá trình mua sắm hiệu suất hơn. Cục trang bị quốc phòng sẽ còn giám sát cơ quan nghiên cứu phát triển quân sự tiên tiến của Bộ Quốc phòng – Viện nghiên cứu công nghệ và nghiên cứu phát triển.

Nhật Bản có công nghệ tàu ngầm thông thường tiên tiến hàng đầu thế giới, đồng thời có khả năng săn ngầm rất tốt. Trong hình là tàu ngầm thông thường lớp Soryu Nhật Bản.
Nhật Bản có công nghệ tàu ngầm thông thường tiên tiến hàng đầu thế giới, đồng thời có khả năng săn ngầm rất tốt. Trong hình là tàu ngầm thông thường lớp Soryu Nhật Bản.

Trong khi đó, viện nghiên cứu này cũng ngày càng trở thành tổ chức lãnh đạo thúc đẩy tiến hành xuất khẩu quốc phòng cho các khách hàng tiềm năng của Nhật Bản, đồng thời sẽ còn tham gia phát triển nền tảng công nghiệp quốc phòng trong nước của Nhật Bản.

Hiện nay, mua sắm quân sự của Nhật Bản là do một cơ quan gọi là Văn phòng mua sắm và xây dựng trang bị (EPCO) thuộc Bộ Quốc phòng phụ trách, trước khi điều chỉnh cơ quan vào năm 2007, văn phòng này được gọi là Văn phòng mua sắm Trung ương (CPO). Văn phòng này còn phụ trách xây dựng và bảo vệ công trình của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản.

Nhưng, sau khi Nhật Bản nới lỏng chế độ quản lý xuất khẩu quân sự, Văn phòng mua sắm và xây dựng trang bị cần có quyền lực rộng rãi hơn, để thông qua chương trình phát triển với các đối tác hợp tác quốc tế, thúc đẩy cơ sở công nghiệp quốc phòng của Nhật Bản có sức cạnh tranh hơn.

Đề nghị thành lập Cục trang bị quốc phòng cũng chịu ảnh hưởng khá thành công của Cục quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc (DAPA). Cục quản lý chương trình mua sắm quốc phòng Hàn Quốc cũng phụ trách nhập khẩu, xuất khẩu và phát triển công nghiệp. Sau 8 năm thành lập, Cục quản lý chương trình mua sắm quốc phòng đã nâng cao rõ rệt xuất khẩu hàng hóa quân sự của Hàn Quốc, từ 250 triệu USD năm 2006 đã tăng lên 3,4 tỷ USD năm 2013.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 do Nhật Bản tự nghiên cứu chế tạo.
Việt Dũng