Nhật Bản tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng với ASEAN

22/11/2014 09:18
Đông Bình
(GDVN) - Nhật Bản muốn tăng cường hợp tác an ninh-quốc phòng với ASEAN để đối phó Trung Quốc trên biển Hoa Đông và Biển Đông, hỗ trợ trang bị và công nghệ.
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN tổ chức ở thành phố Bagan, Myanmar ngày 19 tháng 11 nawm 2014
Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN tổ chức ở thành phố Bagan, Myanmar ngày 19 tháng 11 nawm 2014

Hãng Kyodo Nhật Bản ngày 19 tháng 11 đưa tin, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN ngày 19 tháng 11 đã tổ chức tại thành phố miền trung Bagan, Myanmar. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto đã tham dự hội nghị.

Các nước tham dự hội nghị đã đạt được đồng thuận, đó là, hợp tác quốc phòng có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định khu vực, đồng thời xác nhận sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh biển và cứu trợ thiên tai.

Đây là lần đầu tiên Nhật Bản và ASEAN tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng. Hội nghị có mục đích nâng cao năng lực xử lý vấn đề an ninh cho toàn bộ khu vực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto cho biết, đến nay đã không phải là thời đại một nước có thể bảo vệ được hòa bình khu vực, quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN trong lĩnh vực quốc phòng "đang dần dần từ giao lưu phát triển đến hợp tác cụ thể". Ông còn cho biết, sẽ thúc đẩy cung cấp trang bị và công nghệ.

Vào tháng 4, chính quyền Shinzo Abe đã thông qua chính sách cho phép xuất khẩu trang bị phòng vệ với điều kiện nhất định, đã thay thế chính sách cấm vận vũ khí thực hiện lâu dài trước đó.

Theo báo chí Nhật Bản, Trung Quốc áp dụng thủ đoạn mới: Sử dụng tàu cá xâm nhập quy mô lớn lãnh hải Nhật Bản
Theo báo chí Nhật Bản, Trung Quốc áp dụng thủ đoạn mới: Sử dụng tàu cá xâm nhập quy mô lớn lãnh hải Nhật Bản

ASEAN cũng trông đợi Nhật Bản cung cấp chi viện trên các phương diện như giám sát biển và cứu trợ thiên tai. Hầu như là đã tính tới vấn đề Biển Đông tồn tại tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước thành viên ASEAN, hội nghị xác nhận tranh thủ giải quyết tranh chấp biển dựa vào luật pháp quốc tế.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, từ khi Mỹ và Trung Quốc tổ chức hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng với ASEAN vào năm 2011 đến nay, Nhật Bản là quốc gia thứ ba tổ chức hội nghị này. Từ năm 2009, Nhật Bản đã nhiều lần tổ chức hội nghị cấp Thứ trưởng Quốc phòng với ASEAN, tại Hội nghị cấp cao đặc biệt Nhật Bản-ASEAN vào tháng 12 năm 2013, Thủ tướng Shinzo Abe đề nghị triệu tập hội nghị cấp Bộ trưởng.

Hội nghị lần này phối hợp tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. Hội nghị của ASEAN đã thảo luận vấn đề Biển Đông.

Tờ "Yomiuri Shimbun Nhật Bản" ngày 20 tháng 11 đăng bài "Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN xác nhận hợp tác ứng phó Trung Quốc" cho rằng, ngày 19 tháng 11 Nhật Bản và 10 nước ASEAN tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN đầu tiên ở Myanmar.

Hội nghị đạt được nhất trí về phương châm tăng cường hợp tác an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto cho biết, sẽ tập trung gia tăng hỗ trợ ASEAN về đào tạo nhân lực trên các phương diện như an ninh biển và cứu trợ thiên tai.

Nhật Bản trở thành quốc gia thứ ba tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng với ASEAN, sau Trung Quốc và Mỹ. Đây là hội nghị tổ chức dưới sự thúc đẩy mạnh mẽ của Thủ tướng Shinzo Abe.

Do Trung Quốc tiếp tục khiêu khích ở biển Hoa Đông và Biển Đông, Thủ tướng Shinzo Abe hy vọng làm sâu sắc thêm hợp tác bảo đảm an ninh với ASEAN. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Quốc phòng Akinori Eto nhấn mạnh: "Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng lần đầu tiên đã có một bước tiến quan trọng cho tăng cường hợp tác trong tương lai".

Trong hội nghị, ASEAN yêu cầu Nhật Bản cung cấp hợp tác trên phương diện công nghệ trang bị giám sát cướp biển và đánh bắt cá phi pháp, mở rộng "sự nghiệp viện trợ xây dựng năng lực" đào tạo nhân lực tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc cho các nước ASEAN. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Akinori Eto cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường viện trợ có liên quan.

Bộ trưởng Quốc phòng Akinori Eto không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc, nhưng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do hàng hải và tránh tình hình bất trắc trên biển.

Nhật Bản hy vọng sẽ đưa hội nghị này trở thành cơ chế thường xuyên, nhưng do nội bộ ASEAN có một số nước có “quan hệ chặt chẽ” với Trung Quốc, vì vậy dự định thông qua lĩnh vực cứu trợ thiên tai mà Nhật Bản có ưu thế để tăng cường quan hệ với ASEAN.

Liên quan đến hội nghị này, tờ "Đa chiều" tiếng Trung ngày 19 tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, ngày 12 tháng 11, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đưa ra quan điểm về vấn đề Biển Đông. Trong bối cảnh muốn cải thiện quan hệ với Trung Quốc, khi nói về chủ quyền các đảo ở Biển Đông, ông Shinzo Abe đã nhấn mạnh “hời hợt” về tầm quan trọng của "hành động dựa vào luật pháp", không trực tiếp phê phán đích danh Trung Quốc.

Hội nghj Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 17 tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 12 tháng 11 năm 2014
Hội nghj Cấp cao ASEAN-Nhật Bản lần thứ 17 tổ chức tại Thủ đô Nay Pyi Taw, Myanmar ngày 12 tháng 11 năm 2014

Bài báo cho rằng, điều này được cho là ông Shinzo Abe “cố giữ kiềm chế”, tránh tiếp tục xảy ra “rạn nứt” với Trung Quốc. Hơn nữa, sau khi ông Shinzo Abe rời khỏi ASEAN trở về nước, Nhật Bản và ASEAN tiếp tục triển khai hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, đã bàn một cách thực chất về vấn đề trao đổi trang bị và công nghệ, nhằm ứng phó với Trung Quốc, nước đang ngày càng gia tăng hoạt động (hung hăng, hăm dọa) ở khu vực Biển Đông.

Mấy năm trước, Nhật Bản đã lên kế hoạch hợp tác quốc phòng với ASEAN. Năm 2006, Nhật Bản và Indonesia đã ký kết thỏa thuận cung cấp 3 tàu tuần tra cho Indonesia, năm 2013 tuyên bố kế hoạch cung cấp 10 tàu tuần tra cho Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Hiện nay, Nhật Bản còn xem xét cung cấp 6 tàu tuần tra cho Việt Nam.

Hợp tác quốc phòng, hợp tác trang bị và công nghệ giữa hai bên đạt tầm cao mới trong năm 2014. Tháng 2, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã đưa ra tuyên bố, cấp cao Nhật Bản và quan chức quốc phòng ASEAN cam kết tiến hành nghiên cứu hợp tác về vũ khí và công nghệ quốc phòng.

Tháng 4, chính quyền Shinzo Abe đã thông qua chính sách cho phép xuất khẩu trang bị phòng vệ trong điều kiện nhất định, thay thế chính sách cấm vận cũ. Tháng 5, trong Đối thoại Shangri La-2014 tại Singapore, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tái khẳng định Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ các nỗ lực an ninh của ASEAN, bao gồm cung cấp công nghệ Nhật Bản cho ASEAN.

Nhật Bản có rất nhiều công nghệ quốc phòng tiên tiến. Trong hình là tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản
Nhật Bản có rất nhiều công nghệ quốc phòng tiên tiến. Trong hình là tàu ngầm thông thường AIP lớp Soryu Nhật Bản

Ngày 9 tháng 9 năm 2014, Nhật Bản và các nước thành viên ASEAN dã triển khai thảo luận về khả năng hợp tác công nghiệp quốc phòng, Nhật Bản xuất khẩu vũ khí cho khu vực ASEAN.

Trước đó, có truyền thông Nhật Bản cho biết, hội nghị này quan tâm đến việc trang bị và công nghệ Nhật Bản đáp ứng thế nào cho nhu cầu an ninh không ngừng tăng lên của khu vực ASEAN, như công nghệ và trang bị quét mìn, dò tìm cảnh báo sớm, viễn thông, giám sát và dẫn đường của Nhật Bản.

Đáng chú ý, cũng trong ngày 19 tháng 9 năm 2014, Văn phòng Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố Kế hoạch hành động chiến lược phát triển năng lượng (2014-2020), cho biết "phát triển các mỏ dầu mới, đột phá các mỏ dầu trên biển, ra sức hỗ trợ cho khai thác tài nguyên hàm lượng nguyên tố trong quặng thấp, xây dựng 9 mỏ dầu lớn lớp 90 triệu tấn ở biển Bột Hải, Biển Đông", cho rằng sẽ gia tăng mức độ khai thác dầu mỏ ở khu vực Biển Đông.

Trong vấn đề khai thác tài nguyên và tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Trung Quốc và các nước ASEAN cũng không có dấu hiệu dịu đi rõ ràng. Dư luận cho rằng, dự kiến, hội nghị ASEAN lần này và kế hoạch hành động do Chính phủ Trung Quốc vừa công bố “sẽ tiếp tục làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng” của hai bên.

Theo trang mạng "Vant-daily" Đài Loan ngày 21 tháng 11, Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản-ASEAN tồn tại ý nghĩa “Nhật Bản hợp tác với các nước ASEAN cùng chống lại Trung Quốc”.

Do Trung Quốc ngày càng hung hăng ở biển Hoa Đông, Biển Đông, Nhật Bản muốn liên kết với các nước ASEAN có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, cùng đối phó Trung Quốc, hơn nữa trong hội nghị ba bên Nhật-Mỹ-Australia tổ chức bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, các bên kêu gọi giải quyết hòa bình tranh chấp biển, tất cả những điều này đều ẩn chứa chiến lược kiềm chế Trung Quốc.

Đông Bình