Nhật: Hải quân, Hải giám, Ngư chính TQ hiệp đồng với nhau rất chặt chẽ

19/02/2013 08:35
Việt Dũng
(GDVN) - Trung Quốc không chỉ tích cực bàn giao tàu chiến nghỉ hưu cho hải giám, ngư chính, mà còn phối hợp diễn tập hải quân-hải giám-ngư chính...
Tàu Ngư chính-202 tuần tra liên hợp trên biển-trên không.
Tàu Ngư chính-202 tuần tra liên hợp trên biển-trên không.

Tờ “Nihon  Keizai Shimbun” Nhật Bản ngày 17/2 có bài viết cho rằng, sự hợp tác giữa các cơ quan có liên quan đến chiến lược biển của Trung Quốc với Hải quân Trung Quốc đang được đẩy nhanh.

Hiện nay có 11 tàu chiến nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc đã được cải tạo và bàn giao cho Cục hải dương quốc gia Trung Quốc, sử dụng làm tàu hải giám; trong khi đó Cục ngư chính Trung Quốc cũng đã tiếp nhận các tàu tiếp tế nghỉ hưu của Hải quân để sử dụng làm tàu ngư chính.

Bài báo cho rằng, trong bối cảnh Trung Quốc và các nước láng giềng đối đầu trong vấn đề đảo Senkaku và vấn đề chủ quyền biển Đông, động thái này của Trung Quốc có thể gây ra sự cảnh giác, đề phòng của các nước láng giềng.

Tờ “Nihon Keizai Shimbun” dẫn một nguồn tin tiết lộ cho biết, trong 11 tàu hải giám được cải tạo lại nêu trên, có 2 tàu vốn là tàu khu trục tên lửa của Hải quân Trung Quốc.

Trong đó, một chiếc là tàu khu trục Nam Kinh vừa nghỉ hưu vào tháng 9/2012, sau khi dỡ bỏ các trang bị quân dụng, hiện đã gia nhập Tổng đội Đông Hải của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc.

Được biết, trong 11 tàu chiến được cải tạo lại có 4 tàu biên chế cho Tổng đội Bắc Hải, 3 tàu cho Tổng đội Đông Hải, 4 tàu cho Tổng đội Nam Hải – Cục hải dương Trung Quốc. Những tàu cải tạo này bền chắc hơn tàu hải giám vốn có của Cục hải dương Trung Quốc, có tính năng cơ động tốt.

Các lực lượng hải quân, hải giám và ngư chính Trung Quốc diễn tập liên hợp trên biển.
Các lực lượng hải quân, hải giám và ngư chính Trung Quốc diễn tập liên hợp trên biển.

Tính đến tháng 3/2011, Cục hải dương quốc gia Trung Quốc sở hữu tổng cộng khoảng 300 tàu hải giám, 6 máy bay tuần tra và 4 máy bay trực thăng.

Trong năm 2013, Cục hải dương Trung Quốc sẽ còn tăng mới 36 tàu hải giám mới. Tuy không rõ việc biên chế cụ thể, nhưng tờ “Nihon Keizai Shimbun” cho rằng, sẽ còn có tàu tiếp tế nghỉ hưu của Hải quân Trung Quốc bàn giao cho Cục ngư chính và được sử dụng làm tàu ngư chính.

Bài báo chỉ ra, tháng 11/2012, Trung Quốc lần đầu tiên đưa ra và thực hiện chiến lược “cường quốc biển”, yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường hợp tác với các ban ngành về biển, tìm cách tăng cường hiệu quả trong việc đòi hỏi cái mà họ gọi là "quyền lợi biển". Tháng 10/2012, các tàu của hải quân, hải giám và ngư chính Trung Quốc đã tổ chức diễn tập liên hợp ở vùng biển Hoa Đông.

Tờ “Nihon Keizai Shimbun” còn cho biết, Hội nghị công tác biển toàn quốc Trung Quốc tổ chức vào ngày 10/2/2013 chủ trương, trong thời gian tới Trung Quốc cần tiến hành “tuần tra bình thường hóa” đối với đảo Senkaku và vùng biển xung quanh.

Tại hội nghị này, người phụ trách của Cục hải dương quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh: “Phải đi trước trong tranh chấp chủ quyền biển với các nước láng giềng, cần có khả năng đối diện và xử lý tình hình phức tạp”, đồng thời đề xuất, coi “áp dụng nhiều phương pháp kiên quyết bảo vệ cái gọi là "quyền lợi biển quốc gia"” là một trong 10 trọng tâm lớn trong công tác năm 2013 của TQ.

Tàu khu trục Nam Ninh 162 nghỉ hưu, nay đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc.
Tàu khu trục Nam Ninh 162 nghỉ hưu, nay đã biên chế cho Hải giám Trung Quốc.

Bài báo tiếp tục cho rằng, những nước tiếp giáp biển với Trung Quốc hiện có 8 nước, trong đó có Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines.

Trung Quốc và các nước này vẫn chưa phân định ranh giới chính thức về lãnh hải. Theo đó, để tiện cho triển khai công tác phân định lãnh hải, Trung Quốc tích cực thúc đẩy chiến lược biển nhằm làm cho “một phần vùng biển quản lý trực tiếp thành sự thực đã rồi”.

Trong giai đoạn hiện nay, hai nước Trung Quốc và Nhật Bản đang tiếp tục đối đầu xoay quanh vấn đề đảo Senkaku, thậm chí ngày 30/1 đã xảy ra sự kiện tàu chiến Hải quân Trung Quốc sử dụng radar ngắm bắn tàu hộ vệ của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản.

Về việc xây dựng cường quốc biển, Trung Quốc tuyên truyền rằng, họ xây dựng cường quốc biển nhằm “tăng cường khả năng khai thác tài nguyên biển, phát triển kinh tế biển, bảo vệ quyền lợi biển quốc gia, bảo đảm kinh tế-xã hội phát triển bền vững, chứ không phải bành trướng trên biển, càng không phải theo đuổi bá quyền biển”.

Tuy nhiên, đằng sau việc tuyên truyền này là Trung Quốc đang tìm mọi cách để hiện thực hóa “đường lưỡi bò” bất hợp pháp, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam và Philippines.

Tàu Ngư chính-206 lớp 5800 tấn, biên chế cho Tổng đội Đông Hải ngày 11/12/2012, vốn là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Tàu Ngư chính-206 lớp 5800 tấn, biên chế cho Tổng đội Đông Hải ngày 11/12/2012, vốn là tàu chiến của Hải quân Trung Quốc.
Việt Dũng