Nhiều giáo viên Hương Khê vẫn bám trường, khắc phục sự tàn phá của lũ

17/10/2016 08:48
Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ
(GDVN) - Trước tình hình mưa lũ nhấn chìm diện rộng địa bàn Hương Khê, Hà Tĩnh, nhiều phụ huynh, giáo viên đã quên mình "bám" trường, khắc phục sự cố sau nước rút!

Thiệt hại và những giọt nước mắt ở vùng “rốn” lũ

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, nhiều trường học trên địa bàn huyện Can Lộc, Hương Sơn, Vũ Quang, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh, Đức Thọ, Hương Khê ở Hà Tĩnh đã chìm trong nước lũ.

Cho đến hiện tại, không có thiệt hại về người, nhưng thiệt hại về vật chất là rất nặng nề.

Trời không nắng nên không phơi được sách và tài liệu đã ướt!
Trời không nắng nên không phơi được sách và tài liệu đã ướt!

Cô giáo Nguyễn Thị Phương (Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Đô) nghẹn ngào trong nước mắt:

Nước lũ bất ngờ quá, chúng em trở tay không kịp.

Chiều ngày 14, sau khi bố trí cho phụ huynh đến đón trẻ về nhà, cả hội đồng xắn tay vào thu dọn bàn ghế, thiết bị, nhưng vì trường học là nhà cấp 4, nước lũ ngập 2,2 m nên tủ lạnh, máy tính, máy in, quạt treo tường, đồ chơi của trẻ bị ngâm trong lũ hư hỏng hết.

Thiệt hại vật chất trường ước tính lên đến 261 triệu.

Để có được những thiết bị này, ngoài công tác xã hội hóa, các giáo viên đã tự sáng tạo từ những phế liệu, bây giờ hư hỏng hết, không biết bao giờ thì sắm sửa được như ban đầu”, nói xong, cô Nguyễn Thị Phương òa khóc.

Cô Lê Thị Hải Yến (Hiệu trưởng trường Mầm non Hương Trạch) vẫn còn bàng hoàng:

Nước mưa như trút, nước xả từ thủy điện Hố Hô như quả bom dội xuống. Mỗi khi thủy điện Hố Hô xả lũ là y như các trường bị nhấn chìm trong nước”.

Nhiều giáo viên Hương Khê vẫn bám trường, khắc phục sự tàn phá của lũ ảnh 2

Hà Tĩnh: Các trường học huyện Hương Khê nghỉ học do lũ lớn

Theo cô Yến (trường Mầm non Hương Trạch) thì có 4 điểm là điểm Tân Dừa, Tân Phúc, Phú Lập, Trung Lĩnh ở 4 nơi cách xa trung tâm. Trong đó hai điểm trường nằm trong vùng trũng, cô giáo và học sinh đến trường phải qua cầu Tân Dừa, vài trận mưa xập xòi đã mấp mé cầu, nên con đường đến trường hiện rất gian nan.

Tại điểm trường Tân Phúc (cấp 4, xây từ những năm 90) nước lũ không vào nhưng nhà dột từ nóc nên dụng cụ, thiết bị ướt mưa, hư hỏng cả. Lúc 11h ngày 16/10, điểm trường Tân Phúc và Tân Dừa nước lũ vẫn đang vây bủa xung quanh.

Khi điện thoại cho cô Yến (Hiệu trưởng) thì cô đang trên ca nô cùng đoàn kiểm tra của huyện Hương Khê: “Điểm Tân Dừa không còn gì nữa anh ơi! Chưa biết đến bao giờ mới có thể khôi phục được!”, cô Yến thổn thức.  

Theo ước tính ban đầu, tại trường Mầm non Hương Trạch thiệt hại  khoảng trên dưới 1 tỷ đồng.

Từ Hương Trạch trở về, thầy Trần Đình Hùng (Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Hương Khê) trao đổi về thiệt hại của 11 cơ sở giáo dục ở vùng “rốn lũ” Hương Khê, hiện có khoảng:

15 phòng bán trú bị hỏng hoàn toàn; 246 bộ bàn ghế, 16 máy tính, 3 máy chiếu… hư hỏng; 280 m tường rào bị đổ, 560 m2 sân bê tông sụt lún… ước tính thiệt hại lên gần 2 tỷ đồng.

Phụ huynh, học sinh dọn bùn sân trường sau nước rút!
Phụ huynh, học sinh dọn bùn sân trường sau nước rút!

Lúc 11h ngày 16/10 nước lũ vẫn chưa rút, một số trường như Mầm non Phương Mỹ đang bị cô lập.

Nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt

Ngay từ khi nước lũ bắt đầu tràn vào cổng trường, các giáo viên, phụ huynh học sinh đã bám trường, nhiều giáo viên đã quên mình chống lũ ở trường không kịp về nhà.

Chúng tôi được nghe câu chuyện về cô Nguyễn Thị Thương Trọng, nhân viên kế toán trường Mầm non Hương Trạch đã lăn lộn với trường trong những ngày mưa lũ.

Nhà cô rất nghèo, nước lũ ngập 2,2 m, mái tôn bị gió lốc nhưng cả hai vợ chồng (chồng cô là anh Trần Văn Nam) chèo bè đến trường thu dọn, bốc xếp và bám trụ cho tới ngày hôm nay”, cô Yến nói.

Nhiều giáo viên Hương Khê vẫn bám trường, khắc phục sự tàn phá của lũ ảnh 4
Bộ đội biên phòng bản Giàng giúp trường Tiểu học Hương Đô dọn dẹp

Hoặc cô giáo Biện Thị Hoa (giáo viên Mầm non Hương Đô) có 2 con, con đầu bị dị tật, đứa thứ 2 sáu tháng tuổi, nhà bị ngập lụt, nhưng ở thời điểm khó khăn nhất, cô đều có mặt ở trường lăn lộn chống lũ lụt với giáo viên, phụ huynh.

Chúng tôi cho phép cô về nhà lo việc nhà, nhưng cô từ chối”, cô Nguyễn Thị Phương (Hiệu trưởng Mầm non Hương Đô) chia sẻ.

Còn cô Phan Thị Thu Sen, nhà nghèo, lũ lụt ngâm chết đàn gà hàng trăm con nhưng vẫn đến trường lo dọn dẹp đồ chơi cho các cháu.  Khó nói hết được những tấm gương bám lớp, bám trường, quên mình trong bão lũ.

Ngay cả phụ huynh có những người không có con học ở trường vẫn hăng hái đến trường chống lũ”, cô Trần Thị Hiền (Hiệu trưởng trường Trung học Cơ sở Hương Trạch) trao đổi.

Nhiều giáo viên Hương Khê vẫn bám trường, khắc phục sự tàn phá của lũ ảnh 5

Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo về khắc phục sự cố giao thông do mưa lũ

Theo ghi nhận của chúng tôi, tại những nơi nước lũ bắt đầu rút, giáo viên, phụ huynh học sinh không ai bảo ai, đều đến trường dọn dẹp, hy vọng làm những gì có thể để con em được đến trường sớm nhất!

Tại những điểm trường ngập nặng, được sự giúp đỡ của các đơn vị bộ đội, thanh niên tình nguyện, Trung tá Trần Mạnh Hùng (Đồn biên phòng Phú Gia) cho biết:

Đơn vị tôi được phân công giúp đỡ trường Mầm non Hương Đô là một trong những trường ngập lụt và chịu hậu quả nặng nề.

Sáng nay, 35 chiến sĩ có mặt cùng với 20 đoàn viên thanh niên tình nguyện đến từ các xã đoàn trong huyện Hương Khê tăng cường lực lượng cho cô giáo và phụ huynh dọn dẹp, vệ sinh trong phòng học.

Phải mất một vài ngày nữa công việc dọn dẹp mới hoàn tất, tuy nhiên hiện tại nước lũ lại dâng vào sân trường nên chúng tôi đành phải tạm nghỉ”.

Hiện tại, toàn ngành giáo dục Hương Khê, giáo viên, phụ huynh và học sinh đang gồng mình nỗ lực khắc phục hậu quả lũ lụt để khi nước rút, sớm ổn định tình hình trở lại dạy học bình thường.

Những trường học ở vùng “rốn lũ” Hương Khê đang rất cần sự chia sẻ của các tấm lòng hảo tâm trong cả nước và bạn bè quốc tế.

Chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật thông tin đến bạn đọc!

Bài và ảnh: Lê Văn Vỵ