Nhiều khó khăn khi hỗ trợ SV sư phạm theo NĐ116: Bộ GD có báo cáo gửi Thủ tướng

06/03/2023 13:31
LÃ TIẾN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục và Đào tạo đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc khi triển khai Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về quá trình xây dựng và triển khai Nghị định 116/2020 ngày 25/9/2020 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Nghị định 116 có những điểm mới so với chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm trước đây.

Đó là: “Sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt (trước đây sinh viên sư phạm được miễn học phí), nhưng gắn với trách nhiệm phải làm việc một thời gian nhất định trong ngành giáo dục sau khi tốt nghiệp; nếu sinh viên tốt nghiệp không làm việc đủ thời gian quy định sẽ phải hoàn trả kinh phí hỗ trợ. Những sinh viên muốn được hưởng chính sách hỗ trợ cần phải đăng ký và cam kết trách nhiệm theo quy định (trước kia sinh viên tự động được hưởng chính sách miễn học phí).

Phương thức hỗ trợ cho sinh viên được thực hiện thông qua cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu đào tạo sinh viên sư phạm do các địa phương thực hiện, gắn với trách nhiệm của địa phương trong đào tạo và bố trí, sử dụng sinh viên sau tốt nghiệp, gắn với trách nhiệm của địa phương phải theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp, trách nhiệm thu hồi kinh phí trong trường hợp sinh viên không công tác trong ngành giáo dục.

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

(Ảnh minh hoạ: Lã Tiến)

Những sinh viên được tuyển theo chỉ tiêu nhưng không nằm trong diện đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu vẫn được hưởng chính sách hỗ trợ theo diện “đào tạo theo nhu cầu xã hội”. Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm lập dự toán và cấp kinh phí cho các cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc”.

Khó xác định nhu cầu đào tạo

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ nhận thức rõ Nghị định 116 là chính sách lớn của Đảng và Nhà nước triển khai trên quy mô rộng, tác động đến tất cả các địa phương, cơ sở đào tạo, người học và gia đình người học, nhằm cải thiện hệ thống đào tạo nguồn nhân lực trụ cột của ngành giáo dục.

Tuy nhiên, với phạm vi rộng và chính sách mới nên quá trình triển khai Nghị định 116 đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc.

Thứ nhất là khó khăn trong xác định nhu cầu đào tạo và thực hiện trách nhiệm đặt hàng, giao nhiệm vụ, đầu thầu.

Hiện nay, các địa phương lúng túng trong việc xác định nhu cầu đào tạo, có nơi báo cáo không đúng với nhu cầu thực, hoặc đã xác định nhu cầu nhưng không triển khai đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu đào tạo.

Nguyên nhân được Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ ra, đó là nhu cầu thực theo quy định của ngành giáo dục (theo định biên của ngành giáo dục về số học sinh/lớp) không thống nhất với chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ phê duyệt;

Cùng với đó, việc xác định nhu cầu đào tạo của địa phương gắn với trách nhiệm triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu, gắn với trách nhiệm cấp kinh phí từ ngân sách địa phương và trách nhiệm thu hồi kinh phí từ người học nếu không hoạt động trong ngành, trong khi địa phương không chuẩn bị sẵn sàng nguồn kinh phí hoặc lo ngại trách nhiệm;

Tiếp đó, việc xác định nhu cầu đào tạo của địa phương và trách nhiệm thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo và trách nhiệm theo dõi tình trạng việc làm, thu hồi kinh phí của người học không gắn với quyền được tuyển dụng, ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp mà được địa phương cấp ngân sách.

Khó chọn phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc triển khai Nghị định 116 còn gặp khó khăn trong lựa chọn phương thức triển khai giao nhiệm vụ, đặt hàng và đấu thầu.

Cụ thể, về cơ chế giao nhiệm vụ, đây là phương án dễ triển khai, địa phương chỉ chọn trường trực thuộc dẫn đến nguy cơ giảm chất lượng đầu ra. Thực tế năm 2021, các địa phương chỉ giao nhiệm vụ cho các trường trực thuộc địa phương.

Về cơ chế đặt hàng, đấu thầu hiện nay quy trình triển khai phức tạp bởi có sự tham gia của nhiều bên liên quan và nhiều tham số như: 63 tỉnh/thành phố, 103 cơ sở đào tạo, hàng nghìn lượt ngành đào tạo,...

Nhiều địa phương nhận thấy việc lựa chọn cơ chế đấu thầu hầu như không thể thực hiện được (do thời gian cần thiết để lập kế hoạch, triển khai quy trình, thủ tục đáp ứng quy định).

Việc đặt hàng cũng có nhiều vấn đề liên quan đặt ra như: xây dựng tiêu chí, lựa chọn ngành, trường, số lượng, học sinh của địa phương, tập hợp số thí sinh đăng ký thụ hưởng chính sách hỗ trợ như thế nào...;

Đối với địa phương, việc lựa chọn cơ sở đào tạo và số lượng đặt hàng khó khăn, có thể đặt hàng sai, có thể số lượng thí sinh ảo là lớn.

Việc các thí sinh phân tán về từng địa phương, từng cơ sở đào tạo đã gây ra những khó khăn trong việc cân đối chỉ tiêu để đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ giáo viên cho từng ngành/môn học ở từng bậc học.

Mặc dù, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng phần mềm hỗ trợ các địa phương và các cơ sở đào tạo trong việc đặt hàng, đầu thầu, nhưng đến nay chỉ có cơ chế đặt hàng được thực hiện với quy mô rất nhỏ; việc đấu thầu không được thực hiện.

Xây dựng dự toán ngân sách và cấp kinh phí thế nào?

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ngay trong năm 2021, nhiều địa phương chưa lập được kế hoạch, dự trù kinh phí để triển khai thực hiện Nghị định 116.

Do đó, đa số các địa phương phải đề xuất bổ sung ngân sách chi trả cho đào tạo giáo viên của địa phương từ nguồn ngân sách Trung ương;

Hơn nữa, việc đào tạo một sinh viên sư phạm mất 3 năm đối với trình độ cao đẳng và 4 năm đối với trình độ đại học, do vậy các cơ quan cấp tỉnh lúng túng khi xây dựng dự toán ngân sách hàng năm và trình phê duyệt ngân sách trong dự toán để làm căn cứ đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đầu thầu đào tạo giáo viên.

Triển khai Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Lã Tiến)

Triển khai Nghị định 116 về chính sách hỗ trợ sinh viên sư phạm đang gặp nhiều khó khăn (Ảnh: Lã Tiến)

Điều đáng nói, hiện nay không có cơ chế ràng buộc sinh viên được cấp kinh phí phải về địa phương công tác, do đó các địa phương băn khoăn, lúng túng, sợ trách nhiệm khi giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu và tiến hành chi trả kinh phí đào tạo, hỗ trợ sinh viên.

Khi sinh viên tốt nghiệp ra trường, địa phương không có quyền ưu tiên tuyển dụng số sinh viên tốt nghiệp này, do không có cơ chế tuyển dụng đặc biệt cho địa phương cũng như có thể không có biên chế để tuyển dụng;

Ngoài ra, các địa phương có sự phát triển không đồng đều, điều kiện nguồn lực, chính sách tài chính giáo dục, nhiều địa phương khó khăn không đủ kinh phí để triển khai phải đề xuất nguồn ngân sách Trung ương.

Trong khi đó, các địa phương lớn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... có dư nguồn lực nhưng không cần đặt hàng, giao nhiệm vụ (không chi kinh phí) vẫn có đội ngũ giáo viên xin về làm việc.

Các địa phương không thực hiện theo đặt hàng, giao nhiệm vụ hoặc đầu thầu cũng không có căn cứ để xây dựng dự toán, đảm bảo chế độ chính sách cho sinh viên sư phạm theo cơ chế đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Ngay cả Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng gặp khó khăn khi dự báo số lượng và xây dựng dự toán cho số sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội, vì không thể xác định được chênh lệch giữa chỉ tiêu và số lượng các địa phương sẽ đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Khó thực hiện trách nhiệm thu hồi kinh phí

Thực hiện Nghị định 116, trách nhiệm của địa phương là nhiều và rất lớn như: lập dự toán, đầu tư kinh phí, phối hợp theo dõi người học, thu hồi bồi hoàn kinh phí khi người học vi phạm, đòi nợ...

Việc này dẫn tới sự ngần ngại và ngại trách nhiệm khi khó thu hồi bồi hoàn kinh phí cho địa phương, trong khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã rất nỗ lực trong việc hướng dẫn, xây dựng phần mềm hỗ trợ quản lý, triển khai...

Ngoài ra, việc thực hiện Nghị định 116 cũng còn vướng phải một số khó khăn trong việc phối hợp quá nhiều bên liên quan: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, địa phương và các bộ ngành chủ quản, cơ sở đào tạo, sinh viên...

Đơn cử, nhu cầu về giáo viên thì do địa phương, bộ, ngành đề xuất trên tình hình thực tiễn; chỉ tiêu biên chế do ngành nội vụ giao và phân bổ; chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo do Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định;

Kinh phí từ Bộ Tài chính, việc đăng ký nhận hưởng chính sách của sinh viên cùng lúc về nhiều địa phương, một cơ sở đào tạo phải kết nối với nhiều địa phương.

Để có kết quả cuối cùng là sinh viên nhận được kinh phí hỗ trợ phải qua rất nhiều bước, phụ thuộc vào việc triển khai của nhiều cơ quan liên quan…

LÃ TIẾN