Nhiều ngành thị trường quan tâm, SV được hỗ trợ nhiều nhưng người học không chọn

02/06/2023 06:39
Ngọc Mai
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ví như ngành Đá quý đá mỹ nghệ đang được thị trường quan tâm và phát triển, nhưng ngành học, người học lại không có.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Theo một số chuyên gia, để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cần cơ chế chính sách để thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học công nghệ, trong đó các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, các ngành khoa học cơ bản đều đứng đầu danh sách các ngành có tỷ lệ tuyển sinh thấp. Đáng chú ý, ngay cả những trường đại học top đầu, kết quả tuyển sinh của những ngành học này cũng không nhiều khả quan.

Đơn cử, những năm gần đây, số lượng sinh viên theo học ngành Địa chất tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) giảm từ 100 xuống còn 50, thậm chí có năm chỉ tuyển được 30 sinh viên, với mức điểm trúng tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông dao động từ 17-18 điểm.

Ảnh minh họa: Doãn Nhàn
Ảnh minh họa: Doãn Nhàn

Khó tuyển sinh ngành Địa chất do đâu?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Trung Hiếu – Trưởng khoa Địa chất – Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, ngành Địa chất thuộc lĩnh vực Khoa học trái đất, cực kỳ quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Bởi vì, các tài nguyên thiên nhiên gồm: mỏ khoáng sản, nước, dầu, khí... bị khai thác ngày càng cạn kiệt. Chính vì vậy, phải có các kỹ sư, cử nhân Địa chất để nghiên cứu, thăm dò và tìm ra các nguồn tài nguyên mới thay thế.

"Hậu quả của việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên còn là quá trình "tai biến" địa chất, biến đổi khí hậu... ngày càng phức tạp trong khi nguồn nhân lực của nước ta đang thiếu hụt khi tỷ lệ người học về địa chất, khoáng sản, môi trường, tài nguyên nước... quá ít. Những năm 2015-2016 trở về trước, mỗi khóa tuyển sinh ngành Địa chất trung bình có 200 em. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, số sinh viên tuyển được giảm xuống còn khoảng 30-40 em", thầy Hiếu chia sẻ.

Theo thầy Hiếu, nguyên nhân hàng đầu khiến ngành Địa chất khó tuyển sinh là do đặc thù công việc phải đi thực địa, tác nghiệp hiện trường tương đối vất vả trong khi giới trẻ có xu hướng không lựa chọn công việc “làm tay chân”.

"Thực tế, không chỉ ngành Địa chất, các ngành như Hải dương học, Khí tượng và Khí hậu học... cũng khó tuyển sinh, điểm trúng tuyển thấp. Năm 2021, điểm trúng tuyển các ngành này là 17,5 - 18 điểm. Năm 2022, điểm trúng tuyển là 20 điểm nhưng vẫn thuộc những ngành có mức điểm trúng tuyển thấp nhất trường", thầy Hiếu cho biết.

Là đơn vị có tiềm lực nghiên cứu khoa học mạnh của Trường Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), tuy nhiên, Khoa Công nghệ sinh học cũng chỉ tuyển được 130 sinh viên trên tổng số 200 chỉ tiêu mỗi năm. Nguyên nhân là do cơ hội tìm kiếm việc làm của sinh khó khăn, đặc biệt các ngành nghề liên quan đến công nghệ sinh học ở nước ta chưa phát triển. Sinh viên ra trường đi làm trái ngành nhiều, như: làm việc ở công ty bán thuốc, trang thiết bị…

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, số sinh viên tuyển mới của khối ngành khoa học cơ bản chỉ chiếm xấp xỉ 1,3% tổng số sinh viên tất cả các ngành.

Với thực trạng các ngành khoa học cơ bản khó tuyển sinh và điểm trúng tuyển đại học vào các nhóm ngành này không cao đang được dự báo là nguy cơ dẫn tới thiếu hụt nguồn nhân lực khoa học công nghệ trình độ cao trong tương lai.

"Khoảng 10-20 năm nữa, khi số lượng nhân lực ngành Địa chất hầu như không còn, nếu thị trường cần đến những nhà địa chất trở lại thì lúc đó đào tạo đã muộn", thầy Hiếu chia sẻ thêm.

Cùng bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa của Khoa Khoa học địa chất và Kỹ thuật địa chất, Trường Đại học Mỏ - Địa chất cho biết, những năm gần đây, ngành Địa chất học của trường mỗi năm chỉ tuyển được 50% chỉ tiêu.

“Năm 2015 – 2020, các lĩnh vực kinh tế liên quan đến mỏ - địa chất, dầu khí… rất phát triển ở nước ta nên nhiều sinh viên hứng thú theo học. Song, hiện nay các ngành học này đang khó tuyển sinh. Có năm, ngành Địa chất học tuyển 20 chỉ tiêu nhưng chỉ được 10 sinh viên; hay 25 chỉ tuyển chỉ được 12 sinh viên nhập học”, thầy Dũng chia sẻ.

Theo thầy Dũng, có rất nhiều nguyên nhân khiến ngành Địa chất học khó tuyển sinh. Trong đó, có do điều kiện lao động của ngành Địa chất học, trắc địa, bản đồ có phần khắc nghiệt. Chính sách đối với ngành học không có, không nhiều hoặc không ổn định nên khó hấp dẫn sinh viên.

Cần giải pháp đồng bộ từ nhà nước, doanh nghiệp và trường học

“Khắc phục bài toán tuyển sinh, trường mở đa dạng các ngành hẹp liên quan đến địa chất như: Kỹ thuật địa chất, Địa kỹ thuật xây dựng, Kỹ thuật tài nguyên nước, Du lịch địa chất, Đá quý đá mỹ nghệ… để đào tạo chuyên sâu, tập trung, giúp sinh viên trang bị kiến thức, đáp ứng nhu cầu thực tiễn", thầy Dũng chia sẻ.

Song song với việc mở mới các ngành học mới, Khoa Khoa học địa chất và Kỹ thuật địa chất tích cực đổi mới chương trình, phương pháp giảng dạy, cải tiến nâng cao chất lượng đầu ra sinh viên thông qua việc tập trung đầu tư giảng dạy, tạo mọi điều kiện để sinh viên được tham gia các chương trình, trải nghiệm nghiên cứu và mời các chuyên gia nổi tiếng trong, ngoài nước về giảng dạy để truyền đạt ý tưởng, cảm hứng cho sinh viên.

Đặc biệt, Khoa Khoa học địa chất và Kỹ thuật địa chất nỗ lực đổi mới tư duy, ngoài dạy học cũng sẽ kết hợp đầu tư, nghiên cứu để đóng góp cho sản xuất xã hội. Đặc biệt, các dự án khó, đòi hỏi hàm lượng chất xám cao mà ít đơn vị đảm nhận thì sẽ đầu tư làm.

“Có cử nhân dù đam mê nghiên cứu Địa chất nhưng không học cao học vì chính sách ưu đãi không thuận lợi. Hơn nữa, có những tiến sĩ, viện sĩ thu nhập chỉ 3-5 triệu đồng/tháng, mà còn không ổn định”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng chia sẻ.

Bàn về những khó khăn, theo thầy Dũng, để bắt nhịp xu thế mở ngành đào tạo liên quan đến địa chất, ngành Du lịch địa chất lâu nay chưa có cơ sở nào đào tạo trong khi Việt Nam có rất nhiều danh lam thắng cảnh, công viên địa chất toàn cầu… Do đó, ngành Du lịch địa chất sẽ là ngành đào tạo chuyên sâu, sinh viên theo học được hỗ trợ rất nhiều. Hay các ngành Đá quý đá mỹ nghệ đang được thị trường quan tâm và phát triển, nhưng ngành học, người học lại không có.

Cũng theo thầy Dũng, trong bối cảnh tự chủ tài chính, không tuyển được sinh viên là vấn đề khó khăn mà nhà trường, Khoa Khoa học địa chất và Kỹ thuật địa chất đang rất trăn trở.

"Dạy lớp ít sẽ thuận lợi nhiều cho sinh viên, nhưng Khoa Khoa học địa chất và Kỹ thuật địa chất muốn tự chủ được thì phải tuyển sinh. Không tuyển được sinh viên, không trả được lương cho giảng viên thì Khoa làm sao tự chủ?

Do vậy, với những ngành học đang khó tuyển sinh, nếu giao tự chủ hoàn toàn thì vừa khó khăn, vừa ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài của đất nước về đào tạo nguồn nhân lực ngành Địa chất nói riêng và các ngành khoa học cơ bản nói chung”, thầy Dũng trăn trở.

Có thể thấy, khoa học cơ bản là nền tảng của các lĩnh vực công nghệ mới. Không có nghiên cứu cơ bản thì sẽ không có sản phẩm công nghệ cao, nền kinh tế mất dần năng lực cạnh tranh. Do đó, rất cần giải pháp đồng bộ từ 3 bên: nhà nước, doanh nghiệp và trường học.

Thiết nghĩ, nhà nước cần xây dựng thêm chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nghiên cứu phát triển. Có chính sách đặt hàng với trường đại học đào tạo các ngành Khoa học tự nhiên và Khoa học sự sống. Doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và mở các trung tâm nghiên cứu.

Ngọc Mai