Nhiều nhà đầu tư lớn dịch chuyển đến Việt Nam, giỏi nghề sẽ có nhiều cơ hội

21/09/2019 05:49
Thùy Linh
(GDVN) - Hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả kỹ năng.

Tại hội thảo giáo dục 2019 với chủ đề “Phát triển giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh chuyển đổi mô hình tăng trưởng và hội nhập quốc tế”, bà Wendy Cunningham - chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam nhấn mạnh, đào tạo nghề rất quan trọng với mỗi quốc gia.

Cùng với đó, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, ngoài chuyên môn, kỹ năng mềm, kỹ năng hợp tác, làm việc nhóm cũng phải được đề cao.

Theo bà Wendy Cunningham, hiện nay, nhiều nhà đầu tư lớn đang đầu tư vào Việt Nam, dịch chuyển nhà máy sản xuất tới Việt Nam, do đó lao động Việt Nam càng cần phải được đào tạo nghề, bao gồm cả những kỹ năng. 

Trong khi đó, hiện nay nhiều lao động Việt Nam chưa sẵn sàng tham gia vào chuỗi cung ứng lao động toàn cầu bởi trình độ nghề và năng suất lao động còn thấp. 

Cụ thể, trình độ lao động Việt Nam hiện nay chưa có khả năng cạnh tranh cao, 67% lao động trẻ mới chỉ có trình độ trung học cơ sở trở xuống, đó là thách thức lớn đối với nguồn nhân lực của Việt Nam, đòi hỏi Việt Nam phải có chính sách phù hợp để thúc đẩy chất lượng nguồn nhân lực.

Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Wendy Cunningham (Ảnh: Khánh Duy)
Chuyên gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Wendy Cunningham (Ảnh: Khánh Duy)

“Một trong những vấn đề mà nhà đầu tư quyết định khi chọn quốc gia để đầu tư, đó chính là năng suất của người lao động. Đây là điều mà lao động Việt Nam đang kém cạnh tranh. Việt Nam phải nâng cao năng suất lao động”, bà Wendy Cunningham khuyến cáo.

Trước đó, báo cáo của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết, tính đến tháng 6/2019, cả nước có 1.917 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó 400 trường cao đẳng, 492 trường trung cấp, 1.025 trung tâm giáo dục nghề nghiệp.

Như vậy, so với năm 2018, giảm 37 cơ sở (giảm 1,2%), tính riêng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm khoảng 4,28%. Ước hết năm 2019 còn 1.904 cơ sở (giảm bình quân 2,56% cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập, trong đó các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập giảm 4,92% so với năm 2018.

Hiện nay Bộ này đang xây dựng Đề án sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 theo hướng phân tầng:

Tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao thì được Nhà nước đầu tư trọng điểm; tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp tự chủ thì gắn với đặt hàng của Nhà nước và doanh nghiệp; tầng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc thù được Nhà nước đầu tư, giao kinh phí hoạt động thường xuyên theo Đề án phát triển và nâng cao chất lượng đã được phê duyệt.

Doanh nghiệp và giáo dục nghề nghiệp nhận diện điểm mạnh, điểm yếu

Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cũng cho biết, từ năm 2017-2018, một phần do hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã vận hành ổn định, một phần do thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tư vấn tuyển sinh nên kết quả tuyển sinh đã có những biến chuyển tốt hơn so với năm 2016.

Trong 2 năm (2017 - 2018) đã tuyển được hơn 2,2 triệu người/năm. Nhiều trường cao đẳng đã thực hiện tuyển sinh theo mô hình 9+ với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở để học liên thông lên trình độ cao đẳng. Người học vừa được học văn hóa trung học phổ thông vừa được đào tạo nghề nghiệp.

Đây là mô hình đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới, giúp rút ngắn thời gian và chi phí đào tạo để người học sớm tham gia thị trường lao động. Đây cũng đang được xem là giải pháp đột phá cho giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới và là hướng đi hiệu quả trong tháo gỡ nút thắt phân luồng sau trung học cơ sở tại Việt Nam.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã trình Chính phủ lựa chọn 86 trường để tập trung ưu tiên đầu tư đồng bộ trở thành trường chất lượng cao.  

Hiện Bộ này đang triển khai theo các bộ chương trình chuyển giao cấp độ quốc tế từ Úc và Đức cho khoảng 2.000 sinh viên, để khi tốt nghiệp ra trường sinh viên sẽ được cấp 2 bằng (bằng cao đẳng của Việt Nam và bằng của Úc hoặc của Đức).

Lần đầu tiên thí điểm đào tạo tiến sĩ định hướng ứng dụng nghề nghiệp

Người học ngoài việc có kỹ năng nghề nghiệp được quốc tế công nhận còn có năng lực tiếng Anh thấp nhất đạt trình độ B1 đến B2 theo Khung năng lực ngoại ngữ châu Âu để tham gia thị trường lao động trong nước, khu vực ASEAN và quốc tế hoặc có thể học liên thông lên trình độ đại học tại hệ thống các trường đại học của Úc, Đức.

Bên cạnh việc chuyển giao chương trình và đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao từ Úc, Đức, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội còn phối hợp với chuyên gia, các tổ chức quốc tế thí điểm xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận năng lực theo tiêu chuẩn của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc; thí điểm đào tạo theo mô hình “đào tạo nghề kép” của Đức, Thụy Sỹ…

“Trên 80% người học tìm được việc làm hoặc tự tạo việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, ở một số nghề và một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỷ lệ này đạt gần 100%”, lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhấn mạnh.

Tuy vậy, hàng loạt những khó khăn, yếu kém của giáo dục nghề nghiệp cũng đã được lãnh đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chỉ ra, nhận diện.

Trong suốt thời gian qua, sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng về giáo dục nghề nghiệp ở một số địa phương chưa đầy đủ, thậm chí còn coi nhẹ.

Một bộ phận xã hội vẫn chưa nhận thức đúng về vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp trong đào tạo nguồn nhân lực. Tâm lý coi trọng bằng cấp vẫn còn. Việc định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông không đạt mục tiêu đề ra.

Cơ cấu trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp vẫn còn chưa hợp lý, chủ yếu vẫn là đào tạo trình độ sơ cấp và đào tạo thường xuyên, ngắn hạn (chiếm 75%), trình độ trung cấp, cao đẳng chỉ chiếm khoảng 25% trên tổng số tuyển sinh.

Chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa gắn bó hữu cơ với nhu cầu nhân lực của từng ngành, lĩnh vực cụ thể và yêu cầu của đổi mới cơ cấu kinh tế - xã hội.

Việc gắn kết với doanh nghiệp còn nhiều hạn chế; chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của doanh nghiệp chỉ được sử dụng, tuyển dụng lao động phải qua đào tạo nghề nghiệp ở tất cả các lĩnh vực lao động theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp …

Thùy Linh