Nhiều phụ huynh rơi vào vòng xoáy kim tiền, không còn thời gian dạy con

18/05/2021 11:45
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Giáo sư Huỳnh Văn Sơn: "Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và có hành vi bạo lực thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết".

Bạo lực học đường đang là vấn nạn nhức nhối của xã hội. Nghiêm trọng hơn, bạo lực đang diễn ra từ đời thực đến không gian mạng, thậm chí, nhiều học sinh đã phải lựa chọn cái chết sau khi bị biến thành nạn nhân của “bắt nạt học đường”.

Ngày 31/3 báo Tuổi trẻ đưa tin, 2 nữ sinh sau khi mâu thuẫn với nhau trên mạng xã hội, đã hẹn nhau ở Sân bay Cà Mau để "nói chuyện". Video ghi lại cảnh một nữ sinh cầm mũ bảo hiểm đập liên tiếp vào đầu bạn đã khiến dư luận dậy sóng.

Trước đó một ngày (30/3), cũng trên báo Tuổi trẻ đưa tin một bé gái 13 tuổi tại Long An đã uống thuốc trừ sâu tự tử vì bị tẩy chay ở trường lớp và bị bắt nạt hội đồng trên mạng xã hội. May mắn là em đã được người nhà đưa đi cấp cứu kịp thời và về nhà sau 1 tuần điều trị. (2)

Theo thông tin từ báo điện tử VTV ngày 9/4/2021, tại một trường cấp 3 của tỉnh Thanh Hóa, có những nạn nhân bị bắt nạt trên mạng với tổn thương tâm lý nặng nề. Xung quanh, bạn bè của các em, có người từng bỏ học, có người đã mãi mãi ra đi vì tự kết liễu đời mình, khi không thể chịu được áp lực từ việc bị bắt nạt.

Và mới đây, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa, vào ngày 6/5 tại Quảng Nam, một học sinh lớp 8 đánh một học sinh lớp 7 trên cầu Bình Đào đến mức nạn nhân phải nhập viện điều trị.

Những vụ bạo lực học đường liên tiếp diễn ra trong thời gian gần đây tiếp tục trở thành những hồi chuông mới với ngành giáo dục và các địa phương.

Bao nhiêu phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa?

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho rằng, phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng giúp con trẻ tránh được vấn đề bạo lực. Ảnh: NVCC.

Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho rằng, phụ huynh có vai trò vô cùng quan trọng giúp con trẻ tránh được vấn đề bạo lực. Ảnh: NVCC.

Chia sẻ quan điểm với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư-Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng, đa số các em học sinh chưa ý thức được hết những hành vi do mình thực hiện có thể gây ra những hậu quả không tốt cho người khác và cho bản thân. Đặc biệt, học sinh trung học với những biến đổi bất thường về tâm lý sẽ dẫn đến những hành vi bạo lực học đường của các em…

Chính học sinh thừa nhận mình đang bị dồn nén, chính các em có nhiều điều muốn nói nhưng cũng không biết phải giải tỏa như thế nào. Xung năng ấy đã thôi thúc các em phản ứng bằng những hành vi xa lạ.

Các em đánh nhau để khẳng định mình, để giải tỏa tâm lý, đánh nhau vì những mâu thuẫn không được giải quyết, đánh nhau để dằn mặt đối tượng, để gây scandal…

Và cũng không ít phản ứng tiêu cực tự hủy hoại chính mình sau khi bị bạo lực bởi chẳng thể có cách ứng xử nào khác vì bị hẫng hụt và áp lực.

Cũng theo Giáo sư Huỳnh Văn Sơn, vấn nạn bạo lực học đường từ đời thực đến không gian mạng hiện nay đang diễn ra không chỉ ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang xem xét và có những chương trình hành động rất quyết liệt cho vấn đề này.

Điều đáng lo ngại là bạo lực học đường đã xuất hiện và tồn tại ở nhiều dạng thức và mức độ khác nhau.

Với học sinh có thể có hai dạng phản ứng xúc cảm có thể nảy sinh: thứ nhất, phản ứng xúc cảm thụ động là không làm gì mà chỉ chờ cho nó qua đi, sự phản ứng xúc cảm thụ động này lâu dài có thể làm cho cảm xúc bị chai sạn, khô khan.

Thứ hai, sự thay đổi cảm xúc trở nên rõ nét hơn, phát sinh những cảm xúc tiêu cực điển hình như: dễ bị kích thích (bực bội, cáu gắt vô cớ, mất bình tĩnh), lo sợ, bất an, lo lắng quá nhiều về những điều nhỏ nhặt, thiếu tự tin, dễ chán nản, buồn bã và mất mọi hứng thú, thấy khó chịu ngay cả với những điều bình thường,…

Chính những phản ứng xúc cảm này làm cho mối quan hệ với những người xung quanh trở nên khó khăn, nhất là đối với những người thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với mình… Hậu quả này không hẳn là sự võ đoán, cũng không phải là sự phân tích thiếu luận chứng nhưng đó là những nguy cơ có thể xảy ra… Điều này cho phép khẳng định những gì xảy ra trên mạng phản ánh một sự hẫng hụt của đời thường ở chính các em

Ngoài ra, vấn nạn bạo lực học đường đang diễn ra cho thấy việc quan tâm đến văn hóa mạng có vấn đề của con người và nhất là giới trẻ và học sinh.

Chúng ta phải hết sức nghiêm túc đầu tư và nhìn lại những chương trình hành động để có thể hiểu và cảm nhận được những gì đang xảy ra với chúng ta khá phức tạp trong một xã hội nhiều biến động, nhất là văn hóa trên mạng…

Theo kết quả nghiên cứu của nhóm nghiên cứu mạnh của Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện trong 3 năm từ năm 2016 đến 2018 thì đa phần học sinh đã nhận thức đúng về bạo lực học đường. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận học sinh chưa hiểu hết về tình trạng này.

Có tới 41,4% học sinh cho rằng việc đem giới tính của bạn bè để trêu chọc là vui thôi chứ không phải là bạo lực học đường; 36,4% học sinh cho rằng việc chinh phục bằng mọi cách một bạn khác giới kể cả việc nhắn tin dọa yêu chỉ là sự cuồng nhiệt trong tình cảm học trò chứ không thể là bạo lực học đường.

Từ nhận thức không đầy đủ này, học sinh sẽ khó có thái độ và hành vi đúng đắn, thậm chí là thực hiện các hành vi bạo lực mà không ý thức được về hành vi của mình.

Riêng về bạo lực trên mạng vẫn diễn ra bằng nhiều hình thức và chính các em cũng chưa hiểu rõ về vấn đề này nên đã vô tình trở thành nạn nhân hay người bạo lực người khác.

Bàn về nguyên nhân của bạo lực học đường, chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn cho rằng, cần đặt vấn đề từ góc nhìn gia đình, nhà trường và xã hội để lý giải.

“Nếu chúng ta cho rằng gia đình là tế bào của xã hội, là trường học đầu tiên thì bao nhiêu bậc phụ huynh quan tâm đến con cái mình một cách đúng nghĩa?

Thời gian dành cho việc trò chuyện với con không có, điều kiện để uốn nắn cũng không. Nhiều bậc phụ huynh rơi vào vòng xoáy của chuyện kim tiền và có hành vi bạo lực thì thử hỏi sao mọi chuyện có thể được giải quyết.

Và nếu bảo rằng trường học là xã hội thu nhỏ thì sao trường học có thể miễn nhiễm từ xã hội? Đó là chưa kể ngay trong môi trường học đường, việc dạy làm người còn thực hiện chưa đến, chưa đều, chuyện chỉ dồn ép để học tập vẫn được đặt ra như một yêu cầu tối quan trọng.

Rồi việc thiếu mềm mại trong cách thức giáo dục, thiếu đầu tư cho việc tìm hiểu và tác động giáo dục... Không ít thầy cô giáo vẫn cho rằng mình là bậc bề trên, thời gian đâu để lắng nghe, điều kiện đâu để tìm hiểu hoàn cảnh học sinh?

Xã hội có quá nhiều điều cần suy ngẫm xoay quanh chuyện môi trường lớn của sự phát triển nhân cách. Hàng ngày, hàng giờ, sự thu nạp những hình ảnh thực tế của đứa trẻ đang trưởng thành vẫn diễn ra trong khi chính chúng ta đang gặp khó khăn và quá trình điều chỉnh xã hội vẫn còn vấn đề…”, thầy Sơn phân tích.

Vụ việc nữ sinh lớp 8 hành hung nữ sinh lớp 7 trên cầu Bình Đào xảy ra vào ngày 06/5/2021. Ảnh từ clip.

Vụ việc nữ sinh lớp 8 hành hung nữ sinh lớp 7 trên cầu Bình Đào xảy ra vào ngày 06/5/2021. Ảnh từ clip.

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Một điều đáng lo ngại là trong xã hội hiện đại ngày nay, thiết bị điện thoại thông minh đã trở nên phổ biến, đa số học sinh đều tham gia mạng xã hội, nhiều học sinh trở thành nạn nhân của “bắt nạt trực tuyến”.

Một khi các em không biết cách để làm chủ mạng xã hội hiệu quả thì việc đe dọa, tẩy chay hay bị tẩy chay bởi chính những bạn học của mình trên mạng xã hội hoàn toàn có thể xảy ra.

Theo nhận định của chuyên gia tâm lý Huỳnh Văn Sơn, văn hóa sử dụng mạng xã hội của học sinh đang có vấn đề. Những người trẻ, ngay cả những người tiếp cận công nghệ một cách rất nhanh chóng vẫn chưa thể bắt nhịp với những đòi hỏi của chính công nghệ.

Những biểu hiện đơn giản như đùa giỡn bằng cách đe dọa, gửi hình một cách vô tư, không kiểm soát, rủ một nhóm bạn cô lập bạn mình để trừng phạt, giả danh để lừa tin, để dọa nộp tiền... tất cả đều là hành vi có vấn đề mà chính các em cũng không nhận thức một cách đầy đủ và nghiêm túc.

Để chấm dứt tình trạng bạo lực học đường từ đời thực đến không gian mạng, vai trò giáo dục của gia đình, nhà trường và xã hội đều vô cùng quan trọng.

Cần nâng cao ý thức trách nhiệm và phát huy tối đa vai trò của các tổ chức và lực lượng sư phạm trong các trường phổ thông đối với công tác khắc phục tình trạng bạo lực học đường và bạo lực học đường trên mạng tại các trường phổ thông.

Bên cạnh đó, cần tác động tích cực đến phụ huynh và các lực lượng giáo dục khác để góp phần nâng cao hiệu quả công tác khắc phục tình trạng bạo lực thông qua hình thức truyền thông.

Cha mẹ cần thay đổi suy nghĩ và cách tiếp cận, quan tâm tới con như những người bạn để thấu hiểu, chia sẻ với những áp lực tâm lý mà trẻ phải đối mặt, động viên, khích lệ; phê bình con đúng mực xoay quanh vấn đề nhận thức, ứng xử.

Trường học cũng cần đổi mới nội dung, hình thức giáo dục về phòng chống bạo lực; Chú trọng bồi dưỡng những kỹ năng ứng xử - giao tiếp cho học sinh nhằm trang bị cho học sinh một số kỹ năng giao tiếp - ứng xử chuẩn mực hướng đến việc xây dựng văn hóa học đường theo hướng tích cực.

Mỗi giáo viên cần xây dựng ý thức, thói quen trong ứng xử giao tiếp một cách có văn hóa, cần tác động về mặt nhận thức của học sinh để có sự ứng xử chuẩn mực, định hướng những giá trị đích thực của con người. Chính cái lõi văn hóa và ứng xử văn hóa mới là tiêu điểm để giải quyết tận gốc vấn đề.

Phạm Minh