Nhiều thầy cô sa ngã vì lòng tham, lối sống thực dụng

27/06/2021 09:29
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN - Một bộ phận thầy, cô giáo chạy theo lối sống thực dụng khiến hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò.

Từ đầu năm 2021, cơ quan chức năng đã phát hiện ra nhiều sai phạm trong lĩnh vực liên doanh, liên kết đầu tư thiết bị y tế vào các cơ sở khám chữa bệnh, như vụ việc ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC Hà Nội), hay trường họp Công ty cổ phần công nghệ y tế BMS chỉ riêng từ đầu năm 2020 đến nay liên tiếp trúng gần 20 gói thầu về cung cấp vật tư và trang thiết bị y tế tại nhiều tỉnh, thành với giá trị từ vài tỉ đến vài trăm tỉ đồng.

Khi những sai phạm trong ngành Y đang được xử lý thì đã nổi lên sự việc tại Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Ninh.

Ngày 24/6/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 42/QĐ-CSKT-P9 về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh và các đơn vị liên quan trong việc thực hiện các Dự án đầu tư trang thiết bị giáo dục cho các trường mầm non, tiểu học, quy định tại Khoản 3, Điều 222, Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đáng buồn nhất là trong 15 bị can bị khởi tố có một cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh – Bị can Vũ Liên Oanh cùng các đồng phạm tại Sở này.

Bị can Vũ Liên Oanh - cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh (ảnh to) cùng các bị can trong vụ án. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an.

Bị can Vũ Liên Oanh - cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh (ảnh to) cùng các bị can trong vụ án. Ảnh: Cổng thông tin Bộ Công an.

Câu chuyện đấu thầu có nhiều vấn đề lùm xùm, thiếu minh bạch đã được không ít lần báo chí phản ánh, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thế nhưng, việc lùm xùm, mờ ám đã lan đến hai lĩnh vực nhạy cảm và quan trọng nhất: Giáo dục và Y tế.

Hai lĩnh vực được xã hội trọng vọng và đề cao tính đạo đức của nghề nghiệp. Nếu nghề bác sĩ là Lương y như từ mẫu thì nghề giáo được gọi là nghề cao quý của những nghề cao quý.

Nhưng thật tiếc, nghề cao quý vẫn thi thoảng bị bôi bẩn bởi những người thầy đã tự đánh mất mình trước "ma lực" của kim tiền.

Ngoài sự việc sai phạm tại Quảng Ninh mà cơ quan công an đang điều tra thì nhiều phương tiện truyền thông cũng đã đề cập tới dấu hiệu "lùm xùm" trong mua sắm, đầu tư trong lĩnh vực giáo dục tại một số địa phương.

Nhiều nơi cơ sở vất chất phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, các em học sinh chỉ mong có một lớp học kín gió. Ảnh chụp tại Nậm Ngà, Tà Tổng, Lai Châu. Ảnh: Lại Cường.

Nhiều nơi cơ sở vất chất phục vụ giáo dục còn thiếu thốn, các em học sinh chỉ mong có một lớp học kín gió. Ảnh chụp tại Nậm Ngà, Tà Tổng, Lai Châu. Ảnh: Lại Cường.

Thực tế cho thấy, bên cạnh những nhà giáo ngày đêm âm thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”, hun đúc nên sự vẻ vang của nền giáo dục nước nhà thì xã hội cũng băn khoăn, lo lắng trước một bộ phận thầy, cô giáo đã để lòng tham trỗi dậy, bị tha hóa đạo đức, nhân cách.

Một bộ phận thầy, cô giáo chạy theo lối sống thực dụng khiến hình ảnh của mình xấu dần trong mắt học trò.

Đau lòng hơn, còn có những thầy, cô lợi dụng uy tín của nhà giáo để thương mại hóa các hoạt động giáo dục, tham lam biển thủ công quỹ, làm méo mó hoạt động giáo dục…

Cũng đã có không ít hiệu trưởng đã bị cách chức, chuyển trường… thậm chí phải chịu nhiều tháng tù vì sai phạm trong quản lý, tư lợi cá nhân.

Và, sự việc cựu Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Ninh bị bắt vì liên quan đến sai phạm khi mua sắm trang thiết bị dạy và học cho học sinh mầm non, tiểu học một lần nữa khiến xã hội băn khoăn, lo lắng.

Vẫn biết thầy cô giáo, các cán bộ quản lý cũng là con người, do vậy, nhu cầu về vật chất là có thật. Nhưng vì tham mà làm bậy thì thật không thể chấp nhận với bất kỳ lý do gì.

Bởi các thầy cô giáo, những người làm quản lý giáo dục có sứ mệnh cao cả là cùng cấp ủy, chính quyền chăm lo việc học hành của con em nhân dân, phải có trách nhiệm với từng “đồng tiền bát gạo” mà người dân đã đóng góp.

Bên cạnh đó, các thầy cô giáo, những người làm quản lý giáo dục là những tấm gương soi chiếu, dẫn dắt con em nhân dân hướng về và thực hiện những điều tốt đẹp, văn minh để góp phần thúc đẩy xã hội phát triển, tiến bộ.

K.D.Usin-xki - nhà sư phạm lỗi lạc người Nga khẳng định: "Nhân cách của người thầy là sức mạnh có ảnh hưởng to lớn đối với học sinh, sức mạnh đó không thể thay thế bằng bất kỳ cuốn sách giáo khoa nào, bất kỳ câu chuyện châm ngôn đạo đức, bất kỳ một hệ thống khen thưởng hay trách phạt nào khác”. {1}

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định vấn đề then chốt quyết định chất lượng giáo dục là phải xây dựng được một đội ngũ đông đảo những người làm công tác giáo dục yêu nghề, yêu trường, hết lòng thương yêu chăm sóc, giáo dục học sinh, không ngừng trau dồi đạo đức, tự bồi dưỡng nâng cao tay nghề để thực sự là tấm gương sáng cho học sinh noi theo.{2}

Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, người thầy phải luôn không ngừng gương mẫu, bồi dưỡng đạo đức cách mạng để phụng sự nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng.

Muốn phụng sự nhân dân, để xã hội tôn kính, trước hết đội ngũ nhà giáo cần yêu nghề, yêu trường, tận tụy, tôn trọng, yêu mến người học và thường xuyên tự bồi dưỡng chuyên môn, học hỏi đồng nghiệp.

Có động cơ, thái độ, trách nhiệm tốt, thực sự yên tâm với nghề đã chọn, toàn tâm, toàn ý trong thực hiện nhiệm vụ, luôn có tinh thần say mê, sáng tạo, quyết tâm vượt mọi khó khăn để cống hiến sức lực trí tuệ cho từng tiết giảng, bài giảng.

Khắc phục mọi khó khăn trong cuộc sống đời thường để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Sự sa ngã của những người làm quản lý giáo dục với bất kỳ lý do gì đều gây ra ảnh hưởng xấu tới uy tín của ngành, thế nên dù đau đớn nhưng cần phải có biện pháp xử lý thích đáng.

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Bùi Thị An - Đại biểu quốc hội khóa 13 tỏ ra băn khoăn khi đặt câu hỏi, ngoài Quảng Ninh còn có tỉnh khác xuất hiện tình trạng như thế này hay không?

Bà An hy vọng câu trả lời sẽ là không, bởi nếu ngược lại thì vô cùng buồn cho giáo dục nước nhà.

Bà An chia sẻ: "Đảng, Nhà nước luôn coi giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, có sức mạnh nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xã hội, phát huy giá trị đất nước, văn hóa và con người Việt Nam.

Càng đặc biệt hơn khi những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đặc biệt là các chính sách đầu tư, đảm bảo tỷ lệ chi cho giáo dục từ 20% trở lên trong tổng ngân sách nhà nước.

Chúng ta đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai. Tuy nhiên, tôi cho rằng nếu không quản lý tốt, lĩnh vực này rất có thể xảy ra tiêu cực.

Tôi cũng đã nghe những câu chuyện như vậy râm ran từ lâu, sự việc xảy ra ở Quảng Ninh cần phải xử lý nghiêm minh, đồng thời cũng phải nâng cao cơ chế giám sát không để xảy ra chuyện tương tự.

Tại sao chúng ta có nhiều quy định quản lý như vậy nhưng vẫn xảy ra tiêu cực? Tổ chức đảng ở đơn vị phải chăng chưa phát huy được vai trò của mình?

Tôi cho rằng nên có sự rà soát trong toàn ngành giáo dục để ngăn chặn những vấn đề đáng tiếc như tại Quảng Ninh, nếu phát hiện sai phạm phải lập tức xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm".

Tài liệu tham khảo:

[1].http://www.xaydungdang.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=9901&print=true

[2].https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/11/20/tu-quan-diem-cua-chu-tich-ho-chi-minh-ve-nha-giao-den-viec-nang-cao-chat-luong-doi-ngu-giang-vien-o-nuoc-ta-hien-nay/

Trần Phương