Nhiều tình huống trong cuộc sống được đưa vào đề thi Khoa học xã hội

27/06/2019 14:31
Thùy Linh
(GDVN) - Ngày 27/6, thí sinh cả nước đã làm bài thi cuối cùng của Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2019, bài thi Khoa học Xã hội.

Sau khi các thí sinh hoàn thành bài thi, nhiều giáo viên đã có nhận xét về đề thi 3 môn Sử, Địa, Giáo dục công dân trong bài thi tổ hợp Khoa học xã hội. 

Cụ thể, cô giáo Phạm Thị Mỹ Linh, giáo viên môn Địa lý, Trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng:

Đề thi môn Địa lý trong kỳ thi trung học phổ thông năm 2019 không quá khó. Các câu hỏi ở mức độ cơ bản chiếm khoảng 60 -70%.

Có 4 câu hỏi liên quan đến kiến thức lớp 11, trong đó có 2 câu hỏi về kỹ năng xử lý số liệu và nhận dạng biểu đồ, 2 câu còn lại tập trung vào phần lý thuyết của khu vực Đông Nam Á, các câu hỏi này không làm khó học sinh. 

Số câu hỏi sử dụng Atlat Địa lí Việt Nam có 11 câu, đây là những câu hỏi giúp học sinh lấy điểm rất dễ dàng vì đó đều là dạng nhận biết cơ bản. Đa số các câu hỏi tập trung vào phần Địa lý các ngành kinh tế và Địa lí các Vùng kinh tế. 

Đây cũng là nội dung kiến thức học sinh được học tập và ôn luyện nhiều nhất.

Sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, các thí sinh rất vui vẻ (ảnh: Trinh Phúc).
Sau khi hoàn thành môn thi cuối cùng, các thí sinh rất vui vẻ (ảnh: Trinh Phúc).

Các câu hỏi vận dụng cao có tính phân hóa rõ rệt, đòi hỏi học sinh cần tư duy, các câu hỏi này đều tập trung vào việc yêu cầu học sinh chọn giải pháp chủ yếu nhất, nghĩa là cả 4 đáp án đều có ý đúng nhưng học sinh phải suy nghĩ kỹ để lựa chọn được đáp án nào đúng nhất, như các câu 72, 74, 75, 79, hay các câu đòi hỏi học sinh phải hiểu bản chất của vấn đề như 61, 63, 67… (mã đề 301). 

Nhìn chung, đề thi của môn Địa lý không quá gây áp lực cho thí sinh do có khá nhiều các câu hỏi kỹ năng giúp học sinh dễ dàng đạt điểm tối đa nội dung đó.

Đánh giá về đề thi môn Lịch sử, cô Phạm Thị Thanh Huyền, giáo viên Lịch sử, Trường Trung học phổ thông Việt Đức (Hà Nội) khẳng định:  "Đề thi đúng với cấu trúc đề tham khảo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có 90% kiến thức lớp 12, 10% kiến thức lớp 11".

Cô Huyền cho rằng, đề thi kiến thức đủ, trọng tâm, cơ bản. Học sinh học lực trung bình khá đến khá có thể đạt được 6 - 7,5 điểm. Nhìn chung, hình thức các câu hỏi rõ ràng, tường minh, không lắt léo, không đánh đố. 4 đến 6 câu khó đến rất khó  để phân hóa đánh giá chính xác năng lực học sinh.

Môn Địa lí khó có nhiều điểm 10
Môn Địa lí khó có nhiều điểm 10

Các câu hỏi trong đề thi rộng, bao gồm các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, chiến tranh giải phóng dân tộc… có những câu hỏi thực tiễn, hướng đến đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh.

Đây là những câu hỏi hay ở câu 35, 39, 40 đòi hỏi học sinh biết vận dụng kiến thức tổng hợp, hiểu sâu sắc kiến thức mới có thể làm được. 

Tuy nhiên, có một số câu hỏi lặp lại cùng một vấn đề. Ví dụ như cùng hỏi về cách mạng tháng Tám, 1945 (câu 29, 34, 35 dễ gây nhàm chán).

Trong khi đó, cô giáo Phạm Thị Vân Anh, Giáo viên môn Giáo dục Công dân, Trường Trung học phổ thông Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) thì đánh giá:

Đề bám sát chương trình cơ bản, theo đúng cấu trúc đề từ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề cũng bám sát đề tham khảo của Bộ. Cấu trúc đề rất hay, ý nghĩa, rõ ràng và mạch lạc. Những câu vận dụng mang tính chất thực tiễn giúp học sinh nhận biết và lựa chọn được những đáp án chính xác. 

Đề chủ yếu tập trung vào kiến thức lớp 12 bám sát chương trình sách giáo khoa, các câu tình huống chủ yếu rơi vào các quyền tự do cơ bản, quyền tự do dân chủ của công dân, quyền bình đẳng trong lao động, bình đẳng trong hôn nhân và gia đình.

Đa số thí sinh bằng lòng với cấu trúc đề thi quốc gia năm 2019
Đa số thí sinh bằng lòng với cấu trúc đề thi quốc gia năm 2019

Đây là những kiến thức căn bản, giúp học sinh có hành trang tốt khi bước vào cuộc sống. 

Khi làm đề này, học sinh có cảm giác như mình đang trực tiếp giải quyết các tình huống thực tế mà các em sẽ gặp trong cuộc sống. 

Đề có cả kiến thức lớp 11, chủ yếu rơi vào phần kinh tế là phần kiến thức học kỳ 1. Đó là phần câu hỏi nhận biết, không làm khó học sinh. Đề có cá những câu có đáp án nhiễu, học sinh phải nắm chắc kiến thức pháp luật mới giải quyết được. 

Đề cũng mang tính thời sự, cập nhật được nhiều tình huống trong cuộc sống.

Ví dụ ở mã đề 421, câu 105 giúp học sinh ở lứa tuổi vị thành niên ứng dụng sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể thực hiện giao kết hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật; câu 114 về quyền bầu cử, ứng cử giúp học sinh thực hiện tốt được nguyên tắc bầu cử.

Mức độ phân hóa của đề khá cao, nhất là những câu vận dụng tình huống. Học sinh có thể làm được 9-9,5 điểm, điểm 10 sẽ hiếm. 

Với cách ra đề như thế này, môn Giáo dục Công dân trong chương trình giáo dục phổ thông mới với tên gọi là môn Kinh tế và Pháp luật sẽ giúp học sinh hứng thú hơn với môn học này, có kiến thức căn bản làm hành trang giúp các em có thể học tốt ở các trường đại học có chuyên ngành kinh tế. 

Thùy Linh