Nhiều trường ở Sài Gòn muốn chương trình mới giảm tải hơn nữa

01/04/2018 06:10
Phương Linh
(GDVN) - Các trường phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới chưa đáp ứng được yêu cầu giảm tải kiến thức.

Ngày 31/3, đoàn công tác của Bộ Giáo dục và Đào tạo do Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ dẫn đầu đã có chuyến thăm, làm việc với các trường học tại Thành phố Hồ Chí Minh về công tác ôn tập cho học sinh chuẩn bị thi đầu cấp, tồn tại trong quản lý và hoạt động giáo duc trong nhà trường, lấy ý kiến góp ý vào dự thảo chương trình phổ thông mới.

Tại trường trung học phổ thông Trưng Vương, quận 1, cô Trương Thị Bích Thủy – Hiệu trưởng cho biết: Hiện toàn trường có 45 lớp, với trung bình mỗi khối học là hơn 600 học sinh.

Bắt đầu từ năm học 2011 – 2012, trường thực hiện việc học 2 buổi/ngày theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hướng dẫn của lãnh đạo ngành tại thành phố.

Cô Thủy chia sẻ: Trong thời gian đầu, chương trình học buổi 2 của nhà trường chỉ đáp ứng được yêu cầu tăng tiết của chương trình dạy học tại buổi học chính khóa, buổi sáng.

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Ban Giám hiệu Trường Trưng Vương chụp hình sau buổi làm việc (ảnh: CTV)
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ và Ban Giám hiệu Trường Trưng Vương chụp hình sau buổi làm việc (ảnh: CTV)

Thế nhưng, thời gian gần đây, việc học buổi 2 đã được nhà trường chuyển sang hình thức dạy học các môn học tự chọn. Học sinh được tự chọn, học các môn yêu thích, hoặc cần tăng cường, bổ sung thêm kiến thức.

Trường Trưng Vương thực hiện phân chia theo trình độ đối với các lớp, bố trí giáo viên dạy phù hợp với từng trình độ.

Ngoài ra, trong buổi hai nhà trường còn sử dụng để làm các buổi nói chuyện, hướng nghiệp không chỉ đối với học sinh của lớp 12, mà còn cả đối với học sinh của khối 10, 11.

Học sinh của trường sẽ được hướng nghiệp từ rất sớm, sâu, tham quan các trường đại học, cơ sở đào tạo nghề để giúp cho học sinh có hành lang, kiến thức vững chắc trước khi chọn lựa nghề nghiệp cho riêng mình.

Việc ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia, cô Trương Thị Bích Thủy chia sẻ: Nhà trường đã chủ động nắm bắt, định hướng từ rất sớm các nội dung ôn tập cho học sinh. Kế hoạch này được lãnh đạo trường, lãnh đạo các tổ bộ môn chuẩn bị từ rất sớm.

Việc phụ đạo đối với học sinh yếu được giáo viên của trường thực hiện thường xuyên, không thu học phí. Năm học trước, 30 em học sinh học yếu sau khi phụ đạo đã đậu tốt nghiệp 100%.

Thay mặt lãnh đạo Trường Trưng Vương, cô Trương Thị Bích Thủy đề xuất: Hiện nay, cái khó của chương trình hiện hành là quy định cứng số tiết học của từng ngày, từng buổi học, khiến cho trường gặp khó khăn trong việc bố trí hoạt động dạy học.

Trường kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có cơ chế mở. Các trường có thể linh động từ thực tế tình hình giảng dạy của nhà trường.

Ví dụ: Bộ Giáo dục có thể quy định số tiết dạy chung cho cả tuần ở từng môn học, chứ không phải theo buổi, theo ngày như hiện nay. Từ thực tế đó, nhà trường sẽ dựa vào để sắp xếp thời gian dạy học phù hợp, tránh việc áp lực dồn tiết, chủ động phân bổ giáo viên.

Theo đoàn khảo sát Bộ Giáo dục và Đào tạo, một trong những điểm khó của việc dạy học buổi hai tại thành phố cũng như cả nước là cơ sở vật chất trường lớp.

Đối với dự thảo chương trình phổ thông mới, các ý kiến trình bày tại buổi làm việc cho thấy, chương trình đã chưa đáp ứng được yêu cầu giảm tải tối đa kiến thức, áp lực học đối với học sinh.

Môn Vật lý, Hóa học, các trường kiến nghị cần tăng thời gian thực hành, giảm tải các kiến thức không cần thiết đối với học sinh phổ thông, đảm bảo tính xuyên suốt của chương trình, tránh việc các kiến thức đã được học ở cấp dưới lại được lên cấp trên dạy.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Nguyễn Hữu Độ đề nghị, công tác ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới, các trường cần thực hiện trên tinh thần “không bỏ sót học sinh, không một học sinh nào bị lãng quên”.

Ngoài việc bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khá giỏi, các trường cần chú ý công tác phụ đạo cho học sinh yếu, để các em không bị rớt tốt nghiệp.

Việc góp ý cho dự thảo chương trình giáo dục phổ thông mới, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho rằng, đây là công việc rất quan trọng.

Các trường cần ghi biên bản góp ý, gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo, rồi Sở sẽ tập hợp các ý kiến này gửi về Bộ xem xét, tổng hợp để tiếp thu, sửa đổi cho hoàn thiện chương trình ngày càng tốt hơn.

Ngay sau khi làm việc tại Trường Trưng Vương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cùng đoàn công tác đã đến thăm, làm việc với Trường trung học cơ sở Lý Thánh Tông, quận 8.

Phương Linh