Nhiều xã thuộc huyện Bình Chánh xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp trầm trọng

18/08/2022 06:54
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B của huyện Bình Chánh chỉ có duy nhất 1 trường tiểu học ngoài công lập.

Tính đến tháng 6/2022, dân số của huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh là hơn 810.000 dân. Như vậy, cùng với quận Bình Tân thì huyện Bình Chánh cũng là một địa phương có tốc độ gia tăng dân số cơ học cao của Thành phố Hồ Chí Minh.

Do đó, học sinh ở các cấp học, bậc học năm nào của huyện cũng tăng, kéo theo tình trạng xây dựng trường lớp luôn không đủ với thực tế.

Xã 170.000 nhân khẩu, nhưng chỉ có 2 trường trung học cơ sở

Tính đến năm học 2022 – 2023, số học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở trên địa bàn huyện Bình Chánh vào khoảng 100.000 em, tăng hơn 22.000 học sinh so với năm học trước.

Huyện vẫn tiếp tục huy động 100% trẻ 5 tuổi sinh sống trên địa bàn Bình Chánh vào học lớp mẫu giáo. Tỷ lệ huy động trẻ vào các nhóm trẻ ở độ tuổi Lớp Mầm, Lớp Chồi luôn đạt tỷ lệ cao.

Công tác tuyển sinh vào các lớp đầu cấp, nhất là học sinh vào lớp 6 dù trên địa bàn không xảy ra tình trạng thiếu trường đồng loạt, nhưng ở một vài xã vẫn xảy ra tình trạng căng thẳng về mặt trường lớp.

Cụ thể, tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh với dân số là 170.000 dân, nhưng chỉ có duy nhất 2 trường trung học cơ sở là Đồng Đen và Vĩnh Lộc A.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh (ảnh: P.L)

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh (ảnh: P.L)

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, bà Nguyễn Thị Mỹ Châu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hai trường trung học cơ sở nằm trên địa bàn xã này hoàn toàn không thể tiếp nhận hết số học sinh lớp 5 của 4 trường tiểu học cùng xã.

Một số em phải bố trí sang học tại trường trung học cơ sở Vĩnh Lộc B, các em phải đi học xa, nhưng thuận đường.

Những em ở ấp 2, ấp 3 và một phần ấp 5 của xã này đang học tại Trường tiểu học Lại Hùng Cường phải phân tuyến các em sang Trường trung học cơ sở Võ Văn Vân ở xã Vĩnh Lộc B.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu cho hay, có những em phải đi học xa nhất là 7km, tuy đi xa nhưng đường đi cũng thuận lợi.

Ngoài xã Vĩnh Lộc A thì các xã Vĩnh Lộc B, Phạm Văn Hai cũng có tình trạng tương tự. Tổng số học sinh từ mầm non đến trung học cơ sở của cả 3 xã này là gần 35.000 em, nhưng cũng chỉ có 5 trường trung học cơ sở và 10 trường tiểu học công lập, 1 trường tiểu học ngoài công lập.

Đặc biệt, không có trường ngoài công lập nào ở bậc trung học cơ sở ở cả 3 xã nói trên.

Cũng theo bà Nguyễn Thị Mỹ Châu, các trường học trên cả 3 xã này phải luôn ở tình trạng tận dụng hết công suất phòng học, kể cả các phòng chức năng để dành cho học có chỗ học.

Sĩ số trung bình của học sinh lớp 6 trên địa bàn huyện thường cao nhất chỉ là 46 hay 47 học sinh/lớp.

Trường Trung học cơ sở Đồng Đen, một trong hai trường trung học cơ sở ở xã Vĩnh Lộc A (ảnh: website trường)

Trường Trung học cơ sở Đồng Đen, một trong hai trường trung học cơ sở ở xã Vĩnh Lộc A (ảnh: website trường)

Có khoảng gần 52% học sinh tiểu học, gần 48% học sinh trung học cơ sở của huyện được học 2 buổi/ngày.

Năm học sắp tới, có 7 trường tiểu học không thể sắp xếp học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 1,2,3 và 5 trường trung học cơ sở của huyện không thể sắp xếp học 2 buổi/ngày cho học sinh lớp 6,7.

Lý do được bà Nguyễn Thị Mỹ Châu giải thích, là vì các trường phải dành phòng học để tổ chức học 6 buổi/ tuần, đảm bảo các yêu cầu cần đạt của chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Hiện trên địa bàn 2 xã Phạm Văn Hai, Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B đang có một số dự án xây dựng trường được thực hiện, nhưng tiến độ chưa được như mong muốn. Nguyên nhân chính là do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Thiếu giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật, tiếng Anh

Bà Nguyễn Thị Mỹ Châu – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh cho hay, hiện tổng số giáo viên của huyện là 3.329 người, trong đó nhiều nhất vẫn là bậc tiểu học (1.612 người) và trung học cơ sở (1.115 người).

Năm học sắp đến, huyện có nhu cầu tuyển 519 giáo viên, trong đó có 225 giáo viên bậc trung học cơ sở.

Hiện huyện đang tiến hành công tác xét tuyển, đến đầu tháng 9 sẽ có kết quả, kịp cho năm học mới chính thức bắt đầu.

Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Bình Chánh, hiện số giáo viên các môn Âm nhạc, Mỹ thuật và tiếng Anh của huyện rất thiếu.

Nguyên nhân là do thù lao ở những môn này vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của giáo viên.

Để giải quyết tình trạng này, các trường thiếu giáo viên các bộ môn nói trên sẽ được thuê giáo viên hợp đồng, mời giáo viên thỉnh giảng ở các trường bạn, trong khi chờ đợi kết quả xét tuyển đợi giáo viên mới của huyện.

Ngoài ra, huyện cũng tổ chức tuyên truyền, vận động trong người dân có con em đang theo học những ngành này ra phục vụ cho ngành giáo dục của huyện.

Huyện cũng sẽ xây dựng, đề xuất thêm các chế độ, chính sách dành cho giáo viên những bộ môn có khó tuyển, có thể hỗ trợ thêm chi phí ăn ở cho các em sinh viên ở xa.

Hiện toàn huyện Bình Chánh có 6 xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa các giáo viên được thêm chế độ mỗi tháng 700.000 đồng, để các thầy cô yên tâm công tác, phục vụ cho ngành.

Cùng lúc, huyện cũng sẽ phối hợp với Trường Đại học Sài Gòn, Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh gặp, kêu gọi các em sinh viên từ năm 1 đến năm 4 có địa chỉ cư ngụ tại huyện Bình Chánh, mong các em học xong sẽ về đóng góp, phục vụ cho quê hương.

Việt Dũng