Nhìn lại năm 2021 và những thay đổi tác động trực tiếp đến hàng triệu giáo viên

03/01/2022 06:42
NGUYỄN CAO
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hạng mới, lương mới chưa thấy đâu nhưng giáo viên đã bỏ ra một số tiền để học chứng chỉ, nâng chuẩn và nhiều nhà giáo còn thất vọng vào chính sách mới của ngành.

Những tờ lịch cuối cùng của năm 2021 đã khép lại một năm đầy khó khăn, biến động của ngành giáo dục khi mà dịch bệnh Covid-19 diễn ra phức tạp suốt thời gian dài ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước.

Nhìn lại một năm qua, ngành giáo dục có rất nhiều việc đã làm được để vượt qua những khó khăn, thử thách nhưng cũng có nhiều việc để lại những dư âm, những điều chưa đồng thuận trong đội ngũ nhà giáo.

Năm cũ đi qua, một năm mới lại về với bao nhiêu điều hy vọng vào sự tiến bộ, đổi thay của toàn ngành giáo dục trong một năm mới. Và, trong thời khắc này, chúng tôi điểm lại một số sự kiện giáo dục “nổi bật” được đội ngũ nhà giáo quan tâm, phản ánh nhiều nhất trong năm 2021.

Bởi, đó là những sự kiện có tác động trực tiếp đến đội ngũ nhà giáo - những người đang hằng ngày giảng dạy ở các nhà trường.

Việc thực hiện các kế hoạch theo Công văn 5512 tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ nhà giáo (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Việc thực hiện các kế hoạch theo Công văn 5512 tạo ra nhiều áp lực cho đội ngũ nhà giáo

(Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

1. Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT

Ngày 02/2/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các nhà trường từ mầm non đến trung học phổ thông công lập và chùm Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/3/2021.

Tuy nhiên, ngay từ khi chùm Thông tư này ra đời cho đến nay thì nó đã trở thành tâm điểm tranh luận và còn gây ra cả những điều chưa đồng thuận đối với nhiều thầy cô giáo, cán bộ quản lý ở các nhà trường. Bởi lẽ, việc xếp hạng, xếp lương mới theo hướng dẫn của chùm Thông tư này khiến cho rất nhiều thầy cô giáo bị thua thiệt.

Nhiều thầy cô giáo đang là giáo viên hạng II, hạng I cũ theo hướng dẫn của chùm Thông tư 20, 21, 22, 23/2021/TTLT-BNV-BGDĐT trước đây thì bây giờ phải xuống hạng III, hạng II mới vì có rất nhiều tiêu chuẩn khắt khe mà những thầy cô đứng lớp không thể đáp ứng được.

Đó là việc đòi hỏi giáo viên hạng I phải có bằng thạc sĩ và máy móc trong việc quy định “có bằng cử nhân phù hợp” khi nhiều thầy cô là hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường tiểu học, trung học cơ sở có bằng cao đẳng sư phạm và cử nhân quản lý giáo dục nhưng không được xem là “có bằng cử nhân phù hợp”.

Nhiều thầy cô đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hạng I, hạng II nhưng theo hướng dẫn của Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT thì họ phải xuống hạng và điều trớ trêu là phải đi học thêm một chứng chỉ nữa. Điều này được cụ thể hóa trong Công văn 971/BGDĐT-NGCBQLGD.

Bởi, Công văn này đã hướng dẫn: “Trường hợp giáo viên mầm non, phổ thông công lập đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng cao hơn hạng hiện giữ thì sẽ được sử dụng trong việc thăng hạng sau này”.

Cũng chính vì thế mà nhiều trường đại học sư phạm trên cả nước đã tranh thủ tiếp cận các địa phương, các nhà trường để mở các lớp bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp hết đợt này đến đợt khác với nhiều hình thức đào tạo khác nhau.

Mỗi chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp có giá từ 2 - 2,5 triệu đồng quả là một con số không hề nhỏ khi cả nước có tới hơn 1 triệu giáo viên.

2. Chứng chỉ bồi dưỡng tích hợp

Năm học 2021-2022 là năm đầu tiên ngành giáo dục triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 6 của cấp trung học cơ sở. Tuy nhiên, đây là cấp học có nhiều môn học mới nhất. Đó là các môn Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí; Hoạt động trải nghiệm- hướng nghiệp; Nội dung giáo dục địa phương, Nghệ thuật…

Trong các môn học mới này, có 2 môn đang khiến cho nhiều thầy cô giáo và các nhà trường lúng túng trong thực hiện và giảng dạy ở năm học này, đó là môn: Khoa học tự nhiên; Lịch sử và Địa lí vì 2 môn học này nhiều tiết, nhiều phân môn và cũng nhiều rắc rối mà giáo viên lại chưa được trang bị những kiến thức cần thiết để giảng dạy.

Vậy nên, đa phần các địa phương đang phải phân công dạy theo phân môn, kiến thức của ai thì người đó dạy nhưng kiểm tra chung, vào điểm chung, nhận xét chung với nhau.

Chính vì thế, ngày 21/7/2021 vừa qua thì Bộ ban hành 3 Quyết định, đó là: Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT - ban hành bồi dưỡng chương trình giáo viên cho cấp tiểu học và trung học cơ sở.

Theo đó, giáo viên Tin học sẽ đi bồi dưỡng để về dạy môn Tin học và Công nghệ; cấp trung học cơ sở thì giáo viên các môn Lịch sử, Địa lý phải đi bồi dưỡng về dạy môn Lịch sử và Địa lí; giáo viên môn môn Vật lí, Hóa học, Sinh học đi học bồi dưỡng để về dạy môn Khoa học tự nhiên.

Việc giáo viên đi bồi dưỡng chuyên môn để dạy những môn học mới cũng là một điều bình thường nhưng điều đáng nói là chương trình bồi dưỡng bao gồm từ 20-36 tín chỉ và mỗi tín chỉ có phí đào tạo là 150 ngàn đồng.

Bộ ghép các môn học lại với nhau, khiến cho giáo viên khó khăn trong việc đảm nhận kiến thức cả môn học rồi lại yêu cầu giáo viên phải tham gia bồi dưỡng để lấy chứng chỉ về để dạy học các môn học mới này.

Hàng trăm ngàn giáo viên trên cả nước phải đi học để có chứng chỉ vì các quyết định này hướng dẫn việc bồi dưỡng “là điều kiện tối thiểu để dạy chương trình mới” và đương nhiên tạo ra rất nhiều thị phi dưới cơ sở khi các quyết định này hướng dẫn 3 nguồn kinh phí đào tạo có đề cập đến cụm từ “do người học đóng góp”.

3. Thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512

Ngày 23/6/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH về việc triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2021-2022, trong đó có hướng dẫn thực hiện các kế hoạch nhà trường theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH ngày 18/12/2020 của Bộ Giáo dục.

Cùng với việc ban hành Công văn 2613/BGDĐT-GDTrH thì thầy Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học cũng đã có những chia sẻ về việc thực hiện các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.

Một điều dễ dàng nhìn thấy là 4 kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH quá dài dòng, vô bổ, mất thời gian cho nhà giáo vì có quá nhiều chỗ cứ lặp đi, lặp lại trong từng kế hoạch giáo dục.

Hơn nữa, theo thầy Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thì các kế hoạch này, đặc biệt là kế hoạch bài dạy (giáo án) ngắn gọn nhưng thực tế thì nó lại dài lê thê. Điều này không chỉ giáo viên phản ánh mà nó còn được cụ thể hóa trong phần hướng dẫn của Bộ tại module 4 mà giáo viên mới tập huấn xong.

Có điều, từ nay về sau thì giáo viên trung học cơ sở và trung học phổ thông bắt buộc phải “sống chung” với các kế hoạch theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH vì Bộ đã gần như cương quyết không thay đổi sau rất nhiều phản biện của đội ngũ nhà giáo.

Còn rất nhiều những sự kiện “nổi bật” nữa nhưng trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chỉ điểm lại 3 sự kiện mà nó đã có tác động nhiều nhất đến đội ngũ nhà giáo trong năm 2021. Tuy nhiên, cả 3 sự kiện này gần như đội ngũ nhà giáo không đồng tình theo chủ trương của Bộ bởi nó còn quá nhiều những ý kiến trái chiều.

Chỉ tiếc, 3 sự kiện này thì chỉ có sự kiện thứ nhất là hiện nay Bộ đang có động thái để sửa lại chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT sau khi có ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà…

Hy vọng, bước sang năm 2022 thì lãnh đạo Bộ sẽ có những chủ trương, chỉ đạo phù hợp, không còn tình trạng sau khi Bộ ban hành văn bản mà giáo viên dưới cơ sở luôn có ý kiến trái chiều như chùm Thông tư số 01, 02, 03, 04/2021/TT-BGDĐT; Quyết định số 2453/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2454/QĐ-BGDĐT; Quyết định số 2455/QĐ-BGDĐT và các kế hoạch giáo dục theo hướng dẫn của Công văn 5512/BGDĐT-GDTrH!

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN CAO