Những “bí kíp” thu phục đối tượng phạm tội của lực lượng 141

29/01/2013 07:24
T.Long - H.Lâm - N.Huệ
(GDVN) - Đối với mỗi chiến sĩ CSHS, đi làm ở bất kì môi trường nào cũng là đấu tranh phòng chống tội phạm. Và họ gắn bó với 141 cũng bắt đầu từ nhiệm vụ ấy.

Phát hiện hành vi của đối tượng từ những chi tiết rất nhỏ

Không còn trực tiếp tham gia cùng các cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng 141 nhưng kỉ niệm về những ngày cùng anh em làm việc trên các tuyến phố Hà Nội mang lại bình yên cho người dân Thủ đô, sẽ là những kỉ niệm không bao giờ quên đối với Trung tá CSHS Trần Anh Sơn. Chúng tôi đã có dịp được nghe Trung tá chia sẻ về những “bí kíp” giúp lực lượng 141 sàng lọc và truy bắt đối tượng đấu tranh khi Trung tá đã nhận một nhiệm vụ mới: là cách phát hiện đâu là đối tượng mang theo thuốc lắc, đâu là kẻ sử dụng heroin hay những câu chuyện “thu phục” khiến đối tượng “tâm phục khẩu phục” và nhận tội…

“Có người đã hỏi tôi, khi rời bỏ vị trí Tổ phó Tổ Y5/141 để về tiếp quản nhiệm vụ mới, anh có buồn và bỡ ngỡ không? Lúc đó tôi chỉ cười. 141 là kế hoạch có thể kéo dài 1 hoặc vài năm hoặc lâu hơn nữa. Hết kế hoạch, tôi lại về làm công việc của đội mà tôi đã gắn bó 20 năm nay nên không có gì là buồn hay bỡ ngỡ cả. Đi làm ở đâu cũng là đấu tranh phòng chống tội phạm”, Trung tá đã bắt đầu câu chuyện với chúng tôi bằng những tâm sự như thế.

Trung tá CSHS Trần Anh Sơn (áo trắng) cùng anh em trong tổ 141 bằng nghiệp vụ và con mắt tinh tường đã phát hiện ra rất nhiều vụ đối tượng giấu ma túy trong người chỉ từ những chi tiết rất nhỏ.
Trung tá CSHS Trần Anh Sơn (áo trắng) cùng anh em trong tổ 141 bằng nghiệp vụ và con mắt tinh tường đã phát hiện ra rất nhiều vụ đối tượng giấu ma túy trong người chỉ từ những chi tiết rất nhỏ.

Những nhiệm vụ đó là: Phòng chống khủng bố, bạo loạn, giải cứu con tin...; phòng chống các loại tội phạm nguy hiểm như giết người, cướp tài sản, tội phạm cướp có vũ trang, các băng, ổ, nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức, côn đồ hung hãn, đâm thuê chém mướn, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, đối tượng buôn bán, tàng trữ và sử dụng vũ khí trái phép; truy bắt số đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm và cuối cùng là thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khác mà cấp trên giao phó.

Nghiệp vụ mà Trung tá kể cho chúng tôi nghe, tưởng như rất đơn giản nhưng đó lại là sự tích lũy của cả quá trình mà nếu không có con mắt tinh tường thì sẽ bỏ qua những chi tiết rất nhỏ ấy.

Tối 4/10, tại ngã tư Minh Khai - Tam Trinh, tổ công tác Y5/141 - Công an TP. Hà Nội đang làm nhiệm vụ, phát hiện 2 thanh niên không đội mũ bảo hiểm, đi xe máy PS không BKS và có nhiều biểu hiện nghi vấn, nên ra hiệu lệnh dừng xe kiểm tra hành chính.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện trong ví của nam thanh niên cầm lái tên là Nguyễn Thành Chung (33 tuổi, ở số 8 ngõ 66, đê Tô Hoàng, Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) có một chiếc vé xe máy Force mang BKS 29R6 - 8889, gửi ngày 3/10 tại Bệnh viện Hữu Nghị và một chùm chìa khóa khác để trong cốp xe PS.

“Lúc đó tôi đã hỏi đối tượng để kiểm định chiếc vé xe này là của xe nào thì Chung nói rằng của xe Lead. Nhận thấy lời khai của Chung có vấn đề, tôi hỏi tiếp đối tượng: “Sao trong vé xe lại ghi là xe Force?” thì Chung quanh co: Xe của gia đình em mà!”.

Tuy nhiên, sự bao biện này không qua mặt được tổ công tác. “Thứ nhất, người dân Hà Nội thì không bao giờ phải mang xe ra bệnh viện gửi. Thứ hai, xe của mình mà không nhớ là xe gì thì chỉ có xe vừa đi ăn trộm ở đâu đó”, Trung tá Sơn chia sẻ thêm.

Trước những lập luận rất chặt chẽ của tổ công tác, Chung phải thừa nhận chiếc xe Force đang gửi trong Bệnh viện Hữu Nghị là do Chung “chôm” được vào đêm 3/10 của một thanh niên trên phố Lê Thanh Nghị. Sau khi “chôm” được rồi, Chung gửi xe vào bãi xe của bệnh viện, chờ mọi việc “êm” rồi đem đi tiêu thụ.

Nói đến đây, Trung tá lại cười thật lớn, tiếng cười của một người luôn sống lạc quan và hết mình với công việc.

Con mắt “sàng lọc” đối tượng

Khi đối tượng được đưa vào chốt, chỉ nhìn qua Trung tá có thể phát hiện đâu là đối tượng nghiện, đâu là người hút ma túy, ai nào côn đồ. “Đứa chơi ma túy bao giờ cũng là đứa có tiền nên chúng thường xăm trổ. Mà xăm trổ là phải hình nghệ thuật nhìn rất sạch sẽ chứ không phải những hình xanh đỏ, kiểm tra những đối tượng đó kiểu gì cũng có thuốc lắc. Đứa đi những chiếc xe tàng tàng, chân đeo dép lê kiểu gì cũng có heroin vì đó là đối tượng nghiện hút.

Những đứa xăm trổ màu xanh lét thì kiểu gì cũng có vũ khí giấu trong người hoặc trong xe. Những đối tượng mà vào chào ngoan rồi ngập ngừng, loay hoay móc đồ trong từng túi ra, mỗi chỗ một tí, những đối tượng đó đang đánh lạc hướng lực lượng chức năng để hòng vứt “hàng” đi. Còn ai mà móc đồ trong túi ra xong, giơ hai tay cho mình kiểm tra thì họ lại không có gì…”, Trung tá chia sẻ về những kinh nghiệm để phân loại đối tượng, làm bước đệm cho quá trình kiểm tra.

Dù đối tượng có tinh vi và nguy hiểm đến mấy nhưng cũng đều bị "thu phục" bởi cách nói chuyện của các chiến sĩ CSHS nói riêng, của lực lượng 141 nói chung.
Dù đối tượng có tinh vi và nguy hiểm đến mấy nhưng cũng đều bị "thu phục" bởi cách nói chuyện của các chiến sĩ CSHS nói riêng, của lực lượng 141 nói chung.

Với những người làm hình sự như Trung tá Trần Anh Sơn đã bắt không biết bao nhiêu tội phạm, nguy hiểm có, đang mang án có thậm chí là cả những “cốt cán” của một băng nhóm khét tiếng trong giới xã hội đen… và trong số những người ấy, phần đông đều quay lại chào và gọi Trung tá bằng “anh”. “Lúc bắt họ, mình làm cho họ phải “tâm phục khẩu phục”. Khi họ hết án, mình hướng cho họ đi một con đường khác để họ kiếm tiền, trở thành người có ích cho xã hội”, Trung tá trầm ngâm với câu chuyện về những con người lầm đường lạc lối ấy.

Phòng CSHS Công an TP. Hà Nội hiện nay có khoảng 380 người, mỗi người trong số họ là mỗi kinh nghiệm “tác chiến”. Và hầu hết những kinh nghiệm đó là họ rút được trong quá trình truy bắt tội phạm. “Không ai dạy chúng tôi phải nói chuyện với tội  phạm như thế nào. Cái đó là tự mỗi người phải đúc rút ra. Nói chuyện với tội phạm là phải nói làm sao cho họ thấy mình đang cho họ một con đường nhưng thực tế là họ có tội vẫn phải chịu theo các khung hình phạt mà pháp luật đã đưa ra, không ai vu oan cho họ được”, Trung tá Sơn cho biết.

Vui buồn của lực lượng 141

Nhiều hôm, các anh về tới nhà vừa kịp ngồi vào bàn ăn thì có điện thoại báo có vụ cướp xẩy ra, bỏ lại bữa cơm gia đình ấm cúng đang chờ, các anh lại lên đường làm nhiệm vụ. “Đời chiến sĩ CSHS là như thế. Nhưng không đối mặt với nguy hiểm thì không còn là CSHS”, Trung tá cười.

Và không khó để anh chia sẻ về những vui buồn trong quá trình anh cùng đồng đội làm việc tại tổ công tác đặc biệt 141. Nhưng buồn nhất là những ca trực, anh cùng đồng đội trong tổ làm việc trên cùng trục đường với 1 tổ công tác 141 khác, hai tổ làm trên hai chiều đường. “Tổ bên kia thì bắt được nhiều nhóm đối tượng mang theo dao, súng… Còn bên chúng tôi, anh em cũng phối hợp rất ăn ý, cũng kiểm tra nhưng không phát hiện được đối tượng nào khả nghi.

Lúc đó nhiều anh em cũng sốt ruột và buồn lắm”, Trung tá lắc đầu. “Nhưng biết sao được, lại phải an ủi nhau: Đối tượng đi ở tuyến đường đó nên anh em bắt được, còn mình “đen” hơn nên hôm nay không kiểm tra được gì. Nhưng đó cũng là tín hiệu vui, vì Thành phố ta đã giảm bớt được những băng nhóm tội phạm”, rồi Trung tá lại cười thật vui vẻ.

Và càng ngày tổ công tác đặc biệt 141 càng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân bởi chính sự công tâm, quả cảm mà các anh đã chứng minh trong hành trình đấu tranh phòng chống tội phạm của mình.
Và càng ngày tổ công tác đặc biệt 141 càng nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân bởi chính sự công tâm, quả cảm mà các anh đã chứng minh trong hành trình đấu tranh phòng chống tội phạm của mình.

Bất chợt, anh quay sang hỏi chúng tôi: “Các bạn có biết vì sao người dân ngày càng yêu mến lực lượng 141 không?”. Rất nhiều lý do được chúng tôi đưa ra nhưng anh đều lắc đầu. “Từ những ngày đầu khi 141 ra quân, người dân đã đứng xem rất nhiều. Lúc đầu họ thấy một số đối tượng bị còng tay, nhiều người tặc lưỡi “Nó chỉ vi phạm giao thông thôi mà sao các anh đối xử với nó thế?”. Nhưng mọi người lúc đó chưa hiểu, trong xe những đối tượng đó có dao, có kiếm, có giấu ma túy, thuốc lắc…

Như thế có nên bắt lại để điều tra xử lý không? Còn một số đối tượng không đội mũ bảo hiểm sau khi kiểm tra không có “hàng” gì và đầy đủ giấy tờ chúng tôi xử phạt hành chính rồi cho đi. Nhiều người cũng lại thắc mắc. “Vì đây không phải đối tượng đấu tranh của chúng tôi, đối tượng đấu tranh của 141 là những kẻ đầu xanh đầu đỏ, xăm trổ đầy mình, càn quấy trên đường. Lực lượng 141 không chỉ kiểm tra giao thông đơn thuần mà còn kiểm tra hành chính theo hệ loại là đấu tranh có mục đích. Nên những đối tượng có mang theo “hàng” trong người chúng tôi sẽ kiến quyết xử lý, xin không cho, can thiệp không được. Dần dần, người dân cũng hiểu ra, không phải đối tượng nào cũng bị 141 bắt và họ dần dành tình yêu và niềm tin cho 141”, Trung tá cười chia sẻ.

Và giờ khi nhắc tới lực lượng 141 nói chung, nhắc tới những CSHS tham gia trong tổ nói riêng, không chỉ có những người đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội mới biết. Về tới các tỉnh lẻ, kể chuyện 141 nhiều người cũng hào hứng, họ cũng vanh vách những câu chuyện, những vụ phá án mà liên ngành này đã làm được trong thời gian qua để mang lại bình yên cho rất nhiều cuộc sống.  

T.Long - H.Lâm - N.Huệ