Những con số phải quan tâm về biên chế, hợp đồng giáo viên

23/10/2018 09:29
Linh Hương
(GDVN) - Cả nước có 93,08% giáo viên ở các trường công lập, trong đó 78,87% được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng làm việc.

Hiện nay, các địa phương đã tuyển dụng giáo viên theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ. Theo đó, thẩm quyền giao biên chế, tuyển dụng, quản lý viên chức ngành Giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân các cấp và ngành Nội vụ. 

Theo thống kê, cả nước có 93,08% giáo viên ở các trường công lập, trong đó 78,87% được tuyển dụng theo hình thức hợp đồng làm việc (có thời hạn, không thời hạn), còn lại tuyển dụng theo hình thức hợp đồng lao động (trong chỉ tiêu, ngoài chỉ tiêu biên chế); gần 7% giáo viên ở các trường ngoài công lập.

Tỷ lệ giáo viên được tuyển dụng theo các hình thức khác nhau của mỗi cấp học (Nguồn: Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, 2018).
Tỷ lệ giáo viên được tuyển dụng theo các hình thức khác nhau của mỗi cấp học (Nguồn: Báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, 2018).

Số lượng nhân viên trong các cơ sở mầm non, phổ thông là 263.930, họ cũng được tuyển dụng theo các hình thức tương tự như giáo viên: mầm non là 110.951, Tiểu học là 70.570 nhân viên, Trung học cơ sở là 54.950 và Trung học phổ thông là 27.459 người. Trong đó, số nhân viên hợp đồng trên 60% tổng số nhân viên.

Đó là con số nằm trong báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Quán triệt Nghị quyết 29 trong triển khai thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức theo theo Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các thông tư hướng dẫn của Bộ Nội vụ, các địa phương đã ban hành các quy chế, quy định phù hợp với thực tiễn địa phương nhằm tuyển dụng đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ thực hiện nhiệm vụ được giao.

Hiện nay, giáo viên các cấp học mầm non, phổ thông đang được tuyển dụng vào làm việc thông qua các hình thức hợp đồng làm việc theo Luật viên chức. 

Bộ Nội vụ đang làm gì với “Quốc sách hàng đầu” vậy?

Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trong bối cảnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, nhằm tháo gỡ tình trạng thiếu giáo viên mầm non, thiếu giáo viên tiểu học, Ủy ban nhân dân các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã giao và cho phép các địa phương, cơ sở giáo dục trên địa bàn hợp đồng lao động với giáo viên, nhân viên hỗ trợ phục vụ (hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế giao và hợp đồng ngoài chỉ tiêu biên chế giao). 

Đồng thời, nhiều địa phương đã ban hành quy chế luân chuyển nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên nhằm khắc phục tình trạng thừa thiếu cục bộ giáo viên trong các cơ sở giáo dục trực thuộc.

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam thông tin, theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2018 – 2019 có 27 tỉnh thiếu giáo viên, có nhu cầu tuyển dụng nhưng không được giao chỉ tiêu tuyển mới.

Còn Thứ trưởng Bộ Nội vụ - Nguyễn Duy Thăng thông tin, hiện 29 địa phương đề nghị bổ sung 40.447 biên chế cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo năm 2018, bao gồm cả tăng biên chế do tăng dân số cơ học.

Ông Nguyễn Duy Thăng giải thích thêm: “Số đề nghị bổ sung 40.447 giáo viên là tổng hợp đề nghị của các địa phương, không phải Bộ Nội vụ đề nghị. Còn đề nghị đó có hợp lý hay không thì phải thẩm định lại. 

Bây giờ để cho các địa phương, các bộ ngành đề nghị biên chế thì tôi dám chắc sẽ ào ạt. Nghị quyết 39 của Chính phủ năm 2015 về tinh giản biên chế gắn với đổi mới cơ cấu. Đối với giáo dục y tế có tăng giường bệnh, tăng học sinh thì có thể tăng biên chế nhưng phải kiểm soát chặt chẽ.

Nhưng đến kết luận số 17 của Bộ Chính trị năm 2017 thì không có ngoại lệ. Kể cả giáo dục có tăng học sinh, tăng trường lớp thì vẫn giảm biên chế. Giảm biên chế ở đây là giảm số người hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Còn những đơn vị tự chủ thì ký hợp đồng thoải mái”.

Tại sao ngành Giáo dục lại không được tuyển giáo viên?

Tuy nhiên, số lượng học sinh thì tăng mỗi năm nhưng lại phải giảm biên chế giáo viên, điều này là bức xúc của nhiều địa phương.

Do đó, thời gian qua để bảo đảm việc tuyển dụng, sử dụng viên chức đúng quy định, hiệu quả, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp;

Quy hoạch tổng thể lại hệ thống kèm theo các tiêu chuẩn trường sư phạm hiện đại, tự chủ; ban hành chuẩn nghề nghiệp giáo viên để làm căn cứ tuyển dụng giáo viên; 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc tuyển dụng, bố trí và sử dụng đội ngũ giáo viên, nhân viên của các địa phương để có phương án chấn chỉnh, xử lí kịp thời đối với những địa phương có vi phạm.

Linh Hương