Những điều chưa biết về cuộc sống ở thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - Buford

08/04/2012 18:17
Theo Thanh Mai/Vnexpress
(GDVN) - Sau khi được bán cho một doanh nhân người Việt, thị trấn nhỏ nhất nước Mỹ - Buford là cái tên được quan tâm hơn lúc nào hết, nhất là tại Mỹ.
Thị trấn Buford chỉ có một cư dân, nhưng hằng ngày có một nghìn người qua lại đổ xăng. Khi hoàng hôn dần buông, bóng những ngọn núi in thẫm trên nền trời, tiếng xe cộ từ xa xa vọng lại và chìm dần trong màn đêm thanh bình.
Hàng chục năm nay, Don Sammons là ông chủ của Buford. Ông sở hữu tất cả mọi thứ, từ trạm bơm xăng đến bưu điện, quán cà phê và tiệm tạp hóa. Bất cứ ai đi qua đây mà cần cái gì, cứ đến gặp ông Sammons mà hỏi.
Thực ra, Sammons là cư dân duy nhất ở thị trấn mà người ta có thể gặp ở khu vực rộng 4 ha, nằm ngay gần đường bộ liên bang I-80 ở bang Wyoming lộng gió, trên đường nối từ New York tới San Francisco, Mỹ.

Sammons bên trong tiệm tạp hóa của thị trấn một cư dân.
Sammons bên trong tiệm tạp hóa của thị trấn một cư dân.

Thị trấn được công nhận là ít người ở và nhỏ nhất nước Mỹ này vừa được bán cho doanh nhân Phạm Đình Nguyên, người sinh sống ở TP HCM của Việt Nam hôm thứ năm. Cuộc bán đấu giá diễn ra tại Buford và trên mạng, trong vòng 15 phút và chốt với giá tiền 900.000 USD.
"Chúng tôi từng đấu giá đủ kiểu tài sản, đủ mọi hình thù kích cỡ và công năng", The New York Times dẫn lời Amy Bates, giám đốc marketing của Williams & Williams, công ty đấu giá bất động sản đảm nhận thương vụ này, cho biết. "Nhưng chúng tôi chưa bao giờ đấu giá cả một thị trấn".
Ông Sammons, 61 tuổi, đến Buford sống từ những năm 1980 cùng với vợ. Khi đó hai ông bà đang muốn tìm một nơi yên tĩnh. Sau khi vợ qua đời, ông mua thị trấn Buford năm 1992 với giá 155.000 USD từ một gia đình khác.
Ông tân trang trạm bơm xăng, dùng trường học cũ làm bưu điện và văn phòng, xây dựng lại tiệm tạp hóa, biến Buford thành một điểm đỗ mà những người du lịch ưa thích. Năm 206, con trai ông chuyển đi nơi khác sống, Sammons trở thành công dân duy nhất ở đây.
"Người ta cứ hỏi tôi suốt thế này - Anh không thấy cô đơn sao?", Sammons kể. "Có một sự khác biệt rõ giữa cô đơn và ở một mình. Có đầy người ở New York - nơi có cả triệu người lượn quanh - nhưng vẫn thấy cô đơn".
Trên thực tế, thị trấn Buford không hề cô đơn. Mỗi ngày có hơn một nghìn người dừng lại đây để bơm xăng. Cây xăng hoạt động 24/24h, nhưng khi đêm xuống, nó không có khách mấy.
Sau giờ làm việc hàng ngày, Sammons trở về nhà và ăn tối, sau đó nghỉ ngơi bên hàng hiên, nhìn bóng những ngọn núi nổi bật trên đường chân trời. Tiếng thì thầm của những chiếc xe chạy ở phía xa dần dần đưa một ngày vào ban đêm thanh bình.
Gần đây, Sammons có cảm giác rằng công việc của ông ở Buford đã hoàn thành. "Tôi từng hy vọng thằng con trai sẽ về đây", ông nói, "Nhưng nó giải thích với tôi rằng nó không ưng như vậy. Tất nhiên là tôi hiểu nó".
Sau cuộc đấu giá, ông chủ mới là Phạm Đình Nguyên, doanh nhân đến từ TP HCM của Việt Nam. Trong lời phát biểu được chuyển qua người đại diện của mình, Nguyên nói: "Sở hữu một mảnh đất ở Mỹ là mơ ước của tôi. Vì thế tôi quyết định bay sang Wyoming, và đấu giá. Chuyến đi thật dài nhưng cuối cùng tôi đã thành công. Đúng là giấc mơ Mỹ".
Như một dấu hiệu của số phận, Sammons từng phục vụ trong quân đội Mỹ thời chiến tranh ở Việt Nam. Sammons từng đến Tp HCM, khi đó vẫn mang tên Sài Gòn. Giờ đây ông không muốn nghĩ đến chiến tranh nữa, nhưng theo một cách nào đó, thì việc bán thị trấn cho ông Nguyên dường như là điều hay.
"Tôi từng đến thành phố của ông ấy ở Việt Nam, và giờ thì ông ấy mua thị trấn của tôi", Sammons nói. "Chúng tôi có những mối quan tâm chung, và chúng tôi đều là Phật tử. Tôi thấy thế là hoàn hảo".
Sammons giờ đang tập làm quen với ngôi nhà ông mới mua ở Colorado, gần nơi con trai ông sống. Nhưng ông có kế hoạch quay lại Buford vài lần mỗi năm - để xem thị trấn sẽ thay đổi như thế nào.
Theo Thanh Mai/Vnexpress