Những lý giải chưa thỏa đáng trong vụ Jetstar 'bỏ rơi" khách khuyết tật

13/05/2015 14:59
Mai Anh
(GDVN) - Cách lý giải của Cục Hàng không và Jetstar trong vụ "bỏ rơi" người khuyết tật hôm 3/5 khiến hành khách không "tâm phục..."

Vụ việc hãng hàng không Jetstar từ chối vận chuyển hành khách khuyết tật xảy ra từ ngày 3/5/2015 nhưng đến khi báo chí thông tin, Cục Hàng không mới lên tiếng nhắc nhở Jetstar nhưng không đưa ra quyết định phạt.

Mặc dù cả Jetstar và Cục Hàng không đã có những lý giải cụ thể về vụ việc trên nhưng trong vản bản trả lời vẫn còn nhiều điểm chưa thỏa đáng. 

Báo chí vào cuộc mới thông tin?

Điều đó khiến dư luận hoài nghi có hay không sự thiên vị trong quyết định xử lý của Cục Hàng không với Jetstar Pacific? Bởi cùng xảy ra một sự việc tương tự là từ chối vận chuyển khách khuyết tật nhưng Cục Hàng không chỉ nhắc nhở Jetstar trong khi lại xử phạt một hãng bay khác trước đó. 

Ở vụ việc lần này, phản ánh đến cơ quan báo chí anh Trần Ngọc Anh cho biết, chị Trần Thị Ngọc (46 tuổi, quê Hà Tĩnh) - là chị gái anh Ngọc Anh - cùng con trai Cao Quang Sơn (SN 1996) và bạn đã bị Hãng hàng không giá rẻ Jetstar từ chối vận chuyển.

Thẻ lên tàu chiều từ Vinh - TP HCM của chị Ngọc, Sơn và Diễn (ảnh nguồn: NĐT).
Thẻ lên tàu chiều từ Vinh - TP HCM của chị Ngọc, Sơn và Diễn (ảnh nguồn: NĐT).

Theo lời kể của anh Trần Ngọc Anh, cháu Cao Quang Sơn (sinh 1996) là con trai chị Ngọc bị yếu cơ bẩm sinh nên di chuyển khó khăn. Để đi lại, Sơn ngồi xe lăn hoặc nhờ người khác giúp. Do vậy, trong chuyến đưa Sơn vào thăm người thân ở Đồng Nai, chị Ngọc nhờ một người bạn của Sơn là Trần Văn Diễn (18 tuổi, Hà Tĩnh) cùng đi để giúp đỡ.

Ở chiều đi (từ Hà Tĩnh vào TP.HCM) diễn ra ngày 26/4, hành trình của 3 người nhà chị Ngọc trên chuyến bay BL521 của hãng Jetstar Pacific diễn ra suôn sẻ. 

Tuy nhiên tại chiều về (sáng 3/5) cũng của hãng bay này, khi đến sân bay làm thủ tục, chị Ngọc bất ngờ khi biết cháu Cao Quang Sơn không được bay.

Lý do được nhân viên Jetstar đưa ra là chị Ngọc không báo trước về tình trạng khuyết tật của cháu Sơn nên Jetstar từ chối phục vụ. Bức xúc trước cách ứng xử của Jetstar, anh Trần Ngọc Anh đã phản ánh đến cơ quan báo chí. 

Đến ngày 6/5/2015, Cục Hàng không có Công văn số 2171/CHK-VP gửi Bộ Giao thông vận tải báo cáo vụ việc Jetstar Pacific từ chối vận chuyển hành khách. Và đến ngày 11/5, Cục Hàng không có thông cáo báo chí chính thức về vụ việc này.

Trong thông cáo báo chí, Cục Hàng không cho biết: Trên chuyến bay Vinh - TP.HCM ngày 26/4/2015, dù biết con trai chị Ngọc bị yếu bẩm sinh nhưng sau khi khách ký miễn trừ trách nhiệm cho hãng hàng không và cam kết có người nhà hỗ trợ khách khuyết tật di chuyển lên xuống tàu bay, Jetstar đã đồng ý chuyên chở và thông báo cho các bộ phận liên quan hỗ trợ phục vụ.

Trong khi đó ở chuyến bay từ TP.HCM về Vinh (ngày 3/5), chị Ngọc vào quầy làm thủ tục lúc 05:09:50 (trước giờ khởi hành 35 phút – sau thời điểm đóng quầy 5 phút). Khi làm thủ tục xong, nhân viên Jetstar mới biết hành khách Cao Quang Sơn phải cần hỗ trợ thiết bị xe nâng khi lên xuống máy bay.

Theo Cục Hàng không, Jetstar đã cố gắng phục vụ hành khách khi hành khách đi tại sân bay Vinh và Tân Sơn Nhất, tuy nhiên vì đã đến giờ kết sổ nên Jetstar không kịp đặt dịch vụ xe nâng để hỗ trợ khách. 

Jetstar cũng cân nhắc việc tại sân bay Vinh là nơi đến không có phương tiện hỗ trợ để khách xuống tàu bay và việc hỗ trợ bằng hình thức bế hoặc cõng lên, xuống tàu bay không bảo đảm an toàn cho hành khách... trên cơ sở đó hãng không thể phục vụ được và đã tư vấn cho hành khách đi chuyến bay khác thay thế.

Cục Hàng không cho rằng cách giải quyết trên của Jetstar đúng với quy định. 

Chưa thỏa đáng?

Việc Cục Hàng không khẳng định Jetstar làm đúng quy định, quy trình phục vụ khách trong chuyến bay BL520, hành trình SGN-VII. Tuy nhiên không ai biết quy định, quy trình đó như thế nào.

Bên cạnh đó, những đánh giá của Cục Hàng không cũng cho thấy những bất cập khi chuyến đi từ Vinh – TP.HCM, hành khách Cao Quang Sơn được bay do gia đình ký miễn trừ trách nhiệm cho hãng hàng không nhưng vì sao chuyến bay từ TP.HCM về Vinh, Jetstar không cho phép gia đình được ký miễn trừ trách nhiệm?

Jetstar từ chối phục vụ đoàn khách chị Ngọc trong chuyến bay sáng sớm ngày 3/5 xuất phát từ hai lý do: Thứ nhất, chị Ngọc không báo trước tình trạng sức khỏe cần sự hỗ trợ của xe nâng. Thứ hai, sân bay Vinh là nơi đến không có phương tiện hỗ trợ để khách xuống tàu bay nên việc lên xuống máy bay sẽ không đảm bảo an toàn.

Thông cáo Báo chí của Cục Hàng không về việc Jetstar Pacific (JPA) từ chối vận chuyển hành khách là người khuyết tật. Ảnh chụp màn hình.
Thông cáo Báo chí của Cục Hàng không về việc Jetstar Pacific (JPA) từ chối vận chuyển hành khách là người khuyết tật. Ảnh chụp màn hình.

Tuy đưa ra lý do để từ chối vận chuyển nhưng Jetstar lại tư vấn cho hành khách đi chuyến bay sau.

Như vậy, một mặt Cục khẳng định việc từ chối phục vụ hành khách của Jetstar là đúng bởi đầu sân bay Vinh không có phương tiện hỗ trợ khách khuyết tật lên xuống máy bay; Một mặt Cục lại cho rằng việc Jetstar tư vấn khách đi chuyến bay sau để thay thế cũng đúng. 

Vì thế dễ thấy, lý do từ chối phục vụ hành khách khuyết tật không phải để đảm bảo an toàn cho hành khách vì dù đi chuyến nào thì sân bay Vinh cũng không có xe nâng để hỗ trợ hành khách khuyết tật xuống may bay. Để di chuyển xuống máy bay, người nhà phải cõng hoặc bế.

Hiện vụ việc từ chối hành khách khuyết tật của Jetstar đã được hai bên giải quyết, tuy nhiên sự việc lần này một lần nữa cho thấy, mặc dù Cục Hàng không đã có những chỉ đạo quyết liệt nhằm nâng cao chất lượng phục vụ hành khách khuyết tật cũng như yêu cầu các hãng hàng không loại bỏ các quy trình, thủ tục phiền hà phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan song trên thực tế khi sự việc liên quan đến người khuyết tật xảy ra, cách xử lý của hãng bay và Cục Hàng không vẫn chưa khiến hành khách "tâm phục, khẩu phục". 

Mai Anh