Những mức phạt tiền tỷ có hiệu lực từ tháng 12/2014

01/12/2014 10:31
NHẤT NGÔN
(GDVN) - Từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ - ngân hàng sẽ bị phạt nặng với mức phạt lên tới hàng tỷ đồng.

Theo Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng vừa mới được ban hành, từ ngày 12/12/2014, các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ có mức phạt lên tới hàng trăm triệu đồng đối với cá nhân, hàng tỷ đồng đối với tổ chức.

Cụ thể, bên cạnh quy định phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo máy giao dịch tự động (ATM) phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định, để máy ATM ngừng hoạt động 24 giờ không thông báo; không duy trì hoạt động bộ phận hỗ trợ khách hàng để khách hàng liên hệ bất cứ lúc nào… Nghị định 96/2014/NĐ-CP cũng quy định phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với hành vi không đảm bảo an toàn, bảo mật hoạt động của máy giao dịch tự động.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm đồng tiền thanh toán trên thẻ; Phân biệt mức giá trong thanh toán thẻ, thu phụ phí từ chủ thẻ đối với các giao dịch thanh toán không đúng quy định của pháp luật hoặc vi phạm các quy định khác về thanh toán thẻ qua điểm chấp nhận thẻ.

Phạt tiền từ 50-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi lấy cắp, thông đồng để lấy cắp thông tin thẻ, mua bán, tiết lộ, sử dụng trái phép thông tin thẻ ngân hàng của người khác, làm thẻ giả, thực hiện các giao dịch giả mạo;

Phát hành thẻ, thanh toán thẻ không đúng quy định của pháp luật; Thanh toán bù trừ giao dịch thẻ không đúng quy định của pháp luật; Chấp nhận thanh toán thẻ sau khi đã nhận được thông báo về việc thẻ bị từ chối thanh toán.

Phạt tiền từ 100-150 triệu đồng đối với một trong các hành vi xâm nhập hoặc tìm cách xâm nhập, đánh cắp dữ liệu, phá hoại, làm thay đổi trái phép chương trình phần mềm, cơ sở dữ liệu điện tử sử dụng trong thanh toán; lợi dụng lỗi hệ thống mạng máy tính để trục lợi; Mở hoặc duy trì tài khoản thanh toán nặc danh, mạo danh.

Ngoài ra, hành vi không niêm yết công khai giá mua, giá bán vàng hoặc có niêm yết nhưng nội dung không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng bị phạt từ 30 đến 60 triệu đồng.

Nếu kinh doanh mua, bán vàng hoặc mang theo vàng khi xuất cảnh, nhập cảnh không đúng quy định bị phạt đến 120 triệu đồng. Kinh doanh vàng miếng trái phép bị phạt đến 500 triệu đồng.

Đặc biệt, đối với hành vi hoạt động không có giấy phép (trừ một số trường hợp quy định) và chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức pháp lý tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hành nước ngoài mà chưa được cấp có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản có thể bị phạt tới 500 triệu đồng.

Phạt tiền từ 500 - 600 triệu đồng đối với hành vi hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức làm dịch vụ nhận và chi trả ngoại tệ, tổ chức làm đại lý đổi ngoại tệ, tổ chức khác mà không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị đình chỉ, hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định; phạt từ 400-450 triệu đồng đối với hành vi vi phạm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của pháp luật.

Các mức phạt tiền quy định trên là mức phạt áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. 

Mức xử phạt bằng tiền đối với các hành vi vi phạm tại Nghị định 96/2014 được áp dụng theo Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012, đặc biệt là những hành vi vi phạm gây mất an toàn, vi phạm dễ ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách tiền tệ sẽ bị áp dụng mức xử phạt nặng như vi phạm về quản lý và sử dụng giấy phép; vi phạm quy định về hoạt động ngoại hối và kinh doanh vàng; vi phạm về bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng…

NHẤT NGÔN