Những phụ huynh “bá đạo”

21/09/2015 05:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Những hành động thái quá của nhiều phụ huynh hiện nay đã làm thui chột lòng tâm huyết, sự yêu nghề của thầy cô.

LTS: Nghề giáo trước đây luôn được coi là nghề sang trọng, cao quý. Nhưng vài năm trở lại đây, không ít người chia sẻ đây cũng là một nghề “nguy hiểm”.

Cô giáo Phan Tuyết, từ thực tế lên lớp hơn 20 năm qua đã thấy và thấu hiểu, cảm thông với những cảnh tượng thầy cô bị xúc phạm, nhục mạ thậm chí bị đánh đập.

Cô Phan Tuyết tâm sự, các câu chuyện kể dưới đây, cô đều tận thấy, nhưng vì nhiều lý do nên tên các nhân vật đều đã được thay đổi.

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả bài viết này, như một sự chia sẻ. 

Lúc nóng giận, thầy cô chỉ cần sơ sẩy trong lời ăn tiếng nói hay trong hành động có phần nghiêm khắc với những cô cậu học trò ngang bướng của mình một chút thì lập tức tai ương sẽ giáng xuống đầu. Nặng thì “sứt đầu mẻ trán” nhẹ cũng bị xúc phạm, nhục mạ và bị bêu riếu danh dự khắp nơi bởi những phụ huynh “bá đạo”.

Muôn kiểu phụ huynh bạo hành giáo viên

Từ lời nói

Cô H., một giáo viên ở miền Trung, nổi tiếng nghiêm khắc với học trò, vì nghiêm khắc nên trong giờ dạy của cô, học sinh học ra học, chơi ra chơi. 

Cô nói: “Mình không thể chấp nhận khi trong giờ học có em lại ngồi chơi chọc phá bạn, có em lấy sách học môn khác, em ngồi nói leo và có hành động vô lễ khi bị nhắc nhở”. 

Những phụ huynh “bá đạo” ảnh 1
Lúc nóng giận, thầy cô chỉ cần sơ sẩy trong lời ăn tiếng nói hay trong hành động với những cô cậu học trò ngang bướng của mình một chút thì lập tức tai ương sẽ giáng xuống (Ảnh: giaoduc.net.vn)

Vì thế nhiều hôm, cô đã mời thẳng những học sinh ấy ra ngoài. Chẳng hiểu các em về nhà nói gì với cha mẹ, hôm sau, có phụ huynh hùng hổ tới trường, chẳng để cô H. kịp trình bày nguyên do. 

Ông ta chỉ tay vào mặt giáo viên giọng đầy thách thức: “Tại sao cô lại đuổi con tôi ra khỏi lớp, nếu muốn về cày ruộng, đây chỉ cần nói một tiếng”.

Còn đây là một chuyện có thật khác, cũng xảy ra ở một ngôi trường nam miền Trung, em Tùng học sinh lớp cô T. chủ nhiệm đã nhặt được 100 nghìn đồng và đưa cho cô giáo chủ nhiệm để nộp về phòng đội thông báo cho phụ huynh học sinh nào mất tiền vào nhận. 

Ngày hôm sau, mẹ em Tùng tới trường đã chất vấn và chửi giáo viên: “Tại sao con tôi nhặt được tiền mà cô thu của nó, cô muốn lấy số tiền đó phải không”? 

Mặc cho cô giải thích nhưng mẹ Tùng vẫn không chịu hiểu cứ đòi bằng được một trăm nghìn cho dù số tiền trên đã được người mất xin nhận lại. 

Ít ngày sau đi chợ, cô tình cờ nghe được vị phụ huynh ấy đang bô lô ba la giữa chợ: “Cái thứ cô giáo gì mà ăn chặn của con tao một trăm nghìn”...

Mọi người xôn xao hỏi tên giáo viên ấy và thay nhau bình phẩm mà chẳng hiểu rõ ngọn nguồn sự việc. Chỉ tội cho cô giáo ấy biết mình bị oan mà chẳng thể thanh minh được gì.

Đến những hành động

Vừa bước ra cổng trường, cô M. dạy Âm nhạc bị một người đàn ông xông vào tát xối xả vào mặt. Mỗi một cái tát trời giáng là kèm theo một tiếng chửi chát chúa: “Cho mày chết này, dám đánh con ông hả. Từ nay chừa nghe con..."

Khi cô giáo được giải cứu bởi những đồng nghiệp của mình thì mặt mày cũng sưng vù bằm tím. Thổn thức trong tiếng nấc, cô M. kể: “Hôm qua trong giờ học, em D. không chịu ngồi  yên mà quậy phá trong lớp. Nhắc mãi không được em có quất cho D. hai roi vào mông để nó ngồi yên. Nào ngờ phụ huynh lại phản ứng dữ dội như vậy”. 

Những phụ huynh “bá đạo” ảnh 2

Phụ huynh đánh cô giáo, vì cô giáo đánh học sinh?

(GDVN) - Công an An Thới (TP Cần Thơ) đang điều tra và xác minh vụ việc phụ huynh học sinh lao vào đánh cô giáo ngay tại trường. 

Còn thầy Đ. lại bị cả gia đình em T. cầm gậy xông vào lớp đánh tới tấp vào đầu, vào mặt bởi cái tội: “Dám đụng vào con tao hả, tao đẻ nó ra còn chưa dám đánh nó một roi, mày là cái gì mà đánh nó, hôm nay ông sẽ cho mày chết”. 

Hôm ấy, nếu thầy Đ. không được một số giáo viên dạy gần đó sang can ngăn, không biết hậu quả sẽ thế nào?

Với mong muốn học trò của mình ngày càng chăm ngoan học giỏi nên không ít thầy cô giáo đã tỏ ra nghiêm khắc với các em. 

Sự nghiêm khắc cũng là cách thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm của thầy cô với học sinh. Nhưng chính những hành động thái quá của nhiều phụ huynh đã làm thui chột lòng tâm huyết, sự yêu nghề của thầy cô. 

Vì thế, ở đâu đó đã xuất hiện không ít thầy cô giáo đến giờ vào dạy, hết giờ đi ra mà không cần biết các em học được gì, tiếp thu như thế nào. Ai thích thì học không thích cũng chẳng sao. 

Với thái độ hờ hững, “mackenó” như thế, cũng chỉ để bảo vệ bản thân được an toàn trước những phụ huynh “bá đạo”.

Phan Tuyết