Những thông tin giáo dục đáng chú ý trong tuần qua

28/02/2022 06:11
Vương Thuỷ
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều chính sách của cơ quan quản lý giáo dục nhận được sự đồng tình ủng hộ của giáo viên là một trong những nội dung nổi bật của giáo dục tuần qua.

Công văn 336 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được lòng giáo viên

Lắng nghe ý kiến từ cơ sở, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn 336/BGDĐT-NGCBQLGD gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về một số nội dung liên quan đến trình độ chuẩn được đào tạo và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Trong đó có những quy định được giáo viên rất ủng hộ như trình độ chuẩn được đào tạo nhà giáo, hợp đồng lao động, bổ nhiệm lại với cán bộ quản lý có trình độ cử nhân quản lý giáo dục và chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm.

Theo thầy Bùi Nam, công văn này như luồng gió mát, làm ấm lòng hàng ngàn giáo viên đang trĩu nặng tâm tư về khả năng mất việc, cắt hợp đồng sau Tết Nguyên đán 2022, cũng như tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc tuyển dụng, bố trí nhân sự do tình trạng thiếu giáo viên tại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông.

Công văn cũng hướng dẫn về việc bổ nhiệm lại và bổ nhiệm, xếp lương đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục như cho phép bổ nhiệm lại đối với với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có bằng cử nhân quản lý giáo dục.

Đây là thông tin nhiều nhà giáo cho rằng rất hợp lý, tạo điều kiện cho cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục cống hiến.

Công văn 336 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều giáo viên ủng hộ. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Công văn 336 của Bộ Giáo dục và Đào tạo được nhiều giáo viên ủng hộ. (Ảnh minh hoạ: Nhandan.vn)

Chỉ đạo mới nhất của Bộ Giáo dục về việc bồi dưỡng giáo viên

Ngày 17/2/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Công văn số 503/BGDĐT-GDTH về thực hiện bồi dưỡng giáo viên và cung ứng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023.

Theo đó, giáo viên sẽ được hướng dẫn sử dụng sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đối với các môn học/hoạt động giáo dục đã được cơ sở giáo dục lựa chọn theo Thông tư số 25/2020/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tất cả giáo viên dạy học lớp 3, lớp 7, lớp 10 năm học 2022-2023 và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đều phải tham gia bồi dưỡng. Nếu không tham gia bồi dưỡng, giáo viên sẽ không được dạy các lớp này theo chương trình mới.

Hình thức bồi dưỡng trực tuyến kết hợp với trực tiếp theo các lớp học tương ứng với các môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ sách giáo khoa tại địa phương.

Thời gian bồi dưỡng hoàn thành trước ngày 31/7/2022. Kinh phí đi lại, ăn, nghỉ và các chế độ khác cho các giáo viên, cán bộ quản lý tham gia vào quá trình bồi dưỡng được đơn vị cử người chi trả theo quy định hiện hành. Kinh phí và các chế độ liên quan đến báo cáo viên do nhà xuất bản chi trả.

Bộ Giáo dục hướng dẫn quy định chỉ tiêu tuyển sinh

Ngày 18/1/2022, Bộ Giáo dục ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BGDĐT quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh cao đẳng giáo dục mầm non, đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

Về cách tính xác định chỉ tiêu tuyển sinh đại học, Thông tư hướng dẫn: Chỉ tiêu tuyển sinh trình độ đại học (trừ các ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên) được xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 23 lĩnh vực đào tạo thay thế, quy định việc xác định chỉ tiêu theo 7 khối ngành trước đây để hướng tới nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo, gắn với năng lực đào tạo chuyên môn trong phạm hoạt động nghề nghiệp, khoa học và công nghệ, đồng thời bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Giáo dục đại học và Nghị định 99 của Chính phủ.

Về cách tính và xác định chỉ tiêu trình độ thạc sĩ, tiến sĩ, Thông tư đưa ra hướng dẫn: Chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ, tiến sĩ được xác định thống nhất về năng lực hướng dẫn của giảng viên đã được quy định tại các thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, Thông tư ban hành quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, Thông tư quy định về chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng, thẩm định và ban hành chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học....

Trở lại dạy học trực tiếp, giáo viên đối mặt với nhiều áp lực

Tuy đã xác định việc học sinh trở lại trường học sẽ gặp nhiều khó khăn, nhiều nhà giáo vẫn phản ánh gặp phải nhiều áp lực.

Với chất lượng của học sinh lớp 1 học hoàn toàn online trong học kỳ I, thầy cô giáo phải rất nỗ lực để phụ đạo, bổ sung, củng cố kiến thức cho các em.

Ở một số địa phương, tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp với số lượng người lớn và trẻ em trở thành F0 ngày càng tăng, các nhà trường phải nỗ lực kết hợp vừa dạy trực tiếp vừa dạy trực tuyến (kết hợp on-off).

Thầy và trò đang nỗ lực dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. (Ảnh minh hoạ: PL)

Thầy và trò đang nỗ lực dạy và học trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp. (Ảnh minh hoạ: PL)

Trong khi đó, giáo viên vẫn phải thực hiện các hoạt động theo kế hoạch năm học như ôn luyện thi học sinh cuối cấp, các cuộc thi trong trường học, các hội thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi...

Để giảm áp lực cho giáo viên, Phòng Giáo dục Thành phố Biên Hoà (tỉnh Đồng Nai) đã huỷ cuộc thi giáo viên giỏi khiến giáo viên vô cùng vui mừng, ủng hộ.

Trước áp lực do số mắc Covid-19 tăng, hàng loạt trường đại học tại Hà Nội đã thông báo hoãn học trực tiếp, quay trở lại hình thức dạy và học trực tuyến, một số địa phương cũng đã dừng cho học sinh mầm non, tiểu học đến trường.

Tranh cãi sách giáo khoa Tiếng Việt 1 "không dạy chữ cái P"

Nhiều tờ báo đồng loạt đưa tin, sách Tiếng Việt 1 - bộ Kết nối tri thức với cuộc sống, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, bỏ chữ cái P ra khỏi sách giáo khoa khiến dư luận bàn tán xôn xao.

Thông tin xuất phát từ việc thầy Đào Quốc Vịnh, Hiệu trưởng Trường tiểu học Tô Hiến Thành (Hà Nội) đã viết thư ngỏ cho Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo phản ánh về vấn đề này.

Thầy Vịnh cũng đề nghị “bổ sung ngay việc dạy chữ P và đưa nó trở lại mục lục của cuốn sách ngang bằng với các chữ cái khác trong bộ chữ cái tiếng Việt đã được pháp luật quy định”.

Trước khi học phát âm chữ cái "PH", các em học sinh đã được luyện đọc chữ cái "P" (Ảnh: Đỗ Quyên)

Trước khi học phát âm chữ cái "PH", các em học sinh đã được luyện đọc chữ cái "P" (Ảnh: Đỗ Quyên)

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều tác giả đã phản biện trước thông tin này. Thực tế, có cô giáo tiểu học đã khẳng định sách Tiếng Việt 1 vẫn dạy học sinh đầy đủ các chữ cái, trong đó có chữ cái P và luyện đọc âm "pờ".

Thạc sĩ Phan Thế Hoài đã chỉ ra những lý do khiến thông tin này trở thành đề tài tranh cãi, theo đó, tác giả cảnh báo về việc có người đọc chỉ cần nghe thông tin đã lên tiếng chỉ trích mà không cần kiểm tra nội dung cuốn sách.

Đồng thời, thạc sĩ Hoài cũng bài viết chỉ ra thực tế tuy cùng Tổng Chủ biên nhưng mỗi sách lại có cách dạy chữ P, âm "pờ" khác nhau.

Phó Giáo sư Bùi Mạnh Hùng - Tổng chủ biên sách giáo khoa Tiếng Việt – Ngữ văn (bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam) cũng đã lên khẳng định: Sách Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có dạy chữ P (chữ pê), âm đầu và âm cuối P (pờ).

Bộ Nội vụ đề xuất bổ sung gần 28.000 biên chế giáo viên

Ngày 25/2, tại phiên giải trình về việc thực hiện chính sách pháp luật trong tuyển dụng, sử dụng, quản lý đội ngũ giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã kiến nghị Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông năm học 2021-2022.

Thực tế hiện nay, ngành giáo dục vẫn còn tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ ở một số môn học, cấp học và một số địa phương.

Bộ trưởng Trà cho biết số biên chế được giao của ngành Giáo dục trong năm học 2020-2021 là 1.113.101 giáo viên; số giáo viên, viên chức có mặt đến 31/3/2021 gồm 1.070.327; số giáo viên chưa sử dụng 42.774; số giáo viên thừa 10.178; số giáo viên thiếu theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo trên cơ sở tổng hợp của các địa phương là 94.714 giáo viên.

Với đề xuất này, có những giáo viên bày tỏ lo lắng việc biên chế phình to ra nhưng vẫn không thu hút được giáo viên do chế độ lương chưa hấp dẫn.

Tác giả Minh Khôi cho rằng hiện nay có tình trạng thiếu nhiều giáo viên, nhân viên tại các cơ sở giáo dục tuy nhiên việc tuyển dụng lại gặp khó do cơ chế, cách tuyển dụng và cơ chế chính sách, đãi ngộ cho giáo viên còn chưa phù hợp.

Vương Thuỷ