Nỗi buồn lặng lẽ của thầy cô trong ngày 20/11

21/11/2016 10:14
Minh Quân
(GDVN) - Có lẽ, người cảm thấy bị bỏ rơi nhất trong 20/11 là giáo viên không làm công tác chủ nhiệm, là giáo viên dạy "môn phụ" như thể dục, công nghệ...

LTS: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam vừa nhận được bài viết của tác giả Minh Quân chia sẻ đôi điều về nỗi buồn, sự tổn thương của một số thầy cô giáo trong ngày 20/11.

Tòa soạn trân trọng gửi đến cùng bạn đọc.

Hằng năm, cứ đến ngày Nhà Giáo Việt Nam 20/11 là nhiều cảm xúc hứng khởi tuôn lên trong mỗi giáo viên. 

Ngày tôn vinh và tri ân những ai hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp trồng người. Dù là giáo viên đã nghỉ hưu hay vẫn đang đứng bục giảng thì hôm đó luôn là một ngày vui.

Tôi nhớ ngày xa xưa trước đây, dịp lễ 20/11 những học sinh chúng tôi dù nhà ở cách xa nhà thầy cô giáo đến mấy cũng gom nhau lại, cùng nhau đến tận nhà thầy cô giáo để chúc mừng. 

Nỗi buồn lặng lẽ của thầy cô trong ngày 20/11 ảnh 1

"Dưới ánh mặt trời không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học"

Mỗi lớp có 30, 40 đứa đến nhà thầy cô, khiến cho nhà thầy cô giáo không có chỗ ngồi mà cả thầy lẫn trò đều vui.

Niềm vui đó thật hồn nhiên, ngây thơ và trong sáng. 

Quà tặng là bông hoa, tập giáo án, bút viết, hay một bộ ấm chén... 

Ở cấp trung học, trong năm học, giáo viên đâu chỉ dạy một lớp và một lớp đâu chỉ một giáo viên, nên ngày lễ 20/11 giáo viên và học sinh đều rất vất vả, mệt do học sinh đi lại và giáo viên đón tiếp nhiều nhưng rất vui.

Trong ngày lễ đặc biệt này, giáo viên thì tự hào với xóm làng vì được nhiều thế hệ học trò trở về hỏi thăm.

Có những học trò cũ xa lắc tự bao giờ mình không còn nhớ mặt nhớ tên vẫn lặng lẽ chờ thế hệ đàn em thăm hỏi người thầy mình xong thì mới vào chào thầy. 

Tôi còn nhớ một câu nói của anh học trò cũ của người thầy mà tôi đến thăm "Thầy không nhớ em, thầy không tác động trực tiếp tới quá trình học của em, nhưng khí khái và nhiệt tâm của thầy làm em nhớ và trân trọng thầy...". 

Trong ngày 20/11, các thầy cô dạy môn chính thường được học sinh quan tâm, còn các thầy cô dạy môn phụ vẫn có chút buồn tủi. (Ảnh: Báo Lao Động)
Trong ngày 20/11, các thầy cô dạy môn chính thường được học sinh quan tâm, còn các thầy cô dạy môn phụ vẫn có chút buồn tủi. (Ảnh: Báo Lao Động)

Không biết đến giờ là một giáo viên lâu năm, tôi đã có cô cậu học trò nào "đón nhận" tôi như vậy chưa! Có lẽ đó là món quà quý nhất với người thầy.

Giờ đây, ngày lễ 20/11 đã có phần khác đi nhiều. Nhà trường họp kín cùng phụ huynh, thỏa thuận mức quà bằng tiền tặng cho giáo viên. 

Còn học sinh nào yêu mến một thầy cô nào thì tặng riêng thêm quà. 

Nhưng, lẻ bóng và cảm giác bị bỏ rơi nhất trong ngày vui là giáo viên không làm công tác chủ nhiệm, là giáo viên dạy "môn phụ" như thể dục, công nghệ... 

Còn nếu thầy cô nào kết hợp cả hai, vừa dạy môn phụ vừa không chủ nhiệm, có lẽ rất buồn.

Các giáo viên ở những trường hợp này cảm thấy bị tổn thương, vì phụ huynh thường chỉ chuẩn bị quà cho con tặng giáo viên chủ nhiệm, chứ không thể tặng quà cho hết mọi giáo viên dạy con mình. 

Các em tặng quà cho những giáo viên dạy thêm môn chính để thi cử thì hỡi ôi! ngập cả phòng giáo viên hoa to hoa nhỏ, quà lớn quà bé. 

Nỗi buồn lặng lẽ của thầy cô trong ngày 20/11 ảnh 3

“Thầy là quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”

Lý do là, phụ huynh muốn giáo viên chủ nhiệm là người trực tiếp đánh giá và bám sát con mình cùng với giáo viên dạy môn chính quan tâm nhiều hơn tới con. 

Chưa hết nếu giáo viên môn chính có dạy thêm ngoài thì khỏi cần nói, quà tặng nhiều quá phải nhờ người chở mang về nhà.

Cái tủi thân nhân lên khi giáo viên môn phụ cùng chung vui "hờ"với giáo viên môn chính (môn mà học sinh dùng để thi tuyển sinh). 

Vô hình trung, có phân biệt "đẳng cấp" giữa giáo viên trong cái nhìn của giáo viên, của phụ huynh và của học sinh. 

Ái ngại thay, hiện trạng trên vẫn đang diễn ra làm nhiều giáo viên thấy mình không được đặt ở vị trí xứng đáng. 

Cùng cống hiến, cùng thăng trầm rèn nhân cách cho thế hệ trẻ mà trên bàn cân nặng - nhẹ thấy rõ trong một ngày.

Minh Quân