Nỗi đau "bụi phấn"!

13/04/2021 10:15
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- "Bụi phấn" là bài hát quen thuộc gợi nhớ đến những ký ức đẹp nhất của tuổi học trò. Thật tiếc khi ký ức của nhiều đứa trẻ đã bị... "bôi bẩn".

Từ nhiều đời nay, nghề giáo vẫn luôn giữ vị thế đặc biệt quan trọng trong xã hội, bởi thế mà nhiều người nói rằng đó là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý.

Trường học vẫn được coi là một thánh đường nhân cách, mà thầy cô là những người gìn giữ và phát triển nó trong suốt sự nghiệp giáo dục.

Thật tiếc, bên cạnh tấm gương những thầy cô hết mình vì học trò yêu thương thì vẫn còn đó những câu chuyện buồn của ngành giáo dục, trực tiếp hoặc tiếp tay gian dối điểm thi, gian dối để được hưởng chế độ chính sách...

Ngày 22/3/2021, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn đã ra Quyết định khởi tố bị can đối với ông Cao Sinh Mạnh, sinh năm 1962, trú tại Tiểu khu 2, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là Giám đốc Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn đồng thời là chủ tài khoản.

Trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2019, ông Mạnh được phân công giảng dạy môn Vật lý lớp 10, nhưng thực tế ông Mạnh lại không đứng lớp đủ số giờ quy định.

Nhằm hợp thức hóa thời gian giảng dạy, ông Mạnh đã đề nghị các giáo viên trực tiếp đứng lớp để mình ký vào sổ đầu bài các tiết dạy và hưởng phụ cấp ưu đãi nghề không đúng quy định. Số tiền chiếm đoạt là 61 triệu 530 nghìn 070 đồng. (1)

Sự việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất cần câu trả lời minh bạch của ngành giáo dục Thủ đô. Ảnh: Nguoiduati

Sự việc của cô giáo Nguyễn Thị Tuất cần câu trả lời minh bạch của ngành giáo dục Thủ đô. Ảnh: Nguoiduati

Trong câu chuyện của cô giáo Nguyễn Thị Tuất (giáo viên Tiểu học Sài Sơn B, Quốc Oai, Hà Nội), đáng buồn là những học sinh chỉ mới học lớp 5 đã bị lôi kéo vào chuyện của người lớn.

Chuyện của cô giáo Tuất chưa đến hồi ngã ngũ bởi còn đợi cơ quan chức năng giải quyết, thanh tra, để tìm ra câu trả lời hợp tình, hợp lý.

Nhưng dù thế nào đi chăng nữa thì điều đáng tiếc nhất ở sự việc xảy ra tại Trường Tiểu học Sài Sơn B là có những đứa trẻ đã bị "bôi bẩn" tâm hồn. Đó hẳn là điều đau đớn nhất không có cách nào cứu vãn nổi!

Một vụ việc khác mà Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã phản ánh, cô giáo T.T.L (giáo viên Trường Trung học cơ sở Hiến Nam, Thành phố Hưng Yên, Hưng Yên) cũng bị khủng bố bằng mắm tôm khi đấu tranh chống tiêu cực tại trường Hiến Nam.

Đáng buồn thay, việc "khủng bố" cô L. bằng mắm tôm diễn ra ngay trong khuôn viên trường.

Cô giáo T.T.L đã viết đến hơn 20 trang nội dung tố cáo Hiệu trưởng nhà trường. Kết quả giải quyết tố cáo của cơ quan chức năng chưa thấy đâu nhưng bản thân cô L. thì đang phải hứng chịu những chiêu "thù vặt" của kẻ giấu mặt.

Xe của cô giáo T.T.L bị đổ mắm tôm ngay trong Trường Trung học cơ sở Hiến Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Xe của cô giáo T.T.L bị đổ mắm tôm ngay trong Trường Trung học cơ sở Hiến Nam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trước đó vào tháng 1/2021, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam cũng đã thông tin về việc bà Hoàng Thị Tuyết Nhung - Hiệu trưởng Trường tiểu học Minh Khai (Thành phố Hà Giang) để xảy ra sai phạm về quản lý tài chính, tài sản, quản lý chuyên môn, thực hiện quy chế dân chủ tại trường.

Sau khi các cơ quan chức năng vào cuộc, Hiệu trưởng đã bị kỷ luật, giáng chức, điều chuyển làm Hiệu phó một trường xa trung tâm.

Có một thực tế xảy ra là hầu hết các vụ việc bất ổn tại các ngôi trường đã được báo chí đề cập đều có xuất phát từ mâu thuẫn giữa Hiệu trưởng và giáo viên.

Thành công, thương hiệu của một ngôi trường phụ thuộc rất nhiều vào tâm, tài của Hiệu trưởng và sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên.

Những nhà giáo quanh năm chỉ biết đến giáo án, bài giảng, làm những công việc chuyên môn thuần túy, vậy thì vì sao họ phải "tố" cấp trên - cũng là đồng nghiệp của mình?

Trò chuyện với Phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều thầy cô giáo, những người làm quản lý giáo dục phải thừa nhận, có một bộ phận những người làm quản lý trong trường học có cái "tôi" quá lớn, có ít sự học hỏi, tiếp thu, luôn cho rằng mình đúng và áp đặt cấp dưới phải phục tùng.

Chính vì vậy, câu chuyện trù dập giáo viên, gây khó dễ... cho cấp dưới của mình vẫn xảy ra.

Trong ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều những vị hiệu trưởng độc đoán, lộng quyền (Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn).

Trong ngành giáo dục vẫn còn rất nhiều những vị hiệu trưởng độc đoán, lộng quyền (Ảnh nguồn minh họa: tuoitre.vn).

Chỉ tiếc rằng vẫn có sai phạm của hiệu trưởng chưa được làm thấu đáo, tường tận vấn đề và còn có dấu hiệu mập mờ không rõ ràng từ phía cơ quan quản lý.

Việc này dẫn đến những lãnh đạo nhà trường không đủ tâm, đủ tầm để gánh vác trọng trách của ngành, gây ra sự ức chế cho đồng nghiệp trong đơn vị và tạo dư luận xấu trong xã hội.

Những điều này cần phải loại bỏ trong trường học và càng không thể tồn tại trước sự phát triển của ngành giáo dục trước yêu cầu mới, hội nhập.

Năm 2009, Bộ Giáo dục và Đào tạo từng ban hành quy định về chuẩn hiệu trưởng trường phổ thông, đến năm 2018 có Thông tư 14/2018/TT-BGDĐT thay thế.

Một trong những mục đích ban hành thông tư này là làm căn cứ để hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông tự đánh giá phẩm chất, năng lực; xây dựng và thực hiện kế hoạch rèn luyện phẩm chất, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, quản trị nhà trường đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.

Có quy định là vậy, nhưng thực tế tình trạng một số hiệu trưởng trù dập giáo viên trong trường đã không còn là chuyện hiếm nữa.

Trong trường học luôn có Chi bộ, Công đoàn; Ban Thanh tra nhân dân, Hội cha mẹ học sinh… đầy đủ các ban bệ, nhưng không hiểu vì sao những công cụ này không phát huy được hiệu quả và thực tế là vẫn còn có những hiệu trưởng hống hách, cửa quyền và độc đoán.

Nếu không minh bạch, môi trường làm việc ngột ngạt sẽ dẫn đến sự nghi kị và không khuyến khích được sự phấn đấu của giáo viên.

Và, điều tất yếu là mục tiêu đổi mới giáo dục, xây dựng những ngôi trường hạnh phúc sẽ khó thực hiện được.

* Tài liệu tham khảo:

(1) http://conganbackan.vn/tin-an-ninh-trat-tu/tham-o-tai-san-mot-giam-doc-bi-khoi-to-58609.html

Trần Phương