Nội dung chương trình giáo dục Tiểu học và Trung học cơ sở mới

07/08/2015 06:11
Phương Thảo
(GDVN) - Bên những đổi mới của chương trinh giáo dục hướng nghiệp (THPT) thì cấp Tiểu học và THCS ở Chương trình phổ thông mới có nhiều điểm khác lạ.

Theo Bộ GD&ĐT, mục tiêu giáo dục của cấp Tiểu học và THCS (gọi tắt là Giáo dục cơ bản) bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, hình thành, phát triển năng lực tự học; chuẩn bị tâm thế cho việc thích ứng với những thay đổi nhanh chóng và nhiều mặt của xã hội tương lai; đáp ứng yêu cầu phân luồng sau trung học cơ sở.

Cụ thể, chương trình giáo dục cấp tiểu học nhằm giúp học sinh hình thành những cơ sở ban đầu cho sự hình thành và phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, phẩm chất và năng lực; định hướng chính vào giá trị gia đình, dòng tộc, quê hương, những thói quen cần thiết trong học tập và sinh hoạt; có được những kiến thức và kỹ năng cơ bản nhất để tiếp tục học trung học cơ sở.

Chương trình giáo dục cấp THCS nhằm giúp học sinh duy trì và nâng cao các yêu cầu về phẩm chất, năng lực đã hình thành ở cấp tiểu học; tự điều chỉnh bản thân theo các chuẩn mực chung của xã hội; hình thành năng lực tự học, hoàn chỉnh tri thức phổ thông nền tảng để tiếp tục học lên trung học phổ thông, học nghề hoặc bước vào cuộc sống lao động.

Học lồng ghép các môn ở cấp giáo dục cơ bản

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, các môn học bắt buộc gồm: Tiếng Việt/Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Thể dục, Giáo dục lối sống/Giáo dục Công dân, Cuộc sống quanh ta, Tìm hiểu tự nhiên/Khoa học tự nhiên, Tìm hiểu xã hội/Khoa học xã hội.

Ngoài các môn học bắt buộc, học sinh được tự chọn: Tự chọn tuỳ ý (TC1) gồm: Ngoại ngữ 2, Tiếng dân tộc, Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (ở lớp 8, lớp 9).

Tự chọn trong môn học (TC3) gồm: Kỹ thuật/Công nghệ, Tin học, Thể thao, Âm nhạc, Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo. 

Tự học có hướng dẫn là thời gian học sinh tự học trên lớp (để thay thế tự học ở nhà) có sự kèm cặp, giúp đỡ của giáo viên. Hoạt động này chỉ có ở các lớp tiểu học học 2 buổi/ngày.

Đối với cấp tiểu học: Mỗi ngày học 2 buổi, buổi sáng học không quá 4 tiết và buổi chiều học không quá 3 tiết. Mỗi tuần học không quá 32 tiết, mỗi tiết học trung bình 35 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Cấp trung học cơ sở: Mỗi ngày học 1 buổi không quá 5 tiết học. Mỗi tuần học không quá 28 tiết, mỗi tiết học 45 phút, giữa các tiết học có thời gian nghỉ.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, chương trình môn học giai đoạn giáo dục cơ bản bảo đảm trang bị cho học sinh tri thức phổ thông nền tảng, toàn diện và thực sự cần thiết. 

Kết thúc giai đoạn này, học sinh có khả năng tự học, đạt được những phẩm chất và năng lực thiết yếu, nhất là các năng lực chung, thấy rõ sở trường, năng lực của mình để tự tin tham gia cuộc sống lao động hoặc tiếp tục học lên. 

Ở cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở thực hiện lồng ghép những nội dung liên quan với nhau của một số lĩnh vực giáo dục, một số môn học trong chương trình hiện hành để tạo thành môn học tích hợp; thực hiện tinh giản, tránh chồng chéo nội dung giáo dục, giảm hợp lý số môn học.

Chú trọng tính thiết thực của các nội dung dạy học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, cùng với hoạt động tư vấn trường học để giúp học sinh học xong trung học cơ sở có thể chọn con đường học lên theo giáo dục nghề nghiệp hoặc trung học phổ thông, góp phần thực hiện yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở.

Các môn học cơ bản

Đối với môn Ngữ văn/tiếng Việt, thì đây là môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 12. Nội dung cốt lõi bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng cơ bản, thiết yếu về tiếng Việt và văn học; phù hợp với lứa tuổi và các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực của học sinh ở từng cấp học. 

Ảnh minh họa. Xuân Trung
Ảnh minh họa. Xuân Trung

Giai đoạn giáo dục cơ bản, môn học có tên là Tiếng Việt đối với cấp tiểu học và Ngữ văn ở cấp trung học cơ sở. Kết thúc giai đoạn giáo dục cơ bản, học sinh có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo để giao tiếp hiệu quả trong cuộc sống hàng ngày và học tập tốt các môn học khác; có thể đọc, viết, nói và nghe các dạng văn bản phổ biến và thiết yếu; đồng thời qua môn học, học sinh được bồi dưỡng và phát triển về tâm hồn và nhân cách. 

Môn cốt lõi Toán học.

Môn Toán là môn học bắt buộc ở tiểu học và trung học cơ sở (từ lớp 1 đến lớp 9), giúp học sinh nắm được một cách có hệ thống các khái niệm, nguyên lý, quy tắc toán học cần thiết nhất cho tất cả mọi người, làm nền tảng cho việc học tập tiếp theo ở các trình độ học tập hoặc có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày. 

Cấu trúc chương trình môn Toán ở tiểu học và trung học cơ sở dựa trên sự phối hợp cả cấu trúc tuyến tính với cấu trúc “xoáy trôn ốc" (đồng tâm, mở rộng và nâng cao dần), xoay quanh và tích hợp ba mạch kiến thức: Số và Đại số; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Môn học cốt lõi Đạo đức - Công dân

Tất cả các môn học, nhất là các môn thuộc khoa học xã hội và hoạt động trải nghiệm sáng tạo đều góp phần giáo dục đạo đức - công dân, trong đó Giáo dục lối sống (cấp tiểu học), Giáo dục công dân (cấp trung học cơ sở) và Công dân với Tổ quốc (cấp trung học phổ thông) là các môn học cốt lõi, bắt buộc.

Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản này nội dung chủ yếu là giáo dục đạo đức, văn hoá pháp luật, giá trị sống, kỹ năng sống và thực hành tiết kiệm.

Môn cốt lõi giáo dục Thể chất

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, cấp tiểu học nhằm hình thành thói quen tập luyện nâng cao sức khoẻ, thông qua luyện tập thể dục thể thao để phát triển các tố chất vận động, ưu tiên phát triển sự khéo léo dưới hình thức các trò chơi vận động, vui chơi tập thể,…

Cấp trung học cơ sở nhằm trang bị những hiểu biết về cách thức tập luyện, giáo dục ý thức tự giác, tích cực tự luyện tập, phát triển các tố chất thể lực, ưu tiên phát triển sức nhanh thông qua các hoạt động thể dục thể thao như: nhảy cao, nhảy xa, đá cầu, cầu lông, bóng đá, bóng chuyền,...

Với môn Mỹ thuật, ở giai đoạn này nội dung chủ yếu của môn học nhằm hình thành ở học sinh cảm xúc trước thiên nhiên và đời sống xã hội thông qua việc nhận biết về màu sắc, đường nét, hình thể và những biến chuyển sinh động của các sự vật, đồ vật, hiện tượng. 

Học sinh biết cách thể hiện cảm xúc, tư duy bằng ngôn ngữ tạo hình một cách đơn giản trên mặt phẳng hai chiều và trong không gian ba chiều.

Môn học cốt lõi lĩnh vực Khoa học xã hội

Giáo dục Khoa học xã hội được thực hiện ở nhiều môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo, trong đó các môn học cốt lõi tiếp nối nhau là: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3); Tìm hiểu Xã hội (các lớp 4, 5); Khoa học xã hội.

Đối với giai đoạn giáo dục cơ bản, môn học bắt buộc từ lớp 1 đến lớp 9; ở các lớp 1, 2, 3 môn học có tên là Cuộc sống quanh ta, tích hợp các nội dung về tự nhiên và xã hội; lên các lớp 4, 5 tách thành môn học Tìm hiểu xã hội (cùng với môn Tìm hiểu tự nhiên).

Lên THCS môn học này có tên là Khoa học xã hội, tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Lịch sử, Địa lý, đồng thời lồng ghép tích hợp kiến thức ở mức độ đơn giản về kinh tế, văn hoá, khoa học, tôn giáo,....

Môn cốt lõi lĩnh vực Khoa học tự nhiên

Lĩnh vực giáo dục Khoa học Tự nhiên được thực hiện trong nhiều môn học nhưng chủ yếu là các môn học: Cuộc sống quanh ta (các lớp 1, 2, 3), Tìm hiểu tự nhiên (các lớp 4, 5), Khoa học tự nhiên (cấp THCS).

Ở giai đoạn giáo dục này nội dung chủ yếu của môn học là tích hợp chủ yếu các lĩnh vực kiến thức về Vật lý, Hoá học, Sinh học,...; được tổ chức theo các mạch: Theo đối tượng môn học (vật chất, năng lượng, sự sống, trái đất); các quy luật chung của thế giới tự nhiên (tương tác, vận động, phát triển và tiến hoá); vai trò của khoa học đối với sự phát triển xã hội; vận dụng kiến thức khoa học trong sử dụng và khai thác thiên nhiên một cách bền vững. 

Cấu trúc nội dung môn Khoa học Tự nhiên ở cấp THCS gồm các chủ đề phân môn Vật lý, Hoá học, Sinh học, Khoa học trái đất đồng thời có thêm một số chủ đề liên phân môn được sắp xếp sao cho vừa bảo đảm liên hệ theo logic tuyến tính vừa tích hợp đồng tâm, hình thành các nguyên lý, quy luật chung của thế giới tự nhiên.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo dành cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 giúp học sinh vận dụng những tri thức, kiến thức, kỹ năng, thái độ đã học từ nhà trường và những kinh nghiệm của bản thân vào thực tiễn cuộc sống một cách sáng tạo.

Ở giai đoạn giáo dục cơ bản, chương trình hoạt động trải nghiệm sáng tạo tập trung vào việc hình thành các phẩm chất nhân cách, những thói quen, kỹ năng sống,... 

Thông qua hoạt động trải nghiệm học sinh được bước vào cuộc sống xã hội, được tham gia các dự án học tập, các hoạt động thiện nguyện, hoạt động lao động, các loại hình câu lạc bộ khác nhau,... 

Bằng hoạt động trải nghiệm của bản thân, mỗi học sinh vừa là người tham gia, vừa là người kiến thiết và tổ chức các hoạt động cho chính mình nên học sinh không những biết cách tích cực hoá bản thân, khám phá bản thân, điều chỉnh bản thân mà còn biết cách tổ chức hoạt động, tổ chức cuộc sống và biết làm việc có kế hoạch, có trách nhiệm. 

Đặc biệt, ở giai đoạn này, mỗi học sinh cũng bắt đầu xác định được năng lực, sở trường, và chuẩn bị một số năng lực cơ bản cho người lao động tương lai và người công dân có trách nhiệm.

Dự kiến khung chương trình giáo dục cơ bản:

Giai đoạn GD

CƠ BẢN

Cấp học

Tiểu học

Trung học cơ sở

Lớp

Lớp 1

Lớp 2

Lớp 3

Lớp 4

Lớp 5

Lớp 6

Lớp 7

Lớp 8

Lớp 9

Các môn học và số tiết trung bình trong 1 tuần của từng
môn học

Tiếng Việt (BB)

Ngữ văn (BB)

12

12

8

6

6

4

4

4

4

Ngoại ngữ 1 (BB)

Ngoại ngữ 1 (BB)

4

4

4

3

3

3

3

Ngoại ngữ 2 (TC1)
Tiếng dân tộc (TC1)

Ngoại ngữ 2 (TC1)
Tiếng dân tộc (TC1)

Toán (BB)

Toán (BB)

3

3

6

6

6

4

4

4

4

Giáo dục lối sống (BB)

Giáo dục công dân (BB)

2

2

2

1

1

1

1

1

1

Thể dục (BB) - Thể thao (TC3)

Thể dục (BB) - Thể thao (TC3)

2

2

2

2

2

2

2

2

2

Âm nhạc (TC3) - Mỹ thuật (TC3)

Âm nhạc (TC3) - Mỹ thuật (TC3)

2

2

2

2

2

1,5

1,5

1,5

1,5

Cuộc sống quanh ta (BB)

Tìm hiểu XH (BB)

Khoa học XH (BB)

2

2

2

2

2

3

3

3

3

Tìm hiểu TN (BB)

Khoa học TN (BB)

2

2

4

4

4

4

Kỹ thuật (TC3) – Tin học (TC3)

Tin học (TC3)

1

1

1

2

2

1

1

1

1

Công nghệ (TC3)

1,5

1,5

1,5

1,5

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TC3)

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (TC3)

4

4

3

3

3

3

3

3

3

Nghiên cứu khoa học kỹ thuật (TC1)

Tự học có hướng dẫn

4

4

2

2

2

Số tiết/tuần

32

32

32

32

32

28

28

28

28

Phương Thảo