Nỗi khổ "buộc phải xưng danh" của nhiều ông lớn doanh nhân Việt

22/02/2013 07:03
Bùi Hải
(GDVN) - Hôm qua, ông Trần Bắc Hà, chủ tịch BIDV (Ngân hàng đầu TƯ và phát triển VN) đã phải đăng đàn báo giới để khẳng định rằng: Ông không bị bắt.
Chỉ với một tin đồn thất thiệt, chứng khoán đã hứng cú trượt lớn. Nhiều ngàn người mất tiền, trong khi có thể, kẻ tung tin đồn, trục lợi hàng trăm tỉ.

Kể từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải mở ra nhiều cơ hội vàng cho doanh nghiệp đến nay, chưa bao giờ nhiều ông lớn doanh nhân lại buộc phải làm cái động tác của chú Tễu khi bước ra sân khấu, như bây giờ.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV. Ảnh: Nhật Minh
Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV. Ảnh: Nhật Minh


Câu nói nổi tiếng của của Tễu: "Tôi ra đây có phải xưng danh không nhỉ?", tuy trở thành thương hiệu sân khấu của, nhưng nội dung thông tin thì vô thưởng vô phạt, vì ai cũng biết Chú là ai.

Nhưng lời giới thiệu kiểu: Tôi, vẫn ở đây, không hề bị bắt, thì lại không hề vô thưởng vô phạt. Phần xưng danh ấy có tác động không nhỏ đến một vài dòng chảy của nền kinh tế.

Người ta thường vui vẻ, hạnh phúc khi xưng danh hoặc được xướng tên trong các cuộc mít tinh quan trọng, lễ trao giải, vinh danh..., chứ xưng danh chỉ để nói tôi hoàn bình thường và không hề vướng vào vòng lao lý, thì lại là chuyện cực chẳng đã.

Thế mà, trước ông Trần Bắc Hà, các ông lớn doanh nhân khác: Hồ Hùng Anh, Nguyễn Đăng Quang, Trầm Bê..., đều phải đăng đàn, xưng danh để tự chứng minh mình vẫn tự do.

Đó là nỗi khổ thật khó diễn tả của doanh nhân Việt.

Một chủ tịch tập đoàn hàng đầu Việt Nam, trong dịp tổng kết cuối năm, đã bộc bạch chuyện thật mà như đùa, rằng: "Cho đến bây giờ, tôi đã 4 lần chết vì ung thư và mấy lần bị ám sát thành công". Quả thật, chính người viết bài này cũng đã có lần phải điện cho trợ thủ của ông để hỏi về một trong những tin đồn thất thiệt đó.

Có một nhà thơ ví von: "Tin đồn như con rắn/ Lách luồn qua kẽ đêm/ Tin đồn như bùa mê/ Dỗ vành tai hóng hớt".

Nói như nhà thơ này, thì "kẽ đêm" và những "vành tai hóng hớt", chính là nơi dung dưỡng tin đồn.

Không sai, xã hội suy thoái niềm tin, là điều kiện lý tưởng tin đồn tung hoành. Suy thoái kinh tế càng làm cho khủng hoảng niềm tin thêm sâu sắc, tạo ra nhiều "vành tai hóng hớt".  

Chính suy thoái kinh tế đã làm lộ ra nhiều "kẽ đêm" thiếu minh bạch, làm láo, tham ô, trục lợi, thậm chí là mafia, của một số doanh nhân, dẫn đến sự mất lòng tin ở công chúng.

Chính vì thế, xét đến cùng, biện pháp ngăn tin đồn về doanh nghiệp, doanh nhân hiệu quả nhất, chính là sự trong sạch của các doanh nhân và sự lành mạnh của công ty họ (tất nhiên doanh nhân trong sạch vẫn cần xưng danh kịp thời khi bị vu oan).

Nếu không sạch sẽ, họ sẽ phải tiếp tục xưng danh nhiều lần nữa trên công luận.

Thậm chí một ngày nào đó, họ sẽ phải ngồi khép nép xưng danh với cán bộ quản giáo trong bộ quần áo "pijama" - trang phục mà những người mất tự do thực sự phải mặc hàng ngày.
Bùi Hải