Nơi nào điểm thi tốt nghiệp cao hơn điểm học bạ, hãy mừng thay vì sợ HS thiệt!

03/08/2022 06:30
Nam Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu chúng ta gieo vào đầu các em học sinh sự giả dối thì giáo dục và xã hội trong tương lai sẽ ra sao?

Trong vài năm qua, sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi tốt nghiệp và đối sánh giữa điểm số của kì thi này với kết quả của điểm học bạ cuối năm học của lớp 12, có không ít bài viết trên các phương tiện truyền thông đã đưa ra phân tích, nhận định.

Theo đó, hầu hết các ý kiến đều chỉ ra độ vênh giữa điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và điểm số học bạ. Có nhiều địa phương sự chênh lệch đến 2.3 điểm, thậm chí cao hơn. Và nỗi lo chung của ngành Giáo dục, của xã hội là hiện tượng “làm đẹp” hồ sơ học sinh của giáo viên trực tiếp dạy học.

Trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 28/7 có đăng bài viết “GS.Nguyễn Viết Tùng lo có "trao đổi" để điểm đẹp từ THPT nhằm thuận lợi vào ĐH”.

Theo đó, Giáo sư Nguyễn Tùng cho rằng: “Nếu học bạ đánh giá chính xác quá trình học tập phấn đấu của học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 thì thông tin của học bạ cũng là một kênh đánh giá. Chỉ có điều, nếu mở ra kênh xét tuyển học bạ, sẽ xuất hiện nhiều lỗ hổng, trong đó có việc là làm đẹp học bạ”.

Thầy Tùng cũng lo ngại việc xét tuyển học bạ sẽ dẫn tới tình trạng tác động, thậm chí có trao đổi lợi ích từ khi còn học phổ thông để chuẩn bị cho tương lai vào đại học. Như thế sẽ lợi bất cập hại và không chừng sẽ tạo ra nguy cơ, hệ quả lâu dài. Giáo sư Tùng mong muốn việc xét tuyển học bạ nên cân nhắc hoặc có thêm một cách thức khác đi kèm với phương thức này như phỏng vấn trực tiếp.[1]

Tác giả Trang Nguyễn trên báo Người lao động điện tử ra ngày 26/7 cũng đã nhận định: “Trước làn sóng điểm số học tập ở trường trung học phổ thông tăng vọt và học bạ "đẹp như mơ", dư luận một lần nữa hoài nghi trước chất lượng giáo dục đang bị đẩy đi quá xa. Dẫu đầu tư học hành và ôn luyện đến đâu, cũng khó đạt điểm 10 tuyệt đối ở tất cả các bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ. Không chút sai sót kiến thức. Không một lần sơ sẩy mắc lỗi.

Điểm số cao, hẳn nhiên là niềm vui bởi thế hệ trẻ toàn tài, xuất sắc, hoàn mỹ sẽ bước chân vào giảng đường. Nhưng "quả ngọt" từ giáo dục có thật sự giải cơn khát nhân tài của đất nước? Hay những nỗi lo mới sẽ nhen nhóm, nối dài và dai dẳng trong tương lai gần?[2].

Dưới góc nhìn của một giáo viên nhiều năm đứng lớp giảng dạy khối 12, người viết rất đồng tình với ý kiến của 2 tác giả trên cũng như của nhiều chuyên gia khác về tình trạng điểm số học bạ cao hơn rất nhiều so với kết quả điểm thi tốt nghiệp ở nhiều địa phương.

Nguyên nhân của hiện trạng này có thể bắt nguồn từ áp lực thi đua, áp lực từ cha mẹ học sinh, sự ganh đua của các trường trung học phổ thông trên cùng một địa bàn trong công tác tuyển sinh đầu cấp (lớp 10), “thương học sinh” vì các em còn xét học bạ trong tuyển sinh đại học…

Những nguyên nhân này không mới, người viết chỉ nêu lại và cho rằng bất cứ lí do nào ở trên đây cũng là biểu hiện của sự tiêu cực, không khách quan trong công tác dạy học của giáo viên và quản lí của người lãnh đạo.

Thông thường, về mặt lí luận, lẽ phải thường thuộc về số đông. Tuy nhiên, thực tế cuộc sống, số đông chưa hẳn thuộc về lẽ phải. Thế nên, có quan niệm cho rằng, làm đẹp học bạ thì ở đâu chẳng thế, đâu chỉ riêng mình. Đây là quan điểm rất sai lầm và chính quan điểm này kéo theo việc coi trọng hình thức, bắt chước, a dua, thoả hiệp với cái sai, cái xấu tồn tại ngoài xã hội – cái mà người ta gọi là Hội chứng đám đông.

Trong quá trình dạy học, giáo viên khi tiến hành các hoạt động dạy học đều có sự giám sát của các bộ phận: Nhà trường, đoàn thể, tổ chuyên môn, cha mẹ học sinh và kể cả học sinh mà giáo viên trực tiếp đứng lớp. Trong đó, kiểm tra (thường xuyên, giữa kì, cuối kì) cũng là một khâu trong hoạt động dạy học.

Với học sinh lớp 12, bài kiểm tra thường xuyên có thể thực hiện theo nhiều hình thức bên cạnh kiểm tra bằng hình thức viết. Bài kiểm tra giữa kì, cuối kì đều thực hiện theo ma trận ra đề kiểm tra với bốn mức độ: Thông hiểu, nhận biết, vận dụng và vận dụng cao. Và đề kiểm tra được tổ trưởng tổ chuyên môn xét duyệt đồng thời cũng được lưu và hồ sơ của tổ.

Ở mọi hình thức kiểm tra, đặc biệt với 2 bài giữa kì và cuối kì, giáo viên thực hiện chấm và công khai về mặt điểm số.

Giáo viên cho các em được quyền ý kiến về bài làm của mình và cho các em mang bài về nhà để tham vấn cha mẹ, anh chi, các thầy cô khác nhằm thoả mãn về mặt điểm số mà mình có được. Nếu công khai, minh bạch thì học sinh sẽ không còn điều gì để ấm ức.

Từ những bàn tán, xôn xao của xã hội về điểm học bạ cao hơn điểm trung bình kiểm tra cuối năm, người viết cũng đã thử thống kê lại điểm trung bình của những lớp mình dạy so với điểm thi tốt nghiệp trong 2 năm học vừa qua thì nhận được độ lệch không cao và thấy rằng kết quả của mình ngược lại với xu hướng chung: điểm trung bình thi tốt nghiệp cao hơn điểm học bạ!

Thống kê kết quả học tập một lớp học năm 2022. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Thống kê kết quả học tập một lớp học năm 2022. (Ảnh do tác giả cung cấp)

Cụ thể, trong năm 2022 này, với một lớp theo hướng khoa học xã hội, điểm trung bình học bạ của lớp là 7.57 trong khi điểm trung bình thi tốt nghiệp là 7.70; với lớp theo ban khoa học tự nhiên có học lực trung bình, điểm trung bình học bạ là 5.41 và điểm trung bình thi tốt nghiệp là 5.75.

Kết quả này, với quan điểm riêng, người viết nghĩ rằng là hợp lí.

Vì trong một năm học, học sinh ở bậc trung học nói riêng và khối 12 nói chung phải học rất nhiều môn học (13 môn), cùng với nhiều hoạt động khác của Đoàn thanh niên, hướng nghiệp, ngoài giờ lên lớp, thể dục thể thao… thậm chí học thêm ngoài nhà trường.

Do đó, các em sẽ không đủ thời gian lẫn sức khoẻ cho việc ôn tập.

Hơn nữa, bài kiểm tra giữa kì lại dồn dập diễn ra trong khoảng 2 tuần của học kì khiến cho các em bị quá tải dẫn đến kết quả không được tốt.

Có không ít ý kiến cho rằng, điểm học bạ cao hơn điểm thi tốt nghiệp là đúng, là bình thường. Người viết không cho là như vậy.

Bởi lẽ học sinh cũng như một nhà điêu khắc hay là một nghệ nhân chơi cây bonsai. Người thợ điêu khắc sau một thời gian dài tạo hình sẽ đến công đoạn cuối cùng là chỉnh sửa, hoàn thiện tác phẩm.

Người nghệ nhân sau một quá trình uốn, ép thì cũng sẽ đến khâu khắc phục những cành, nhánh... để mang lại tác phẩm bonsai như ý đồ của mình.

Người thầy dạy học cũng vậy. Sau cả một năm học, học sinh khối 12 sẽ trải qua giai đoạn ôn thi tốt nghiệp.

Cần nhấn mạnh rằng, thời điểm ôn thi tốt nghiệp, học sinh chỉ còn học những môn tham gia dự thi.

Về kiến thức, các em đã nắm được cơ bản qua suốt một năm học. Vì thế, dù ôn tập chỉ trong vài tuần nhưng đây là thời gian quan trọng để các em khắc phục, sửa chữa những sai sót của mình theo sự hướng dẫn của thầy cô.

Đây được xem là giai đoạn nước rút nên học sinh rất tập trung cho việc học. Đề luyện tập cũng đã được học sinh làm thường xuyên để từ đó giáo viên sẽ giúp các em biết những hạn chế mình cần phải khắc phục.

Chính thời gian này sẽ giúp kiến thức, năng lực các em được nâng cao.

Đương nhiên, không phải học sinh nào cũng có điểm tốt nghiệp cao hơn điểm học bạ nếu như những em này thiếu sự cố gắng và có sự sơ suất trong khi làm bài thi.

Nói như vậy không ít thầy cô sẽ bảo: điểm học bạ thấp hơn điểm thi sẽ thiệt thòi cho học sinh. Người viết lại nghĩ khác. Một khi đã công khai, minh bạch, học sinh sẽ bằng lòng với kết quả của chính mình. Hơn nữa, nếu điểm số của các em cao mà kết quả ấy không phải do các em tạo ra là biểu hiện của sự giả dối.

Trong thực tế, có học sinh khi nhận điểm số từ tin nhắn, bảng điểm mà không biết điểm số ấy từ đâu mà có, phải chăng là “từ trên trời rơi xuống”?. Nếu chúng ta gieo vào đầu các em sự giả dối đó thì giáo dục và xã hội trong tương lai sẽ ra sao?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://giaoduc.net.vn/gs-nguyen-viet-tung-lo-co-trao-doi-de-diem-dep-tu-thpt-nham-thuan-loi-vao-dh-post228271.gd

[2] https://nld.com.vn/ban-doc/lam-dep-hoc-ba-20220725211447791.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Nam Bình