Nóng sáng 26/3: Hiệp hội ôtô (VAMA) đề nghị ngừng thu phí ô tô, xe máy

26/03/2012 09:27
Hải Phong (Tổng hợp)
(GDVN) - Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị ngừng thu phí ô tô, xe máy, hai Bộ trưởng trả lời chất vấn... là những tin nóng sáng 26/3.
Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đề nghị ngừng thu phí ô tô, xe máy
Nguồn tin trên VnMedia cho hay, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam vừa có văn bản gửi các cơ quan chức năng thuộc Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành liên quan đề nghị hoãn, ngừng việc thực hiện mức phí lưu hành được nêu trong đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong giai đoạn kinh tế trong nước và thế giới đang khó khăn như hiện nay.  

VAMA quan ngại trước đề xuất của Bộ GTVT thu phí cao với ô tô, xe máy
VAMA quan ngại trước đề xuất của Bộ GTVT thu phí cao với ô tô, xe máy

Trong văn bản vừa được VAMA gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, các Bộ ngành liên quan, VAMA quan ngại việc điều tiết sử dụng phương tiện cá nhân theo như đề xuất thu một số loại phí của Bộ Giao thông Vận tải, nếu được áp dụng ngay lập tức thì có thể gây ra các tác động không nhỏ đến sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô và ảnh hưởng đến đời sống của người lao động, trong khi để giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông thì quan trọng là cần phát triển cơ sở hạ tầng và từng bước phát triển mạng lưới giao thông công cộng đồng bộ.
Hai Bộ trưởng trả lời chất vấn

Báo An ninh thủ đô đưa tin, hôm nay, trong khuôn khổ phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình sẽ đăng đàn trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội. 

Dự kiến, trong buổi sáng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về hàng loạt vấn đề nóng thuộc lĩnh vực y tế như việc bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế; vấn đề điều chỉnh khung giá viện phí.

Buổi chiều, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình sẽ trả lời vấn đề tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng và chế độ đối với cán bộ, công chức Nhà nước; chế độ, chính sách đối với cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn; giải pháp nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền ở cơ sở. 

Vũng Tàu: Công khai giá dịch vụ du lịch trên website

Thông tin trên báo Hà nội mới Online, Sở VH,TT&DL Bà Rịa - Vũng Tàu đang triển khai đăng tải chi tiết bảng giá dịch vụ lưu trú, ăn uống, tắm biển của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh du lịch trên địa bàn tỉnh trong chuyên mục "Thông tin cần biết" trên trang web:bariavungtautourism.com.vn.

Du khách đến Vũng Tàu sẽ dễ dàng lựa chọn dịch vụ với giá cả hợp lý.
Du khách đến Vũng Tàu sẽ dễ dàng lựa chọn dịch vụ với giá cả hợp lý.

Theo Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, việc công khai giá các loại dịch vụ của các đơn vị kinh doanh du lịch nhằm giúp du khách dễ dàng tìm kiếm, lựa chọn dịch vụ, hàng hóa với giá cả hợp lý và chất lượng tương xứng, đồng thời là giải pháp hữu hiệu để giải quyết nạn "chặt chém" khi du lịch vào mùa cao điểm. Dự kiến, việc đăng tải thông tin giá cả dịch vụ sẽ được Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch hoàn thành trước ngày 30/4.
Đưa tượng cụ Phan Bội Châu về vị trí mới
Nguồn tin trên Thanh niên Online cho hay, sáng 25/3, Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng Thừa Thiên - Huế đã tiến hành di chuyển tượng cụ Phan Bội Châu từ nhà lưu niệm của cụ (P.Trường An, TP.Huế) về vị trí mới tại công viên 19 Lê Lợi, bên chân cầu Tràng Tiền (TP.Huế, Thừa Thiên - Huế).

Bức tượng được đặt tại vị trí mới
Bức tượng được đặt tại vị trí mới

Bức tượng được đặt dựa lưng vào tòa nhà của Trung tâm Festival Huế nhìn về chân cầu Tràng Tiền. Sau khi bức tượng đồng được đặt tại vị trí mới, hệ thống phù điêu quanh chân tượng do chính tác giả Lê Thành Nhơn phác thảo trước khi qua đời cũng sẽ được thực hiện để hoàn thiện công trình.

Như vậy, sau nhiều năm  tìm địa điểm, đến nay bức tượng đồng cụ Phan do tác giả họa sĩ, điêu khắc gia Lê Thành Nhơn thực hiện đã có được vị trí xứng đáng.
21 ngư dân bị Trung Quốc bắt vẫn bặt vô âm tín

Báo Sài gòn tiếp thị đưa tin, chiều 25/3, bà Phan Thị Ánh, ở thôn Tây, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn (vợ của thuyền trưởng Bùi Thu, tàu QNg 66 101 TS) cho biết: từ khi bị bắt đến giờ, anh Thu chưa một lần gọi điện về nhà báo tin. Hiện cả nhà đang phập phồng lo lắng.

Còn Lê Thị Phúc, vợ của thuyền trưởng tàu QNg 66 047 TS Trần Hiền thì cho hay: từ đêm 20/3, sau cuộc điện thoại với người Trung Quốc qua số 8689 866 835 903 hẹn hai ngày nữa phải nộp 70.000 nhân dân tệ vào tài khoản số 220 101 240 902 195 037, mãi đến nay, thuyền trưởng Hiền không gọi về nữa và bên Trung Quốc cũng không một lần liên lạc với điện thoại với bà Phúc. "Chắc không nộp tiền nên Trung Quốc chưa thả ra", bà Phúc nói.

Mỹ bồi thường 860.000USD cho nạn nhân vụ thảm sát ở Afghanistan

Trên trang Bee.net.vn dẫn lại tin, Mỹ đã bồi thường 50.000 USD cho mỗi người Afghanistan tử nạn trong vụ lính Mỹ xả súng ở miền Nam nước này.
 
Một cậu bé người Afghanistan đang cầu nguyện bên mộ thân nhân chết trong vụ thảm sát. Ảnh: AP
Một cậu bé người Afghanistan đang cầu nguyện bên mộ thân nhân chết trong vụ thảm sát. Ảnh: AP

CNN dẫn lời một số thành viên hội đồng địa phương Afghanistan cho biết gia đình của 16 người thiệt mạng đã nhận được số tiền này. Ngoài ra, mỗi người bị thương cũng nhận được 10.000 USD. Tổng số tiền phía Mỹ đã trả cho các nạn nhân là 860.000 USD.
Trong khi đó, theo nguồn tin của AP thì mỗi người bị thương sẽ được bồi thường 11.000 USD.
Thành viên hội đồng tỉnh Kadahar, ông Agha Lalai cho biết, gia đình những người xấu số đã tới văn phòng chính phủ nhận tiền vào 24/3.

Đụng độ ở Philippines, 270 gia đình phải đi sơ tán

Đại tá Prudencio Asto, người phát ngôn quân đội Philippines, cho biết đụng độ giữa các nhóm vũ trang ở miền Nam Philippines đã khiến hai người thiệt mạng và buộc khoảng 270 gia đình phải đi sơ tán.

Các tay súng MILF tuần tra tại căn cứ Darapan, tỉnh Sultan Kudarat thuộc đảo Mindanao, miền nam Philippines. Ảnh: AFP/ TTXVN
Các tay súng MILF tuần tra tại căn cứ Darapan, tỉnh Sultan Kudarat thuộc đảo Mindanao, miền nam Philippines. Ảnh: AFP/ TTXVN

Tám ngôi nhà của các thành viên chủ lực trong phòng trào Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF) đã bị đốt cháy khi lực lượng này đụng độ với phong trào Mặt trận Giải phóng dân tộc Moro (MNLF).
Hải Phong (Tổng hợp)