Nữ sinh bị xâm hại đến mang thai, những ai đang vô cảm?

24/09/2020 11:18
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có đến 17 cơ quan bảo vệ trẻ em nhưng những vụ xâm hại, bạo lực học đường vẫn diễn ra. Hậu quả vẫn là các em phải chịu đau đớn

Sự việc em Đ.M.A (15 tuổi), nữ sinh tại trường Trung học cơ sở thị trấn Tĩnh Gia, thị xã Nghi Sơn (Thanh Hóa) bị xâm hại nhiều lần dẫn đến mang thai đã thu hút sự chú ý của cộng đồng, dư luận.

Theo thông tin từ gia đình bà V.T.C. (SN 1944, thị xã Nghi Sơn), thời gian gần đây gia đình phát hiện cháu Đ.M.A. (15 tuổi) đang là học sinh lớp 9 có nhiều biểu hiện bất thường, bụng to, nên gia đình đã đưa đi khám thì phát hiện cháu A đã có bầu hơn 14 tuần.

Cháu Đ.M.A cho biết, trong thời gian nghỉ dịch Covid-19, khoảng tháng 5 vừa qua, một số bạn nam trong lớp có rủ đi tham gia các hoạt động của lớp, nhà trường. Tuy nhiên, sau đó A đã không được đưa tới trường mà đi chơi ở nhà 1 người bạn cùng lớp.

Tại đây, nữ sinh này đã bị ép quan hệ với 1 bạn nam dẫn tới có thai.

Nữ sinh Đ.M.A. Ảnh: Định Nguyễn

Nữ sinh Đ.M.A. Ảnh: Định Nguyễn

Ban giám hiệu nhà trường nơi em A theo học cho biết, mấy ngày trước đó, người thân của nữ sinh Đ.M.A (học sinh lớp 9B) có tới xin phép cô giáo chủ nhiệm cho em A nghỉ học một thời gian dài để điều trị bệnh.

Nhà trường sau đó có cử giáo viên chủ nhiệm xuống nhà em A để thăm hỏi sức khỏe và động viên em. Tuy nhiên, khi xuống nhà thì mới biết có sự việc nữ sinh này đã mang thai.(1)

Tình cảnh của Đ.M.A không chỉ là cá biệt trong nhiều vụ việc xâm hại nữ sinh đã từng xảy ra. Một năm trước, nữ sinh N.T.B.P. (16 tuổi, trú xã Triệu Hòa, huyện Triệu Phong, Quảng Trị) cũng đã bị xâm hại tập thể và hậu quả là nhiều nam sinh đã vướng vào vòng lao lý.

Mới đây nhất, 24/9, thông tin từ Ủy ban nhân dân huyện Yên Thành (Nghệ An) cho biết, công an huyện này đang điều tra làm rõ vụ việc một nhân viên bảo vệ trường học ở xã Hồng Thành (huyện Yên Thành) tên B.Đ.T (67 tuổi) bị tố là đã ép một học sinh lớp 7 (12 tuổi) quan hệ tình dục. Công an huyện Yên Thành tạm giữ ông T. để phục vụ điều tra. (2)

Theo Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5 Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, Đoàn giám sát nhận thấy, thời gian qua, hệ thống chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em được ban hành tương đối đầy đủ, đồng bộ, kịp thời thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, nội luật hóa các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Tuy nhiên, những sự việc đau lòng vẫn xảy ra, thậm chí, Theo báo cáo của Chính phủ, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục.

Theo báo cáo của Chính phủ, trong chương trình làm việc Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 27/5/2020, từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự và xử lý hành chính: 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại.

Trong đó: Xâm hại tình dục: 6.432 trẻ em, chiếm 73,85% tổng số trẻ em bị xâm hại; Bạo lực trẻ em: 857 trẻ em (giết trẻ em: 191 trẻ, cố ý gây thương tích: 666 trẻ), chiếm 9,84% tổng số trẻ em bị xâm hại; Mua bán, bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em: 106 trẻ em, chiếm 1,22% tổng số trẻ em bị xâm hại. (3).

Vì sao nhà nước có một hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và có đến 17 cơ quan chức năng có trọng trách bảo vệ trẻ em nhưng vẫn xảy ra những vụ việc xâm hại đau lòng.

Lý giải một phần nguyên nhân, Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) đã có rất nhiều lần lên tiếng, thậm chí là gay gắt về các vấn đề của thẳng thắn chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân đầu tiên dẫn đến những vụ việc đau lòng đã xảy ra chính là việc nhận diện các nguy cơ có tác hại cho trẻ ở Việt Nam chưa được thực hiện tốt.

“Ở đây tôi nói thẳng là hệ thống, đội ngũ làm công tác trẻ em của chúng ta không có do bộ máy đã bị giải tán hết.

Chúng ta không còn đội ngũ cán bộ xã hội, cộng tác viên làm việc, hợp tác với trẻ em ở cộng đồng nên các nguy cơ nguy hiểm đến trẻ em chưa được nhận diện kịp thời.

Gần đây nhất có một cuộc họp của thủ tướng có đưa ra đề nghị các xã phải có thêm một cán bộ làm công tác bảo vệ trẻ em.

Nhưng vấn đề đang đặt ra là ai sẽ trả lương cho cán bộ này? Cơ chế hoạt động như thế nào? Nếu là cán bộ kiêm nhiệm, họ có kiến thức bảo vệ trẻ em hay không? Những vấn đề này cần phải được đặt ra và nhìn nhận thực tiễn.

Các cán bộ trẻ em, các cán bộ làm công tác xã hội, công tác cộng đồng họ phải sống ở khu vực đó, họ có kiến thức, nhận diện tốt các nguy cơ từ cộng đồng đối với trẻ em.

Sau đó các cán bộ này mới có những tư vấn ngăn chặn trước các nguy cơ đúng như luật trẻ em đã đề ra đó là hệ thống phòng ngừa, giải quyết các nguy cơ không để xảy ra. Hiện nay, chúng ta đang thiếu mạng lưới đó cho nên là những vụ việc đau lòng đối với trẻ em vẫn đang xảy ra”, ông An phân tích.

Tổng đài bảo vệ chăm sóc trẻ em hoạt động 24/24. Ảnh: Thuvienphapluat.

Tổng đài bảo vệ chăm sóc trẻ em hoạt động 24/24. Ảnh: Thuvienphapluat.

Bác sĩ Nguyễn Trọng An cũng thẳng thắn chỉ ra các vấn đề giáo dục của nhà trường cho thấy khối lượng giáo dục các kỹ năng cho học sinh là chưa đủ và chưa đi vào thực chất.

Học sinh có quá ít thời gian để học về đạo đức, các kỹ năng sống, giáo dục về phòng chống tai nạn thương tích, giáo dục về bơi tự cứu, giáo dục về phòng chống xâm hại tình dục…

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy - Uỷ viên thường trực Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng đã nêu ra thực trạng: “Thống kê có đến 17 cơ quan làm công tác bảo vệ trẻ em, song khâu kết nối, phối hợp giữa các bên liên quan để nhịp nhàng xử lý khi xảy ra các vụ xâm hại trẻ em, vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều mối nhưng... mạnh ai nấy làm

Khi có vụ xâm hại trẻ em xảy ra chỉ có người gây ra hành vi chịu trách nhiệm, còn người đứng đầu cơ quan tổ chức đó chưa thấy xử lý trách nhiệm của ai cả. Nhiều địa phương còn khoán trắng cho cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, như thế là không được. Trong khi công tác bảo vệ trẻ em có trách nhiệm của gia đình, của đoàn thanh niên...”. (4)

Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa yêu cầu xử lý đảm bảo tính răn đe đối với học sinh và sự đồng thuận của xã hội

Ngày 21/9, theo thông tin từ vov.vn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hoá đã có văn bản đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thị xã Nghi Sơn chỉ đạo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghi Sơn kiểm tra, xác minh sự việc, đồng thời phối hợp với các ban, ngành chức năng tại địa phương triển khai các biện pháp để xử lý vụ việc (nếu có) nhằm hạn chế tối đa hậu quả làm ảnh hưởng đến học sinh, gia đình và dư luận xã hội.

Trong công văn của Sở Giáo dục và Đào tạo Thanh Hóa: “Yêu cầu Hiệu trưởng nhà trường, giáo viên chủ nhiệm và các học sinh có liên quan đến sự việc nêu trên, làm bản tường trình, trên cơ sở đó phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiến hành các bước cần thiết để xem xét, xử lý vụ việc nêu trên đảm bảo tính răn đe đối với học sinh và sự đồng thuận của xã hội”.

Đồng thời: ““Đánh giá toàn diện công tác xây dựng trường học an toàn, công tác phòng chống xâm hại trẻ em tại đơn vị cũng như tại nhà trường (nơi em A theo học) theo các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Sở Giáo dục và Đào tạo; hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn tâm lý trong nhà trường khi vụ việc xảy ra trong thời gian dài”.

* Tài liệu tham khảo:

(1) https://vov.vn/phap-luat/cong-an-dieu-tra-vu-hoc-sinh-lop-9-o-thanh-hoa-mang-bau-780539.vov

(2) https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/bao-ve-xam-hai-nu-sinh-lop-7-roi-quay-clip-den-bao-gio-thoi-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-264838.html

(3) http://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=45843

(4) https://laodong.vn/thoi-su/17-co-quan-lam-cong-tac-bao-ve-tre-em-van-manh-ai-nay-lam-808150.ldo

Trần Phương