Nữ sinh gen Z tài sắc chia sẻ kinh nghiệm tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN

23/05/2023 06:31
Vân Ánh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để tham gia những chương trình quốc tế, Hải Đăng cho hay: “Kinh nghiệm lớn nhất của mình đó chính là phải thực sự hiểu mình và hiểu chương trình".

Trịnh Hải Đăng (sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) là đại biểu thanh niên của Việt Nam tham gia Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 được tổ chức tại Labuan Bajo, Indonesia vào ngày 9-11/5 vừa qua.

Vào ngày thứ hai của hội nghị, Hải Đăng vinh dự là một trong hai đại biểu thanh niên Việt Nam cùng những đại biểu thanh niên các nước trong khu vực ASEAN trình bày bản “Khuyến nghị Chính sách về chủ đề Phát triển kỹ thuật số vì mục tiêu phát triển bền vững”.

Trịnh Hải Đăng là đại biểu thanh niên trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trịnh Hải Đăng là đại biểu thanh niên trong Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về việc tham gia Hội nghị Cấp cao ASEAN, Hải Đăng cho biết: “Mình cảm thấy vô cùng hạnh phúc là được góp một phần sức của mình cũng như đại diện cho tiếng nói thanh niên Việt Nam vào bản Khuyến nghị chính sách tại Hội nghị. Khi được lắng nghe những chia sẻ từ các lãnh đạo quốc gia, mình cảm thấy rất vui, đặc biệt là việc vai trò của thanh niên được chú trọng nêu cao và được tham gia vào việc quyết định tương lai cộng đồng ASEAN - một điều mà trước đây mình nghĩ rất xa vời đối với một sinh viên bình thường như mình.

Mình nhận ra trọng trách của bản thân cũng như các bạn trẻ nói chung trở nên then chốt hơn bao giờ hết. Tiếng nói của thế hệ trẻ đã và đang được lắng nghe hơn bất kỳ lúc nào.

Thế hệ trẻ chúng ta cực kỳ quan trọng và có sức ảnh hưởng, đây chính là động lực to lớn để mình có thể tiếp tục phấn đấu, trau dồi kiến thức, phẩm chất, kỹ năng thật nhiều hơn nữa để có thể mang sức trẻ của mình đóng góp lại cho cộng đồng, mở rộng ra là cho quốc gia và khu vực - bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”.

Nói đến cơ duyên tham gia hội nghị, nữ sinh viên năm cuối Trường Đại học Khoa học và Nhân văn bộc bạch: “Để vinh dự trở thành đại biểu tại Hội nghị Cấp cao, mình luôn tìm tòi, nỗ lực tham gia từ những cuộc thi nhỏ đến những hội nghị quốc tế. Tháng 4, mình đã đăng ký ứng tham gia chương trình trình Đối thoại Thanh niên ASEAN (AYD) lần thứ II. Sau khi kết thúc chương trình mình được Uỷ ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam và Ban Quốc tế Trung ương Đoàn chọn và trở thành 1 trong 2 đại diện thanh niên Việt Nam tham dự Phiên tiếp kiến lãnh đạo các nước ASEAN ở Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 vừa rồi”.

Trịnh Hải Đăng hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trịnh Hải Đăng hiện là sinh viên năm 4 Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trước khi trở thành đại biểu thanh niên tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42, Trịnh Hải Đăng đã có những thành tích xuất sắc trong học tập như: giải Nhất tranh biện tiếng Anh tại “Diễn đàn Thanh niên với tư duy bền vững”, học bổng trao đổi sinh viên toàn phần TF-SCALE mùa VIII tại Singapore, giải “Verbal Commendation” tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN giả định lần V.

Nữ sinh đến từ Nghệ An còn rất tích cực đóng góp trong công tác Đoàn thanh niên - hội sinh viên, tham gia các hoạt động xã hội và đã được nhận bằng khen của Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào sinh viên năm học 2021 - 2022; nhận học bổng và tham gia chương trình đào tạo truyền thông sáng tạo cho Thủ lĩnh thanh niên Việt Nam - Green Move. Hải Đăng cũng là trưởng nhóm dự án đạt giải “Sáng kiến vì cộng đồng” trong cuộc thi “Innovation For Networked Security Policy” 2020...

Tính tới thời điểm hiện tại, Hải Đăng đã được chọn trở thành đại biểu đại diện cho thanh niên tham gia hơn 10 hội nghị, diễn đàn quốc tế, nhận được 4 học bổng trao đổi toàn phần, cùng các dự án phục vụ cộng đồng khác.

Hải Đăng từng là đại biểu tại Hội nghị ASEAN lần thứ III về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự tại Bangkok, Thái Lan

Hải Đăng từng là đại biểu tại Hội nghị ASEAN lần thứ III về Phòng chống tội phạm và Tư pháp hình sự tại Bangkok, Thái Lan

Để tham gia những chương trình quốc tế này, Hải Đăng cho hay: “Kinh nghiệm lớn nhất của mình đó chính là phải thực sự hiểu mình và hiểu chương trình. Hiểu mình là việc xác định được bản thân thật sự muốn làm những điều gì, niềm cảm hứng cá nhân là gì, mình có những thế mạnh nào để chú trọng phát huy làm nổi bật lên, cũng như phải biết những điểm hạn chế của mình để tìm cách cải thiện”.

Cô gái sinh năm 2001 cũng đặc biệt chú trọng đến 3 yếu tố là sự tự tin, chủ động và câu chuyện.

“Thứ nhất là sự tự tin. Để có được sự tự tin thì phải có được khối kiến thức vững vàng. Khi mình tin vào những gì bản thân nói là đúng, thì tự nhiên bản thân sẽ có được phong thái tự tin, cuốn hút hơn rất nhiều. Còn khi kiến thức chưa vững thì lời mình nói ra tới chính mình còn chưa chắc chắn 100% thì rất khó để thuyết phục được người khác”.

“Thứ hai là sự chủ động. Mình nghĩ rằng dù cá nhân hay tập thể thì khi tham dự các cuộc thi quốc tế thì không chỉ là hình ảnh cho bản thân, mà còn là hình ảnh của quốc gia. Do đó, người tham gia cần cố gắng làm sao để chủ động nhất có thể.

Chẳng hạn với bản thân mình, ở các phiên làm việc nhóm, mình mạnh dạn đứng lên điều phối và phân chia công việc cho các bạn thành viên còn lại, ở những phiên thảo luận, mình luôn ghi chú lại những ý mà diễn giả trình bày, sau đó đặt câu hỏi và phát biểu sôi nổi”.

Hải Đăng luôn mạnh dạn trình bày các ý tưởng của mình tại các diễn đàn thanh niên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)
Hải Đăng luôn mạnh dạn trình bày các ý tưởng của mình tại các diễn đàn thanh niên. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Thứ ba là câu chuyện. Mình tin mỗi người chúng ta đều có những câu chuyện riêng, và nếu như chúng ta có thể truyền tải những câu chuyện ấy đến người nghe thì sẽ giúp họ nhớ được mình rõ nét hơn, khơi dậy được sự đồng cảm lẫn nhau”.

Thêm vào đó, Hải Đăng cũng cho rằng không được xem nhẹ việc chuẩn bị hồ sơ để đăng ký các chương trình trong và ngoài nước.

Bởi lẽ những diễn đàn, hội nghị luôn cần rất nhiều rất giấy tờ cũng như thủ tục, nếu không chuẩn bị sẵn thì khi cơ hội vụt qua sẽ rất tiếc.

Tùy theo từng chương trình sẽ có các yêu cầu hồ sơ khác nhau, nhưng cụ thể thường có: Sơ yếu lý lịch, bảng điểm, thư động lực, thư giới thiệu, giấy tờ chứng minh năng lực ngoại ngữ, hộ chiếu.

Khác với bạn bè đều xin học bổng dài hạn tại các trường đại học nước ngoài, Hải Đăng lại mong muốn được trải nghiệm những kỳ trao đổi, du học ngắn hạn ở nhiều nước khác nhau. Nữ sinh mong muốn có nhiều thời gian để trải nghiệm đa dạng môi trường học tập cũng như các nền văn hóa.

Trong tương lai, Hải Đăng luôn muốn được hoạt động lâu dài trong lĩnh vực phục vụ cộng đồng hoặc lĩnh vực thúc đẩy tinh thần công dân tích cực.

Cụ thể, Hải Đăng muốn làm công việc hướng tới giúp đỡ các bạn trẻ từ 16 - 25 tuổi khai phá tiềm năng nội tại, phát triển bản thân tối ưu để đóng góp lại cho cộng đồng, nhất là những bạn trẻ có điều kiện khó khăn, không có xuất phát điểm thuận lợi.

Nữ sinh cũng yêu thích hoạt động trong việc khuyến khích các bạn trẻ theo lối sống thuần chay để bảo vệ động vật và môi trường.

Vân Ánh