Con có thể làm được mọi điều, bởi mẹ BUỘC con phải làm thế!

15/04/2011 10:25
“Bởi vì, mẹ sẽ BUỘC con phải làm thế, bằng mọi cách!” - Cách dạy con của một người mẹ Mỹ gốc Hoa đang làm nóng mọi diễn đàn.

Người mẹ này là Amy Chua - 49 tuổi, giảng viên trường Yale Law School (Mỹ). Cô đã tốt nghiệp ngành luật trường đại học Harvard, lấy chồng người nước ngoài và có hai cô con gái. Và đây là bài viết mới nhất của cô

“Rất nhiều người đã hỏi làm thế nào các bậc cha mẹ Trung Quốc có thể đào tạo nên những đứa con tài giỏi. Tôi có thể trả lời cho họ, bởi vì tôi sẽ chia sẻ những cách thức nuôi dạy con mình!

Những điều mà các cô con gái của tôi – Sophia và Louisa, không bao giờ được phép làm:

• Ngủ lang

• Tham gia các buổi tụ tập chơi đùa với các bạn

• Tham gia các buổi văn nghệ, ca nhạc ở trường

• Than phiền vì sao không được tham gia các buổi văn nghệ đó

• Xem TV và chơi game trên máy tính

• Tự chọn các hoạt động ngoại khóa

• Điểm số dưới A

• Không phải là học sinh số 1 ở lớp trong tất cả các môn học, ngoại trừ thể dục và kịch.

• Chơi nhạc cụ nào đó khác ngoài piano và viôlông

• Không chơi piano hoặc viôlông

Điểm khác biệt giữa cách nuôi dạy con của người phương Tây và Trung Quốc?

Đa số các cha mẹ Tây thường nghĩ rằng họ đã đủ nghiêm khắc với con cái, nhưng thực tế thì không hẳn vậy. Chẳng hạn, những người bạn châu Âu của tôi thường nhắc con của họ chơi nhạc 30 phút mỗi ngày, hoặc tối đa chỉ 1 giờ đồng hồ. Nhưng đối với một bà mẹ Trung Quốc, 1 giờ thì mới chỉ là bước dạo thôi, thông thường là 2 đến 3 giờ đồng hồ.

Có rất nhiều cuộc nghiên cứu đã chỉ ra nhiều điểm khác biệt trong việc nuôi dạy con của các bậc phụ huynh Trung Quốc và phụ huynh châu Âu. Nhiều bà mẹ phương Tây nghĩ rằng cha mẹ chỉ cần khuyến khích con học tập, giúp con nhìn thấy sự thích thú của việc học.

Nhưng đại đa số các bà mẹ Trung Quốc tin tưởng rằng con cái họ có thể là những học sinh ưu tú nhất, rằng “thành tích học tập cũng phản ánh việc nuôi dạy con”, và nếu đứa trẻ không đạt xuất sắc việc học ở trường thì cũng một phần do cha mẹ không hoàn thành nhiệm vụ!

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng các bậc cha mẹ Trung Quốc dành xấp xỉ 10 tiếng đồng hồ mỗi ngày để theo dõi sát sao việc học hành của con. Cũng thời gian như vậy, trẻ con Tây được tham gia các hoạt động ngoài trời và thể dục thể thao.

Cha mẹ Trung Quốc nghĩ rằng để giỏi một việc gì đó thì phải làm việc, trẻ con muốn giỏi thì phải học, và điều tất nhiên là rất ít đứa trẻ muốn học, đó là lý do vì sao việc ép buộc chúng học hành là một điều cực kỳ quan trọng. Điều này thường đòi hỏi rất nhiều công sức và sự kiên nhẫn. Khi đứa trẻ đạt được thành tích ở một lĩnh vực nào đó, bất kể là toán học, piano, vẽ, làm thơ hay múa thì sẽ được khen ngợi, điều này gây dựng lòng tự tin và khiến đứa trẻ phấn khích hơn.

Khi còn nhỏ, một lần, do mắc lỗi, tôi đã bị cha mình mắng thậm tệ. Và sau này, khi đã là một bà mẹ, tôi cũng mắng nhiếc con gái Sophia. Kể lại câu chuyện này trong một bữa tiệc, tôi đã ngay lập tức bị các bà mẹ khác (mẹ Tây) tẩy chay và nói rằng tôi không nên nói như vậy với con mình.

Các bà mẹ Trung Quốc có thể nói với con gái của mình rằng: “Này, con béo quá rồi đấy, giảm cân đi!”. Nhưng các bà mẹ phương Tây thì không như vậy, họ phải giải thích với con rằng thừa cân thì không tốt cho sức khỏe và tránh nói rằng con bị “béo”.

Cha mẹ Trung Quốc luôn muốn con đạt điểm loại A, bằng cách nói: “Con lười quá, thế là con chưa chăm, các bạn cùng lớp đều học giỏi hơn con kia kìa!”, còn cha mẹ phương Tây chỉ nói rằng: “Con hãy cố gắng hết sức nhé!” và dù con học thế nào thì họ cũng sẽ không thất vọng vì kết quả của con.

Tổng kết lại những ví dụ như thế, tôi nghĩ trong suy nghĩ của các bậc phụ huynh Trung Quốc và Âu Mỹ tồn tại 3 sự khác biệt lớn.

- Cha mẹ phương Tây cực kỳ quan tâm đến việc con cái họ nghĩ gì. Họ lo lắng các con sẽ cảm thấy thế nào nếu chúng bị thất bại một việc gì đó, và họ không ngừng cố gắng an ủi vỗ về con.

Ví dụ như, nếu một đứa trẻ về nhà với bài kiểm tra đạt điểm A- , một phụ huynh phương Tây rất có thể sẽ khen ngợi con. Một bà mẹ Trung Quốc thì không ngừng hỏi xem tại sao con lại không đạt điểm số cao hơn. Nếu một đứa trẻ về nhà với điểm B, các bậc phụ huynh phương Tây vẫn sẽ khen ngợi con, có thể cùng con ngồi xuống trao đổi về vấn đề học hành, hỏi xem con có vấn đề gì không ổn không, và tất nhiên, họ hiếm khi mắng con vì điều đó. Nếu tình hình học tập của con không cải thiện, rất có thể họ sẽ yêu cầu một cuộc gặp để trao đổi với thầy cô giáo của con.

Trong khi đó, cha mẹ Trung Quốc yêu cầu điểm số hoàn hảo ở con là bởi vì họ tin rằng đứa trẻ có thể làm được. Nếu không được như vậy, thì do đứa trẻ chưa chăm học. Họ cũng nghĩ rằng qua những lời mắng mỏ, bị phạt thì đứa trẻ sẽ cố gắng hơn để chứng tỏ là chúng có khả năng.

- Cha mẹ Trung Quốc nghĩ rằng họ đã hy sinh và làm rất nhiều cho con cái. Do đó, các con phải nghe lời cha mẹ và làm cha mẹ tự hào.

Tôi không giống các bà mẹ Trung Quốc ở điểm này. Tôi không nghĩ rằng trẻ em mắc nợ cha mẹ mình. Chồng tôi cũng vậy, anh có quan điểm rằng: “Trẻ con không chọn cha mẹ, chúng còn không chọn được việc có mặt trên đời. Cha mẹ đã sinh trẻ, vì vậy trách nhiệm của cha mẹ là chăm sóc nuôi nấng con. Trách nhiệm của con cái lại là dành cho con của chúng sau này.”

- Thứ ba, một điểm khác biệt là cha mẹ Trung Quốc tin rằng họ biết những gì là tốt nhất cho con của mình và áp đặt lên những mong muốn và sở thích của con họ. Do vậy, đa phần các thiếu nữ Trung Quốc không có bạn trai ở trường trung học và không được ngủ qua đêm ở nơi khác.

Đây là câu chuyện về con gái Louisa (tôi thường gọi là Lulu) khi con bé 7 tuổi, đang tập đàn bản “The Little White Donkey”.

Lulu tập không ngừng nghỉ suốt một tuần nhưng vẫn mắc lỗi sai. Cuối cùng, cô bé chán nản và muốn bỏ cuộc.

- Quay lại tập piano đi con. – Tôi nhắc nhở.

- Mẹ không thể ép buộc con. – Lulu gay gắt.

- Có đấy, mẹ có thể. – Tôi kiên quyết.

Tôi nghiêm khắc nói với con rằng nếu không hoàn thành bài tập đàn, con sẽ không được ăn tối, ăn trưa, không có quà sinh nhật và quà Giáng sinh. Trong thâm tâm tôi, con bé cứ luôn nghĩ rằng nó không làm được, thế thì làm sao mà nó có thể làm được. Tôi chỉ muốn con bé chăm chỉ và tự tin hơn.

Chồng tôi luôn phàn nàn về cách dạy con của tôi. Anh không muốn tôi cứ kêu ca phàn nàn về con, chồng tôi cho rằng đơn giản chỉ là con bé không có năng khiếu.

- Như thế là anh không tin vào khả năng của con. – Tôi tức giận.

- Tất nhiên anh tin con, nhưng anh không bắt ép con làm điều mà nó không muốn.

- Nhưng chị nó, Sophia đã chơi được bản này khi nó bằng tuổi Lulu bây giờ.

- Nhưng Lulu không phải là Sophia. – Chồng tôi kết thúc cuộc tranh luận và bỏ ra ngoài.

Khi tôi bắt đầu chán nản thì chính Lulu lại làm tôi ngạc nhiên. Con bé bắt đầu chơi bản nhạc đó trơn tru hơn và gần như không còn mắc lỗi. Sự tự tin dần trở lại trên khuôn mặt con tôi: “Mẹ ơi, xem này, con làm được rồi!”

Sau lần đó, chồng tôi chỉ cười.

Cha mẹ phương Tây lo lắng quá nhiều đến cảm xúc của con cái. Nhưng là một người mẹ, tôi nghĩ rằng một trong những điều không nên nhất lại chính là việc cha mẹ để cho con cái dễ dàng bỏ cuộc. Không gì tốt hơn việc xây dựng cho con lòng tự tin, dạy con rằng con có thể làm được điều mà con cứ nghĩ rằng con không thể.

Mọi ông bố bà mẹ đều muốn đem đến những điều tốt nhất cho con mình, chỉ là mỗi người có những cách khác nhau mà thôi.

Cha mẹ phương Tây cố gắng tôn trọng cá tính của con, động viên chúng theo đuổi ước mơ và niềm đam mê thực sự, ủng hộ sự lựa chọn của con. Còn cha mẹ Trung Quốc tin rằng cách tốt nhất để bảo vệ con cái là chuẩn bị cho chúng có một tương lai tươi sáng, cho con thấy rằng chúng có thể làm được gì, dạy cho con những kỹ năng, thói quen làm việc và sự tin mà không ai có thể lấy đi.

(Theo Lửa Ấm)