Khen con cũng phải biết cách

13/03/2012 12:00
Theo Eva.vn
Con ngộ nhận về khả năng, sống mơ mộng, thiếu thực tế là do cha mẹ quá 'tâng bốc' con.

Khen phản xạ

Thấy con gái 5 tuổi hào hứng mang bức tranh vừa vẽ đến khoe, đang bận làm, bạn chỉ liếc qua chiếu lệ nhưng vẫn ra sức xuýt xoa: “Đẹp lắm. Con gái mẹ giỏi quá”. Thậm chí, đôi khi hứng khởi, bạn còn tặng kèm thêm những lời khen ngợi mỹ miều khiến bé con cười tít mắt: “Con gái mẹ sau này có thể thành họa sỹ giỏi đấy”; “Tranh này mà thi khéo đạt giải con ạ”...
Vừa thấy cậu con trai mười tuổi khoe đạt điểm 10 toán, bạn không ngần ngại buông ngay những lời khen bóng bẩy: “Con giỏi quá”, “Con trai mẹ thông minh thật đấy”, “Xứng danh làm con nhà nòi lắm”...
Bạn khen con như một phản xạ tự nhiên mỗi khi bé có thành tích. Lần nào cũng như lần nào, thậm chí bạn khen khi còn chưa nhìn thấy việc bé làm mà mới chỉ nghe bé nói. Cũng giống như nhiều bà mẹ khác, bạn làm như vậy vì đơn giản nghĩ khen ngợi là để cổ vũ tinh thần con. Điều này không sai. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tâm lý việc khen ngợi quá nhiều lại gây phản tác dụng.

Lựa lời “tâng bốc”

Được khen ngợi khi làm việc tốt, hiển nhiên bé sẽ vui và cảm thấy được khích lệ. Tuy nhiên, việc bố mẹ khen quá lời lại khiến con trẻ trở nên lo lắng hơn. Đằng sau lời khen của mẹ, bé vui tức thì nhưng ngay sau đó sẽ nảy sinh lo lắng vì những gì bố mẹ mong chờ ở mình.
Đứng trước sự khen ngợi quá lời của mẹ, có bé lại âm thầm tìm cách đối phó: “Để mẹ luôn khen ngợi vẽ đẹp, cháu chỉ vẽ lại những bức tranh mà cháu từng được mẹ khen thôi. Nhỡ vẽ bức mới mẹ lại chê”. Mặt khác, khi bố mẹ khen quá lời, có thể trẻ cũng sẽ nghĩ thầm: “Mình đâu có giỏi như vậy được” và bé sẽ chẳng còn tin vào những gì bạn nói nữa.
Nhưng nguy hiểm nhất đối với việc khen quá nhiều là trẻ bắt đầu thể hiện chỉ để làm hài lòng bạn thay vì làm hài lòng bản thân. Trẻ bị thúc đẩy bởi những lời khen của bạn hơn là bởi khát vọng làm thật tốt hay niềm vui được làm việc đó.
Để bé cảm thấy mình đang được tán thưởng trước một việc làm hay một hành động tốt ví dụ như một bức vẽ chẳng hạn, bạn chỉ cần tỏ vẻ quan tâm đến thành quả lao động của con bằng những câu hỏi đơn giản như: “Chắc phải vất vả lắm con mới vẽ xong bức tranh này?”; “Bức tranh này con vẽ gì vậy?”; “Hãy nói thêm cho mẹ nghe về ý nghĩa bức tranh của con”…
Những câu hỏi như thế sẽ giúp trẻ tập trung vào cảm giác và suy nghĩ của bản thân thay vì chú ý vào thành tựu. Khi bạn nhấn mạnh vào quá trình chứ không phải vào kết quả, con bạn sẽ hiểu rằng nỗ lực mới là điều quan trọng.

Gợi ý con kể về thành tích:

Nếu muốn thốt lên một lời khen ngợi với bé con, bạn hãy gắng kìm chế và gợi ý để con kể về những gì bé đã làm và cảm giác của bé như thế nào trước việc vừa làm được.

Điểm nóng

"Bí quyết" đặt tên cho con

Chăm con tự kỷ

 Cha mẹ nên làm gì khi biết con sống thử?

 Chăm con kiểu Nhật

 Dạy giới tính cho con, khó hay dễ?

 Ngộ nghĩnh trẻ thơ


Theo Eva.vn