NXBGDVN có hành vi lạm dụng vị trí độc quyền, thống lĩnh thị trường

01/01/2023 06:28
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh.

Những lùm xùm về độc quyền sách giáo khoa gây bức xúc dư luận trong nhiều năm nay đã được Thanh tra Chính phủ xác định rõ trong thông báo kết luận thanh tra chuyên đề công tác quản lý nhà nước về giáo dục, đào tạo là có hành vi “lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường”. Điều này đã khiến phụ huynh phải mua sách với giá cao bất hợp lý.

Đối với sách giáo khoa biên soạn theo Nghị quyết số 40/2000/QH10 của Quốc hội, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (viết tắt Nhà xuất bản) là đơn vị duy nhất được tổ chức biên tập, thiết kế, chế bản, xuất bản, in và phát hành. Tuy nhiên, đơn vị này đã để xảy ra nhiều sai phạm, thiếu sót.

Theo kết luận, trước năm 2014 và từ năm 2014 đến nay, Nhà xuất bản chưa thực hiện xây dựng tiêu chí cụ thể để phân bổ cho từng mảng hoạt động, mà chỉ lựa chọn và thực hiện tiêu thức phân bổ các chi phí chung vào giá thành sách giáo khoa dựa trên tiêu thức tỷ lệ doanh thu;

Trụ sở Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: TTTĐ)

Trụ sở Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (Ảnh: TTTĐ)

Việc phân bổ chi phí chung không đúng tỷ lệ doanh thu của sách giáo khoa trên tổng doanh thu, đã làm tăng chi phí chung được phân bổ cho sách giáo khoa cao hơn so với số liệu thực tế số tiền 69.980,4 triệu đồng.

"Việc này đã khiến gia đình học sinh phải mua sách giáo khoa bằng giá Nhà xuất bản đã đăng ký từ năm 2011, cao hơn giá sách giáo khoa phải đăng ký đúng giá với số tiền 69.980,4 triệu đồng", trích kết luận.

Doanh nghiệp độc quyền, thống lĩnh thị trường

Thanh tra Chính phủ nhận định, Nhà xuất bản có hành vi lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền bị cấm theo quy định của Luật Cạnh tranh; xây dựng mức giá để đăng ký giá sai so với hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định (giá sách giáo khoa được Nhà xuất bản đăng ký giá từ năm 2011), có dấu hiệu vi phạm quy định trong lĩnh vực giá, quy định về đăng ký giá sách giáo khoa", kết luận nêu.

Do thời kỳ thanh tra từ 2014-2018, trong khi đó sách giáo khoa được Nhà xuất bản thực hiện đăng ký giá từ năm 2011 nên chưa xác định được cụ thể, chính xác số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá sách giáo khoa Nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay.

"Vì vậy, Nhà xuất bản nộp ngân sách nhà nước toàn bộ số tiền gia đình học sinh đã mua sách giáo khoa cao hơn giá sách giáo khoa mà Nhà xuất bản phải đăng ký đúng giá từ năm 2011 đến nay, ngay sau khi Bộ Tài chính ban hành kết luận thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa từ năm 2011 (trong đó có số tiền 85.167,5 triệu đồng trong thời kỳ thanh tra từ năm 2014 đến năm 2018, do Nhà xuất bản phân bố chi phí chung chưa đúng tỷ lệ doanh thu của sách giáo khoa, hạch toán không đúng thuế suất giá trị gia tăng đầu vào của 3 loại giấy in, tính thuế giá trị gia tăng đối với chi phí lãi vay chưa đúng quy định)", kết luận của Thanh tra Chính phủ nêu.

Theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ (tại Thông báo số 01/TB-VPCP ngày 14/01/2022 của Văn phòng Chính phủ) đã giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra về các yếu tố hình thành giá sách giáo khoa.

Kiến nghị

Trước những sai phạm của Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho chuyển thông tin 2 nội dung sang Bộ Công an để xem xét, xử lý theo quy định. Trong đó có việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa của Nhà xuất bản, có nhiều điểm bất thường, chưa bảo đảm công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Công ty TNHH MTV Nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam thực hiện:

Biên soạn sách giáo khoa mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hạn chế tối đa dạng bài tập điền, viết (điền khuyết, lựa chọn đúng/sai, cặp đôi, ...); có giải pháp rõ ràng, triệt để hạn chế tối đa việc học sinh có thể viết vào sách. Tuân thủ và điều chỉnh sách giáo khoa theo đúng ý kiến của Hội đồng Quốc gia thẩm định sách giáo khoa.

Xây dựng lộ trình (trong ngắn hạn) không thực hiện in sách giáo khoa theo hình thức giao in gia công, chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi (bao gồm cả giấy in sách giáo khoa), tiết kiệm chi phí sản xuất sách giáo khoa, chống độc quyền, thao túng giá đối với sách giáo khoa.

Trong thời gian chưa chuyển sang hình thức đấu thầu rộng rãi (bao gồm cả giấy in sách giáo khoa), yêu cầu Nhà xuất bản:

Thực hiện ngay việc lựa chọn nhà thầu cung cấp giấy in để sản xuất sách giáo khoa theo hình thức đấu thầu rộng rãi; đồng thời thực hiện ngay bổ sung đăng ký kinh doanh nhập khẩu giấy in hoặc tổ chức thực hiện ngay việc ủy thác nhập khẩu giấy in để giảm bớt chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa, chấn chỉnh công tác ký hợp đồng cung cấp giấy in chặt chẽ, đảm bảo đúng quy định.

Sử dụng giấy in đảm bảo đủ định lượng giấy in, độ trắng giấy in theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 8694:2011; Điều chỉnh định mức công in của Nhà xuất bản về đơn giá công in đối với một số nội dung công để giảm giá sách giáo khoa; Xác định nhu cầu sản xuất sát thực tế để giảm lượng hàng tồn kho (chủ yếu là giấy in), từ đó giảm chi phí lãi vay, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, tăng hiệu quả sử dụng vốn.

Thực hiện thu thập báo giá trang in thành phẩm của các nhà in, để xác định đơn giá từng trang in theo giá thị trường làm cơ sở xây dựng giá trần của gói thầu in sách giáo khoa; loại trừ thuế giá trị gia tăng đối với chi phí lãi vay trong giá trần của gói thầu in sách giáo khoa...

Nghiên cứu, phân tích, tính toán đồng thời làm việc với các đối tác để xác định, thống nhất giảm tỷ lệ chiết khấu, ban hành văn bản về tỷ lệ, điều kiện hưởng chiết khấu hàng năm để áp dụng giảm trừ giá bán khi ký kết hợp đồng mua bán sách giáo khoa, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành sách giáo khoa.

Điều chỉnh giảm tỷ lệ hưởng chiết khấu (hiện nay là 5% giá bìa) của Tổng công ty sách-Thiết bị giáo dục miền; Ban hành quyết định thay thế Quyết định số 415/QĐ- NXB ngày 27/4/2010 về quy trình và phân định công việc giữa Nhà xuất bản Giáo dục miền với các Tổng công ty sách- Thiết bị giáo dục miền.

Phân bổ chi phí chung đúng tỷ lệ doanh thu của sách giáo khoa trên tổng doanh thu, để giảm chi phí chung phân bổ cho sách giáo khoa đúng thực tế, giảm giá thành sách giáo khoa.

Điều chỉnh việc phân bổ các chi phí chung vào giá thành sách giáo khoa theo tiêu thức tỷ lệ doanh thu như hiện nay, sang phân bổ các chi phí chung vào giá thành sách giáo khoa theo tiêu thức tỷ lệ sử dụng vốn.

Thực hiện rà soát cơ cấu chi phí và giá thành, định mức, kế hoạch sản xuất kinh doanh, thực hiện tiết kiệm chi phí, thực hiện tái cấu trúc và nâng cao công tác quản trị doanh nghiệp... thực hiện đúng yêu cầu của Bộ GDĐT tại Văn bản số 566/BGDĐT-KHTC ngày 19/02/2019 và Văn bản số 1451/BGDĐT-KHTC ngày 08/4/2019. Từ đó, xác định lại và điều chỉnh giảm tỷ lệ tăng giá sách giáo khoa cũ, giá sách giáo khoa lớp 1 (mới) theo hướng tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý và chống độc quyền, thao túng giá đối với sách giáo khoa.

Mạnh Đoàn