Ở Hà Nội, khách hàng không bao giờ được coi là "thượng đế"

02/07/2012 13:30
Độc giả Nguyễn Xuân Trường
(GDVN) - "Ở nhiều phố trên đất Hà thành, chỉ cần khách động vào hàng và mặc cả hoặc mặc cả hay không mua là có thể bị chửi, đốt vía, thậm chí là cà khịa đánh nhau... Trong khi đó, ở Sài Gòn thì chẳng bao giờ có những chuyện như vậy xảy ra cả...", độc giả Nguyễn Xuân Trường chia sẻ.
Xung quanh thái độ phục vụ thiếu tôn trọng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng đối với khách hàng trong thời gian nói riêng và sự xuống cấp của văn hóa ứng xử nơi cộng cộng nói chung, tòa soạn báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã nhận được rất nhiều ý kiến khác nhau của độc giả.

Một trong số ý kiến đó là của độc giả Nguyễn Xuân Trường (Hà Nội). Để rộng đường dư luận, tòa soạn xin đăng tải toàn bộ nội dung bài viết này. Mời bạn đọc cùng theo dõi:

Câu chuyện về thái độ phục vụ thiếu tôn trọng, thậm chí có những hành vi hành hung khách hàng của nhân viên, chủ nhiều nhà hàng, cửa hàng không còn là điều gì quá mới mẻ cả. Bởi thực tế, báo chí và dư luận xã hội đã rất nhiều lần lên tiếng, thậm chí rất gay gắt về vấn đề này.
"Thượng đế" của chợ Ngã tư Sở có thể nghe chửi bất cứ lúc nào. Ảnh: Bee.net.vn
"Thượng đế" của chợ Ngã tư Sở có thể nghe chửi bất cứ lúc nào. Ảnh: Bee.net.vn
Từ thực tế, nhiều năm sinh sống, làm việc, mua sắm, ăn uống... ở hầu khắp các tuyến phố, khu chợ, nhà hàng trên đất Hà thành, một điều tôi rút ra và chắc chắn không ít người cũng nghĩ như vậy, đó là, ở Hà Nội này, quả thực khách hàng không bao giờ được coi là "thượng đế" cả.
Tại sao ư? Trước tiên, xin nói rằng, tôi đã được đi nhiều nơi từ trong nước đến ngoài nước nhưng thực sự phải nói rằng, chưa ở nơi đâu, tôi lại thấy thái độ phục vụ khách hàng tồi như ở đất Hà thành.  Nếu ai đó đã từng một lần ra bất cứ một khu chợ nào đó của Hà Nội để mua đồ sẽ thấy rõ những gì mà tôi đang than phiền.  Chẳng cần biết là khách vào mua gì, cần gì nhưng đã vào xem đồ mà không mua, lại còn có ý mặc cả thì y rằng ngoài việc bị đuổi thì sẽ được ăn không ít những câu mắng chửi rất khó nghe. Mới gần đây thôi, khi vào khu chợ chiều Ngã Tư Sở để mua một số món hàng, tôi và không ít người đã được một phen "hoảng hồn" khi được nghe những câu chửi hết sức tục tĩu, thô lỗ từ một người phụ nữ đã đứng tuổi bán quần áo dành tặng cho một cô sinh viên trẻ tuổi.  Hỏi ra mới biết nguyên nhân hết sức đơn giản, chỉ vì cô gái sau khi xem xong vài chiếc áo theo lời chào mời đon đả của chủ hàng đều không ưng ý đã gửi trả lại. Nhưng chủ hàng không đồng ý và yêu cầu phải mua vì "mới mở hàng", cô gái không đồng ý thế là bị nghe chửi. Chưa dừng lại tại đó, khi cô gái vẫn nhất quyết không mua hàng thì chủ hàng còn "hạ cẳng tay" mấy cái bạt tai liên tiếp vào mặt cô gái... Quá hoảng, cô gái vội vàng "ba chân bốn cẳng" chạy mất hút vào trong đám người đông đúc mặc cho bà chủ hàng vẫn không ngừng chửi rủa cùng mảnh giấy đang đốt dở để "xua vía xấu" trên tay. Cũng chính một người bạn của tôi, cách đây hơn 1 năm từ Sài Gòn ra Hà Nội đã được phen "kinh hãi" và bắt buộc phải mua một đôi dép với giá đắt gấp đôi bình thường để tránh những lời chửi rủa cùng không ít cái "phệt" bằng dép vào người từ một chủ hàng ở chợ Xanh. Câu nói của người chủ hàng mà đến giờ người bạn tôi vẫn thường nhắc lại như một nỗi ám ảnh: "...mày thích được là "thượng đế" thì về quê nhà mày mà mua còn vào chợ Xanh này, xem mà không mua, lại còn mặc cả thì biết tay bà...". Một trong những khu nổi tiếng "hung hãn với khách hàng" phải kể đến là khu vực chợ Đồng Xuân và một số khu phố xung quanh đó.  Dù đã nghe kể nhiều nhưng lần tôi và một người bạn trở thành "người trong cuộc" khi đến chợ Đồng Xuân mua hàng thì mới bắt đầu "phát hoảng". Sự việc xảy ra, cách đây chừng hơn một tháng, chúng tôi có vào một gian bán hàng khô để chọn mua, sau khi hỏi giá và mặc cả vì hàng chưa được chuẩn lắm thì chủ hàng bắt đầu cau có với những lời xỉa xói, rồi chửi bới, thậm chí đe dọa với lý do "chọn lâu, mua ít lại còn chê, mặc cả giá thấp..." Khi chúng tôi không đồng ý mua, thì người chủ hàng này còn mang hương, giấy ra đốt vía, rồi "văng ra" đủ những từ ngữ hết sức tục tĩu để đuổi chúng tôi đi. Không những vậy, khi vừa bước ra khỏi chợ, chúng tôi cũng chứng kiến ngay cảnh một người bán rong đang sa sả mắng, chửi thậm tệ một người khách nữ vì dám "mặc cả quá thấp một món hàng"... Trên các cửa hàng dọc không ít khu phố cổ cũng không khá hơn, cảnh khách hàng bị các chủ hàng "thanh lịch" xỉa xói bằng những ngôn từ miệt thị như "đồ nhà quê",..., rồi chửi bới, thậm chí túm tóc, đánh, tát... không phải là chuyện quá hiếm hoi và thực tế, báo chí cũng đã không ít lần phản ánh về thực trạng này.
Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong
Một quán bún được mệnh danh là "bún mắng" Hà Nội. Ảnh: Tiền Phong

Rồi những câu chuyện về các quán "bún mắng", "cháo chửi" "phở, bia xếp hàng", với những từ hết sức khó nghe của chủ hàng dành cho khách cũng đã làm lên một "tiếng xấu lưu danh" ở không ít cửa hàng tại Hà Nội như: Phở bò "xếp hàng" 49 Bát Đàn; Ốc "lắm mồm" Nam Đồng; Bún "chửi" Ngô Sĩ Liên; Bùn"quát" Cầu Gỗ; Cháo "mắng" Nhà thờ... Trên các khu phố, chợ đã vậy nhưng ở nhiều nhà hàng, kể cả có tiếng ở Hà Nội này cũng không khá hơn là mấy, cảnh các "thượng đế" dù mất tiền vẫn chịu bực mình, bức xúc với thái độ của nhân viên, chủ hàng phục vụ không còn là hiếm. Mới đây thôi, các vụ việc thể hiện thái độ cư xử coi thường, thậm chí là "dạy dỗ" khách hàng xảy của nhân viên, chủ nhà hàng My Way, rồi nhà hàng Sen Việt đã tiếp tục chứng minh cho điều đó... Trái ngược với cung cách mà tôi xin phép được dùng từ cao hơn là "văn hóa chửi" của các chủ hàng ở Hà Nội thì khi vào Sài Gòn, tôi thấy họ có một thái độ, văn hóa phục vụ rất lịch sự, chu đáo. Tôi đã đi không ít chợ, qua không ít cửa hàng ăn uống, tạp hóa ở Sài Gòn để mua sắm nhưng thực sự tôi chưa lần nào phải nghe một câu nói khó nghe từ chủ hàng dù tôi chỉ xem mà không mua hay mặc cả những món hàng... Ở nhiều nhà hàng khi tôi vào ăn, các nhân viên phục vụ rất ngọt ngào, chu đáo và tận tình. Họ cũng sẵn sàng xin lỗi và đền bù thiệt hại cho khách nếu như xảy ra sự cố.  Chính người bạn tôi từ Sài Gòn sau chuyến ra chơi và chứng kiến văn hóa "mắng chửi" ở Hà Nội khi trở về đã phải thốt lên rằng: "Văn hóa phục vụ của người Sài Gòn vẫn sẽ là niềm ước mơ của người Hà Nội mà thôi...". Và quả thực, như đã nói ở trên, từ những gì tôi đã nghe, đã tận mắt chứng kiến thì, tôi dám khẳng định lại một lần nữa rằng :"Ở Hà Nội này, khách hàng không bao giờ được coi là thượng đế cả"...*/ Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết về những dịch vụ và văn hóa ứng xử trên cả nước theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY
Độc giả Nguyễn Xuân Trường