Ở hai đầu “Công khai danh sách”

25/12/2020 06:54
Xuân Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chỉ khi nào “Dân biết” thì mới có thể nói tiếp đến chuyện “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Ngày 06/11/2020, Tạp chí Xây dựng Đảng (Xaydungdang.org.vn) đăng bài: “Bổ sung, đổi mới và vận hành một phương châm”, bài viết cho thấy cách nhìn toàn diện, khoa học, rất mới mẻ về những vấn đề khá cũ, đã được đề cập từ năm 1986 tại Đại hội lần thứ VI của Đảng. [1]

Vậy “những vấn đề khá cũ” đó là gì?

Bài báo [1] viết:

“Trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân với quan điểm xuyên suốt: nước lấy dân làm gốc. Để thêm "dân giám sát, dân hưởng thụ" là một quá trình hơn 30 năm đổi mới đất nước, được trải nghiệm, chứng minh qua thực tiễn cũng như đòi hỏi của cuộc sống của người dân, nay đã chín muồi”. [1]

Để hiểu vì sao đến nay phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” đã chín muồi cần phải quay về những năm 80 của thế kỷ trước, tại Đại hội VI của Đảng (diễn ra vào tháng 12/1986) đã đưa ra khẩu hiệu: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, Tại thời điểm này, bốn điều liên quan đến quyền của dân nêu trên mới chỉ được gọi là “khẩu hiệu” chứ không phải “phương châm”. [1]

Phải mất 10 năm, đến Đại hội lần thứ VIII “khẩu hiệu” mới được đổi thành “phương châm” và cũng từ đó xuất hiện hàng loạt câu hỏi:

“Dân được biết những gì? Dân được bàn việc gì bàn như thế nào? Dân được làm ra sao? Và dân được kiểm tra ai, kiểm tra gì, kiểm tra ở đâu?”. [1]

Chủ trương của Đảng là rất rõ ràng, muốn “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” thì điều đầu tiên phải là “dân biết”.

(Ảnh minh họa, nguồn: Thanhtravietnam.vn)

(Ảnh minh họa, nguồn: Thanhtravietnam.vn)

Quyền được biết của dân cho đến nay ra sao?

Theo đánh giá của bài viết đăng trên cơ quan ngôn luận của Đảng thì: “Đến nay, ở nhiều nơi, trong đó có cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, dân chủ vẫn còn hình thức, quần chúng, nhân dân không được biết những vấn đề, nội dung liên quan đến quyền lợi thiết thân của họ”. [1]

Phải chăng nhận định nêu trên Tạp chí Xây dựng Đảng xuất phát từ một số sự kiện, một số ý kiến đã được truyền thông phản ánh?

Hiện có hai luồng dư luận đề nghị công khai danh sách một số nhân sự với hai thái cực hoàn toàn đối lập.

Thứ nhất là công khai danh sách những người mua văn bằng 2 tiếng Anh của Đại học Đông Đô và sử dụng các văn bằng này vào việc hợp thức hóa hồ sơ theo học chương trình thạc sĩ, tiến sĩ hoặc bổ nhiệm vào các vị trí trong cơ quan nhà nước.

Thứ hai là công khai danh sách các vị được lựa chọn, giới thiệu tham gia Ban chấp hành trung ương khóa 13 trước khi đại hội chính thức khai mạc.

Rất nhiều ý kiến ủng hộ chuyện công khai danh sách những người mua bằng tiếng Anh của Đại học Đông Đô, tuy nhiên cũng có vài ý kiến cho rằng không có điều luật nào quy định chuyện này do đó cơ quan chức năng “phải thận trọng, phải đúng luật, phải nhân văn”,…

Đề xuất công khai danh sách các vị được lựa chọn, giới thiệu tham gia Ban chấp hành trung ương khóa 13 được nhiều tờ báo đăng tải, hầu hết đều dẫn ý kiến của ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam:

“Tôi đề nghị công khai, nếu có, đồng chí nào vào Trung ương khóa này thì nên công khai danh sách trước khi Đại hội để dân đóng góp ý kiến”. [2]

Ý kiến của ông Nguyễn Túc một mặt phản ánh nguyện vọng của người dân, mặt khác cũng bám sát tinh thần Dự thảo báo cáo chính trị của Ban chấp hành trung ương khóa 12.

Về vai trò của Nhân dân trong hệ thống chính trị, Dự thảo báo cáo chính trị trình đại hội XIII nêu rõ:

“Tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hoá, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ và phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Có hay không nhu cầu của Nhân dân được biết danh sách những cán bộ sẽ tham gia trung ương khóa 13 và sẽ là nhân sự chủ chốt trong toàn bộ hệ thống chính trị (Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ)?

Câu trả lời là có.

Vậy nhu cầu này có phải là “quyền lợi thiết thân” của nhân dân?

Câu trả lời tùy thuộc vào cách nhìn của người/cơ quan liên quan.

Quyền được biết những người dự kiến sẽ trở thành “công bộc của dân” có phải là một trong những điều “dân thụ hưởng” trong phương châm lãnh đạo của Đảng?

Câu trả lời là có.

Nếu xác định đó quả là “quyền lợi thiết thân” của người dân, là sự “thụ hưởng” không chỉ về mặt tinh thần thì việc công bố danh sách ứng viên Ban chấp hành trung ương trước khi bầu cử nên được cân nhắc.

Chỉ khi nào “Dân biết” thì mới có thể nói tiếp đến chuyện “dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Cũng có ý kiến cho rằng công bố trước có thể sẽ dẫn tới tình trạng thư nặc danh, tố cáo tràn lan gây mất uy tín cán bộ, điều này không sai nhưng đổi lại, đó chính là tiền đề để làm trong sạch bộ máy, thể hiện sự minh bạch của hệ thống chính trị.

Như nhận định nêu trong bài báo [1]:

“Thực chất, ở nhiều nơi, người dân không thể thực hiện được công tác kiểm tra theo phương châm của Đảng” lý do là vì “Trên địa bàn khu dân cư nhưng chính người dân ở đó nhiều khi cũng không được biết nói chi đến việc kiểm tra, giám sát?”.

Do thời gian đại hội đã cận kề, việc công khai danh sách có thể không đủ thời gian để nhân dân tìm hiểu hết, nhưng vẫn là một trong những tiêu chí để “Thể hiện quyền làm chủ của nhân dân trong công tác xây dựng Đảng và xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh”. [1]

Nếu phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” được thông qua tại Đại hội XIII thì bước tiếp theo là hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp cần vào cuộc, xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống với mục đích tối thượng là xây dựng một Nhà nước pháp quyền của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Thực tế cho thấy mọi quốc gia, mọi tổ chức chính trị và từng cá nhân đều có những bí mật không thể công khai hoặc chưa đến thời hạn giải mật, vấn đề là minh bạch những giới hạn không hoặc chưa thể công khai đó.

Ngay từ năm 1947, trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chủ tịch viết:

“Những đường lối, chính sách của Ðảng và Nhà nước ban hành hoàn toàn đúng, nhưng xuống đến các địa phương thì bị thực hiện sai lệch hoặc thực hiện không đến nơi đến chốn, đánh trống bỏ dùi”...

Không ít ý kiến cho rằng giữa lời nói và việc làm của một vài bộ phận trong hệ thống chính trị có khoảng cách khá xa và điều đó không chỉ diễn ra ở địa phương.

Đặt lời nói và việc làm lên hai đĩa chiếc cân trên tay nữ thần Công lý, khoảng cách giữa hai chiếc đĩa là không đáng kể, vấn đề là cân sẽ nghiêng về phí nào?

Thực hiện di huấn của Hồ Chủ tịch có phải là bằng hành động.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.xaydungdang.org.vn/Home/Dan-voi-dang/2020/14386/Bo-sung-doi-moi-va-van-hanh-mot-phuong-cham.aspx

[2]https://vov.vn/chinh-tri/cong-khai-danh-sach-trung-uong-khoa-xiii-de-nhan-dan-dong-gop-y-kien-825608.vov

Xuân Dương